Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013


Các dòng cung cấp nguồn nước ngọt bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng (tiếp theo)

Đi thuyền dọc 3 dòng sông nước ngọt quý giá của thành phố, nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến hai bên bờ các sông Rế, sông Giá và sông Đa Độ đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đơn giản thì trồng cây, tạo vườn, dựng lều, quán bán hàng, phức tạp thì lấp sông, mở rộng mặt bằng, đổ móng xây nhà kiên cố, lập xưởng sản xuất.
Đua nhau lấn sông
Đi “thị sát” dọc tuyến sông Đa Độ, chúng tôi chứng kiến hai bên bờ sông san sát công trình nhà ở, công trình phụ, xưởng sản xuất, ruộng lúa, vườn cây được làm ra sát mép sông. Nhiều nơi, người dân làm cả quán bán hàng, rửa xe, chòi nuôi trồng thủy sản nổi trên mặt nước…Ông Đoàn Quang Bình, ở xã Tân Phong (Kiến Thụy) cho biết: “Do hai bên sông Đa Độ đi qua địa bàn xã có nhiều nhà dân ngang nhiên lấn chiếm bờ sông để xây dựng chuồng trại, công trình phụ, nên nước sông không thể vào kênh T6 dẫn nước cung cấp cho vài trăm ha ruộng. Hiện bèo tây phủ kín mặt kênh dòng chảy bị thu hẹp. Chúng tôi lấy cây sào chọc thử xuống sông nhưng không được vì bèo tây không tiêu thoát, rễ và lá tầng tầng, lớp lớp ken đặc lên nhau hơn chục năm nay. Vì thế, ở đây cứ mưa xuống là ngập lụt, nắng nóng thì khô hạn. Nhiều người làm cả quán bán hàng và quán rửa xe nổi trên mặt nước…”.
Ông Nguyễn Văn Chọn, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: “Qua khảo sát và thống kê mới đây của công ty, dọc hai bên bờ Đa Độ hiện có hơn 500 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Thủy nông. Một số khu vực vi phạm nhiều và tập trung như ở huyện An Lão - đoạn từ Cầu Nguyệt đến thôn Trung Trang (xã Bát Trang) hiện có tới hơn 150 điểm vi phạm hành lang bảo vệ các công trình kênh trục chính Đa Độ. Đoạn từ Cầu Nguyệt đến cống Cổ Tiểu (thuộc địa bàn huyện Kiến Thụy) cũng có gần 20 điểm vi phạm. Các địa phương có sông Đa Độ chảy qua đều xuất hiện tình trạng công trình xâm lấn hai bên bờ. Trên hệ thống Đa Độ có 6 dạng vi phạm gồm: tập thể, hộ cá nhân khoanh ao đầm NTTS thuộc hành lang bảo vệ công trình; trồng cây lâu năm, cây ăn quả trên bờ kênh, san bờ kênh cấy lúa, trồng rau; xây dựng cầu qua kênh không bảo đảm khẩu độ và cao trình đáy; làm đường, ngõ lấn chiếm lòng kênh; các nghĩa trang mai táng sát bờ sông…Bước đầu, công ty thống kê có 31.490 m2 đất hai bên bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, lán trại; trong đó có hiện tượng cấp đất làm nhà tạm, nhà xây kiên cố trong phạm vi bảo vệ công trình. Gần 280 nghìn m2 đất hai bên bờ bị san lấp thành vườn và ruộng cấy lúa; 492.744 m2 đất và mặt nước bị lấn chiếm để làm ao, đầm nuôi trồng thủy sản, trong đó có chỗ đã lấn tớigần nửa lòng sông”…
Hệ thống sông Rế (An Dương) cũng đang bị lấn chiếm. Hai bên bờ cả tuyến sông dài hơn 10 km (tính từ đập Cái Tắt đến đoạn giáp huyện Kim Thành - Hải Dương) có hàng chục điểm  đang bị lấn chiếm hành lang bảo vệ, lấn chiếm lòng sông…để xây nhà kiên cố, bán kiên cố, làm trang trại chăn nuôi và có cả những nghĩa trang “mọc” ngay sát bờ sông…Do hệ thống công trình đi qua nhiều khu dân cư, địa bàn ven đô, đường giao thông, tình trạng lấn chiếm công trình diễn ra thường xuyên, có những vụ hết sức nghiêm trọng. Số vụ vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ công trình thủy lợi tăng dần qua các năm. Năm 2008, Công ty lập biên bản đình chỉ 90 vụ vi phạm, năm 2009: 113 vụ vi phạm; năm 2010: 156 vụ vi phạm; năm 2011: 199 vụ vi phạm; năm 2012: 153 vụ vi phạm. Từ tháng 1-2013 đến nay, công ty lập biên bản 23 trường hợp lấn chiếm hai bên bờ.
Theo ông Đào Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên, số vụ vi phạm hai bên bờ của hệ thống sông Giá cũng gia tăng từng ngày. Từ tháng 11- 2011 đến nay, trên hệ thống sông Giá phát sinh mới 17 trường hợp lấn chiếm đất công trình thủy lợi. Ngoài ra, hai bên bờ kênh Hòn Ngọc (thuộc hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên) tồn tại hàng chục trường hợp lấn chiếm hành lang thủy nông.
Chính quyền buông lỏng quản lý
Tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm đất hai bên bờ sông ngày càng phổ biến và gia tăng với mức độ nghiêm trọng do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí có nơi còn hợp thức hóa đất lấn chiếm của người dân. Chẳng hạn như tại khu vực cầu Rế thuộc thị trấn An Dương (huyện An Dương), một số doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng phương tiện “xẻ thịt” bờ sông để cải tạo thành khu du lịch sinh thái ven sông. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp này đều có giấy phép “hợp pháp”. Nhiều trường hợp vi phạm khó xử lý do có giấy tờ hợp pháp của cơ quan chức năng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất. Thậm chí, một số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích dưới lòng sông. Theo thống kê sơ bộ của Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi An Hải, có khoảng 13 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất ven sông. Trong đó, có trường hợp được cấp "sổ đỏ" bề mặt sông  khoảng 4m!
Tại huyện Kiến Thụy, tháng 3-2008, UBND huyện và UBND 10 xã của huyện ký biên bản bàn giao hệ thống mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường thủy sông Đa Độ cho Công ty Bảo đảm giao thông đường thủy. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, UBND huyện Kiến Thụy quy hoạch 876m2 đất thuộc địa bàn thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, trong đó có hơn 660m2 là diện tích mặt nước sông Đa Độ, để cấp cho các hộ dân vào mục đích sử dụng làm nhà ở. Sau đó, huyện còn cấp sổ đỏ cho 4 hộ dân. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mặt nước, các hộ dân nhanh chóng lấp sông, tạo mặt bằng để xây dựng nhà. Đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện nguồn gốc diện tích đất được cấp cho 4 hộ trên là do UBND xã Đại Đồng giao cho ông Hoàng Văn Toàn, là Chủ nhiệm HTX Thành Công từ năm 1994- với tổng diện tích 3.300m2. Sau đó, ông Toàn chia làm 19 lô bán cho 19 hộ. 15 hộ trong số này được UBND huyện Kiến Thụy cấp sổ đỏ năm 2003.
Khi triển khai dự án nâng cấp cải tạo hệ thống kênh Hòn Ngọc, thuộc hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên, Ban quản lý dự án và PTNT Hải Phòng “ toát mồ hôi” vì rà soát nguồn gốc đất để tính toán đền bù giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng kéo dài tới mấy năm chỉ vì trên một diện tích nhỏ, có hộ đất tự lấn chiếm, có hộ được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ, có doanh nghiệp được cấp giấy phép cho thuê đất của cơ quan chức năng. Mặt bằng thuộc hành lang bảo vệ của hệ thống thủy nông, nhưng chủ đầu tư lại mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí lớn cho việc kiểm kê, tính toán đền bù cho các hộ dân vi phạm Pháp lệnh Thủy nông.

Các dòng cung cấp nguồn nước ngọt bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng

Để cứu sông, các công ty quản lý, khai thác thủy nông và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Song, do những bất cập trong quản lý hai bên bờ, việc triển khai các giải pháp “cứu sông” này gặp nhiều khó khăn
Nỗ lực “cứu sông”
Để bảo vệ hệ thống sông Đa Độ, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ xây dựng dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sạch sông Đa Độ giai đoạn 2013-2015. Trong đó, công ty xây dựng cụ thể 3 dự án ngăn chặn tình trạng ô nhiễm sông tại khu vực quận Kiến An, huyện An Lão và khu vực quận Dương Kinh- huyện Kiến Thụy- quận Đồ Sơn. Cùng với đó, công ty cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi tại khu vực sông Cốc và cống Cổ Tiểu. Trong 2 năm 2011- 2012, công ty phối hợp với các huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Dương Kinh giải tỏa cây cối hai bên hành lang bảo vệ sông Đa Độ tại 19/25 xã, phường. Trong năm 2013, công ty tiếp tục giải tỏa tại 7 xã, phường còn lại của các địa phương có sông Đa Độ đi qua.
Theo ông Trần Quang Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải, xuất phát từ yêu cầu cấp bách về công tác bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước, năm 2007, công ty thành lập Tổ quản lý, bảo vệ công trình trực thuộc Phòng quản lý nước và Công trình chuyên kiểm tra, lập biên bản đình chỉ các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Thủy nông. Năm 2008, tổ quản lý, bảo vệ công trình được chuyển thành Đội quản lý, bảo vệ công trình biên chế 15 công nhân lao động. Tính trung bình, mỗi tháng Đội xử lý 30-35 vụ vi phạm Pháp lệnh Thủy nông. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với các địa phương triển khai dự án bảo vệ nguồn nước nhà máy nước Vật Cách tại xã Tân Tiến, chuyển toàn bộ nước thải từ khu vực Công ty may Hồ Gươm và xã Tân Tiến, An Hưng về hạ lưu nhà máy nước Vật Cách ra cống Song Mai; kè hai bên kênh dẫn nước thô tại khu vực nhà máy nước Quán Vĩnh, Vật Cách, khu vực cầu Rế…
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên cũng thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, phát hiện các trường hợp lấn chiếm, xả thải xuống công trình thủy lợi; thay nước trong toàn bộ hệ thống. Hiện công ty đề nghị thành phố cho lập dự án cải tạo, nâng cấp sông Giá với lộ trình cụ thể.

Sau khi giải tỏa cây trồng hai bên hành lang bảo vệ sông Đa Độ, Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác thủy lợi Đa Độ xây dựng kè bảo vệ.
Sau khi giải tỏa cây trồng hai bên hành lang bảo vệ sông Đa Độ, Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác thủy lợi Đa Độ xây dựng kè bảo vệ.

Khó trăm bề
Ông Đào Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên cho biết: “Việc triển khai các đề án, giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước gặp nhiều khó khăn do quản lý chồng chéo. Bên cạnh đó, số lượng công trình được cấp phép, chưa cấp phép khai thác tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước nhiều, phạm vi phân bổ rộng, nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước còn hạn chế. Quan trọng hơn, việc cấp phép xả thải vào nguồn nước và quy hoạch sử dụng 2 bên bờ sông Giá, công ty không nắm được nên việc quản lý nằm ngoài tầm với. Công ty được biết đang có 2 dự án được quy hoạch ven bờ sông Giá đó là Khu dự trữ thể thao dưới nước (thị trấn Minh Đức) và dự án khu nghỉ dưỡng ở cầu sông Giá. Mỗi dự án được phê duyệt đầu tư đều có đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải...nhưng thực tế có vận hành không thì lại là chuyện khác. Chẳng hạn như trường hợp sân gôn sông Giá. Theo báo cáo, sân gôn có xây dựng thiết bị lọc trước khi thải ra sông nhưng từ khi hoạt động đến nay, công ty mới được 1 lần vào kiểm tra hệ thống này.
