Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Bình Dương: Xử lý rác để bảo vệ môi trường

Xử lý rác thải là nhu cầu không thể thiếu để phát triển đô thị, bảo vệ đời sống người dân trước bệnh tật, ổn định an sinh xã hội. Với tinh thần đó, Cty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị tái chế chuyên sâu hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải.
Rác sinh hoạt được sản xuất ra phân compost, NPK phục vụ cây trồng cho địa phương và các tỉnh lân cận. Nước rỉ rác được xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn loại A, rác công nghiệp, công nghiệp nguy hại chủ yếu là phối trộn để đốt như giẻ lau, bùn thải các nhà máy xử lý nước thải, cao su đế giày, rác, cặn sơn...
Sau khi đốt, xỉ tro được phối trộn vào bê tông tươi, gạch tự chèn, giải quyết triệt để rác sau khi xử lý thành những vật liệu xây dựng có ích như bê tông tươi, gạch tự chèn, gạch 4 lỗ...
Từ những nguồn rác thải tưởng chừng bỏ đi nhưng sau khi tái chế chúng lại trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống con người. Quan trọng hơn, tái chế rác là giải quyết được bài toán về ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng giám đốc Biwase cho biết mục tiêu của dự án là: Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu kinh tế trọng điểm Nam Bình Dương; Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế một cách toàn diện, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nước cùng các tài nguyên khác; Việc xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương để bảo vệ môi trường và con người của địa phương do những tác động nguy hại từ chất thải rắn đang tồn tại trong địa phương.
Một khu liên hợp xử lý chất thải với những kỹ thuật và công nghệ thích hợp đảm bảo an toàn về mặt môi trường và khả thi về mặt kinh tế được đã đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành đạt hiệu quả cao trong suốt quãng thời gian hoạt động của dự án.

Khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Được biết, khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đi vào hoạt động từ cuối 2004 chuyên vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại, đồng thời sản xuất phân compost phục vụ cây công nghiệp.
Dự án có tổng vốn đầu tư trên 16,6 triệu Euro do Biwase làm chủ đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Phần Lan (42,76%), còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Đến nay, 90% lượng rác đô thị, rác từ các khu công nghiệp và các cụm sản xuất trên địa bàn khu vực Nam Bình Dương được thu gom kịp thời chuyển khỏi khu vực phát sinh đưa đi xử lý ở nhà máy xử lý rác. Các đô thị trong chùm đô thị Nam Bình Dương về cơ bản được coi là chùm đô thị sạch do không còn bị ô nhiễm từ rác.
Nhà máy xử lý rác thải thành phân Compost công suất 420 tấn/ngày là dự án thành phần trong khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương được khởi công xây dựng tháng từ 12/2011 với tổng vốn đầu tư 6,7 triệu Euro.
Công trình chính thức đi vào hoạt động ngày 20/9 tới sẽ góp phần hoàn thiện các công đoạn khép kín trong Khu xử lý rác thải Nam Bình Dương để ngăn ngừa và tiến tới loại trừ tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các khu vực lân cận.
Nói về những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, ông Lê Văn Gòn, Phó tổng giám đốc Biwase chia sẻ: Trong quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một dự án có quy mô phức tạp. Do sử dụng vốn ODA Phần Lan nên mọi việc phải thông qua Đại sứ quán nhưng ngôn ngữ khác biệt vì vậy Đại sứ phải thuê tư vấn Phần Lan thẩm tra mới trả lời.
Hơn nữa, quy trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ở 2 quốc gia cũng khác nhau nên mất thời gian để hiểu nhau. Từ đó dẫn đến dự án triển khai chậm, kinh phí dự án phải điều chỉnh nhiều lần do chênh lệch tỷ giá.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, tinh thần ham học hỏi sáng tạo trên cơ sở luật pháp Biwase đã nỗ lực hoàn thành dự án, đảm bảo tiến độ đề ra và kết quả dự án đã hoàn thành phát huy hiệu quả.
Để thực hiện được một dây chuyền khép kín trong việc xử lý tái chế rác thải, đội ngũ CBCNV khu liên hợp được đào tạo bài bản, cùng trang thiết bị máy móc phù hợp nên công tác sản xuất luôn ổn định và hiệu suất cao.
Khuôn viên khu xử lý rác được quy hoạch hợp lý từng khu chức năng khang trang sạch đẹp, đúng nghĩa là khu liên hợp tái chế rác. Mùi phát sinh trong khu liên hợp không đáng kể, tất cả xe vận chuyển rác ra khỏi khu liên hợp đều phải rửa sạch, đây là điều bắt buộc. Bằng những việc làm có trách nhiệm với môi trường nên Khu xử lý chất thải Nam Bình Dương đã nhận được nhiều lời ngợi khen.

