Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Ra mắt Quỹ “Tiết kiệm 1 tỷ m3 nước” từ nay đến 2015


- Công ty Unilever Việt Nam và nhãn hàng Comfort với dòng sản phẩm tiết kiệm nước Comfort Một Lần Xả vừa chính thức khởi động một loạt hoạt động liên quan đến thiếu nước trên toàn cầu và ở Việt Nam.

Nhhằm giúp thay đổi nhận thức và hành vi về việc tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, khuyến khích tiết kiệm nước sạch bằng việc giảm số lần xả trong mỗi lần giặt quần áo. Khởi đầu cho hoạt động này là sự ra đời của Quỹ “Tiết kiệm 1 tỷ m3 nước cho Việt Nam” do Unilever Việt Nam và nhãn hàng Comfort phối hợp với Cục Quản lý Tài nguyên Nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN – MT) thực hiện, nhân Lễ kỷ niệm “Ngày nước thế giới năm 2013” tại Cần Thơ. Đây là một trong những chuỗi hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác dài hạn giữa Unilever Việt Nam và Bộ TN – MT trong 5 năm tới. Sự ra đời của Quỹ “Tiết kiệm 1 tỷ m3 nước sạch cho Việt Nam” thể hiện cam kết mạnh mẽ của Unilever trong việc thực hiện “Kế hoạch phát triển bền vững nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, trong đó sẽ giảm một nửa lượng nước khi sử dụng các sản phẩm của Unilever trước năm 2020.
Ngoài ra, Công ty Unilever và nhãn hàng Comfort còn tổ chức hàng loạt hoạt động kêu gọi thanh niên Việt Nam tiết kiệm nước trong khuôn khổ chương trình gây Quỹ “Tiết kiệm1 tỷ m3 nước cho Việt Nam”, nhằm tạo cho sinh viên toàn quốc tham gia vào những hoạt động hữu ích cho cộng đồng. Những hoạt động cụ thể của Chương trình này bao gồm:
* Gặp gỡ sinh viên với chủ đề nước: Thông tin vai trò quan trọng của nước trong cuộc sống, sự cạn kiệt nguồn nước tự nhiên do cách sử dụng thiếu hợp lý trong thời gian qua, đề xuất một số giải pháp hữu ích nhằm thay đổi hành vi trong cộng đồng để tiết kiệm nước; thay đổi nhận thức và hành vi của người dân về việc tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước sạch, khuyến khích tiết kiệm nước sạch bằng việc giảm số lần xả khi giặt quần áo. Trong đó, sinh viên đóng vai trò truyền tải thông tin đối với những cá nhân xung quanh.
 * Tổ chức cuộc thi làm phim ngắn “Tôi yêu nước sạch”: nhằm tạo thêm nhiều hoạt động cho thanh niên và phát huy khả năng sáng tạo và đam mê nghệ thuật của sinh viên toàn quốc. Cuộc thi được tổ chức từ ngày 10/6/2013 đến ngày 31/7/2013 nhằm tìm kiếm đoạn phim ngắn thể hiện thành công chủ đề “Một ngày không có nước sạch”, phản ánh được tình trạng thiếu nước đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Việt Nam, gửi thông điệp tiết kiệm nước sạch đến nhiều người và góp phần thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng nước trong cộng đồng.
* CT đóng góp gây Quỹ “Tiết kiệm1 tỷ m3 nước cho Việt Nam”: Ra mắt trang đóng góp trực tuyến (online) http://1tym3nuoc.vn, bằng cách đóng góp 1.000 đồng/người cho Quỹ “Tiết kiệm1 tỷ m3 nước cho Việt Nam”. Tổng số tiền sẽ được sử dụng vào CT hợp tác dài hạn của Unilever Việt Nam và Bộ TN - MT, nhằm thực hiện các dự án xây dựng và hỗ trợ nước sạch đến các vùng thiếu nước của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Giám đốc ngành hàng nước xả vải, Công ty Unilever Việt Nam cho biết: Unilever cam kết sẽ tiếp tục cùng mở rộng CT nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm 1 tỷ m3 nước sạch cho Việt Nam đến năm 2015.

