Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012


Các bệnh viện thiếu hệ thống xử lý nước thải: Không muốn làm chứ không thiếu tiền!
Ngày: 07/07/2012
Bốn bệnh viện trung ương tại TP.HCM nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường của sở Y tế thành phố vì chưa có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) đạt tiêu chuẩn, xả thẳng ra môi trường từ nhiều năm nay. Họ viện lý do “không có tiền xây dựng HTXLNT ”.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Ảnh: Phan Sơn

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vấn đề là các cơ sở y tế có muốn làm hay không, chứ không phải là vấn đề tiền.
Lý do cũ rích
Bệnh viện Giao thông vận tải TP.HCM thuộc cục Y tế giao thông vận tải (72/3 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3) nhiều năm nay nước thải không được lắng lọc, diệt khuẩn mà xả thẳng ra ống cống sinh hoạt chung của khu dân cư. Bác sĩ Đỗ Công Huân, giám đốc bệnh viện này cho biết, bệnh viện vốn là nhà ở của dân từ năm 1976 nên không có HTXLNT. Tuy nhiên, ông cho rằng do bệnh viện “không đủ tiền để tự đầu tư HTXLNT”. Ông Huân cũng cho biết, bệnh viện đã xây dựng đề án khu xử lý nước thải nhưng từ năm 2007 đến nay xin kinh phí từ cấp trên chưa được.
Tương tự, tại các bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Bưu điện 2, bệnh viện Bưu điện 2 và trung tâm Chỉnh hình – phục hồi chức năng thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng kêu khó, vì không có kinh phí để xây dựng HTXLNT.
Sở Y tế TP.HCM bị “chỉnh” ngược
Trong sáu bệnh viện xả nước thải không đạt chuẩn ra môi trường trong danh sách của sở Y tế TP.HCM có viện Vệ sinh y tế công cộng và viện Pasteur. Đây là hai cơ sở y tế có nhiệm vụ kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho các tỉnh phía Nam, nhưng lại bị liệt vào danh sách có nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới tầng nước ngầm và sức khoẻ của người dân thành phố!
Một hệ thống xử lý nước thải bệnh viện mẫu mực
Do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, từ khi hoạt động vào tháng 3.2004 đến nay, HTXLNT bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM với công suất xử lý 500m3/ngày đêm luôn vận hành tốt và đạt chuẩn. Theo ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trước khi chảy ra cống thải của thành phố, nước thải bệnh viện được xử lý bằng công nghệ sinh học + hoá chất và đạt chuẩn QCVN 28. Cứ định kỳ mỗi sáu tháng, bệnh viện đều lấy mẫu nước thải sau xử lý để mang đi xét nghiệm ở một đơn vị độc lập, rồi gửi báo cáo lên cơ quan chức năng. Ph.S
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, phó viện trưởng viện Pasteur, nói năm nào cũng nhận được văn bản yêu cầu giải trình của bộ Y tế về việc không đủ tiêu chuẩn về nước thải y tế, trong khi sở Y tế TP.HCM không bao giờ đến viện khảo sát, lấy mẫu về thử. Do đó, ông Hải “chỉnh ngược” sở Y tế là nên xem lại cách làm việc của mình bởi HTXLNT của viện Pasteur đưa vào sử dụng năm 2007 với công suất 200m3/ngày đêm. Và cuối năm 2011, sở Tài nguyên và môi trường xuống đánh giá, đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn môi trường.
Vấn đề là có làm hay không
Qua kết quả khảo sát thực tế về thực trạng xử lý nước thải của 12 bệnh viện phía Nam của viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM cho thấy, nước thải bệnh viện ngoài các chất ô nhiễm như: hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thì có thể có thêm một số chất gây ô nhiễm đặc thù như các phế phẩm thuốc, các dung môi hoá học, các chất tẩy rửa ở nhà giặt, và đặc biệt là dư lượng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay các chất này chưa được đưa vào danh mục các thông số cần phải kiểm tra trong TCVN 7382:2004 nước thải bệnh viện.
Nói về tình trạng nước thải bệnh viện gây ô nhiễm, ông Đặng Văn Khoa, chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM khoá VII, nói: “Đây là một việc rất cũ, từng nóng bỏng tại nghị trường các kỳ họp HĐND TP.HCM từ 5 – 7 năm trước”. Thực tế ai cũng thấy rõ nước thải y tế nguy hại như thế nào, gây ô nhiễm ra sao. Đây cũng là việc không quá khó giải quyết bởi đây là những dự án có quy mô vừa tầm, vừa sức của các cơ sở y tế. Chính vì vậy , ông Khoa nói: “Vấn đề ở đây là trách nhiệm của các cơ sở y tế, tức họ có muốn làm hay không mà thôi, chứ không phải là vấn đề không có tiền hay không đủ sức làm”.
“Nói thẳng, các cơ sở y tế cố tình kéo dài chừng nào thì đỡ tốn chi phí chừng đó. Do đó, những cơ sở y tế nào trì trệ, né tránh, viện dẫn lý do để nguỵ biện… thì không thể chấp nhận được và thiếu trách nhiệm với người dân. Đây cũng không phải lúc động viên mà cần rút giấy phép kinh doanh, đồng thời phải xử phạt nghiêm”, ông Khoa nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho phép các chủ đầu tư là bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Chấn thương chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Cấp cứu Trưng Vương, Nhi Đồng 2, Bình Dân, và Tâm thần được tổ chức đấu thầu, để lựa chọn nhà thầu thi công và tổ chức thi công theo hình thức đơn vị thi công sẽ ứng vốn thực hiện dự án. Theo UBND TP.HCM, dự án đầu tư xây dựng HTXLNT của các bệnh viện là các dự án mang tính cấp bách cần phải thực hiện và hoàn thành trong năm 2012.
(Theo SGTT)

Không có nhận xét nào: