Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012


Sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung: Nhiều gian nan

11/04/2012 10:39
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc Phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (gọi tắt là Quyết định 567 và Chương trình 567), sau gần hai năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần tháo gỡ.

Ảnh minh họa
Thực trạng sản xuất VLXKN
Theo thống kê, từ đầu năm 2010 đến nay, các dây chuyền sản xuất gạch xi măng - cốt liệu với quy mô công suất nhỏ vẫn phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Một số DN đã đầu tư nghiên cứu công nghệ, thiết bị mới để sản xuất gạch xi măng - cốt liệu với công suất từ 10 - 60 triệu viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm. Thiết bị chính của dây chuyền sản xuất phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc, phần còn lại gia công trong nước. Hiện nay trên toàn quốc đã đầu tư khoảng hơn 1 nghìn dây chuyền có công suất dưới 7 triệu viên/năm và khoảng 50 dây chuyền có công suất từ 7 - 60 triệu viên/năm. Tổng công suất sản xuất khoảng trên 3 tỷ viên/năm. Tổng giá trị đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nam, Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An... có nguồn nguyên liệu dồi dào như đá mạt, xỉ lò, tro bay đã sản xuất gạch xi măng - cốt liệu với nhiều quy mô công suất khác nhau. Nhiều DN đã đi sâu nghiên cứu công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận nên các DN này sản xuất đạt công suất thiết kế. Sản lượng sản xuất năm 2011 ước đạt 2,8 tỷ viên QTC. Một số DN có thuận lợi về nguyên liệu, gần thị trường tiêu thụ, sản phẩm làm ra có giá thành hạ tiêu thụ tương đối tốt. Năm 2011, gạch xi măng - cốt liệu tiêu thụ được khoảng 85 - 90% sản lượng sản xuất.
Đối với gạch bê tông khí chưng áp, trên toàn quốc đã có 22 DN lập dự án đầu tư sản xuất gạch bê tông khí chưng áp với tổng công suất thiết kế 3,8 triệu m3/năm. Trong đó có 9 dự án với tổng công suất 1,5 triệu m3/năm (tương đương 945 triệu viên QTC/năm) đã đi vào sản xuất. 13 dự án còn lại với tổng công suất 2,3 triệu m3 (tương đương 1,45 tỷ viên QTC/năm) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và lắp đặt thiết bị. Dự kiến các dự án này đi vào sản xuất năm 2012. Giá trị đầu tư 9 dây chuyền khoảng 650 tỷ đồng và 13 dây chuyền tiếp theo khoảng 1 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, có 9 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp đã đi vào sản xuất. Các dây chuyền sản xuất hầu hết chỉ đạt 20 - 30% công suất thiết kế. Chỉ có 1 dây chuyền đạt gần 50% công suất thiết kế (tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Năm 2011, tổng sản lượng của các dây chuyền sản xuất bê tông khí chưng áp đạt khoảng 0,4 triệu m3. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vật liệu xây không nung nhẹ rất khó khăn. Đa số các DN chỉ tiêu thụ được 45 - 55% sản lượng. Một số DN không tiêu thụ được nên đã phải dừng sản xuất. Năm 2011, tổng sản lượng tiêu thụ của 9 DN chỉ đạt khoảng 0,2 triệu m3.
Đối với gạch bê tông bọt, tính đến nay đã có 17 cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bê tông bọt với công suất mỗi dây chuyền từ 4 - 12 nghìn m3/năm. Tổng công suất của những cơ sở này, nếu chỉ sản xuất 1 ca/ngày đạt trên 190 nghìn m3 tương đương 120 triệu viên QTC/năm. Nếu công suất tính theo 2 ca sản xuất thì sản lượng sẽ đạt 380 nghìn m3 tương đương 240 triệu viên QTC/năm. Giá trị đầu tư cho 17 dây chuyền khoảng 120 tỷ đồng. Trong số đó có DN đã đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông bọt công suất 70 nghìn m3/năm với công nghệ và thiết bị của Liên bang Nga. Các dây chuyền sản xuất hầu hết chỉ đạt 40 - 50% công suất thiết kế. Năm 2011, tổng sản lượng các dây chuyền sản xuất bê tông bọt đạt khoảng 0,1 triệu m3.
Còn nhiều khó khăn
Việc tiêu thụ vật liệu xây không nung, đặc biệt là loại vật liệu xây không nung nhẹ đang gặp nhiều khó khăn. Các dây chuyền sản xuất gạch bê tông nhẹ mới chỉ được khai thác với một tỷ lệ rất thấp. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của những khó khăn trên là do: Các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển và sử dụng vật liệu xây không nung chậm được ban hành, nên các DN đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Những quy định sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các chủ đầu tư phải sử dụng vật liệu xây không nung. Các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, hướng dẫn thi công và nghiệm thu khối xây, định mức kinh tế kỹ thuật với khối xây khi sử dụng vật liệu xây không nung ban hành chậm (cuối năm 2011 mới ban hành).
Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về vật liệu xây không nung còn chưa đầy đủ; chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm vật liệu xây không nung nói chung và gạch bê tông nhẹ nói riêng. Các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm trong tiếp nhận công nghệ, tổ chức quản lý sản xuất. Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo. Các nhà máy vừa sản xuất vừa phải điều chỉnh thiết bị nên sản xuất chưa ổn định; chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, tỷ lệ thu hồi thấp. Công tác tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm của các DN còn hạn chế, chưa nêu bật được những tính năng vượt trội của vật liệu xây không nung loại nhẹ nói riêng và vật liệu xây không nung nói chung.
Mặt khác, các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời vào thời điểm thị trường xây dựng trầm lắng do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, Nhà nước ta đang áp dụng các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng, cắt giảm đầu tư công dẫn đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng giảm đáng kể.
Một trong những nguyên nhân cũng được nhắc đến là tình hình sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung trên phạm vi toàn quốc vẫn diễn ra phổ biến. Việc xoá bỏ lò thủ công sản xuất gạch đất sét nung tại nhiều địa phương chưa đạt kết quả. Theo số liệu thống kê sản lượng gạch đất sét nung ước tính năm 2011 đạt khoảng 20,9 tỷ viên, chiếm 83,7% vật liệu xây, trong đó gạch sản xuất bằng lò thủ công chiếm 35 - 40%. Các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, đặc biệt là sản xuất bằng phương pháp thủ công hầu như không đóng thuế tài nguyên. Những nơi có đóng thuế tài nguyên đất sét thì con số cũng rất nhỏ, vì hiện nay thuế suất thuế tài nguyên đối với đất sét làm gạch chỉ ở mức 7%. Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch nung cũng đang ở mức thấp (1,5 - 2 nghìn đ/m3), nhưng thu cũng chưa triệt để.
Thiết nghĩ, để thực hiện có hiệu quả Chương trình 567, Nhà nước cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012