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Nước ngầm Hà Nội 'nhiễm thạch tín' lên báo nước ngoài

Thạch tín (Asenic) đã thâm nhập vào nước ngầm vốn được sử dụng làm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người Hà Nội, AFP dẫn nghiên cứu khoa học cho biết và cảnh báo, hiện tượng này còn xảy ra ở những nơi khác.

Nhiều hộ dân ở Hà Nội đang sử dụng nước nhiễm thạch tín. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
Nhiều hộ dân ở Hà Nội đang sử dụng nước nhiễm thạch tín. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
AFP dẫn nghiên cứu công bố trên Nature cho biết, nhóm khoa học thực hiện nhiều thử nghiệm quanh làng Vạn Phúc, Hà Đông, cách 10 km về phía đông nam trung tâm Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia đã đo mẫu nước lấy từ các giếng nhà hộ dân ở khoảng 40 m, và thấy nồng độ nhiễm thạch tín khá cao.
Phía tây làng Vạn Phúc, các giếng nước có nồng độ thạch tín dưới 10 microgram trong một lít nước, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Còn ở phía đông của làng, nồng độ thạch tín cao gấp 10 đến 50 lần.
Từ cuộc điều tra, nhóm khoa học nhận định, ở Vạn Phúc có hai tầng nước. Một tầng nằm trong lớp trầm tích từ khoảng 5.000 năm và nhiễm thạch tín cao. Một tầng nước an toàn khác có khoảng 12.000 năm tuổi. Nhu cầu sử dụng nước của Hà Nội ngày càng tăng cao dẫn đến tầng nước an toàn này bị khai thác quá mức khiến nước từ tầng nhiễm thạch tín và từ sông Hồng chảy vào.
Theo nhóm nghiên cứu nước nhiễm thạch tín đã tăng khoảng 120 m vào tầng nước an toàn. "Cũng may là nó không lan nhanh như chúng tôi lo sợ", giáo sư Alexander van Geen, tại ĐH Columbia ở New York (Mỹ) nói.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, người Hà Nội không nên quá lo về sức khỏe bởi nước ngầm trước khi đến từng hộ gia đình đã qua xử lý. Điều các nhà khoa học lo lắng là những hộ dân sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng nhiễm độc. 
Bà Phạm Thị Kim Trang (Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đã có một số chương trình hỗ trợ khu vực Vạn Phúc khắc phục hiện trạng trên. "Tuy nhiên nếu mọi người trong thành phố tiếp tục khai thác nước ngầm nhiều, thì thời gian tới, vấn đề thạch tín sẽ trở nên nghiêm trọng hơn", AFP dẫn lời bà Trang nói trong thông cáo báo chí.
Bà Trang cũng lưu ý rằng, việc mở rộng để phát triển các vùng ngoại ô thành phố khiến nhiều người đào giếng và sử dụng nước chưa qua xử lý.
Năm ngoái, giáo sư Trần Hồng Côn (khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cùng các đồng nghiệp công bố "bản đồ" mức độ nhiễm thạch tín trong nước ngầm và nước sinh hoạt Hà Nội từ năm 1998. Kết quả cho thấy, khoảng 30% số điểm giếng khảo sát có mức độ nhiễm thạch tín trên 0,05mg/lít, 50% mẫu nước vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít. 
Đối với nước cấp, tức là nước ngầm đã qua xử lý tại các nhà máy nước, sau khi lấy hàng nghìn mẫu từ các nhà máy Hạ Đình, Pháp Vân, Yên Phụ, xét nghiệm đều có lượng asen vượt mức cho phép tương đối rõ, cao hơn tỷ lệ 0,01mg/lít.
Giới chuyên gia cảnh báo, thạch tín ở nồng độ cao có thể gây ra các chứng bệnh về tim mạch, gan, thận cũng như ung thư.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Tiêu chuẩn thử áp lực đường ống nước ngoài hiện trường

03/09/2013 21:49
Trong tiêu chuẩn nghiệm thu của hệ thống cấp thoát nước có quy định là: Trước khi nghiệm thu toàn tuyến ống bắt buộc phải thử áp lực đường ống. Tuy nhiên trong thực tế hiện tại chưa thấy một tiêu chuẩn nào quy định về “Thử áp lực đường ống nước ngoài hiện trường”. Hiện tại các đơn vị thi công thường thử áp lực tuyến ống theo mỗi nơi một cách mà không có tiêu chuẩn để áp dụng.
Việc thử áp lực đường ống cấp thoát nước trước khi nghiệm thu đã được quy định tại các tiêu chuẩn sau:
1. Tiêu chuẩn TCVN 4519-1988: “Hệ thống cấp thoát nước bên trong nhà và công trình - Quy phạm thi công và nghiệm thu” quy định việc thử và nghiệm thu tại Phần 4 của tiêu chuẩn này.
2. Tiêu chuẩn TCVN 2942-1993: “ống và phụ tùng bằng ngang dùng cho hệ thống dẫn chính chịu áp lực” quy định phương pháp thử tại Phần 4 của tiêu chuẩn này.