Khai trương khu nghỉ dưỡng Cát Bà Beach Resort

Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Vương vừa khai trương khu nghỉ dưỡng Cát Bà Beach Resort tại bãi biển Cát Cò – hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ Việt Nam.
Nằm trọn vẹn trong quần thể đa dạng sinh học trên bãi biển đẹp nhất của Cát Bà, Cát Bà Beach Resort được thừa hưởng những vẻ đẹp tự nhiên với núi non, bờ biển, hang động đan xen các công trình nhân tạo và các dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng.
Cát Bà Beach Resort là khu nghỉ dưỡng 3 sao đẳng cấp, sang trọng, nội thất hiện đại trong các Bungalow gỗ xinh xắn Seafront, Seaview và nhà sàn truyền thống Seaview House lưng tựa núi, mặt hướng biển. Không gian xung quanh Resort là cảnh quan của cỏ cây, vạt hoa sắc màu và sự giao hòa núi biển độc đáo, nên thơ. Hệ thống dịch vụ vui chơi, giải trí tại Resort đáp ứng tối đa nhu cầu thư giãn của du khách với các môn thể thao dưới nước, bar bên bãi biển, nature spa & sauna duy nhất bên biển gắn kết con người với thiên nhiên.
Cát Bà Beach Resort được thiết kế không chỉ là khu nghỉ dưỡng lý tưởng, mà còn là nơi để du khách trải nghiệm ẩm thực các vùng miền và hơn cả là hương vị biển Cát Bà đặc trưng không thể bỏ qua. Tại nhà hàng Rock & Sea và tiệc tự nướng trên bãi biển, các món ăn được chế biến theo phong cách mới lạ độc đáo cùng phong cách phục vụ chuyên nghiệp sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Trong những ngày dừng chân tại Cát Bà Beach Resort, du khách còn được tận hưởng chuyến đi tham quan đến nhiều nơi như khu du lịch Pháo đài Thần công ngắm vịnh Lan Hạ, các làng nghề truyền thống tại Cát Bà, vườn quốc gia Cát Bà.
Ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc trung tâm Du lịch Hùng Vương Cát Bà- đơn vị quản lý Cát Bà Beach Resort cho biết: “Thay vì một không khí nhộn nhịp từ những trò chơi hiện đại hay sự ồn ào chốn đông người, du khách lựa chọn loại hình du lịch nghỉ dưỡng mong muốn có được những phút giây thư giãn, tắm nắng và vui chơi cùng nhau bên bờ biển xinh đẹp, thoải mái với các dịch vụ spa hay thưởng thức các món ăn mang hương vị biển là đã có cảm giác tuyệt vời khó quên. Nắm bắt tâm lý này của du khách, Cát Bà Beach Resort đặt những dịch vụ hoàn hảo và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, chu đáo lên hàng đầu để du khách hưởng thụ kỳ nghỉ tuyệt vời nhất”.
Nhân dịp khai trương, Cát Bà Beach Resort dành tặng nhiều dịch vụ miễn phí cho khách lưu trú tại Resort bao gồm dịch vụ ăn sáng, cocktail bãi biển, dịch vụ spa; các môn thể thao bãi biển như thuyền kayak, lướt ván buồm, dịch vụ tham quan khu du lịch Pháo đài Thần công.
Thêm vào đó, mỗi Bungalow sẽ được tặng vé giảm giá 10% các dịch vụ tại câu lạc bộ thể thao bãi biển như: cano thăm vịnh Lan Hạ, Áng thảm, dịch vụ sử dụng phao chuối.
Dưới đây là một số hình ảnh về Cát Bà Beach Resort:
Ngắm bình minh, uống cafe trên Pháo đài Thần công