Nghiên cứu xử lý nước thải dệt nhuộm bằng phương pháp lọc sinh học sử dụng than cacbon hóa

Ảnh SEM chụp cấu trúc than cacbon hóa từ tre Việt Nam
​Hiện nay, ngành công nghiệp dệt may có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đa màu sắc, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của thị trường.
I. MỞ ĐẦU
Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận kinh tế cho đất nước, thu hút nhiều lao động, không chỉ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề công ăn việc làm trong xã hội mà còn thúc đẩy tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất khẩu cho đất nước [1]. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do nước thải ngành dệt may là một thực tế cần có giải pháp xử lý và là nhiệm vụ rất cần thiết.
Nước thải dệt nhuộm đã được các nhà khoa học ở Việt Nam và trên thế giới nghiên cứu với các phương pháp xử lý bằng ôzôn [2, 3]; ôzôn kết hợp sinh học [2], công nghệ màng, điện hóa [4-7]. Tuy nhiên, các phương pháp đều có những mặt hạn chế nhất định. Thời gian qua, Viện Công nghệ Môi trường đã tiến hành nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải dệt nhuộm sử dụng than cácbon hóa làm giá thể sinh học cho hiệu quả xử lý rất cao. Nội dung bài báo trình bày thực nghiệm xử lý nước thải Khu công nghiệp dệt may Phố Nối và Công ty CP BITEXCO Nam Long, Thái Bình. Kết quả thực nghiệm cho thấy, ở cùng các điều kiện, mô hình sử dụng than cácbon hóa cho hiệu suất xử lý COD, BOD và TOC cao hơn từ 1,5 - 2,7 lần so với mô hình không sử dụng than.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu:
Nước thải làm đối tượng xử lý được lấy từ 2 cơ sở sản xuất là Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, Hưng Yên và  Công ty CP BITEXCO Nam Long, Thái Bình (Bảng 1).
Bảng 1: Thành phần nước thải dệt nhuộm của Khu Công nghiệp Dệt may Phố Nối và Công ty Cổ phần BITEXCO Nam Long
Thành phầnKCN Phố NốiCông ty Nam Long
pH7,5-10,27,0-10,5
TSS, mg/l50-8050-100
COD, mg/l250-350230-560
BOD5, mg/l100-150150-250
 
