Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Thẩm định Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Ngày 27/9, tại Trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, Chủ tịch đã tổ chức cuộc họp thẩm định Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 (Đồ án), do Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện.
Tham dự cuộc họp thẩm định có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội môi trường đô thị và KCN.
Hiện nay, mỗi ngày Hà Nội phát sinh 5.370 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó ở khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với khối lượng trên 2.000 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt vào các khu xử lý tập trung chỉ đạt 3.875 tấn, tương đương 72%.
Hà Nội có 3 nhà máy xử lý và 4 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chôn lấp hợp vệ sinh đạt khoảng 94,95%, đốt khoảng 2,6%, còn lại là sản xuất phân vi sinh đạt 2,45%.
Đồ án phân Hà Nội theo 3 vùng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, bao gồm: Vùng I là khu vực nội đô, khu vực Vành đai 2 đến sông Nhuệ, các khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng, vùng II là khu vực phía Nam thành phố (Thanh Trì, Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức), vùng III là khu vực phía Tây thành phố (Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây).
Theo tính toán của các viện Quy Hoạch Xây dựng Hà Nội, đến năm 2030, lượng chất thải rắn phát sinh ở Hà Nội đạt 11,3 nghìn tấn mỗi ngày, trong đó, 99% sẽ được thu gom và xử lý. Năm 2050, tỷ lệ thu gom, xử lý ước tính sẽ đạt 100% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn Thủ đô (Dự tính khoảng 15.850 tấn).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận xét, Đồ án đã tuân thủ những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, và phân vùng thu gom, xử lý rác thải một cách có cơ sở, bám sát với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cần chỉnh sửa, bổ sung một số chi tiết để làm rõ hơn việc lựa chọn các giải pháp, công nghệ phù hợp nhằm giảm thiểu lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp cũng như bố trí hợp lý các trạm chung chuyển rác thải rắn.
Bên cạnh đó, đơn vị soạn thảo cần tiếp thu đầy đủ hơn nữa những góp ý của các bộ, các chuyên gia phản biện để trở nên hoàn thiện hơn, để Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng thẩm định, nghiệm thu trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.