Chơi các môn thể thao dưới nước tại Cát Bà Beach Resort


Nhà hàng Rock and Sea

Cát Bà Beach Resort ở bãi Cát Cò

Nature Spa & Resort

Quán bar trên bãi biển trong khu Cát Bà Beach Resort

Công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh

  Sáng nay, 11/6, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Trong số 47 chức danh, người đạt nhiều phiếu tín nhiệm nhất (tín nhiệm cao và tín nhiệm) là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội, với 476 phiếu.
Trong số các thành viên Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt kết quả cao nhất, với 455 phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm.
Ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có số phiếu thấp nhất, với 377 phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn đạt hơn 78% so với tổng số 481 phiếu bỏ cho ông Nguyễn Minh Quang.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 436 phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm.
Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội cũng thông qua nghị quyết xác nhận kết quả này.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn
(lần lượt: tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp)
1. Ông Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước: 330 – 133 - 28
2. Bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ tịch nước: 263 – 215 - 13
3. Ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội: 328 – 139 - 25
4. Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội: 323 – 155 - 13
5. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội: 372 – 104 - 14
6. Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội: 322 – 145 - 24
7. Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội: 252 – 217 - 22
8. Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: 234 – 235 - 22
9. Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: 273 – 204 - 15
10. Ông Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại: 253 – 229 - 9
11. Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách: 291 – 189 - 11
12. Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: 210 – 253 - 28
13. Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh: 267 – 215 - 9
14. Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: 294 – 180 - 18
15. Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: 335 – 151 - 6
16. Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban công tác Đại biểu: 292 – 183 - 17
17. Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: 286 – 194 - 12
18. Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: 260 – 204 - 28
19. Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: 241 – 232 - 19
20. Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ: 210 - 122 - 160
21. Ông Hoàng Trung Hải - Phó Thủ tướng Chính phủ: 186 – 261 - 44
22. Ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ: 196 – 230 - 65
23. Ông Vũ Văn Ninh - Phó Thủ tướng Chính phủ: 167 – 264 - 59
24. Ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ: 248 – 207 - 35
25. Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 90 - 286 - 116
26. Ông Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 125 – 274 - 92
27. Ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: 88 – 194 - 209
28. Bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 105 – 276 - 111
29. Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 176 – 280 - 36
30. Ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng: 131 – 261 - 100
31. Ông Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: 215 – 245 - 29
32. Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công thương: 112 – 251 - 128
33. Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 86 – 229 - 177
34. Ông Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: 238 – 233 - 21
35. Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 184 – 249 - 58
36. Ông Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: 158 – 270 - 63
37. Ông Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an: 273 – 183 - 24
38. Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: 83 – 294 - 104
39. Ông Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: 133 - 304 - 43
40. Ông Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: 121 - 281 - 77
41. Ông Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: 323 – 144 - 13
42. Ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải: 186 – 198 - 99
43. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế: 108 – 228 - 146
44. Ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ: 164 – 241 - 87
45. Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 231 – 205 - 46
46. Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: 195 – 260 - 34
47. Ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao: 198 – 269 - 23

2 tỷ USD xây khu đô thị, công nghiệp ở Quảng Ninh

(baodautu.vn) Tập đoàn Amata (Thái Lan) và Tập đoàn Tuần Châu dự kiến liên danh xây dựng Tổ hợp Khu đô thị công nghiệp, công nghệ cao tại tỉnh Quảng Ninh, vốn đầu tư 1,5 - 2 tỷ USD.
Liên danh Tập đoàn Amata - Tập đoàn Tuần Châu vừa đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh ý tưởng xây dựng Tổ hợp Khu đô thị công nghiệp, công nghệ cao tại tỉnh Quảng Ninh.
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cam kết
tạo điều kiện thuận lợi cho Liên danh xây dựng Dự án
Theo đó, mô hình Khu đô thị tương lai có các chức năng là khu công nghệ cao và sạch, khu tự do mậu dịch, các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng, các cơ sở giáo dục, khu đô thị...
Vị trí dự kiến đầu tư ở phía Nam Quốc lộ 18A, đi qua địa bàn Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, với tổng diện tích nghiên cứu khoảng 16.000 ha.
Theo kế hoạch, giai đoạn I Dự án được triển khai trước với diện tích 500 ha ở phía Nam núi Na thuộc thị xã Quảng Yên, với mức đầu tư dự kiến 1,5 - 2 tỷ USD.
Làm việc với hai nhà đầu tư này, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư tại vị trí Liên danh đề xuất; đồng thời, cũng cơ bản chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư giai đoạn I của Dự án.
Cả ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và ông Nguyễn Văn Đọc đều đánh giá cao ý tưởng nghiên cứu và quyết tâm đầu tư vào Quảng Ninh của Liên danh Tập đoàn Amata và Tập đoàn Tuần Châu.
"Tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn Amata và Tập đoàn Tuần Châu triển khai thành công dự án", ông Chính phát biểu.
Trong khi đó, thay mặt Liên danh, bà Panichewa, Tổng giám đốc Điều hành Công ty Amata cam kết sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư để Dự án được khởi công trong thời gian sớm nhất.
Amata hiện được Quảng Ninh xác định là một trong những nhà đầu tư chiến lược của tỉnh.
Thiếu kiểm soát xả thải ra biển: Mối lo ô nhiễm

Mức độ ô nhiễm vùng ven biển, cửa sông của thành phố đang ngày càng gia tăng. Tình trạng này đe dọa trực tiếp đến môi trường biển. Tuy nhiên, việc kiểm soát xả thải ở khu vực này vẫn thiếu chặt chẽ.
Báo động về ô nhiễm
Cống Nam Đông là nơi tiếp nhận nước thải từ mương An Kim Hải đổ ra biển khu vực Đình Vũ. Nơi đây nước thường có màu đen quánh, đặc sệt, ngày nắng bốc mùi khó chịu. Tương tự, cống C1, cống dưới đê biển, cũng là nơi tiếp nhận nước thải của một số cơ sở sản xuất trên địa bàn quận Dương Kinh. Cách không xa bến cá đường vào đền bà Đế cũng có cống xả trực tiếp ra biển. Nước qua cống xả thường có màu đen.
Theo kết quả nghiên  cứu "Thực trạng môi trường nước vùng cửa sông ven biển Bắc Bộ" do Tiến sĩ Vũ Hoàng Hoa và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Nga – (Trường đại học Thủy lợi Hà Nội) thực hiện, khu vực nước biển ven bờ thuộc vùng biển Hải Phòng, đặc biệt là khu vực cửa sông có cảng, đang bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm trước tiên phải kể đến là ô nhiễm dầu. Hàm lượng dầu trong nước ở vùng biển ven bờ tăng cao, nhất là ở khu vực cửa sông, gần khu vực cảng, bến đỗ tàu thuyền. Hệ số ô nhiễm dầu trong trầm tích tăng từ 0,7 (năm 2001) lên 2,4 (năm 2008). Ô nhiễm đục nước đứng thứ hai sau ô nhiễm dầu. Gần đây ảnh hưởng đục của nước ven bờ tăng lên rõ ở khu vực bãi tắm, ảnh hưởng xấu tới du lịch và làm chết san hô, giảm năng suất sơ cấp thực vật nổi do hạn chế quang hợp. Đây là hậu quả của nạn phá rừng đầu nguồn và xói lở ở ven biển. Chỉ tính riêng sông Cấm từ năm 1960 đến năm 1992, lưu lượng nước tăng bình quân hàng năm từ 1 km3/năm lên 12,9 km3/năm và hàm lượng phù sa tăng từ 20 g/m3 lên 340 g/m3. Độ ôxy hoà tan (DO) của vùng biển thấp, trung bình khoảng 3,3 đến 10,9 mg/l vào mùa khô và khoảng 0,1 đến 6,1 mg/l vào mùa lũ. Nhu cầu ôxy hoá sinh học (BOD) khá cao (13,6 đến 31 mg/l), chỉ số vi sinh (coliform) qua khảo sát đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân của tình trạng này là do chất thải công nghiệp, đô thị, các khu dân cư và những hoạt động trên biển gây ra. Ô nhiễm dầu chủ yếu do tình trạng phát triển giao thông thuỷ, công nghiệp và do các phương tiện tàu thuyền đánh cá lạc hậu... và thiếu trang thiết bị, cũng như khả năng ứng cứu, xử lý khi có sự cố tràn dầu.
Lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Lan Hạ, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải).
Lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Lan Hạ, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải).
Quản lý lỏng lẻo
Từ năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Theo đó, các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên hải đảo, chủ phương tiện nổi trên biển có trách nhiệm báo cáo về chất thải và phương án xử lý chất thải với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường. Nước thải từ các dàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí, phương tiện nổi, nước dằn tàu của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại các vùng biển của Việt Nam chỉ được phép xả ra biển sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...
Quy định đã có, song việc kiểm soát xả thải vẫn chưa được thực hiện. Tại khu vực ở cửa hàng ăn uống tại bãi biển khu 295, khu 2 Đồ Sơn,... du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhà hàng ở đây xả trực tiếp ra biển bằng những đường thoát nước thô sơ, nhiều khi lênh láng ra bãi cát chung quanh. Việc xả thải ra biển diễn ra một cách công khai mà không có sự xử lý, nhắc nhở nào. Không riêng ở Đồ Sơn, tại khu vực Cát Bà, quy hoạch khu vực chỉ cho phép khoảng hơn 250 bè cá,  nhưng tới nay số bè cá lên tới hơn 500 với hàng nghìn lồng nuôi cá. Mỗi bè lại có một kiểu cho cá ăn riêng. Các loại cá sống, cá chết được băm nhỏ dùng làm thức ăn, rồi tinh bột, rau tươi,… rất cả tống xuống hàng nghìn ô lồng. Cá ăn không hết, thức ăn hoặc lọt qua lưới xuống đáy biển, hoặc trôi khắp khu vực biển gần đó. Mặc dù chưa có được số liệu quan trắc cụ thể, nhưng chỉ bằng cảm quan cũng thấy ô nhiễm môi trường biển ở đây đang diễn biến hết sức phức tạp. Nhưng lạ một điều là chưa có cá nhân hay doanh nghiệp nuôi cá lồng bè nào bị xử lý về vấn đề này.
Tình trạng nhận thức về xả thải với nguy cơ ô nhiễm môi trường biển chưa đầy đủ và sự vào cuộc thiếu mạnh mẽ của các cơ quan chức năng đang góp phần làm gia tăng mức độ ô nhiễm biển.
Doanh nghiệp - Những mảng màu sáng, tối