Theo ông Nguyễn Văn Chọn, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, việc triển khai 3 dự án ngăn chặn tình trạng ô nhiễm sông tại khu vực quận Kiến An, huyện An Lão và khu vực quận Dương Kinh- huyện Kiến Thụy- quận Đồ Sơn sẽ khó thực hiện vì thiếu kinh phí. Cùng với đó là khó khăn trong xử lý việc các doanh nghiệp, đơn vị, khu dân cư đang xả thải ra sông Đa Độ. Việc giải tỏa giai đoạn 2 về nhà cửa, vật kiến trúc lấn chiếm hành lang sông sẽ gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, công ty thông báo giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang thủy nông Đa Độ tại xã Thuận Thiên, Hữu Bằng (Kiến Thụy) và các xã ở huyện An Lão, quận Dương Kinh, nhưng phần lớn các hộ kiến nghị phải hỗ trợ đền bù, GPMB, việc tự tháo dỡ, di dời là khó khăn. Lý do bà con đưa ra là họ khai thác đất ven sông Đa Độ từ những năm 80, trước thời điểm công ty và địa phương cắm mốc giới bảo vệ, đầu tư nhiều công sức, tiền của để cải tạo thành trang trại, đầm nuôi trồng thủy sản. Đơn vị còn gặp khó khăn khi xử lý các cá nhân, doanh nghiệp được các địa phương cấp đất xây dựng nhà xưởng, nhà ở, làm vườn, trang trại, nuôi trồng thủy sản; khó khăn xác định cụ thể tình trạng lấn chiếm hành lang thủy lợi từ các hộ dân, đơn vị.
Dù đã mạnh tay trong xử lý vi phạm hai bên bờ sông, nhưng hiện Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải gặp khó khăn vì xử lý không dứt điểm. Công ty chỉ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, không có thẩm quyền xử phạt, trong khi các địa phương có quyền xử lý phạt hành chính lại thiếu sự hợp tác. Nhiều trường hợp vi phạm khó xử lý do có giấy tờ hợp pháp của cơ quan chức năng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất. Các dự án kè bờ nâng cấp sông bảo vệ nguồn nước thô hiện cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.
   

Các dòng cung cấp nguồn nước ngọt bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng (tiếp theo)

Không chỉ bị lấn chiếm, các dòng sông nước ngọt của Hải Phòng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải, nước thải sinh hoạt và bị đầu độc bởi các hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất.
Bủa vây bởi rác và nước thải sinh hoạt
Sông Rế chảy qua địa bàn huyện An Dương đang bị bủa vây bởi rác thải.Dưới lòng sông, rác được đóng thành bao thả trôi “lênh đênh”. Trên bờ, rác tập kết dọc đường đi, sau mỗi cơn mưa lớn toàn bộ lượng rác này đều bị cuốn xuống sông. Tại chân cầu Rế 1 (thị trấn An Dương), tình trạng họp chợ diễn ra hằng ngày. Kết thúc mỗi phiên chợ, phần lớn rác thải được xả thẳng xuống sông. Trong khi đó, 2 bên bờ sông, hơn 1000 hộ dân (trải từ xã Lê Lợi đến thị trấn An Dương) vô tư xả nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt xuống lòng sông. Đoạn sông từ đập Cái Tắt đến thị trấn An Dương, dài chừng 3 km, cũng đang phải “oằn mình” hứng chịu rác thải, nước thải của hàng chục điểm dân cư …
Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải Trần Quang Hoạt, trên hệ thống kênh do công ty quản lý thuộc địa bàn huyện An Dương (gồm kênh Tân Hưng Hồng, kênh dẫn vào trạm bơm Đại Bản, kênh An Kim Hải và kênh Bắc Nam Hùng), hiện có tới hơn 50 điểm mà các hộ dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hằng ngày xả nước, rác thải sinh hoạt. Trong đó, đáng lo ngại rác thải, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư thuộc phường Quán Toan, thôn Đồng Hải, An Phong (xã An Hưng) và ở nghĩa trang các xã Bắc Sơn, Tân Tiến…đổ xuống kênh Tân Hưng Hồng; nước thải ở Bệnh viện An Dương, ở nghĩa trang thôn Lương Quy (xã Lê Lợi), khu chợ An Đồng (xã An Đồng), khu dân cư thôn Hà Đậu (xã Hồng Phong)…đổ xuống hệ thống kênh An Kim Hải…
