Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012


Lọc nước uống an toàn bằng năng lượng mặt trời
Ngày 27/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ chương trình đào tạo lãnh đạo thực tiễn lần thức 26, Học viện toàn cầu Vì ngày mai (GIFT) phối hợp cùng với Tổ chức Đông Tây Hội ngộ và Công ty F Cubed (Australia) đã giới thiệu công nghệ CarocellTM sử dụng năng lượng mặt trời trong việc khử muối và lọc nước.
​Theo ông Peter Johnstone, Giám đốc điều hành Công ty F Cubed, máy lọc nước bằng năng lượng mặt trời được hoạt động theo quy trình tự nhiên, có công nghệ đơn giản sử dụng một mảng mỏng, được mặt trời làm nóng nước, nước bốc hơi và ngưng tụ.

Sản phẩm lọc nước bằng năng lượng mặt trời có hai dạng gồm một loại uống được ngay, rất sạch và loại nước nóng dùng để nấu ăn, tắm rửa, sử dụng sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, loại máy có công nghệ khử mùi, lọc nước bằng năng lượng mặt trời là sản phẩm có năng suất tốt và hiệu quả nhất trên thị trường, tạo ra nước uống tinh khiết và an toàn với bất kỳ khối lượng nào, từ bất cứ nguồn nước nào.
Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ đã có lắp đặt thử tại Việt Nam ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung đã cho kết quả rất khả quan, chứng minh khả năng khử muối trong nước nhiễm mặn và loại bỏ hàng loạt chất bẩn từ nguồn nước không tinh khiết từ công nghệ mới này.
Theo kế hoạch, GIFT, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và Công ty F Cubed sẽ triển khai lắp đặt 500 máy lọc nước công nghệ CarocellTM tai các khu vực ngoại thành ba Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, cho biết sản phẩm lọc nước bằng năng lượng mặt trời không chỉ đem đến việc cải thiện nguồn nước mà còn giúp cải thiện môi trường, sức khỏe của người dân.

quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2012
Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2012

Sáng 15/9, cùng với hơn 130 quốc gia trên thế giới,  Bộ Tài nguyên và Môi trườngTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2012 tại thành phố Đà Nẵng - Thành phố vừa được công nhận là thành phố bền vững về môi trường các nước ASEAN.
Tham dự Lễ phát động có đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
Đồng chí Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Đặng Ngọc Tuấn,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng; Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam;
Tham dự còn có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và hơn 1.500 cán bộ và người dân thành phố Đà Nẵng.
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2012 có chủ đề “Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta”, chủ đề này đã nhấn mạnh, nêu cao những hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng của mỗi địa phương, mỗi quốc gia, qua đó sẽ mang lại những tác động tích cực mang tính toàn cầu, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với những phúc lợi về môi trường ở mức độ cá nhân và cộng đồng; và khi làm tròn trách nhiệm trên sẽ góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu, tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP. Ngoài ra, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường (theo Báo cáo Môi trường quốc gia 2010).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến đã  kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Bộ, ban ngành, các tỉnh, thành phố và các địa phương trong cả nước có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường; cùng nhau liên kết, tạo nên một sức mạnh to lớn để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của đất nước;
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020; nghiên cứu, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005 cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ phát triển mới; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố, công viên,…
Ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết Chính phủ Australia đã liên tục hỗ trợ kể từ khi Việt Nam tham gia vào chiến dịch toàn cầu này. Đây là cơ hội tốt để giáo dục học sinh và thanh niên về trách nhiệm của họ đối với môi trường.
Tại buổi lễ phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao tặng bằng khen cho 14 tập thế, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu trong hoat động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng “Xanh-Sạch-Đẹp và phát triển bền vững”.
Ngay sau khi kết thúc Lễ phát động, các đại biểu và người dân của thành phố Đà Nẵng đã tiến hành ra quân vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà); Ra quân vệ sinh môi trường cấp quận, huyện để hưởng ứng thu gom rác, làm sạch bờ biển và vớt rác trên kênh, mương thoát nước, nạo vét cống rãnh ở tất cả các quận, huyện của thành phố.
“Ngày hội tái chế chất thải và tiêu dùng xanh” được tổ chức tại Trường Tiểu học Lý Công Uẩn, thành phố Đà Nẵng, với các hoạt động chính như trưng bày, triển làm tranh ảnh về thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương... những nỗ lực bảo vệ môi trường của Đà Nẵng; thi làm các sản phẩm tái chế; trao đổi chất thải lấy quà tặng.... trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo...  Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2012 tại Đà Nẵng.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
 
 

Việt Nam – Hàn Quốc: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường
Sáng 19/9/2012, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã tiếp thân mật chủ tịch Cơ quan môi trường Hàn Quốc (KECO) Park Seung Hwuan. 
Tham dự cùng ngài chủ tịch KECO còn có Jung Gun-Young - Trưởng văn phòng đại diện của KECO tại Việt Nam và các đồng nghiệp.
 
Về phía Bộ TN&MT có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, ông Lê Đình Ái - Tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty TN&MT Việt Nam, ông Hoàng Văn Thức – Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường, ông Nguyễn Minh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học công nghệ, ông Đỗ Nam Thắng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý Môi trường.
 
Phát biểu, trao đổi tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến hoan nghênh và nhiệt liệt chào mừng ngài  Park Seung Hwua - Chủ tịch KECO và các đồng nghiệp. Thứ trưởng khẳng định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường. Thứ trưởng cũng mong muốn tại buổi gặp mặt thân mật này, lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi, thảo luận và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
 
Thứ trưởng cũng thông báo tới ngài Chủ tịch KECO về việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2406/QĐ-TTg phê duyệt danh mục các Chương trình MTQG giai đoạn 2012 – 2015, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn: (1) Xử lý ô nhiễm do hoạt động của các làng nghề; (2) Xử lý ô nhiễm môi trường đất do hóa chất BVTV tồn lưu; (3) Xử lý ô nhiễm môi trường các lưu vực sông.
 
Theo đó, Thứ trưởng cũng đề nghị Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam nguồn kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường thông qua Hỗ trợ phát triển chính thức ODA.
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ngài Park Seung Hwua - Chủ tịch KECO đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Bộ TN&MT trong công tác bảo vệ môi trường. Ông bày tỏ niềm vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm tới vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đất. Ông cũng hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
 
Ngài Park Seung Hwua khẳng định phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ hết sức về công nghệ xử lý môi trường và chuyên gia tư vấn cũng như hỗ trợ về kinh phí xử lý và cải thiện môi trường.
 
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ TN&MT và KECO đã trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những đề xuất hợp tác và phát triển mối quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt trong những lĩnh vực môi trường.
 
 
 

Khóa đào tạo phát triển năng lực xây dựng chính sách kiểm soát ô nhiễm nước

Ngày 21/9, tại Hòa Bình, Tổng cục Môi trường phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tổ chức khóa đào tạo thứ 2 nhằm phát triển năng lực xây dựng chính sách – Khung Chính sách Tổng thể về Kiểm soát ô nhiễm nước trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam”.
Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam” là dự án được Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với mục tiêu chính nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường của TP. Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu.
40 đại biểu bao gồm các chuyên gia Nhật Bản, đại diện của Bộ Tài nguyên và  Môi trường và của các Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia thực hiện dự án đã tới tham gia khóa đào tạo.
Mục đích của khóa đào tạo nhằm tìm hiểu cách thức xây dựng khung chính sách tổng thể trong kiểm soát ô nhiễm nước; tìm hiểu kinh nghiệm “Nghiên cứu và Thực thi – Giới thiệu về Thanh tra (môi trường)” tại Nhật Bản; tìm hiểu các kỹ năng cơ bản về phân tích sự cố ô nhiễm nước bằng việc nghiên cứu các ví dụ cụ thể.
Thay mặt Tổng cục Môi trường, ông Nguyễn Minh Cường, Phó Giám đốc của Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Môi trường – đơn vị hiện đang triển khai dự án tại TP. Hà Nội đồng thời điều phối các hoạt động của toàn bộ dự án tại các địa phương, đã phát biểu khai mạc khóa đào tạo và chúc các đại biểu tham gia khóa đào tạo tiếp nhận tốt các kinh nghiệm về kiểm soát ô nhiễm nước của các chuyên gia Nhật Bản và sẽ có những ứng dụng hợp lý vào công tác kiểm soát ô nhiễm nước tại địa phương mình.
Mở đầu khóa đào tạo, ông Obayashi Shigenobu, Cố vấn trưởng của Dự án đã giới thiệu về tầm quan trọng, cấu trúc của Luật Kiểm soát ô nhiễm nước, phân loại các Luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm nước, cách thức xây dựng khung chính sách tổng thể trong kiểm soát ô nhiễm nước tại Nhật Bản, kết quả của việc áp dụng Luật quản lý môi trường nước tại Nhật Bản, …
Tiếp theo, ông Yamamoto Mitsuhiro, đại diện Trung tâm Hợp tác Môi trường Hải ngoại Nhật Bản (OECC) đã trình bày về kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình nghiên cứu và thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước.
Buổi chiều cùng ngày, ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường, Tổng cục Môi trường đã hướng dẫn các đại biểu nghiên cứu tình huống cụ thể hiện nay nhằm tìm hiểu các kỹ năng cơ bản về phân tích sự cố ô nhiễm nước tại Việt Nam.
Các đại biểu đã chia thành 2 nhóm tham gia thảo luận sôi nổi về ngăn ngừa ống xả thải “bí mật”, nguồn ô nhiễm không xác định, địa phương nên hành động như thế nào để làm rõ nguyên nhân ô nhiễm, cách người dân tham gia công tác phòng chống ô nhiễm nước, … và đề xuất các giải pháp, chính sách cần được bổ sung, điều chỉnh./.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Điều phối viên của Dự án phát biểu
Ông Shigenobu Obayashi, Cố vấn trưởng của Dự án trình bày bài giảng
Ông Yamamoto Mitsuhiro, đại diện OECC trình bày bài giảng

Ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường, Tổng cục Môi trường hướng dẫn thảo luận nhóm
 
Các đại biểu tham gia khóa đào tạo



1.  Tên công nghệ/ Thiết bị (CN/TB): Hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt.
2.  Mô tả đặc tính CN/TB:
 
3.        Thuộc lĩnh vực:
Công nghệ hoá sinh – Hoá môi trường.
4.  Những thông tin khác:
4.1. Đăng ký sở hữu công nghiệp:
Nhãn hiệu hàng hoá 
Số đăng ký:
Ngày/tháng/năm đăng ký:
4.2. Đã được cấp bằng Sở hữu Công nghiệp:
- Số bằng, ngày cấp
4.3. Các giải thưởng đã nhận:
( Ghi chú:kèm theo bản scan ảnh tác giả,các văn bằng,chứng nhận đã được cấp)
4.4. Hiệu quả kinh tế:
- Xuấtđầu tư:
+ Quy mô từ 50 – 150 giường bệnh là 18 – 20 triệu VNĐ/ m3/ ngày đêm.
+ Quy mô từ 200 giường bệnh trở lên là 15 triệu VNĐ/m3/ngày đêm.
- Diện tích mặt bằng xây dựng nhỏ
Chi phí vận hành
+ Lọc sinh học nhỏ giọt thông khí tự nhiên không cần sử dụng máy thổi khí nên giảm được đáng kể chi phí xử lý so với công nghệ bùn hoạt tính, cụ thể:
+ Quy mô từ 50 – 150 giường bệnh chi phí vận hành là 1500 – 2000 VNĐ/ m3.
+ Quy mô từ 200 giường bệnh trở lên chi phí vận hành là 900 - 1200 VNĐ/m3.
Chi phí bảo dưỡng: 10 - 15 triệu VNĐ/ năm
Chi phí rẻ nhất (Cấp khí tự nhiên)
Phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt tiết kiệm:
- 75% điện năng so với phương pháp bùn hoạt tính
- 72% điện năng so với phương pháp lọc sinh học ngập nước
5. Ứng dụng triển khai:
TT
Tên công trình
Năm
Ghi chú
1
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Gang thép, Thái Nguyên
1999
Đã triển khai
2
 Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện A Tuyên Quang
2000
Đã triển khai
3
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Lao Tuyên Quang
2000
Đã triển khai
4
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh việnY học dân tộc Tuyên Quang
2000
Đã triển khai
5
 Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên
2008
Đã triển khai
6
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh việnC Thái Nguyên
2008
Đã triển khai
7
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Phong – Da liễu TW Quỳnh lập, Nghệ An
2009
Đã triển khai
8
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh việnA Thái Nguyên
2009
Đã triển khai
9
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Cụm Bệnh viện Lao và các bệnh chuyên khoa, Bắc Ninh
2009
Đang triển khai
10
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh việnTâm thần kinh, Hưng Yên
2009
Đang triển khai
11
Thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, Thái Bình
2010
Đang triển khai

Nghiên cưu khảo sát hiện trạng nước thải bệnh viện, công nghệ và đề xuất cải thiện

​Quản lý nước thải và dịch thải lỏng phát sinh tại các bệnh viện (BV) được ưu tiên hàng đầu trong kiếm soát dịch bệnh và an toàn vệ sinh nghề nghiệp. Tuy vậy, thực hành quản lý dịch thải và nước thải bệnh viện tại Việt Nam chưa có các hướng dẫn chi tiết, tập huấn, thực hành để phân tách và xử lý các dòng thải lỏng nguy hại ngay tại nguồn phát sinh.
Bên cạnh đó, thực trạng đầu tư và hoạt động của các hệ xử lý nước thải (XLNT) cần được cải thiện về công nghệ, nguồn kinh phí duy tu vận hành và đào tạo cán bộ vận hành. Bài viết đưa ra kết quả điều tra đặc thù BV, dịch thải lỏng và nước thải BV, tình hình sử dụng và thải nước, xử lý nước thải, dịch thải, hiện trạng các hệ XLNT, công nghệ, xuất đầu tư, vận hành. Đề xuất ban đầu để cải thiện các hướng dẫn kỹ thuật XLNT, lựa chọn công nghệ XLNT theo hướng bền vững và các khía cạnh liên quan đến XLNT BV.
I. Mở đầu
Chất thải lỏng truyền nhiễm từ các phòng xét nghiệm, phẫu thuật, dịch lỏng từ cơ thể người bệnh, đặc biệt là dịch, máu thải phải được khử trùng tại khu xét nghiệm, phòng phẫu thuật, điều trị, buồng bệnh trước khi xả vào hệ thống nước thải chung. Nước thải BV chứa BOD, COD, SS, Tổng N, Tổng P, và tổng coliform, H2S cao, cần được xử lý tại hệ XLNT đáp ứng tiêu chuẩn xả thải. Công nghệ xử lý nước thải BV với đặc thù ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm các chất hữu cơ và dinh dưỡng cần được khử trùng và giám sát trước khi xả thải. Để đạt được hiệu quả khử trùng cao thì các chỉ tiêu như BOD, COD và đặc biệt hàm lượng amoni phải ở mức thấp cho phép. Bên cạnh đó, yêu cầu phân tách riêng từng dòng thải để xử lý chuyên biệt, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), đảm bảo hệ XLNT BV hoạt động hiệu quả, chi phí xử lý thấp. Vì vậy, cần phải có nghiên cứu đánh giá hiện trạng, đề xuất các biện pháp cải thiện.
II. Giải quyết vấn đề
Có 172/205 BV của 5 TP: Hà Nội (61 BV), Hải Phòng (17 BV), Huế (23BV), Đà Nẵng (20 BV), TP. Hồ Chí Minh (51 BV) tham gia điều tra. Khảo sát quản lý nước thải BV và công nghệ xử lý được thực hiện với sự giúp đỡ của các Sở Y tế địa phương và hợp tác của các BV trong việc điền phiếu điều tra và đánh giá thực hành, xem xét công nghệ XLNT BV trong mối liên quan công nghệ, chi phí duy tu, bảo dưỡng, chất lượng của dòng thải. Thời gian khảo sát từ tháng 5 đến tháng 10/2010.
III. Kết quả và thảo luận
1.  Mô tả về bệnh viện tham gia nghiên cứu
Trong 172 bệnh viện khảo sát có 108 bệnh viện đa khoa cả công và tư lập chiếm 62,8%, 64 bệnh viện chuyên khoa công, tư, ngành chiếm 38,2% (trong đó 85,6% bệnh viện công lập); số giường bệnh (g) trung bình/cơ sở y tế tại TP.Hồ Chí Minh cao nhất, tiếp đến là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế lần lượt là: 434,3; 341,9; 254,2; 221,2; 157,3 giường/cơ sở. Các BV đều hoạt động quá tải so với giường bệnh (g.) kế hoạch. Tỷ lệ quá tải trung bình là 14,2%, quá tải ở BV đa khoa là 19,8%, khu vực Đà Nẵng và Huế tình trạng quá tải cao đến 49,6% và 28,6%.
2.  Sử dụng nước và tải lượng nước thải qua hệ XLNT
Nước thải BV chứa vi khuẩn lây bệnh, nhưng không phải BV nào cũng xử lý theo QCVN 28-2010 ngày 16/12/2010 Bộ TN&MT hay tiêu chuẩn trước đó. Hải Phòng, có 3/17 số BV có hệ XLNT và 3/17 số BV có hệ xử lý không hoạt động, 11/17 BV không có XLNT. Hà Nội có 36/61 BV không có hệ XLNT, 22 BV có hệ XLNT, 3 hệ XLNT không hoạt động. TP. Hồ Chí Minh, có 5 bệnh viện không có hệ XLNT; 40 hệ XLNT; 6 hệ không hoạt động/XLNT không đạt yêu cầu. Đà Nẵng: 4 BV không có hệ XLNT, 16 hệ đang hoạt động. 14 BV không có hệ XLNT tại Huế. Tất cả 52,3% (90/172) BV có hệ XLNT, còn lại 40,7% không có XLNT, 7,0% BV XLNT không hoạt động, (bảng 1). Nhiều hệ XLNT đang hoạt động quá tải, chủ yếu các hệ XLNT xây lắp bằng ngân sách nhà nước (86,7%).

