Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế: Nơi có, nơi không
Cập nhật lúc09:22, Thứ Ba, 19/11/2013 (GMT+7)
“Chất thải, nước thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế xã phường là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm làm suy giảm chất lượng nguồn nước ở các sông Rế, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng” - Đây là kết quả nghiên cứu, khảo sát của nhóm lập đề án nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ nguồn nước các sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố.
Nước thải, chất thải y tế “hiện diện” trong nhiều con sông
Bệnh viện Đa khoa An Lão hiện có 2 cơ sở, trung bình mỗi ngày bệnh viện này phục vụ 600 bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, thải ra một khối lượng rác, nước thải khá lớn. Thế nhưng, đến nay Bệnh viện An Lão vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải hiện đại. Việc xử lý rác chủ yếu bằng các biện pháp thủ công như chôn, đốt. Theo kết quả khảo sát của Công ty cấp nước Hải Phòng, bệnh viện xử lý bằng cách để tự ngấm, tràn ra sông Đa Độ. Bệnh viện Đa khoa An Dương đã được đầu tư xây dựng bể xử lý nước thải, nhưng thực chất đây chỉ là những bể chứa. Quy trình xử lý chỉ là dùng hóa chất “bơm” vào bể, sau khi cho lắng cặn, rồi xả thẳng ra sông Rế. Tình trạng nước thải, chất thải của bệnh viện xử lý chưa triệt để hoặc chưa được xử lý xả thải ra sông xảy ra ở hầu hết các tuyến sông là nguồn cung cấp nước thô cho nhà máy nước và hệ thống thủy lợi chính của thành phố.
Bác Nguyễn Xuân Sơn Tổ dân phố Trần Phú 2, phường Văn Đẩu cho biết: sông Đa Độ như bể nước ăn của người dân trên địa bàn thành phố. Nhưng “bể nước ăn” này đang phải hứng chịu nước thải từ các khu dân cư, làng nghề Tràng Minh, đặc biệt từ Bệnh viện đa khoa Kiến An, bệnh viên Lao và Bệnh phổi. Quả vậy, trên sông Đa Độ, Công ty TNHHMTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ kiểm đếm được có 11 bệnh viện lớn nhỏ và 60 trạm xá xã, phường, đáng chú ý là Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện lao và bệnh phổi Hải Phòng, bệnh viện chỉnh hình Na-uy. Trên hệ thống sông Rế có 58 điểm xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó xác định 2 bệnh viện, gồm: Bệnh viên đa khoa An Dương xả trực tiếp ra sông Rế và Bệnh viện Giao thông Vận tải xả vào nguồn nước sông Rế qua kênh Bắc Hưng Hùng. Xả thải vào hệ thống thủy nông Tiên Lãng là bệnh viên Tiên Lãng và phòng khám 2 Hùng Thắng, phòng khám 4 Đông Quy cùng hàng chục trạm y tế xã, thị trấn khác. Bệnh viện Thủy Nguyên (ở xã Thủy Sơn) cũng xả thải vào kênh Hòn Ngọc, nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất chủ yếu trên địa bàn Thủy Nguyên.
Hồ Đầm Đà nơi chứa nước thải Bệnh viện Lao và bệnh phổi luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối.
Hồ Đầm Đà nơi chứa nước thải Bệnh viện Lao và bệnh phổi luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối.
Thiếu hệ thống xử lý chất thải
Những năm gần đây, quy mô, số lượng của cơ sở khám chữa bệnh không ngừng tăng lên. Nhiều bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh chú trọng mở rộng quy mô, mua sắm trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải rất hạn chế.
Chủ tịch UBND phường Tràng Minh Phạm Tiến Thắng cho biết, tình trạng ô niễm nguồn nước sông do nguồn nước thải của bệnh viện thấy rõ. Nước thải bệnh viện đa khoa Kiến An theo đường cống thoát nước Trần Tất Văn đổ ra cống Thi Đua 2 của phường ra sông Đa Độ. Không ít lần, người dân thấy lẫn trong nước thải có cả bông băng y tế. Còn nước thải Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng chảy ra hồ Đầm Đà trước khi đổ ra sông. Hiện nay, nước trong hồ đen đặc bốc mùi hôi, cá chết. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, chính quyền địa phương kiến nghị, phản ánh nhiều lần nhưng tình trạng này không được cải thiện là bao. 
Trên địa bàn thành phố mới có 8/26 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Có cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được vận hành, xử lý nước thải đúng quy định. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm đề án bảo vệ nguồn nước, nguồn thải từ các cơ sở y tế được xác định là tác nhân hết sức nguy hiểm, có những chất thải nguy hại rất khó xử lý. Nguồn thải của các bệnh viện rất đa dạng, nguy hiểm nhất là các bệnh phẩm, găng tay, bông gạc có dính máu, nước lau rửa từ các phòng điều trị, phòng mổ, khoa lây, khí thoát ra từ các kho chứa, có chứa radium, khí hơi từ các lò thiêu... Sau đó là các chất thải do dụng cụ kim tiêm, ống thuốc, dao mổ, lọ xét nghiệm, túi ôxy...; chất thải hóa chất sinh ra độc hại như dung môi hữu cơ, huyết thanh quá hạn, hóa chất xét nghiệm...
Nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Nguồn thải của bệnh viện cũng là nguồn bệnh. Thực tế trên cho thấy việc kiểm soát đối với nguồn thải từ các cơ sở y tế cần được ưu tiên thực hiện sớm trong quá trình triển khai thực hiện đề án nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ nguồn nước các sông Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố.

Không có nhận xét nào: