Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Gạch không nung xi măng cốt liệu chống thấm: Chữa “bệnh nhiệt đới” cho công trình

  
Thấm nước là một trong những “căn bệnh kinh niên” của các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình dân dụng tại Việt Nam. Do nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ chênh lệch lớn và không khí có độ ẩm cao nên thường xuyên xảy ra hiện tượng co ngót, giãn nở, phá huỷ bề mặt, tạo điều kiện cho nước xâm nhập, thẩm thấu vào các hạng mục của công trình như tầng hầm, tường xây (đặc biệt là tường xây bao ngoài)… Việc bị thấm nước sẽ khiến các hạng mục này mắc phải “căn bệnh nhiệt đới” là ẩm mốc bên ngoài cũng như nứt kết cấu bên trong, từ đó gây mất mỹ quan và ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của công trình. Chính vì vậy, nhiệm vụ tăng cường khả năng chống thấm trong các công trình, thông qua giải pháp về kiến trúc và vật liệu là cần thiết và phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do giá thành của những vật liệu chống thấm thường khá cao nên hiện nay đang xảy ra tình trạng: Chỉ khi hiện tượng thấm xảy ra rồi chủ công trình mới đi tìm nguyên nhân và giải pháp.
Nói về vấn đề này, ông Đỗ Khắc Thắng - Giám đốc Cty CP Kiến trúc Tây Hồ cho hay: “Tổng chi phí của công trình bao gồm chi phí xây và chi phí bảo hành, bảo trì. Nếu công trình được xử lý chống thấm ngay từ khi thi công, chi phí bảo hành sau này sẽ được giảm đi rất nhiều. Ngược lại, dù vật liệu không chống thấm ban đầu có lợi thế về giá thành rẻ nhưng tổn phí cho những công trình bị ngấm nước về sau sẽ đội lên rất nhiều lần”.
Theo một số chuyên gia xây dựng, không phải loại vật liệu chống thấm nào cũng có giá thành cao, đơn cử như gạch không nung xi măng cốt liệu chống thấm (XMCL).
Ông Đặng Việt Lê - Chủ tịch HĐQT Gạch Khang Minh chia sẻ: Điều thôi thúc Cty phát triển và sản xuất sản phẩm có khả năng chống thấm là do Khang Minh nhận thức được tốc độ hút nước, khả năng chống thấm nước của sản phẩm có liên quan trực tiếp đến tính bền vững của công trình xây dựng. Cốt liệu chính của gạch XMCL là đá và xi măng. Đây cũng là cốt liệu “bê tông” và hoàn toàn không ngấm nước sau khi đông kết. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất gạch XMCL thông thường có thể để lại các lỗ rỗng thông nhau bên trong sản phẩm làm cho viên gạch hút nước nhanh. Điều này có thể gây ra hiện tượng thấm nước (hoặc thấm nước nhanh) của sản phẩm. Giải pháp chống thấm duy nhất là bịt kín các lỗ rỗng thông nhau đó bằng cách: Khi phối trộn vật liệu, gia tăng hàm lượng xi măng, bột đá hoặc tro bay... nhằm tăng tính liên kết cũng như tăng độ điền đầy các lỗ rỗng, điền đầy khe hở giữa các hạt vật liệu.
Bài toán đặt ra với Khang Minh và các đơn vị sản xuất gạch XMCL chống thấm khác là phải sử dụng cốt liệu hợp lý để giá thành sản phẩm tăng không nhiều và duy trì được tỷ lệ ngậm nước của sản phẩm phải đạt từ 6 - 9% trọng lượng. Đây là tỷ lệ ngậm nước giúp cho sản phẩm bám dính vữa xây bền chắc nhất.
Từ khi sản phẩm gạch XMCL có khả năng chống thấm cao xuất hiện trên thị trường, khách hàng rất có thiện cảm với gạch không nung XMCL và đã tin tưởng sử dụng ở nhiều công trình như Hei Tower, Sail Tower, Beriver, CT2A Xuân Đỉnh, Nhiệt điện Mông Dương I...
Hương Giang