Đã qua gần nửa năm, doanh nghiệp Hải Phòng vẫn đang gồng mình chống đỡ khó khăn. Hàng tồn kho, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh đình trệ, thiếu thị trường… là những vấn đề không mới, nhưng có thêm nhiều diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, vẫn có những DN giữ được sự ổn định, có phần phát triển và đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố.
Tín hiệu vui từ số thu ngân sách
5 tháng, số thu ngân sách nội địa của thành phố tăng trưởng 22%. So với dự toán được giao thì tỷ lệ này chưa đạt nhưng nếu đặt trong bối cảnh DN đang gặp quá nhiều khó khăn như năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 thì là kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể trong cân đối thu chi ngân sách. Quan trọng hơn, một số DN lớn có đóng góp đáng kể vào tỷ lệ tăng thu này.
Nếu tính số nộp ngân sách theo khu vực DN thì 5 tháng, DN Trung ương đã nộp ngân sách 751,6 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán pháp lệnh, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuế TNDN 5 tháng đạt 280,3 tỷ đồng, bằng 225% so với cùng năm 2012. Kết quả này một phần do phần thuế TNDN của DN được giãn hoãn từ những năm trước, nay tới kỳ phải nộp nhưng một phần là do các DN đã nỗ lực tái cấu trúc, biết năm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn để tạo ra hiệu quả.
Đối với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, số thu 5 tháng đạt 712 tỷ đồng, bằng 38% dự toán và tăng trưởng 20,4%. Trong đó, thuế TNDN đạt 465 tỷ đồng, bằng 47% dự toán và tăng 33,9% do một số DN có số nộp cao hơn như Công ty TNHH dầu nhờn Cheveron tăng 16,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Thủy tinh Sanmiguel tăng 8,9 tỷ đồng; Công ty CP khu công nghiệp Đình Vũ tăng 16,3 tỷ đồng. Khoản thu từ phí và lệ phí đạt 57,6 tỷ đồng, tăng trưởng 83,5% chủ yếu do Công ty Hoa tiêu nộp tăng hơn 33 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, khoản thuế TNDN phản ánh rõ nét nhất hoạt động, hiệu quả của DN thì 5 tháng qua đã có một số tín hiệu đáng mừng.
5 tháng, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng nộp ngân sách tăng 8,9 tỷ đồng.
5 tháng, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng nộp ngân sách tăng 8,9 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp ngập trong khó khăn
Tuy nhiên, mảng màu sáng của bức tranh DN thành phố chưa nhiều. Hiện tại còn hàng chục nghìn DN đang ngập trong cảnh khó khăn, nợ nần. Theo Sở Công Thương, sản xuất xi măng những tháng đầu năm phục hồi do khai thác được thị trường xuất khẩu, lượng tiêu thụ tăng nhưng số nộp ngân sách lại giảm, riêng Công ty xi măng Chinfon thuế GTGT thực hiện chỉ bằng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ thép chưa được cải thiện. Một số DN sản xuất thép tiếp tục phải tạm ngừng sản xuất để tiêu thụ lượng hàng tồn kho, thậm chí phải giảm mạnh giá bán nên không có hiệu quả. Ngành sản xuất giày dép do giãn vụ trong 3 tháng sản lượng cũng giảm mạnh… Chính vì thế, 5 tháng qua, có tới 20 ngành công nghiệp chủ chốt giảm, trong đó có nhiều ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp như sắt thép giảm 16,2%; đóng mới và sửa chữa tàu giảm 34,4%; sản xuất sợi giảm 72%; sản xuất thiết bị phát điện giảm 37,8%; sản xuất ắc quy giảm 42,8%; chế biến thủy sản giảm 26,7%; sản xuất sơn giảm 14,8%; sản xuất phân bón giảm 7,1%...  Khó khăn dường như càng nặng nề hơn đối với các DN bất động sản, DN ngoài quốc doanh. Vì thế, nhiều DN có số nộp ngân sách giảm nhiều so với năm trước như Công ty CP đầu tư Sao Đỏ, Công ty Thùy Dương, Công ty Tonan… Đó là chưa kể một loạt doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hoặc bế tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính bởi khu vực DN gặp khó khăn đang nhiều hơn DN có thuận lợi và phát triển nên số thu ngân sách của thành phố mới tăng trưởng 22% trong khi yêu cầu phải tăng 31% mới có đủ nguồn để cân đối thu- chi.
Quyết liệt vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn
Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục được lãnh đạo thành phố và các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu  hiện nay. Kiểm điểm lại, tuy đã tích cực vào cuộc nhưng hiệu quả chưa như ý muốn, còn có tình trạng lờ vờ, vô cảm trước những khó khăn của DN. Trong khi chủ DN chạy vạy khắp nơi để duy trì sự tồn tại thì còn có cán bộ công chức thờ ơ, làm việc tắc trách, bắt DN phải chạy lên chạy xuống nhiều lần mà chưa gỡ được khó khăn. Có DN cần hoàn tất thủ tục đất đai để làm cơ sở cho ngân hàng tiếp tục giải ngân, DN mới hoạt động được nhưng tiến độ lại quá chậm, vướng mắc quá nhiều thủ tục, không kịp thời hỗ trợ cho DN.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua của UBND thành phố, một số ngành đề nghị thành phố đối thoại, gặp gỡ với DN để trực tiếp giải quyết khó khăn. Lãnh đạo thành phố đồng tình với phương án này nhưng cho rằng không nhất thiết phải tổ chức cuộc họp mà nên trực tiếp xuống tận DN để tìm cách tháo gỡ trong phạm vi trách nhiệm của mình với tinh thần công tâm, khẩn trương, vì DN. Doanh nghiệp cần cấp GCNQSDĐ để vay vốn ngân hàng, hoàn tất thủ tục ngay. Các phương án hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, giải tỏa hàng tồn kho cũng cần cụ thể, thiết thực, hiệu quả.  
5 tháng đầu năm 2013, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nộp ngân sách tăng 34,4 tỷ đồng; Công ty CP đóng tàu sông Cấm tăng 10,3 tỷ đồng; Trung tâm Thông tin di động khu vực 5 tăng 44,8 tỷ đồng; Công ty CP Nhiệt điện tăng 5,2 tỷ đồng; Công ty DAP Vinachem tăng 34,4 tỷ đồng; Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí tăng 16,2 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Thép Việt Ý tại Hải Phòng tăng 6,1 tỷ đồng; Công ty CP vận tải xăng dầu VIPCO tăng 54,3 tỷ đồng. Khu vực DN địa phương cũng có một số DN có kết quả kinh doanh sáng sủa hơn. Nhờ đó, số thu 5 tháng từ khu vực này là 317,9 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, tăng trưởng 28%. Thuế TNDN của các DN địa phương là 77,6 tỷ đồng, bằng 43% dự toán, tăng trưởng 7,5%.  Công ty Thuốc lá Hải Phòng nộp tăng 18 tỷ đồng; Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng tăng 8,9 tỷ đồng.
       