Trung bình hệ XLNT công suất 0,45m3/g. thực tế/ngày, lượng nước sử dụng là 0,65m3/g. thực tế/ngày, công suất thiết kế hệ XLNT là 0,93 m3/g.kế hoạch/ngày. Con số trung bình này ở TP. Hồ Chí Minh là 0,6; 0,66m3/g. thực tế/ngày, 0,7m3/g. kế hoạch/ngày, các hệ XLNT đều chạy hết công suất. BV Hải Phòng sử dụng ít nước hơn với các số liệu là 0,32; 0,33m3/g.thực tế/ngày, 0,51m3/g.kế hoạch/ngày và Đà Nẵng là 0,46, 0,63m3/g. thực tế/ngày, 0,87m3/g.kế hoạch/ngày, nhiều hơn Huế với 0,44 m3/g.thực tế/ngày, 0,49m3/g./ngày, và 0,72m3/g.kế hoạch/ngày thể hiện ở bảng 2.

3. Công nghệ XLNTBV:
Nước thải BV có các chỉ số đặc trưng BOD: 180-280mg/l, COD: 250-500mg/l, SS: 150 - 300mg/l, H2S: 6-8mg/l, T-N: 50-90mg/l, T-P: 3-12(mg/l), Coliform: 106-109 MNP/100ml. Công nghệ bùn hoạt tính, bể lọc sinh học, tiếp xúc sinh học, màng sinh học (MBR), bể phản ứng theo mẻ (SBR) là công nghệ phổ biến cho XLNT BV tại Việt Nam và phân thành các nhóm: sục khí bùn hoạt tính và xử lý sinh học nhỏ giọt sau đó lọc (Nhóm 1), CN2000 xử lý hữu cơ tải trọng cao (là loại màng sinh học cải tiến - Nhóm 2), sục khí tiếp xúc màng sinh học (MBR), lọc sinh học Bio-for, V69, FBR (nhóm 3), công nghệ AAO, SBR và khử trùng 03, uv (Nhóm 5), xử lý sơ bộ + yếm khí/bể tự hoại (Nhóm 4). Phương pháp khử trùng hiện các BV sử dụng là dùng Hypochlorite calcium (CaOCh), chloruamin B, ozone, tia cực tím. Chưa có BV nào khử trùng công nghệ lọc màng ngăn các vi khuẩn, vi rút và không sử dụng hóa chất.
Loại công nghệ xử lý, nhóm I chiếm ưu thế hơn (56,9%) do chi phí đầu tư thấp, ở TP HCM tỷ lệ này là 60,9%. Loại II xử lý sinh học cao tải (CN2000 mới đầu tư, có nhiều ở Đà Nẵng) và Hà Nội 10,8% (11/102). Tuy nhiên, nước thải BV Việt Đức (Hà Nội), BV E (Hà Nội) không đáp ứng yêu cầu amoni theo QCVN 28-2010, mức 2. Các hệ xử lý nước thải lọc màng sinh học (MBR) loại III chiếm 9,8% hay (10/102), Hải Phòng có 5 BV (5,75%) trang bị loại công nghệ này với tên V69. Bên cạnh đó còn một số tên gọi thiết bị khác là BIOX1, BIO sinh học, FBR. Có 15,7% bệnh viện sử dụng công nghệ loại IV đơn giản, đầu tư thấp, 6,9% BV được đầu tư hệ xử lý công nghệ AAO, công nghệ SBR (loại V) và một số khác với suất đầu tư cao hơn, (bảng 3,4). Nhiều đơn vị cho biết, chi phí XLNT khoảng 2.500 đ/m3/ngày. Công nghệ bùn hoạt tính sinh nhiều bùn hơn (0,012% m3 bùn/công suất năm) so với công nghệ khác như màng sinh học hoặc lọc sinh học cao tải.

Các BV có hệ XLNT nhưng không hoạt động cho biết, nguyên nhân là do hệ XLNT chức năng kém, không sửa chữa khắc phục được; xử lý không đạt tiêu chuẩn, quá công suất xử lý. Có 66/90 BV cho biết, không đủ ngân sách hoạt động, thiếu cán bộ chuyên môn có đủ kiến thức để vận hành và khắc phục sự cố.

Hướng dẫn quản lý chất thải lỏng là mối quan tâm hàng đầu trong XLNT. Việc tách riêng các dòng thải lỏng không được quan tâm chú trọng, không nhận thức được các dòng thải có đặc tính khác nhau và trộn lẫn nước thải vào hệ thống thoát, không tách và xử lý tại nguồn (49,2%). Pha trộn lẫn nhau, chi phí xử lý sẽ tăng và khó đạt tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, 15,12% BV trả lời đã ký hợp đồng với nhà thầu bên ngoài; 22,67% BV trả lời không thải những dòng thải (thuốc độc hại, bức xạ/đồng vị, hóa chất quang học, hóa chất khác). Một số BV(12,79) biết, phương pháp xử lý chất thải lỏng nhưng không đầy đủ (bảng 5). Một số BV (12,79%) biết cách xử lý dịch thải lỏng.

Chỉ có 20 BV ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, họ xử lý dòng thải lỏng riêng theo tính chất dòng thải (axit/kiềm, dung môi, chất lỏng có kim loại nặng, chất quang hóa, chất sát trùng, phóng xạ, khác).
IV. Kết luận
Các quy định nghiêm ngặt về xả chất lỏng, thậm chí vài ml máu trong phòng thí nghiệm, chất lỏng hoặc máu số lượng lớn phải được khử trùng theo quy định. Thực trạng là thải chất thải lỏng nhiễm bệnh hay chất thải lỏng nguy hại ở Việt Nam chưa có các hướng dẫn chuyên biệt theo tính chất nguy hại của từng loại dòng thải. Hệ thống bể tự hoại và hệ XLNT nếu được thiết kế hợp lý và các chức năng đảm bảo thì đủ để bất hoạt và khử hoạt tính các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và tiền xử lý tại chỗ các chất lỏng ô nhiễm và vi khuẩn lây nhiễm trong nước thải BV trước khi xử lý khâu cuối nhằm đảm bảo hệ XLNT đáp ứng yêu cầu xả thải theo quy định trong tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7382-2004, quy định mới QCVN 28-2010. Nếu hệ XLNT được thiết kế đúng các ngăn chức năng của từng phần hoạt động tốt là: điều hòa, oxy hóa, nitrat hóa và đề nitrat hóa, lắng, lọc trong, sẽ cho hiệu quả xử lý tốt.
Hoạt động XLNT cần bền vững: Một hệ XLNT được vận hành thường xuyên không những đảm bảo xử lý nước thải mà còn đảm bảo cho các chức năng của hệ thống hoạt động tốt. Có 12/90 hệ XLNT trong khu vực nghiên cứu không hoạt động, trên 31,3% trong số đó không thể hoạt động do chức năng kém và khó sửa. Có 41,67% hệ XLNT chưa đạt TCVN 7382-2004 thường là chỉ tiêu amoni (khi chỉ tiêu amoni cao dẫn đến hiệu quả khử trùng kém và tốn nhiều hóa chất), 40,7% số BV được khảo sát không có hệ XLNT. cần tạo dòng ngân sách và nguồn vốn đặc biệt cho XLNT để các BV có thể tổ chức khảo sát lập kế hoạch thiết kế, xây dựng và đệ trình vay các nguồn tín dụng đầu đầu tư XLNT và duy tu vận hành.

Bên cạnh đó, việc tập huấn nhân viên XLNT BV cũng rất quan trọng, duy trì nhật ký hoạt động hệ XLNT, hiểu kết quả phân tích, lưu trữ kết quả phân tích, trình bày báo cáo, lưu các tài liệu cần thiết, cần chuẩn bị các tài liệu, dữ liệu đầy đủ thông tin và luôn sẵn sàng để cung cấp cho công chúng và cán bộ quản lý hoặc cơ quan hữu quan khi cần thiết. Nhưng trong thực tế, truy cập các thông tin về BVMT của các BV không phải là dễ dàng tại hầu hết các BV được khảo sát.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.Bộ Y tế (2012). Quy chế quản lý chất thải y tế (QĐ47/QĐ-BYT).
2.Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010) Quy chuẩn nước thải bệnh viện QCVN 28-2010 ngày 16/12/2010.


Khản năng xử lý nước thải phân tán theo mô hình bãi lọc trồng cây – hồ sinh học cho các đô thị và khu dân cư 
Sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên đã có những tác động bất lợi, gây ô nhiễm nguồn nước sông Cầu. Một trong những mục tiêu Đề án BVMT lưu vực sông (LVS) Cầu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 là từng bước hạn chế và giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước sông. Trên cơ sở phân tích điều kiện tự nhiên và đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tổ chức thoát nước và xử lý nước thải phân tán theo mô hình bãi lọc trồng cây - hồ sinh học là mô hình phù hợp cho các đô thị nhỏ và khu dân cư tỉnh Thái Nguyên.
1. Giới thiệu chung
LVS Cầu đang chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt của các khu công nghiệp, khu khai thác và chế biến khoáng sản, các đô thị và các tụ điểm dân cư. Quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thái Nguyên đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Hiện nay, tổ chức thu gom và xử lý nước thải (XLNT) các đô thị, khu dân cư và công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa hợp lý.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường của các tỉnh thuộc LVS Cầu những năm gần đây, nhiều vị trí trên sông Cầu từ thượng lưu đến hạ lưu đã có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ. Nồng độ BOD5, COD, SS, dầu mỡ và một số chất ô nhiễm khác trong nước thải cao hơn quy định cho phép theo QCVN 08:2008/BTNMT hoặc QCVN 40:2011/BTNMT. Đặc biệt đoạn chảy qua TP. Thái Nguyên giá trị các thông số này vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần.
Qua nghiên cứu hình thức XLNT phân tán theo mô hình là bãi lọc trồng cây và hồ sinh học đã và đang được áp dụng tại nhiều nơi trong cả nước và có hiệu quả XLNT tốt. Vì vậy, việc tìm hiểu khả năng ứng dụng giải pháp xử lý này cho XLNT sinh hoạt các khu dân cư và đô thị tại tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm cho các nguồn nước tiếp nhận LVS cầu.
2. Công trình bãi lọc trồng cây và hồ sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt phân tán
Công trình bãi lọc trồng cây và hồ sinh học là các công trình XLNT trong điều kiện tự nhiên. Do kinh phí đầu tư xây dựng (không tính kinh phí đất xây dựng) thấp và vận hành đơn giản nên các công trình này được gọi là công trình XLNT chi phí thấp và được ứng dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển. Do tính đến quỹ đất xây dựng công trình và một số yếu tố tác động bất lợi đến môi trường như mùi hôi, thấm vào nước ngầm... mà các công trình bãi lọc trồng cây và hồ sinh học chỉ dùng để XLNT quy mô nhỏ và vừa. Ở Việt Nam công nghệ XLNT bằng hồ sinh học và bãi lọc trồng cây đã được ứng dụng trong nhiều năm gần đây.
Để đảm bảo được hiệu quả xử lý các chỉ tiêu ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt cũng như tái sử dụng trong sinh hoạt và tạo cảnh quan sinh thái, người ta tổ chức hệ thống XLNT phân tán theo sơ đồ Hình 1.

a. Bãi lọc trồng cây
Bãi lọc trồng cây được xây dựng để XLNT hoặc nước mưa trong điều kiện tự nhiên. Nhờ quá trình sinh trưởng của hệ thực vật, vi sinh vật và các quá trình vật lý như: lắng, lọc, bốc hơi... mà các chất ô nhiễm trong nước thải được xử lý với hiệu quả cao. Hệ thống bãi lọc trồng cây cho phép đạt hiệu suất loại bỏ BOD tới 95% và nitrat hóa đạt 90%. Hệ thống này còn có khả năng lưu giữ tốt một số kim loại nặng trong giới hạn không gây độc cho hệ thực vật, vi sinh vật. Bãi lọc trồng cây có khả năng khử vi trùng thông qua các quá trình tiêu hủy tự nhiên, bức xạ tử ngoại, thức ăn của các loại động vật trong hệ thống... Các virus, mầm bệnh được khử trong công trình bãi lọc bằng các quá trình lắng lọc và tiêu hủy tự nhiên trong môi trường không thuận lợi.
Trồng cây trên các bãi lọc với các tác dụng là: Giảm vận tốc dòng chảy, tăng khả năng lắng cặn trên bãi; Giảm xói mòn và sục cặn từ đáy; Ngăn gió và tạo bóng, giảm sự phát triển của thực vật nổi; Góp phần biến đổi thế oxy hóa khử trong bãi lọc và là nơi vi khuẩn sống bám ở gần mặt nước, tạo điều kiện phân hủy các chất hữu cơ, loại bỏ N, P và diệt vi trùng gây bệnh. Thực vật trồng trong bãi lọc thường là các loại thực vật thủy sinh lưu niên, thân thảo xốp, rễ chùm, nổi trên mặt hoặc ngập hẳn trong nước, phổ biến nhất là cỏ nến, sậy, cói, bấc, lác...
Theo Nguyễn Việt Anh (2010), các mô hình XLNT phân tán với mô hình bể tự hoại cải tiến BASTAF kết hợp với bãi lọc trồng cây, cho phép xử lý nước thải đối với nước thải sinh hoạt, đô thị. Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn mức A QCVN 24:2009/BTNMT và QCVN 14:2008/BTNMT cho phép xả ra môi trường hay tái sử dụng lại nước thải.
b. Hồ sinh học
Hồ sinh học là các thủy vực tự nhiên hoặc nhân tạo, với quy mô nhỏ sẽ diễn ra quá trình chuyển hóa các chất bẩn. Quá trình này tương tự như quá trình tự làm sạch trong các sông hồ tự nhiên với vai trò chủ yếu là các loại vi khuẩn và tảo.
Khi vào hồ, do vận tốc dòng chảy nhỏ, các loại cặn lắng xuống đáy. Các chất bẩn hữu cơ còn lại trong nước sẽ được vi khuẩn hấp phụ và ôxy hóa mà sản phẩm tạo ra là sinh khối của nó, CO2, các muối nitrát, nitrít... Sự phân hủy chất hữu cơ được thực hiện nhờ sinh vật mà chủ yếu là vi khuẩn, một phần nhỏ nhờ Protozoa. Vi khuẩn sẽ tạo thành CO2 và nước trong điều kiện hiếu khí; tạo axit hữu cơ trong điều kiện yếm khí. Khí cacbonic và các hợp chất nitơ, phốt pho được rong tảo sử dụng trong quá trình quang hợp. Trong giai đoạn này sẽ giải phóng ôxy cung cấp cho quá trình ôxy hóa các chất hữu cơ của vi khuẩn. Sự hoạt động của rong tảo tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi chất của vi khuẩn.
Do quá trình hoạt động quang hợp của tảo trong hồ, các ion carbonat và bicarbonat thực hiện các phản ứng cung cấp nhiều dioxit cácbon cho tảo và nhiều ion hy­droxyl được giải phóng, pH của nước có thể tăng lên đến gần 9,4 (Mara, 2005). Quá trình quang hợp làm pH tăng đi đôi với cường độ bức xạ trong hồ lớn. Đây chính là yếu tố kìm hãm phát triển của vi khuẩn gây bệnh (Mara, 2005). Nước xáo trộn tốt, vì do gió thổi trên tầng mặt tạo nên sự phân bố đồng nhất BOD, oxy hòa tan, vi khuẩn và tảo. Đó là các yếu tố chính làm tăng mức độ ổn định chất thải trong hồ (Mara và Pearson, 1987). Hệ thống hồ sinh học có thể loại bỏ được 80% Nitơ (Mara và các người khác, 1992). Phốt pho được loại bỏ khỏi nước trong hồ ổn định bằng cách hấp thụ vào sinh khối của tảo, hô hấp và lắng đọng (Mara và Pearson, 1986).
Hồ sinh học đã được nghiên cứu ứng dụng để xử lý nước thải đô thị và các khu dân cư ở nước ta.
3. Tổ chức XLNT phân tán cho các khu dân cư và đô thị tỉnh Thái Nguyên
Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi thuộc LVS Cầu có diện tích tự nhiên là 356,2 km2, dân số 1.123.116 người (tính đến 1/4/2009). Hiện nay, Thái Nguyên có 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện. Dân cư đô thị tập trung chủ yếu tại các khu vực nội thành, nội thị và thị trấn, thị tứ. Các vùng ngoại thành, ngoại thị dân cư thưa thớt.
Thái Nguyên có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, tính trung bình cứ 1 km2 có 0,93 km sông, trong đó sông Cầu là dòng chảy chính, chiếm diện tích lưu vực lớn trên địa bàn tỉnh, phần lớn diện tích của tỉnh nằm trong LVS Cầu.
Thái Nguyên có hệ thống thoát nước chung trong đó lượng nước thải sinh hoạt phát sinh là 54.000 nghìn m-Vngày (năm 2010).