Ông Phạm Đức Trọng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: “Trên hệ thống Đa Độ hiện có hàng loạt khu dân cư tập trung đang xả nước thải sinh hoạt ra khu vực lòng sông. Các điểm đặc biệt ô nhiễm là hệ thống nước thải từ khu dân cư thị trấn Ruồn và Bệnh viện đa khoa An Lão (gần cầu Vàng); khu vực Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng; khu dân cư 2 bờ thị trấn Núi Đối (Kiến Thụy); khu vực bệnh viện Đa khoa Kiến Thụy,  xả chất xuống sông. Bên cạnh đó là khu trang trại chăn nuôi lớn ở các xã Mỹ Đức, Chiến Thắng, Quốc Tuấn, Tân Viên nằm sát bờ sông, xả chất thải chăn nuôi thẳng ra sông…
Theo ông Đào Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên, số vụ vi phạm về bảo vệ chất lượng, môi trường nước trên hệ thống công ty quản lý đang gia tăng theo từng năm. Tính từ năm 2010 đến nay, số vụ vi phạm lên đến 38 trường hợp. Trong đó có 3 trường hợp đã dừng xả thải và 6 trường hợp xả thải mới phát sinh. Trong đó, một số trường hợp xả chất thải sinh hoạt xuống công trình, như nhà hàng sông Giá, trại gà ông Tỉnh (xã Lại Xuân); bãi rác xã Lại Xuân, bãi rác xã Ngũ Lão, nước thải khu tập thể công nhân Nhiệt điện Hải Phòng (thuộc xã Ngũ Lão sân gôn), sông Giá, bãi rác Kỳ Sơn…
Sông bị đầu độc bởi hóa chất
Chỉ cho chúng tôi vị trí ống xả thải là chòi nổi của Công ty Tân Hiệp Phát ở khu vực xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, chuyên sản xuất mút xốp, ông Phạm Đức Trọng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý và khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện tại đây có đường ống xả thải đường kính 65 cm của công ty, cách mặt nước 1 m. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi lấp ống xả thải này, nhưng một thời gian sau, doanh nghiệp lại làm ống xả thải mới. Dọc hai bên bờ Đa Độ có khá nhiều ống xả thải chìm dưới mặt sông như vậy”.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, trên hệ thống sông Đa Độ có 120 cơ sở công nghiệp và 50 làng nghề, 11 bệnh viện lớn nhỏ, gần 60 trạm y tế xã đang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Ngoài ra, trong lưu vực sông Đa Độ, không ít khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải nguy hại từ các nhà máy thép và 5 doanh nghiệp ở cụm công nghiệp đường 10, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão. Tại 100 cơ sở chế biến, thu gom phế liệu tại phương Tràng Minh (Kiến An) nước thải công nghiệp đổ thẳng xuống sông. Khu vực từ kênh Đức Phong đến cầu Nguyệt có 7 doanh nghiệp xả nước thải công nghiệp ra sông…Trong 2 năm qua, lực lượng cảnh sát Môi trường phát hiện 5 doanh nghiệp sản xuất rau câu (chế biến aga từ tảo biển) và hạt nhựa tại khu vực Quán Rẽ (xã Mỹ Đức, huyện An Lão) trong quá trình sản xuất đã thải các hoá chất tẩy rửa, chế biến rau câu và hạt nhựa không qua hệ thống xử lý ra thẳng sông Đa Độ.
Trên hệ thống sông Rế, hiện có 10 đơn vị, doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm nặng nguồn nước: như nước thải ở Công ty thép Việt Nam Vinapipe, Công ty thép Cửu Long Vinasin; nước thải ở Bệnh viện An Dương đổ xuống hệ thống kênh An Kim Hải… Đoàn công tác của Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi An Hải phát hiện một sơ sở thu gom dầu thải về tái chế ở số 16, An Trì, Hùng Vương (Hồng Bàng) cố ý xả dầu thải ra kênh thoát nước Nam Bắc Hùng (thuộc các xã Nam Sơn - Bắc Sơn, An Dương và phường Hùng Vương, Hồng Bàng), đoạn cửa cống An Trì, thuộc tổ An Trì 1 (Hùng Vương). Vào những ngày trời mưa to, vệt dầu loang kéo dài hàng trăm mét rồi đổ ra sông Rế.