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung


Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội báo cáo về chủ trương từng bước giảm dần sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN).

Bộ Xây dựng khuyến khích các DN tăng cường sản xuất và sử dụng VLXKN nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
Theo đó, ngay từ những năm cuối của thế kỷ XX, Bộ Xây dựng đã nhận thấy việc đầu tư phát triển sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công tràn lan tại các địa phương gây hậu quả lớn: Tiêu hao đất sản xuất nông nghiệp, sử dụng không hiệu quả nguồn nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Xây dựng lộ trình thay thế vật liệu xây nung
Để từng bước khắc phục tình hình nêu trên, năm 2000, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 Quy định về đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung và đã đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công sản xuất gạch nung. Tiếp đó, năm 2001, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 115/2001/QĐ-TTg ngày 01/8/2001 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 (gọi tắt là Quyết định 115). Đến năm 2008, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 121, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định 121), trong đó quy định về đầu tư sản xuất gạch đất sét nung: Đầu tư chiều sâu cải tiến công nghệ sản xuất gạch đất sét nung ở tất cả các cơ sở sản xuất hiện có, nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu và bảo vệ môi trường.
Và để triển khai có hiệu quả Quyết định 121, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020. Sau hơn một năm triển khai thực hiện Chương trình 567, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định 567, hiệu quả đạt được tại các địa phương khá rõ rệt. Trước khi có Quyết định 567, số liệu thống kê năm 2009 trên toàn quốc đã sản xuất được khoảng 23 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC); trong đó VLXKN khoảng 8%, gạch đất sét nung 92%. Hiện nay có 8 tỉnh đã xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trình Bộ Xây dựng thẩm định và ban hành là các tỉnh: Kon Tum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Đak Nông và Lào Cai.
Theo báo cáo của Bộ xây dựng, đến hết năm 2012, trên phạm vi toàn quốc đã đầu tư các dây chuyền sản xuất VLXKN với tổng công suất khoảng 5,4 tỷ viên QTC, so với sản lượng vật liệu xây sản xuất năm 2012 chiếm 27% (sản lượng vật liệu xây năm 2012 khoảng 20 tỷ viên QTC). Trong đó gạch xi măng cốt liệu là 4 tỷ viên và gạch bê tông nhẹ là 1,4 tỷ viên. Như vậy sau gần ba năm thực hiện Chương trình, việc đầu tư sản xuất VLXKN của các DN đã đạt mục tiêu đề ra.
Miễn tiền thuê đất cho DN sản xuất VLXKN
Để thúc đẩy Chương trình 567 vào thực tế, khuyến khích các DN, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất VLXKN, trong những năm qua Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển VLXKN như: Ưu đãi thuế suất, thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu để phục vụ dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất từ 7 triệu viên /năm trở lên.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXKN nhẹ có tên trong danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu; Dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nếu đáp ứng về địa bàn thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN.
Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXD loại nhẹ còn được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng; miễn tiền thuê đất nếu dự án được đầu tư tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, được miễn tiền sử dụng đất nếu dự án được đầu tư tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Giảm 30% tiền sử dụng đất nếu dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư không thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn; Được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…