Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013


Khám phá ngôi làng nhà đất được trang trí đẹp mắt

11/05/2013 23:20

Tại miền Nam Burkina Faso, một vùng đất ở Tây Phi gần biên giới Ghana tọa lạc một ngôi làng nhỏ với tên gọi Tiébélé có diện tích khoảng 1.2 ha với những ngôi nhà bằng bùn được trang trí khá tinh xảo và đẹp mắt.

Ngôi làng Tiébélé là nơi trú ngụ của người Kassena, một trong những nhóm dân tộc cổ nhất định cư ở vùng biên giới Burkina Faso vào thế kỷ thứ 15. Làng Tiébélé được biết đến bởi kiến trúc kiểu Gourounsi với những bức tường nhà được trang trí một cách công phu, tỉ mỉ.
Burkina Faso là một vùng quê nghèo, và cũng được xem là một trong những nơi nghèo nhất trên thế giới. Tuy nghèo nàn về vật chất, nhưng đây lại là nơi giàu có về bản sắc văn hóa.
Đối với người dân nơi đây, việc trang trí lên các bức tường nhà là điều quan trọng không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ. Việc trang trí tường nhà là công việc chung được thực hiện bởi những người phụ nữ, đó là một hoạt động cổ xưa bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 16 sau công nguyên.
Người Kassena đã xây dựng nhà ở của họ hoàn toàn bằng những vật liệu có sẵn như đất, gỗ và rơm. Đất bùn đươc trộn lẫn với rơm và phân bò, đối với người Kassena thì một thứ cao trát cực kỳ tốt. Ngày nay, chất liệu xây dựng đó được thay thế bằng gạch, đá và có nền móng vừng chắc.
Những ngôi nhà bùn đất ở làng Tiébélé được xây dựng để chống lại thời tiết khắc nghiệt cũng như kẻ thù. Những bức tường có bề dày hơn 30cm, những ngôi nhà này được thiết kế không có cửa sổ ngoại trừ 1 hoặc 2 lỗ nhỏ để ánh sáng lọt qua.
Cửa trước của nhà thường chỉ cao khoảng 70cm, cửa được thiết kế như vậy nhằm mục đích chắn ánh nắng trực tiếp của mặt trời chiếu vào, đồng thời làm cho kẻ thù khó tấn công. Mái nhà được bảo vệ bởi những thang gỗ, nó giúp cho người ta dễ dàng rút thang khi cần thiết. Đồ uống như rượu hoặc bia được người dân tự ủ và nấu ở nhà.
Sau khi nhà được xây xong thì người phụ nữ sẽ có nhiệm vụ trang trí lên những bức tường sử dụng bùn tẩm màu hoặc phấn trắng. Hình ảnh trang trí trên tường thường là những hoạt động về đời sống sinh hoạt hàng ngày hoặc các biểu tưởng tôn giáo….
Sau khi tường được trang trí xong, tổng thể bề mặt của ngôi nhà được quét lại bằng một loại sơn mài tự nhiên được làm từ đậu Néré luộc kết hợp với cây keo gai châu Phi. Việc trang trí tường phải được hoàn thành trước mùa mưa để bảo vệ tường khỏi sự xói mòi của nước mưa.
Một số hình ảnh về những ngôi nhà tại ngôi làng Tiébélé:

Khai mạc Tuần lễ VHTTDL Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013

12/05/2013 12:48
Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2013 là cơ hội cho cả vùng phát huy thế mạnh, tạo phát triển đột phá để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tối ngày 11/5, TP. Hải Phòng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tổ chức Lễ khai mạc Tuần Văn hoá, Thể thao, Du lịch và Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 2, những hoạt động trọng tâm của Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2013 có chủ đề “Văn minh sông Hồng”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu tại sự kiện quan trọng này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc
TuầnVăn hoá, Thể thao, Du lịch và Lễ hội Hoa phượng đỏ lần thứ 2 tại Hải Phòng.
Đồng bằng châu thổ sông Hồng là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá quốc gia, danh lam thắng cảnh, lễ hội dân gian và tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái phong phú, đa dạng.
Những năm qua, cùng với các địa phương trong cả nước, du lịch của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và Tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực với lượng khách du lịch quốc tế tăng trung bình 13,2%/năm, khách du lịch nội địa tăng 14,3%/năm; tổng thu từ du lịch tăng cao.
Trong vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng,TP. Hải Phòng là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của nền văn minh Việt cổ theo dòng chảy sông Hồng, nơi được thiên nhiên ưu đãi có nhiều tài nguyên tự nhiên đa dạng để phát triển nhiều loại hình du lịch như bãi biển, hải đảo, nổi bật là quần đảo Cát Bà liền kề với vịnh Hạ Long.
Thời gian qua, Hải Phòng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng và các tổ chức trong và ngoài nước huy động nhiều nguồn lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn, tôn vinh những giá trị văn hóa, di sản quý báu; quảng bá với bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước, thu hút được nhiều khách du lịch, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị và giao thương.

Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2013 là cơ hội cho cả vùng tổng kết và đề ra phương hướng nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự đột phá để du lịch thực sự phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm xây dựng ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chiều sâu, chất lượng và hiệu quả; phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển với mức tăng trưởng bình quân khoảng 12%/năm, đạt trên 10 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 50 triệu lượt du khách nội địa với tổng thu từ khách du lịch khoảng18 tỷ USD, tạo thêm 3 triệu việc làm và đóng góp khoảng 7% GDP.
Để góp phần thực hiện tốt các định hướng và mục tiêu của phát triển du lịch quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, thành phố Hải Phòng và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn, chủ động phối hợp, năng động, sáng tạo phát huy tốt nội lực và các lợi thế về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, đồng thời tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè trong nước và quốc tế để phát triển du lịch của Tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh nói riêng và cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng
tạo sức bật cho du lịch trong vùng phát triển mạnh. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương và phát huy sức mạnh sáng tạo nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho phát triển du lịch. Trong đó cần chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên (đặc biệt các di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới); hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của nền văn minh lúa nước... để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo, đa dạng mang đậm chất văn hóa, văn minh sông Hồng gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Đồng bằng sông Hồng có sức cạnh tranh cao, trở thành điểm đến du lịch bền vững mang tầm khu vực và quốc tế.
Chính quyền các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng cần thực hiện các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển bền vững; tăng cường thu hút đầu tư; khai thác hợp lý các tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh, an toàn du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, văn minh du lịch, khuyến khích mỗi người dân và mỗi khách du lịch có trách nhiệm cùng chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững; qua đó góp phần để bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, mến khách của dân tộc ta.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, hỗ trợ, tạo điều kiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong hoạt động du lịch, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động phát triển du lịch, tạo thêm nhiều việc làm, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phầngiảm nghèo, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo diện mạo mới cho cả vùng.
Ngành du lịch phát triển lớn mạnh sau hơn 25 năm mở cửa, đổi mới và hội nhập. Tính từ năm 1995 đến 2012, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng hơn 5 lần (khách du lịch quốc tế tăng từ 1,35 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt; khách du lịch nội địa tăng từ gần 7 triệu lượt lên gần 33 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch tăng gần 20 lần, đạt 160 nghìn tỷ đồng; đóng góp của ngành du lịch vào GDP cả nước tăng từ 3% lên khoảng 6%.
Cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch được đổi mới và tăng cường, tạo ra diện mạo mới cho du lịch Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn có nhiều khó khăn, những kết quả đạt được vừa qua cho thấy du lịch đang là một trong những điểm sáng về kinh tế, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.