 Nước hồ sông Giá cũng đang bị ô nhiễm vì nước thải công nghiệp từ làng nghề đúc Mỹ Đồng, nước thải của Công ty giày (tại xã Aurora (Thiên Hương), Công ty thu gom phế liệu Vũ Hải; các khu công nghiệp đóng tàu, sản xuất thép, khai thác và chế biến khoáng sản...Đặc biệt đáng lo ngại là các loại hóa chất trừ cỏ từ sân gôn sông Giá đang hằng ngày thẩm thấu trong đất ra khu vực sông Giá.
Mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng   
Mức độ ô nhiễm trên các tuyến sông cung cấp nước ngọt của thành phố đang ngày càng gia tăng sau mỗi lần quan trắc. Kết quả lấy mẫu nước tại 10 điểm trên sông Đa Độ và một số kênh cấp 1 trong hệ thống Đa Độ của Viện nghiên cứu khoa học thủy lợi Việt Nam cho thấy nồng độ o xy hòa tan trong nước DO đạt 0,96mgO2 /l; hàm lượng coliform vượt 29,4 lần; Ecoli vượt quy chuẩn 2,4- 11 lần, hàm lượng Amoni trong nước lên tới 7,7 mgN/l, vượt từ 13 đến 15 lần, hàm lượng NO2 đạt 0,185 mN/l vượt 4,63 lần; TSS trong nước là 340 mg O2/l, vượt tiêu chuẩn cho phép 6,8 lần.
Trên hệ thống sông Rế, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi An Hải đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chuyên môn lấy mẫu để kiểm tra chất lượng nguồn nước sông, kết quả có 3/11 chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn…Đáng lo ngại là chỉ tiêu hàm lượng Ecoli vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Môi trường nước tại sông Giá cũng có dấu hiệu ô nhiễm với các chỉ tiêu về hàm lượng Amoni, Ecoli và Coliform vượt ngưỡng cho phép. Theo lãnh đạo các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi, các sông này đều đang bị “bẩn dần” khiến các đơn vị phải thay nước thường xuyên trong hệ thống. Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng trạm đầu mối Trung Trang (thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy nông Đa Độ) cho biết: “Theo quy định, cứ 14 ngày chúng tôi phải thay nước trong toàn bộ hệ thống 1 lần nhưng khoảng 2 năm gần đây, cứ 7 ngày đơn vị lại phải thay nước 1 lần do sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng”./.


Công bố báo cáo kết quả quan trắc: Nguồn nước các sông Giá, Rế và Đa Độ đang bị ô nhiễm
Cập nhật lúc15:04, Thứ Tư, 17/04/2013 (GMT+7)

(HPĐT)- Sáng 16-4, tại Trung tâm hội nghị thành phố, Sở Tài nguyên-Môi trường tổ chức hội nghị công bố báo cáo quan trắc nước 3 sông Giá, Rế, Đa Độ giai đoạn 2008-2012. Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại, các cố vấn của Dự án Scoweb dự hội nghị.
Các sông Giá, Rế, Đa Độ là nguồn nước mặt chính cung cấp cho hoạt động sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp của thành phố. Tổng diện tích mặt nước của 3 sông này khoảng hơn 9,8ha với trữ lượng nước khoảng 40 triệu m3. Kết quả quan trắc chất lượng nước của Trung tâm quan trắc môi trường cho thấy các con sông này có dấu hiệu ô nhiễm. Cụ thể, sông Rế, trong tổng số 36 mẫu quan trắc thì chỉ có 53% đạt mục đích cấp nước sinh hoạt, nhưng phải có biện pháp xử lý phù hợp; 14% nước bị ô nhiễm nặng. Đối với sông Đa Độ, trong tổng số 30 mẫu quan trắc, chỉ có 47% đạt mục đích cấp nước sinh hoạt; 10% bị ô nhiễm nặng. Hiện, chỉ có  sông Giá có chất lượng nước tương đối tốt, biến đổi không nhiều, với 72% mẫu quan trắc sử dụng tốt cho mục đích nước sinh hoạt.
Tại hội nghị, ngành chức năng đề xuất một số giải pháp như: Thành phố thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn; hoàn chỉnh quy hoạch tài nguyên nước; thực hiện cắm mốc chỉ giới nguồn nước sông; quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu gom xử lý chất thải, nước thải, giao thông thủy; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng…