Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012


Sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung: Nhiều gian nan

11/04/2012 10:39
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc Phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định 567 và Chương trình 567), sau gần hai năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần tháo gỡ.

Ảnh minh họa
Thực trạng sản xuất VLXKN
Theo thống kê, từ đầu năm 2010 đến nay, các dây chuyền sản xuất gạch xi măng - cốt liệu với quy mô công suất nhỏ vẫn phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Một số DN đã đầu tư nghiên cứu công nghệ, thiết bị mới để sản xuất gạch xi măng - cốt liệu với công suất từ 10 - 60 triệu viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm. Thiết bị chính của dây chuyền sản xuất phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc, phần còn lại gia công trong nước. Hiện nay trên toàn quốc đã đầu tư khoảng hơn 1 nghìn dây chuyền có công suất dưới 7 triệu viên/năm và khoảng 50 dây chuyền có công suất từ 7 - 60 triệu viên/năm. Tổng công suất sản xuất khoảng trên 3 tỷ viên/năm. Tổng giá trị đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An... có nguồn nguyên liệu dồi dào như đá mạt, xỉ lò, tro bay đã sản xuất gạch xi măng - cốt liệu với nhiều quy mô công suất khác nhau. Nhiều DN đã đi sâu nghiên cứu công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận nên các DN này sản xuất đạt công suất thiết kế. Sản lượng sản xuất năm 2011 ước đạt 2,8 tỷ viên QTC. Một số DN có thuận lợi về nguyên liệu, gần thị trường tiêu thụ, sản phẩm làm ra có giá thành hạ tiêu thụ tương đối tốt. Năm 2011, gạch xi măng - cốt liệu tiêu thụ được khoảng 85 - 90% sản lượng sản xuất.
Đối với gạch bê tông khí chưng áp, trên toàn quốc đã có 22 DN lập dự án đầu tư sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất thiết kế 3,8 triệu m3/năm. Trong đó có 9 dự án với tổng công suất 1,5 triệu m3/năm (tương đương 945 triệu viên QTC/năm) đã đi vào sản xuất. 13 dự án còn lại với tổng công suất 2,3 triệu m3 (tương đương 1,45 tỷ viên QTC/năm) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và lắp đặt thiết bị. Dự kiến các dự án này đi vào sản xuất năm 2012. Giá trị đầu tư 9 dây chuyền khoảng 650 tỷ đồng và 13 dây chuyền tiếp theo khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, có 9 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp đã đi vào sản xuất. Các dây chuyền sản xuất hầu hết chỉ đạt 20 - 30% công suất thiết kế. Chỉ có 1 dây chuyền đạt gần 50% công suất thiết kế (tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Năm 2011, tổng sản lượng của các dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp đạt khoảng 0,4 triệu m3. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vật liệu xây không nung nhẹ rất khó khăn. Đa số các DN chỉ tiêu thụ được 45 - 55% sản lượng. Một số DN không tiêu thụ được nên đã phải dừng sản xuất. Năm 2011, tổng sản lượng tiêu thụ của 9 DN chỉ đạt khoảng 0,2 triệu m3.
Đối với gạch bê tông bọt, tính đến nay đã có 17 cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt với công suất mỗi dây chuyền từ 4 - 12 nghìn m3/năm. Tổng công suất của những cơ sở này, nếu chỉ sản xuất 1 ca/ngày đạt trên 190 nghìn m3 tương đương 120 triệu viên QTC/năm. Nếu công suất tính theo 2 ca sản xuất thì sản lượng sẽ đạt 380 nghìn m3 tương đương 240 triệu viên QTC/năm. Giá trị đầu tư cho 17 dây chuyền khoảng 120 tỷ đồng. Trong số đó có DN đã đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông bọt công suất 70 nghìn m3/năm với công nghệ và thiết bị của Liên bang Nga. Các dây chuyền sản xuất hầu hết chỉ đạt 40 - 50% công suất thiết kế. Năm 2011, tổng sản lượng các dây chuyền sản xuất bê tông bọt đạt khoảng 0,1 triệu m3.
Còn nhiều khó khăn
Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung, đặc biệt là loại vật liệu xây không nung nhẹ đang gặp nhiều khó khăn. Các dây chuyền sản xuất gạch bê tông nhẹ mới chỉ được khai thác với một tỷ lệ rất thấp. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của những khó khăn trên là do: Các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung chậm được ban hành, nên các DN đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Những quy định sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư phải sử dụng vật liệu xây không nung. Các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, hướng dẫn thi công và nghiệm thu khối xây, định mức kinh tế kỹ thuật với khối xây khi sử dụng vật liệu xây không nung ban hành chậm (cuối năm 2011 mới ban hành).
Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ; chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm vật liệu xây không nung nói chung và gạch bê tông nhẹ nói riêng. Các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm trong tiếp nhận công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất. Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo. Các nhà máy vừa sản xuất vừa phải điều chỉnh thiết bị nên sản xuất chưa ổn định; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, tỷ lệ thu hồi thấp. Công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm của các DN còn hạn chế, chưa nêu bật được những tính năng vượt trội của vật liệu xây không nung loại nhẹ nói riêng và vật liệu xây không nung nói chung.
Mặt khác, các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời vào thời điểm thị trường xây dựng trầm lắng do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, Nhà nước ta đang áp dụng các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công dẫn đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng giảm đáng kể.
Một trong những nguyên nhân cũng được nhắc đến là tình hình sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên phạm vi toàn quốc vẫn diễn ra phổ biến. Việc xoá bỏ lò thủ công sản xuất gạch đất sét nung tại nhiều địa phương chưa đạt kết quả. Theo số liệu thống kê sản lượng gạch đất sét nung ước tính năm 2011 đạt khoảng 20,9 tỷ viên, chiếm 83,7% vật liệu xây, trong đó gạch sản xuất bằng lò thủ công chiếm 35 - 40%. Các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, đặc biệt là sản xuất bằng phương pháp thủ công hầu như không đóng thuế tài nguyên. Những nơi có đóng thuế tài nguyên đất sét thì con số cũng rất nhỏ, vì hiện nay thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét làm gạch chỉ ở mức 7%. Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung cũng đang ở mức thấp (1,5 - 2 nghìn đ/m3), nhưng thu cũng chưa triệt để.
Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả Chương trình 567, Nhà nước cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.