Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012


Cảnh báo tình trạng thất thoát nước tại các đô thị

11/09/2012 16:23
Với thực trạng hầu hết các hệ thống Ccấp nước Việt Nam còn nhiều thô sơ, đường ống nước lâu năm, lại bị một số đối tượng tự khai thác sử dụng nước một cách tùy tiện, bất hợp pháp làm ô nhiễm nguồn nước sạch, nhất là hệ thống cấp nước tại các đô thị Việt Nam vẫn đang ở tình trạng tỷ lệ nước sạch bị thất thoát lớn (30%).
Thực trạng thất thoát nước sạch do tự ý khai thác sử dụng tùy tiện
Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho hay, Việt Nam có 755 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 31% và sẽ đạt con số 50% trong năm 2025. Tuy nhiên, thất thoát nước đang là một trong những thách thức trong quá trình đô thị hóa khi tỷ lệ thất thoát nước của Viêt Namlên tới 29%. Hiện cả nước hiện có 68 công ty cấp nước, mới chỉ cung cấp dịch vụ cho khoảng 70% dân số ở hơn 750 đô thị.
Thời gian qua, các bộ ngành Trung ương và các công ty cấp nước đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thoát, thất thu nước sạch nên tỷ lệ thất thoát bình quân toàn quốc đã giảm từ 42% (năm 1998) xuống còn 30% hiện nay. Tuy nhiên, so với các nước tiên tiến và các nước trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ này vẫn còn cao. Nguyên nhân là do giá nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ để đảm bảo các đơn vị cấp nước chủ động trong sản xuất kinh doanh cũng như tập trung sửa chữa, thay thế và bảo trì hệ thống đường ống.
Bên cạnh đó, hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch chưa có tính chất liên tục và chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương; các chế tài về giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch vẫn chưa có quy định cụ thể. Mặt khác, hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn, trong khi đó các đơn vị cấp nước đang thiếu nguồn vốn đầu tư.
Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt “Chương trình Quốc gia chống thất thoát nước sạch đến năm 2025”, với mục tiêu 100% dân số đô thị được dùng nước sạch vào năm 2020, giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân còn 15% năm 2025.
Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình khoảng 9.400 tỷ đồng từ ngân sách, nguồn vốn ODA, tín dụng ưu đãi của nhà nước và các nguồn vốn khác.
Để chống thất thoát, thất thu nước sạch, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, các công ty cấp nước và các chuyên gia quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó tập trung tập huấn cho các doanh nghiệp quán triệt nội dung chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch sau khi Chính phủ phê duyệt.
Các công ty cấp nước phải thực hiện phân vùng tách mạng nhằm lập lại bản đồ, hồ sơ mạng đường ống cho từng quận, phường, đánh giá đúng thực trạng chất lượng đường ống để lập kế hoạch sửa chữa và nâng cấp; đầu tư các trang thiết bị mới phát hiện rò rỉ.
Khai thác nước trái phép quản lý bằng cách nào?!
Có thể nói việc khai thác nước tùy tiện và trái phép ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Đơn cử cứ mỗi hộ gia đình sau khi sửa sang nhà cửa, thay đổi lại đường ống nước là tự ý đào, đục đường ống dẫn nước nối trực tiếp vào nhà mà khồng qua đồng hồ. Hầu như những hộ gia đình này đều biết việc tự ý đào đục đường ống nước là trái phép, nhưng vì lợi ích cá nhân trước mắt họ đã tùy tiện thực hiện bằng cách đào đục vào ban đêm và không để lại dấu vết gì. Việc này có thể nhiều người biết đến nhưng cơ quan chủ quản trực tiếp như các công ty cấp nước thì không bắt được nên chưa thể xử lý một cách triệt để.
Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong 7 tháng đầu năm 2012, Cty NSHN vẫn còn 3 đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch SXKD do Công ty giao (Xí nghiệp KDNS Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình) đặc biệt là kế hoạch về tỷ lệ nước thu tiền, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành kế hoạch SXKD của toàn Công ty. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Công ty cùng các phòng ban chức năng đã xuống đơn vị trực tiếp làm việc với lãnh đạo các Xí nghiệp để rà soát nguyên nhân và tìm ra phương hướng giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác quản lý nhằm tạo điều kiện cho 3 Xí nghiệp cùng các đơn vị khác trong toàn Công ty tập trung cao độ hoành thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2012. Làm việc với các đơn vị, đồng chí Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty NSHN đã ghi nhận những cố gắng của các XN trong thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Trên cơ sở đó, Tổng giám đốc đã giao cho các đơn vị một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm: Yêu cầu các XN nhanh chóng củng cố bộ máy tổ chức, phân công nhiệm vụ, nâng cao trình độ tư duy, năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, tăng cường chống thất thoát cơ học bằng các biện pháp quản lý mạng- vận hành mạng: Vận hành điều tiết áp lực, lưu lượng đảm bảo cấp nước theo nhu cầu và đảm bảo dịch vụ cấp nước đồng đều trên các địa bàn; Tăng cường phát hiện và xử lý các điểm rò rỉ, phối hợp với các đơn vị cải tạo hạ tầng trên địa bàn để bảo vệ hệ thống cấp nước; Thay thế đồng hồ định kỳ đúng kế hoạch để kiểm soát chất lượng hệ thống đo đếm; Đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo mạng, sớm đưa các dự án vào phát huy hiệu quả; Trong công tác quản lý chống thất thoát thương mại: tăng cường công tác ghi thu – áp giá; củng cố bộ máy thanh tra, phối hợp với Chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm đến từng khách hàng đồng thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy chế sử dụng nước… Về phía Công ty, TGĐ cũng giao nhiệm vụ cho các phòng ban chức năng nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù, hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, theo dõi đôn đốc để tạo điều kiện cho các XN thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể thấy rằng giảm tỉ lệ thất thoát thất thu nước sạch là điều đang được các Cty thực hiện một cách tích cực. Tuy nhiên để cải thiện tình trạng thất thoát nước, và ô nhiễm nguồn nước rất cần sự hiểu biết và thực hiện của từng hộ dân và từng người dân. Vì vậy để giải quyết triệt để tình trạng khai thác nước tùy tiện công tác tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu và thực hiện đang là một việc làm cấp thiết mà mỗi công ty cấp nước cần phải làm ngay./.
Thanh Huyền