Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Họp tổng kết đợt giám sát của phái đoàn WB (Ngân hàng Thế giới) đối với các dự án cấp thoát nước đô thị tại Việt Nam
1/16/14 7:37 AM
Ngày 15/1/2014, tại Hà Nội, Cục Hạ Tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng đã tổ chức buổi Họp tổng kết đợt giám sát của phái đoàn WB đối với các dự án cấp thoát nước đô thị tại Việt Nam. TS. Nguyễn Tường Văn – Phó Cục trưởng, Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng chủ trì và điều hành buổi Họp.
Tham dự buổi Họp còn có: Ông Lixin Gu – đại diện WB, trưởng đoàn phụ trách Dự án; bà Trần Thị Ngọc Thanh – Phó Giám đốc, Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; Ban quản lý Dự án các địa phương và các chuyên gia tư vấn Dự án cùng tham dự.
Tại buổi Họp, ông Lixin Gu – đại diện WB, trưởng đoàn phụ trách Dự án đã báo cái lại tình hình giám sát vừa qua đối với các dự án cấp thoát nước tại một số địa phương ở Việt Nam. Mục tiêu của đợt giám sát là rà soát lại tiến độ các dự án và kế hoạch hành động tại đơn vị cấp thoát nước Đà Lạt, cấp thoát nước Tam Kỳ, Đông Hà, Thái Hòa và Ninh Bình, gặp gỡ các Ban quản lý dự án tại Hà Nội, đại diện của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Xây dựng. Qua quá trình giám sát cho thấy, đối với tiến độ thực hiện của lĩnh vực cấp nước, hầu hết đang trong giai đoạn hoàn hiện, các tiểu dự án đang trong quá trình đấu thầu các gói xây lắp, đến nay đã có 4 tiểu dự án đã ký hợp đồng với nhà thầu và nhà thầu đang tiến hành thi công, đó là các đơn vị tại Bình Dương, Phú Quốc, Uông Bí và Đồng Xoài, trong đó Bình Dương là đơn vị thi công rất sớm so với các đơn vị khác, tiếp đến là Phú Quốc đã thực hiện rất nhanh. Trong tổng số 25 gói thầu xây lắp, hiện nay đã có 6 gói thầu xây lắp đã được xây dựng, có giá trị 35 triệu USD, có 4 gói thầu xây lắp đang trong giai đoạn đấu thầu, 15 gói thầu sẽ được tổ chức đấu thầu vào cuối tháng 4/2014. Đối với các tiểu dự án thoát nước, về tư vấn kỹ thuật đang trong giai đoạn cuối thực hiện hợp đồng, tất cả các tư vấn giám sát đã được huy động và tiến hành thẩm tra thiết kế kỹ thuật. Trong tổng số 28 gói thầu thoát nước, 1 gói thầu đã hoàn tất công tác xây dựng, 2 gói đang trong quá trình đấu thầu, 25 gói còn lại sẽ được tổ chức đấu thầu trước tháng 6/2014, so với 6 tháng trước đây, những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua đã có những tiến bộ đáng kể. Về kế hoạch thực hiện trong 6 tháng tiếp theo, đối với hợp phần cấp nước, các gói thầu xây lắp phải được đưa vào thi công; Công tác chấm thầu cần đảm bảo độ khách quan; về công tác quản lý nhà thầu, các ban quản lý dự án cần hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ tích cực cho các nhà thầu; quản lý tốt các hạng mục như đường ống, trạm bơm...cần phải kiểm soát về chất lượng. Về hợp phần thoát nước, hiện nay một số hạng mục gói thầu đã bị chậm tiến độ, trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ.
Thông qua đợt giám sát ông Lixin Gu đã có đề xuất, về phía Bộ Xây dựng cần huy động đơn vị tư vấn hợp đồng và quản lý tài chính để hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện dự án; Bộ Xây dựng phải đóng vai trò đầu mối trong việc xây dựng các văn bản liên quan cho gói thầu 09 và 010 để cải thiện nâng cao năng lực thực hiện.
Đại diện của các Ban Quản lý dự án tại địa phương đều bảy tỏ quan điểm chung sẽ cố gắng trong thời gian tới, nhất là những đơn vị đang thực hiện chậm tiến độ sẽ cố gắng hơn nữa để dự án được thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Thay mặt cho các lãnh đạo Bộ Xây dựng, TS. Nguyễn Tường Văn – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật đã gửi lời cảm ơn và hoàn toàn nhất trí với nội dung đánh giá của phía WB. Theo mục tiêu đã cam kết với WB, về cấp nước, đến tháng 12/2013 sẽ đấu thầu được 23/25 hợp đồng và ký được 11 hợp đồng, tuy nhiên đến nay mới đấu thầu được 10 gói thầu và ký được 6 hợp đồng, như vậy mới đạt được 1 nửa kế hoạch. Về kế hoạch thoát nước, trong số 28 gói thầu, mục tiêu là phải đấu thầu được 16 gói, thì đến nay mới chỉ có 1 gói thầu được ký và 2 gói đang đấu thầu. Do đó, trong thời gian tới, các đơn vị thực hiện cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể lấy lại thời gian đã mất và chưa thực hiện tốt trong 6 tháng vừa qua./.
Việt Nam cần 8,3 tỷ USD để xử lý nước thải đô thị
1/21/14 2:37 PM
Việt Nam cần đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Ông Lê Duy Hưng, Chuyên gia Quản lý đô thị cao cấp cho biết, trong những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, các đô thị ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Do vậy, để giải quyết được mối lo ngại trên, dự tính từ nay đến năm 2025 Việt Nam cần đầu tư khoảng 8,3 tỷ USD để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu người (tính theo dân số đô thị năm 2005).
Tại buổi lễ “công bố báo cáo đánh giá về vệ sinh môi trường khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và báo cáo đánh giá nước thải đô thị tại Việt Nam,” diễn ra ngày 20/1, ông Hưng khẳng định hệ thống xử lý nước thải tại Việt Nam hiện còn rất yếu kém.
Trong khi đó, 90% hộ gia đình hiện vẫn xả nước thải vào bể tự hoại, và chỉ có 4% lượng phân bùn được xử lý. Ngoài ra, điều kiện vệ sinh ở hầu hết các thành phố còn yếu kém cũng đã tác động nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho đất nước 1,3% GDP mỗi năm.
Chính vì vậy, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã phải chi khoảng 500 triệu USD/năm vào công tác xây dựng hệ thống nước thải, cải thiện môi trường tại các đô thị trên cả nước.
Tuy nhiên, "để đáp ứng quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh thì đây vẫn là vấn đề nan giải, trong khi hệ thống xử lý nước thải ở nước ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn như: Hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống thoát nước bề mặt, và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý," ông Hưng nhấn mạnh.
Ở góc độ quốc tế, ông Charles Feintein, Giám đốc Ban năng lượng và nước của Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định, hiện phần lớn người dân tại các đô thị lớn đang phải sống trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Cùng với đó, mức thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém tại Việt Nam đang dự tính khoảng 780 triệu USD mỗi năm.
Từ mối lo ngại trên, Giám đốc Ban năng lượng và nước của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam cần chi một khoản tiền lớn cho công tác xử lý nước thải đô thị, nhằm phát triển các thành phố lành mạnh, sạch sẽ và thịnh vượng lâu dài.
Theo đó, khoản kinh phí dự kiến 8,3 tỷ đồng để cải thiện nguồn nước đô thị sẽ tập trung vào việc phát triển các chính sách tập trung về nâng cao nhận thức con người; thúc đẩy giải pháp kỹ thuật hiệu quả về kinh tế; phát triển tổ chức thể chế bền vững đảm bảo chất lượng dịch vụ../.