Ở các đô thị khác của tỉnh Thái Nguyên hầu hết chưa có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt riêng biệt, 100% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, đổ thải trực tiếp xuống các thủy vực, gây ô nhiễm môi trường. Tại các thị trấn và thị tứ, nước thải từ các khu nhà vệ sinh của các hộ gia đình, công sở, cơ quan, trường học... được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó dẫn vào hệ thống thoát nước chung của đô thị và thải vào các nguồn tiếp nhận. Với hiện trạng thu gom xử lý như vậy, nước thải sinh hoạt đã trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm chính và khó kiểm soát đối với các thủy vực tiếp nhận tại Thái Nguyên, đặc biệt là với LVS Cầu.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh thái, cảnh quan LVS Cầu, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sau khi Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp cùng 6 tỉnh LVS Cầu tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch hoạt động BVMT sông Cầu. Mục tiêu tổng quát Đề án BVMT LVS Cầu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 là: Đảm bảo ổn định chất lượng nước trên các sông suối chưa bị ô nhiễm duy trì đạt giới hạn tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt; Từng bước hạn chế và giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sông Cầu; Ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng các dòng sông, suối; Xử lý các đoạn sông, khu vục bị ô nhiễm; Khôi phục và cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái ven sông Cầu.
Với điều kiện địa hình miền núi với các đồi thấp và dân cư đô thị có mật độ không cao, phân bố thành nhiều khu nên tổ chức thoát nước và XLNT tập trung là phức tạp. XLNT phân tán là phương án hợp lý đối với các đô thị nhỏ và các cụm dân cư vùng ven đô TP.Thái Nguyên và thị xã Sông Công.
Ngoài hệ thống thoát nước và XLNT tập trung tại TP.Thái Nguyên và thị xã Sông Công, các khu vực dân cư và đô thị khác của tỉnh Thái Nguyên có thể lựa chọn hình thức thoát nước và XLNT phân tán. Với lưu lượng nước thải của các đối tượng dao động từ 200 - 2.000 m3/ngày, mô hình xử lý theo sơ đồ bãi (cánh đồng) lọc trồng cây - hồ sinh học là mô hình lựa chọn hợp lý.
 Đối với bãi lọc trồng cây nên lựa chọn loại bãi lọc ngập nước phía dưới (lọc ngầm) với vật liệu lọc là cuội sỏi và cây trồng là các loại cỏ vertiver, cỏ nến, thiên điểu... Hồ sinh học sau bãi lọc trồng cây là hồ hiếu khí để xử lý các thành phần ô nhiễm hữu cơ, các chất dinh dưỡng và vi khuẩn gây bệnh còn lại. Nước thải sau xử lý có BOD, SS, TN, TP, coliform thấp, có thể tái sử dụng cho các mục đích rửa đường, tưới cây và là nguồn nước tạo cảnh quan sinh thái cho khu vực.
4. KẾT LUẬN
Là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, nằm trong LVS Cầu, nơi nguồn nước sông có xu thế ô nhiễm ngày càng gia tăng, vấn đề thu gom và XLNT sinh hoạt và dịch vụ từ các đô thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất cấp bách. Với địa hình đồi núi, nhiều sông suối, dân cư phân tán thì việc tổ chức thu gom và XLNT theo nguyên tắc phi tập trung cho các đô thị và khu dân cư tỉnh Thái Nguyên là hợp lý. Hệ thống XLNT phân tán với các công trình chính là bãi (cánh đồng) lọc trồng cây kết hợp và hồ sinh học sẽ có hiệu quả làm sạch nước thải cao, thân thiện với môi trường, chi phí vận hành thấp và nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng cho các mục đích sử dụng khác nhau. Với công suất các trạm XLNT từ vài trạm đến vài nghìn m3/ngày, đây là mô hình thích hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội các đô thị tỉnh Thái Nguyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 479/2011/QĐ-UB của UBND tình Thái Nguyên Phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trưởng lưu vục sông Cầu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015.
2.Trần Đức Hạ. Xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ và vừa. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2002.
3.D. Xanthoulis, Lều Thọ Bách, Trần Hiếu Nhuệ, Trần Đức Hạ và nnk. Xử lý nước thải chi phí thấp. Tài liệu giảng dạy cho cao học chương trình VN/Asia- Link/012 (113128) 2005-2008. NXB Xây dựng, 2008.
4.Trần Hiếu Nhuệ, Nguyễn Việt Anh và nnk. Nghiên cứu đề xuất các mô hình xử lý nước thải phân tán cho các đô thị loại 3,4 và 5 của Việt Nam. Đề tài KHCN cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2001-2003.
5.Duncan Mara. Domestic wastewater treatment in developing countries. Earthscan, London, 2005.
6.www.thainguyen.gov.vn ngày 1/12/2010.

VN đàm phán WB về nước sạch, vệ sinh nông thôn
25/9/2012 8:42:33 AM
Ngày 24/9, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc đồng ý với đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) Hiệp định Tài trợ và các văn kiện pháp lý có liên quan của "Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng."
​Đoàn đàm phán liên ngành gồm đại diện của các cơ quan: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Ủy ban Nhân dân của 8 tỉnh, thành phố tham gia Chương trình (Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam và Thanh Hóa) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đoàn Hoài Anh làm Trưởng Đoàn đàm phán liên ngành nêu trên.

Dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng được Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới tài trợ thông qua Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thời gian thực hiện từ 2005-2013.

Dự án được triển khai theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2005-2010) tại bốn địa phương, gồm Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình; giai đoạn 2 (2008-2013) tại 8 địa phương, gồm Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Thanh Hóa.

Mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của cộng đồng một cách đầy đủ, bền vững và hỗ trợ cộng đồng cải thiện các công trình vệ sinh hộ gia đình; nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và các công trình vệ sinh, chấp nhận và thực hành các hành vi vệ sinh để cải thiện sức khỏe gia đình và sự nuôi dưỡng trẻ em.

Dự án cũng góp phần nâng cao năng lực của xã và thôn trong việc lập kế hoạch và quản lý các công trình hạ tầng cơ sở và năng lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi và hỗ trợ cho các sáng kiến của cộng đồng./.


