Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012


Lợi ích nhóm từ kẽ hở của Luật Đấu thầu

29/05/2012 11:01

Ông Vũ Khoa
Kết luận Thanh tra Chính phủ số 1039 công bố về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT trong thực hiện Luật Đấu thầu, trong đó chỉ ra sai phạm hàng loạt tại các dự án chỉ định thầu. Ngày 24/5 vừa qua, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) có cuộc gặp gỡ báo chí trao đổi ý kiến về Luật Đấu thầu và chỉ định thầu. PV Báo Xây dựng có cuộc phỏng vấn ông Vũ Khoa - Chủ tịch VACC xoay quanh kết luận này và đề xuất kiến nghị mới cho Luật Đấu thầu sửa đổi đang được soạn thảo trình Quốc hội.
Ông có ý kiến gì sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT trong thực hiện Luật Đấu thầu được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua?
- Trong kết luận này chưa nói đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT, mà tôi thấy nổi cộm nên vấn đề lớn. Đó là chỉ định thầu, và tất nhiên là chỉ định thầu không đúng với luật pháp. Thanh tra Chính phủ nêu ra một loạt sai phạm tại các địa phương như Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Hưng Yên, Bộ GTVT… Luật Đấu thầu nói rõ những trường hợp chỉ định thầu là trường hợp nào? Đó là các công trình dự án mang đặc điểm: có sự bất khả kháng, gói thầu do nước ngoài tài trợ, gói thầu mang bí mật, ý nghĩa kinh tế quốc gia, gói thầu mua sắm mở rộng trang thiết bị có trong hạn mục do Thủ tướng phê duyệt. Thực tiễn thì những dự án như đường giao thông nông thôn, như tượng đài, khu du lịch sinh thái, trụ sở UBND tỉnh… thì chả có gì là cấp bách, hay bí mật quốc gia nhưng lại được chỉ định thầu tràn lan, giá trị lên đến ngàn tỷ. Đáng nói là đơn vị trúng thầu là một số doanh nghiệp giàu có và thế lực. Lợi ích nhóm xuất phát từ kẽ hở của Luật, dư luận đặt câu hỏi lợi ích nhóm ở đây là có căn cứ.
Theo ông, hậu quả của việc sai luật thế nào? và ảnh hướng đến các nhà thầu khác ra sao?
-Việc chấp hành Luật không nghiêm, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ thông báo tên dự án, giải ngân, tiến độ chậm… rồi kiến nghị tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cơ quan, đơn vị có liên quan đến khuyết điểm. Có những đơn vị nói thẳng rằng chúng tôi chả phải đấu thầu, toàn được chỉ định thầu. Theo pháp luật thì bất cứ ai sai luật cũng phải chịu trách nhiệm chứ, vi phạm luật pháp phải ra tòa chứ, không thực hiện cũng không sao thế này thì Luật để làm gì? Liên quan đến giao thầu, là có cơ chế xin cho - chỉ định thầu là món ngon, có tham nhũng, kém minh bạch. Không ra tòa mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thì rõ ràng người ta sẽ lợi dụng Luật nhiều hơn. Đây là thiệt thòi lớn cho các nhà thầu khác, khi họ có đủ năng lực mà không có cơ hội đấu thầu. Điều này cũng có nghĩa là nhiều công trình bị chiếm dụng vốn và kém chất lượng, thất thoát ngân sách nhà nước và tâm lý ức chế cho xã hội.

Khu du lịch sinh thái Tràng An - Ninh Bình.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi mà chủ đầu tư và nhà thầu thích chỉ định thầu hơn đấu thầu?
- Thứ nhất là do năng lực cạnh tranh của nhiều nhà thầu yếu, chỉ có thể có được công trình thông qua chỉ định thầu. Thứ hai, khi chỉ định thầu, giá gói thầu không phải trọn gói mà người ta sẽ điều chỉnh suốt trong thời gian thi công. Thông thường, các gói thầu được chỉ định bao giờ cũng đưa ra mức rất thấp để “chào hàng”, sau đó, nhiều dự án được điều chỉnh tăng mức tổng đầu tư lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá trị ban đầu. Và nguyên nhân thứ 3 là lợi ích của các bên chỉ định thầu sẽ tốt hơn đấu thầu vì việc tăng giá trị gói thầu sẽ có lợi cho cả 2 bên.
Chính phủ và Quốc hội đang có lộ trình sửa đổi một số luật trong đó có Luật Đấu thầu. Liên quan đến những hạn chế như vừa trao đổi, ông có kiến nghị gì?
- Tôi nghĩ, cần làm rõ quyền hạn của Thủ tướng trong việc phê duyệt các dự án chỉ định thầu, Thủ tướng phải báo cáo Quốc hội về việc Chỉ định thầu để Quốc hội giám sát, xem việc đó đúng hay sai, xử lý thế nào, trách nhiệm của cơ quan đơn vị, cá nhân trình ký, duyệt ký đến đâu? Các chủ đầu tư phải có thông báo, đăng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường công tác giám sát, các cơ quan quản lý, cơ quan độc lập giám sát, các nhà thầu giám sát lẫn nhau.
Trân trọng cảm ơn ông.
Ông Dương Văn Cận - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị: Giảm bớt quy trình đấu thầu
“Cần phải giảm bớt quy trình đấu thầu để các chủ đầu tư không còn vin vào lý do đấu thầu nhiêu khê; hoàn thiện những quy định của pháp luật, triển khai thực hiện luật nghiêm túc, không để những kẽ hở trong Luật Đấu thầu bị lợi dụng như xác định rõ hơn thế nào là gói thầu thuộc dự án cấp bách, vì lợi ích dự án quốc gia; Đặc biệt, cần giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước. Trong những trường hợp đặc biệt áp dụng hình thức chỉ định thầu cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; cần có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến bộ ngành quản lý”.

Lối mở cho vật liệu xây không nung

29/05/2012 10:07
Trong một khoảng thời gian kéo dài hàng năm trời, DN sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) nào may mắn lắm cũng chỉ đạt công suất chạy máy khoảng 50%. Làm ra mà không bán được thì cũng đồng nghĩa với… tự sát. DN bi quan và đứng bên bờ vực phá sản khi mất niềm tin từ việc phải chờ đợi quá lâu “cơ chế chính sách nền tảng” để kiến tạo thị trường.

“Nút thắt” tư tưởng lớn nhất trong khối sản xuất VLKN đã được gỡ bỏ.
Gặp nhiều trở ngại
“Nắng hạn gặp mưa rào”, cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLKN, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cũng đã được Bộ Xây dựng ban hành, từ đây lối mở để VLKN tiến quân vào các công trình sử dụng vốn ngân sách sẽ không còn trong tình trạng “cửa đóng then cài” như trước. Từ giờ phút này, chuyện sống còn của ngành VLKN hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò xúc tiến thương mại và quảng bá kích cầu sản phẩm của chính bản thân các DN.
Tính từ thời điểm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ xuất hiện đến nay tuy mới hơn 1 tháng rưỡi nhưng chí ít “nút thắt” tư tưởng lớn nhất trong khối sản xuất VLKN đã được gỡ bỏ. Không chỉ vậy, khi tìm hiểu chỉ số tiêu thụ của các đại lý bán hàng VLKN sẽ thấy doanh số thương mại đang tiến triển rõ rệt. Tuy chưa có con số thống kê toàn diện vì khoảng thời gian còn quá ngắn, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận một điều chính hệ thống cơ chế chính sách đã “thông tắc” cho một mảng sản xuất gần như đã bước vào ngưỡng cửa của việc bị bức tử một cách đau đớn!
Một thực tế buồn không thể phủ nhận là thời gian qua, mảng thị trường chính là VLXKN gặp rất nhiều trở ngại trên con đường xâm nhập vào đời sống xây dựng. Có thời điểm, tới 7 nhà máy cùng tồn tại trong tình trạng sản xuất cầm chừng, 1 nhà máy phải dừng hẳn sản xuất. Đáng nói là sự khủng khiếp ấy diễn ra trong bối cảnh có tới 15 nhà máy đã đầu tư, đang chuẩn bị khánh thành và khoảng gần 20 nhà máy nữa đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.
Điểm lại thực tế buồn này để thấy: Muốn vươn lên làm giàu bằng một mảng sản phẩm có thị trường rộng lớn cũng là điều hết sức nhọc nhằn! Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ phó Vụ VLXD, định hướng đến 2020, VLKN chiếm khoảng 30 - 40% VLXD! Con số thoạt nghe tưởng chừng khiêm tốn trước tiềm lực và khả năng trỗi dậy của các DN sản xuất VLXD Việt Nam, nhưng rõ ràng chặng đường để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” đó cũng không hề dễ dàng.
Công trình Nhà nước đi trước
Có một câu chuyện minh chứng cho luận điểm này, đó là chuyện về dòng sản phẩm VLKN mang thương hiệu Secoin mà giờ cứ mỗi lần nhắc lại, ông chủ của Secoin vẫn cứ thấy ngậm ngùi: Để được cấp phép sử dụng gạch lát toàn bộ đường dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ông phải xin tới 19 giấy phép. Tưởng thế đã là đỉnh điểm của sự nhọc nhằn trong việc tìm đường khai thông cho VLKN nhưng hóa ra chưa phải, khi xin được “biếu không” gạch xây cho một dự án nhà ở cao tầng trong một KĐT nức tiếng thời điểm ấy nhằm gây tiếng vang cho VLXKN thì cũng bị chủ đầu tư thẳng thừng từ chối vì rất nhiều lý do có bắt nguồn từ công tác… quản lý nhà nước.
Giờ đây VLKN đã có một bầu không khí “dễ thở” hơn khi những khó khăn có tính chất “kiên cố” nhất đã bị hóa giải. Tuy nhiên, không phải đã hết những băn khoăn. Điều các DN sợ nhất chính là sức ì, là một “lối mòn” tư duy của những người đang nắm trong tay vận mệnh sống còn của họ. DN sản xuất VLKN quả là có đủ thứ lo lắng, họ sợ các kiến trúc sư, các kỹ sư kết cấu bấy lâu đã quen chỉ định dùng gạch nung cho công trình nên không chịu đổi mới, họ sợ một “dấu ấn nhận thức” cũ rích về sự hay ho của gạch đỏ đã ăn sâu vào máu không chỉ người dân mà cả giới kết cấu rất khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai, họ sợ một sự lười biếng không chịu cập nhật những thông tin mới của giới làm kỹ thuật khiến “rào cản” giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất về VLKN chậm được dỡ bỏ. Mà rào cản ấy cứ chậm dỡ bỏ ngày nào thì nguy cơ chết trên đống tài sản đã đầu tư của DN vẫn cứ lơ lửng trước mắt ngày đó.
Mối lo lắng này không phải không có cơ sở. Chẳng hạn như có một thời, khi rất nhiều công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách như các công trình liên doanh, các khách sạn, các trụ sở của các tổ chức quốc tế coi việc ứng dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng là chuyện bình thường thì các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải rất lâu sau mới tập cách làm quen với những dòng sản phẩm mới này. Mà công trình nhà nước không sử dụng, chắc chắn người dân sẽ đặt câu hỏi nghi ngại: “Công trình nhà nước mà nhà nước còn không dùng, sao có thể khích lệ người dân dùng được?”
Với sản lượng VLKN hiện mới chỉ chiếm 8 - 8,5% tổng số vật liệu xây lên đến 31 - 33 tỷ viên, rõ ràng đó là một chỉ số quá khiêm tốn dù rằng từ cách đây gần chục năm về trước, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ thị trường VLKN. Rõ ràng, từ việc “nhìn thấy” tới việc “thu lợi nhuận về” là một khoảng cách quá lớn. Hy vọng, sau Chỉ thị số 10, sẽ còn có những động thái tích cực và quyết liệt hơn nữa từ chính giới quản lý thị trường xây dựng để kích cầu tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa đối với dòng sản phẩm đầy ưu điểm và thân thiện với môi trường này.