Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Nhiều DN “quên” xử lý nước thải
Ngày: 23/06/2013
Có đến 157 cơ sở vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường với số tiền đề nghị xử phạt lên tới 32,7 tỉ đồng.
Đây là thống kê của Bộ TN-MT, trong tổng số 429 cơ sở, KCN, CCN trên địa bàn các tỉnh, thành phố được thanh tra năm 2012.
 
Giám định mẫu nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường
Hiện, cả nước đã có 283 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 80 nghìn ha trên phạm vi 58 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52 nghìn ha, chiếm 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Ngoài ra, còn có khoảng 878 CCN do địa phương thành lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quy hoạch các KCN, CCN hiện tại không tuân theo quy hoạch thống nhất, một số nơi thiếu cơ sở khoa học do chưa được giải quyết đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Quy hoạch thiếu đồng bộ
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường C49, các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến tình trạng 75% nước thải khu công nghiệp thải ra ngoài với lượng ô nhiễm cao.
Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ, lượng nước thải từ các KCN, chiếm đến 49% lượng nước thải của các KCN trong toàn quốc. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ TN-MT, tỉ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp.
Bên cạnh đó, nhiều KCN trên cả nước vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng không tuân thủ thiết kế dự án đầu tư dẫn đến không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, cũng như việc đầu tư cho hệ thống thoát nước còn manh mún, chắp vá, không hiệu quả.
Kiểm tra ra vi phạm
Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các KCN nói riêng ở VN đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, VN có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Mỗi năm VN cũng thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.
Một trong những lý do khiến công tác bảo vệ môi trường tại nhiều khu công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn là do chức năng giám sát, kiểm tra về môi trường của Ban quản lý các khu công nghiệp chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống xử lý nước thải công nghiệp rất tốn kém, không phải chủ đầu tư khu công nghiệp nào cũng sẵn sàng triển khai, do đó, công tác bảo vệ môi trường thường bị bỏ ngỏ hoặc chỉ làm mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.
Năm 2012, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 429 cơ sở, KCN, CCN; xử lý và đề nghị xử lý đối với 157 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt là 32,7 tỉ đồng. Tổng cục Môi trường cũng đã triển khai 5 đoàn thanh, kiểm tra về BVMT theo Quyết định 64 đối với 38 cơ sở gây ô gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lập 31 biên bản vi phạm hành chính đối với 31 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, chuyển hồ sơ cho Chánh Thanh tra Bộ ra quyết định xử phạt với số tiền 1.861 triệu đồng.
Trong khi đó, lực lượng “mũi nhọn” về xử phạt vi phạm môi trường tại các KCN là Cảnh sát môi trường, mặc dù được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố nhưng mới chỉ có 22 Phòng Cảnh sát môi trường địa phương thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm tại các KCN (chiếm 36,6% so với 60 địa phương có KCN) với tổng số tiền hơn 2,5 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia môi trường, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN, trước hết, Ban Quản lý KCN phải phối hợp với các cơ quan kiểm tra, giám sát ngay giai đoạn xây dựng hạ tầng các KCN, CCN. Trong đó, bắt buộc các chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.