Nước thải bệnh viện là một nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì có hàm lượng hữu cơ, các chất dinh dưỡng cao và đặc biệt có chứa nhiều vi khuẩn, virut gây bệnh. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu, phát triển nhiều công nghệ xử lý nước thải bệnh viện như bể sinh học tiếp xúc hiếu khí, công nghệ bùn hoạt tính trong các bể aeroten truyền thống, SBR-xử lý hiếu khí theo mẻ, lọc sinh học ngập nước, công nghệ AAO, công nghệ màng sinh học MBR… Tuy nhiên, các công nghệ này đòi hỏi chi phí đầu tư cao, vận hành gặp nhiều khó khăn.
Viện Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một đơn vị có gần 10 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý nước thải bệnh viện. Các nhà khoa học của Viện đã phát triển và hoàn thiện được một công nghệ xử lý nước thải bệnh viện mới có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện Việt Nam, khắc phục được hầu hết các nhược điểm của các công nghệ nêu trên. Đó là Công nghệ xử lý bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cải tiến cấp khí tự nhiên.
Lọc sinh học nhỏ giọt là loại bể lọc sinh học với vật liệu tiếp xúc không ngập nước. Nước thải được chia thành các màng nhỏ chảy qua vật liệu đệm sinh học và nhờ sự có mặt của các vi sinh vật phân hủy hiếu khí trên lớp màng vật liệu mà các chất hữu cơ trong nước thải được loại bỏ.
Hệ thống xử lý nước thải y tế của Viện Công nghệ Môi trường có chi phí đầu tư và chi phí vận hành thấp hơn hẳn các phương pháp sinh học thông thường. Mặt khác, quy trình vận hành nó rất đơn giản, các thao tác được thực hiện dễ dàng và hoàn toàn tự động bởi hệ thống điều khiển. Ngoài ra công nghệ này không đòi hỏi nhiều diện tích xây dựng. Không giống như các công nghệ lọc sinh học ngập nước, lọc sinh học trong thiết bị hợp khối, thiết bị sinh học theo mẻ và bùn hoạt tính tuần hoàn đòi hỏi phải cung cấp không khí thường xuyên bằng các máy thổi khí thì lọc sinh học nhỏ giọt vẫn duy trì được sự sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật cả khi mất điện hoặc nguồn điện không ổn định. Ngoài ra, do công đoạn xử lý sinh học diễn ra trong tháp dạng kín có thông khí tự nhiên nên không phải sục khí bằng máy bơm khí như những công nghệ khác. Thông thường những máy thổi khí này khi hoạt động tiêu tốn điện năng lớn và gây tiếng ồn, ngoài ra còn có thể phát tán vi khuẩn gây bệnh ra môi trường xung quanh.
Ưu điểm nổi bật nữa của công nghệ xử lý nước thải y tế của Viện Công nghệ môi trường là toàn bộ hệ thống thiết bị và vật liệu được sản xuất hoặc có sẵn ở trong nước nên việc bảo trì các bộ phận, bổ sung hoặc thay thế một phần vật liệu đệm sinh học sau 10-15 năm hoạt động được thực hiện dễ dàng với chi phí rất thấp.
Nước thải sau khi được xử lý bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt cũng sẽ được loại bỏ tách bùn ở bể lắng Lamell. Bùn thải được xử lý ở bể phân hủy yếm khí. Kết thúc quá trình xử lý là khâu khử trùng. Viện Công nghệ môi trường cũng phát triển và sản xuất chất khử trùng natri hypoclorit từ nước muối bằng phương pháp điện hóa. Đây là phương pháp áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới, thân thiện với môi trường, chi phí rẻ, không sử dụng hóa chất làm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Áp dụng những kết quả nghiên cứu của mình vào thực tiễn, Viện Công nghệ môi trường đã chuyển giao công nghệ, thi công, lắp đặt hàng chục dây chuyền công nghệ này tại nhiều bệnh viện, các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như chế biến sữa, sản xuất rượu bia... và  đã thu được kết quả rất tốt như Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang (công suất Q=330 m3/ngày đêm), Bệnh viện Lao Thái Nguyên (Q=160 m3/ngày đêm), Bệnh viện C Thái Nguyên (Q=360 m3/ngày đêm), Bệnh viện A Thái Nguyên (Q=360 m3/ngày đêm), Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ Thái Bình (Q=130 m3/ngày đêm), Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên (150 m3/ngày đêm, Nhà máy sữa Mộc Châu Q=250 m3/ngày đêm, Trụ sở Công an Tỉnh Quảng Bình (Q=50 m3/ngày đêm), Công ty cổ phần sữa Hà Nội, Hanoi Milk (300m3/ngày đêm)...
 
    
Hình 1, 2. Hệ thống xử lý nước thải do Viện Công nghệ môi trường
chế tạo và lắp đặt tại bệnh viện C Thái Nguyên và bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên 
 
 
   
Hình 3, 4. Hệ thống xử lý nước thải tại bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang và
bệnh viện Gang thép Thái Nguyên
 
Và gần đây nhất là ngày 17/7/2012, hệ thống xử lý nước thải với công nghệ lọc sinh học cải tiến của Viện Công nghệ Môi trường cho Bệnh viện Quân dân y Tỉnh Đồng Tháp đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Hệ thống xử lý có công suất 130m3/ngày đêm, chất lượng xử lý đạt QCVN 28:2010, mức A. Đây là kết quả hợp tác Khoa học và phát triển công nghệ giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và UBND Tỉnh Đồng Tháp. 
  
 Hình 5, 6 và 7. Lễ bàn giao Hệ thống xử lý nước thải bệnh viện Quân dân y tỉnh
Đồng Tháp 130 m3/ngày đêm và một số hình ảnh hệ thống xử lý nước thải
 
Có thể nói, xử lý nước thải bệnh viện bằng phương pháp lọc sinh học nhỏ giọt là phương pháp hiệu quả, rất phù hợp với điều kiện Việt Nam, giúp giải bài toán môi trường và kinh tế cho các bệnh viện ở nước ta hiện nay.