Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đầu tư hệ thống cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn: Huy động nguồn lực cộng đồng

"Trong tương lai, chúng ta phải chú trọng các giải pháp thu hút nguồn vốn từ cộng đồng đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị nhằm hạn chế dần sự lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước trong đầu tư lĩnh vực này, đồng thời coi đây là một trong những giải pháp quan trọng nhất của đề án huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR ở Việt Nam" - Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải tăng cường huy động nguồn lực cộng đồng trong lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị.
Quá lệ thuộc vào ngân sách
Cấp nước, thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và phát triển đô thị. Nhiều năm qua, nguốn vốn đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống cấp thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, việc tham gia của các DN tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này còn rất hạn chế.
Ông Lê Văn Cư - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) cho biết: Trung bình Nhà nước chi trên 15 nghìn tỷ đ/năm để duy trì, khai thác hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý CTR đô thị. Lượng vốn này tương đương số tiền Nhà nước đầu tư xây dựng mới các hệ thống cấp thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị hằng năm (giai đoạn 2008 - 2012). Như vậy, tổng nhu cầu vốn để xây dựng mới cộng với duy trì và khai thác hệ thống cấp thoát nước, xử lý CTR sinh hoạt đô thị (giai đoạn 2008 - 2012) bình quân lên đến trên 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Việt Nam hiện có 500/750 thị trấn, thị xã, TP có hệ thống cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế đạt 6,6 triệu m3/ngày. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 78%, tỷ lệ thất thoát nước trung bình là 27%. Mức sử dụng nước sạch đô thị đạt khoảng 105 lít/người/ngày. Trong khi đó, hệ thống thoát nước hiện hành mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu và việc xử lý CTR vẫn cơ bản bằng phương pháp chôn lấp (chỉ 31% hợp vệ sinh).
Quy định phí nước thải sinh hoạt bằng 10% giá nước thải sinh hoạt là không đáp ứng được nhu cầu quản lý và vận hành hệ thống thoát nước. Ở một số địa phương có quy định riêng thì thu ở mức cao hơn 10% như trên, như cũng chỉ đáp ứng tối đa được khoảng 30% chi phí nạo vét, bảo dưỡng hệ thống các tuyến cống thoát nước. Trong khi đó, phí vệ sinh môi trường chỉ đủ để trang trải một phần nhỏ chi phí thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt đô thị, chứ chưa nói gì đến việc xử lý.
Chú trọng nguồn lực từ cộng đồng
Mới đây, Bộ Xây dựng đã tiến hành hội nghị bàn về Dự thảo Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị. Hội nghị đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước về lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR. Nhiều giải pháp huy động vốn được đưa ra, trong đó giả pháp duy động nguồn lực từ cộng đồng được các chuyên gia đánh giá là giải pháp căn cơ và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện xã hội hóa lĩnh vực cấp thoát nước cũng như xử lý CTR sinh hoạt đô thị.
PGS. TS Trần Đức Hạ - Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã rất chú trọng thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR, bằng việc ưu đãi thuế cũng như có những cam kết của chính quyền trong việc hỗ trợ DN, đi cùng với đó là thực hiện nguyên tắc người hưởng lợi chi trả chi phí. Đây là giải pháp xã hội hóa công tác cấp thoát nước, xử lý CTR bền vững nhất, vì Nhà nước không thể nào bao cấp hoạt động này mãi được.
Có cùng quan điểm, ông Lê Thanh - Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền nhận định: Cấp thoát nước và xử lý CTR nếu như muốn xã hội hóa mạnh, bền vững rất cần có những cơ chế chính sách khuyến khích các DN. DN tư nhân sẽ mạnh dạn đầu tư khi họ được hưởng những thuận lợi từ cơ chế, chính sách cũng như dự định hiệu quả từ những đầu tư đó mang lại, đồng thời có cơ chế để người hưởng lợi phải chi trả kinh phí.
Bên cạnh giải pháp về huy động nguồn lực cộng đồng, Dự thảo Đề án huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý CTR sinh hoạt đô thị còn đưa ra các nhóm giải pháp khác nhằm huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR. Đó là cải thiện, đổi mới hệ thống cơ chế chính sách, huy động đóng góp từ người hưởng lợi, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao cũng như phát triển KHCN trong lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý CTR đô thị...

Không có nhận xét nào: