Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Nỗ lực cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương

22/05/2013 10:53
Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, dưới tốc độ phát triển như hiện nay con người vô tình làm ô nhiễm nguồn nước bằng các hóa chất, chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, kể cả nước thải sinh hoạt không qua xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Vì vậy, ô nhiễm nước đang được xem là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết khi cả thế giới nói chung, Việt Nam và Bình Dương nói riêng đang đối mặt với muôn kiểu ô nhiễm nguồn nước, mà tất cả là do ý thức kém của con người.

Hệ thống xử lý mùi đã hoàn thành
một trong những hạng mục của nhà máy xử lý nước thải nam Bình Dương.
Ô nhiễm nước ngày càng tăng
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong khi cơ sở hạ tầng về cấp thoát nước chưa kịp đáp ứng đã gây ô nhiễm nguồn nước. Kết quả quan trắc nước mặt trên các sông suối chính của Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Dương từ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính cho thấy, môi trường nước mặt đang có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ COD, BOD5 và các hợp chất của ni tơ NH4+, NO3+. Kết quả quan trắc động thái nước dưới đất từ năm 2003 đến nay ở khu vực Nam Bình Dương cho thấy, mực nước của một số tầng chứa nước liên tục bị suy giảm đặc biệt, tập trung những khu vực công nghiệp và phát triển đô thị nhanh như khu vực Sóng Thần (Dĩ An), An Phú (Thuận An).
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Dương, tổng lượng nước thải công nghiệp của Bình Dương khoảng 124.000 m3/ngđ. Trong đó, phần lớn nước thải trong các khu công nghiệp đã được xử lý trước khi thải ra môi trường, khoảng 75% số cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng trên 100.000m3/ngày đêm, trong đó lượng nước thải đô thị chiếm trên 50% . Đáng lưu ý là hầu như toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt đô thị đều chưa được xử lý.
Nỗ lực cải thiện môi trường nước
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương được thai nghén từ năm 2003 với mục đích thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt (nước tắm, giặt, rửa thực phẩm, nước và phân từ nhà cầu…) trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Mộttỉnh Bình Dương. Tuy nhiên mãi đến 2007 dự án mới được triển khai khi Hiệp định vay vốn được ký kết giữa Chính phủ ViệtNam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase)đã tiến hành triển khai dự án và lựa chọn nhà thầu ICBkhảo sát chi tiết, thiết kế và giám sát thi công công trình. Đây là một trong 5 tiểu dự án thuộc quy hoạch của tỉnh Bình Dương về thoát nước và vệ sinh môi trường đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định số 4058/QĐ-CT ngày 20/10/2003. Dự án áp dụng phương án thu gom hiện đại bằng cách xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tách biệt với nước mưa và sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến nhất hiện nay nhằm đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đáp ứng QCVN 14/2008/BTNMT, cột A.

Thi công hệ thống thu gom nước thải.
Hiện nay, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của giai đoạn 1 và dự kiến cuối tháng 5/2013 sẽ đưa vào khai thác sử dụng. Có được kết quả đó phải ghi nhận sự nỗ lực không nhỏ của nhà đầu tư, nhà thầu và các đơn vị thi công.
Ông Lê Văn Gòn, Phó Giám đốc Biwase cho biết, trong quá trình triển khai dự án đã gặp một số khó khăn như đơn vị tư vấn có người nước ngoài, chưa hiểu biết sâu về văn hóa, tâm lý, khí hậu của địa phương nên còn hạn chế, chưa linh động trong chỉ đạo thi công.
Bên cạnh đó, các công trình ngầm như điện chiếu sáng, điện thoại, cáp truyền hình... một số chưa có hồ sơ hoàn công nên mất nhiều thời gian để giải quyết trong các điểm giao cắt. Nền địa chất của TP Thủ Dầu Một cũng không đồng nhất, có nơi mực nước ngầm cao, có thủy triều cũng gây khó khăn cho việc thi công.
Tuyến đường Bạch Đằng (từ cầu Nguyễn Tri Phương đến cầu Thủ Ngữ) được bố trí cống chính thu gom toàn bộ vùng thấp nhưng đoạn này đang nằm trong dự án mở rộng, vướng giải tỏa cũng làm hạn chế năng lực thi công.
Một số nơi bị sạt lở khi thi công gây tốn kém thêm kinh phí cho việc sửa chữa, đặc biệt tại các trạm bơm do nằm trên đất của dân nên việc thu hồi và giải phóng mặt bằng rất khó khăn, khi vận động được người dân thì giá cả đã thay đổi buộc phải trình phê duyệt lại.
Hơn nữa, công tác đấu nối cũng sẽ gặp khó khăn do hầu hết hệ thống nhà cầu đều nằm phía sau nhà, khi đấu nối phải đào xuyên nhà, phải thay lại toàn bộ gạch lát nền dẫn đến chi phí cao, thời gian kéo dài...