Mô hình thực nghiệm
Thực nghiệm được tiến hành trên hệ thí nghiệm (Hình 1). Nước thải từ thùng chứa được bơm định lượng cấp đều cho 2 hệ xử lý với lưu lượng như nhau Q=5l/h. Như đã trình bày ở trên: 1 hệ có sử dụng than của quá trình cácbon hóa (Hình 2) như giá thể vi sinh, thể tích của bể V=75 lít có thiết bị sục khí, nước thải sau đó được qua bể lắng có thể tích hữu ích V=10 lít, bùn hoạt tính lắng ở phần đáy thiết bị được bơm tuần hoàn về bể sinh học và bùn dư được xả bằng van xả bùn ở dưới đáy bể lắng. Trong cả 2 mô hình thí nghiệm mọi điều kiện được tiến hành song song và như nhau. Thực chất là phương pháp bùn hoạt tính tuần hoàn, được ổn định bằng các thông số DO, MLSS và pH. Chỉ khác nhau ở chỗ 1 mô hình có đệm sinh học (than cácbon hóa) và mô hình khác không có đệm. Cả 2 hệ được khởi động 1 tháng để ổn định nồng độ bùn MLSS khoảng 2000-3000 mg/l. Ở trường hợp này, cơ chế phân hủy chất ô nhiễm chỉ là do vi sinh, mà không có quá trình hấp phụ do than cácbon, bởi vì thực nghiệm được tiến hành liên tục và kéo dài, mặt khác nồng độ bùn cao nên các mao quản của than nhanh chóng bị chiếm chỗ, khả năng hấp phụ bị loại trừ. Tuy nhiên, loại than này có thể dùng để hấp phụ amoni trong nước thải đã qua xử lý bậc I (lọc) và bậc II (sinh học) rất tốt đối với nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện. Nước thải đầu vào và đầu ra sau xử lý được lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu COD, BOD và TOC.
Đặc tính của than cácbon. Than cácbon được nhiệt phân trong lò cácbon hoá VIR-200 ở nhiệt độ 600 - 6500C, thời gian phản ứng 60 phút. Kích thước mao quản từ 20 - 50 nm, diện tích bề mặt 400m2/g
Điều kiện thực nghiệm:
- Lưu lượng xử lý: 5 l/h;
- pH = 6,5-8,5
- DO = 5-8 mg/l.
- Thời gian lưu: 15h.
- Nồng độ MLSS: 2500-3000mg/l
Hiệu suất xử lý BOD, COD, TOC và mầu được tiến hành trên 2 hệ thí nghiệm dưới đây:

Các chỉ tiêu phân tích
Phương pháp phân tích nhằm xác định các chỉ tiêu COD, BOD, TOC, pH… của nước thải. Cụ thể các thiết bị được sử dụng trong đề tài như sau: 
- Chỉ tiêu BOD5: Standard Methods 5210 D, Sensor YSI-52-America, Incubator BOD5 Lovibond - French
- Chỉ tiêu COD: Standard Methods 5220 C, COD reactor Hatch, America
- Chỉ tiêu pH: pH meter HM-25R, TOA-DKK, Japan
- Chỉ tiêu TOC: TOC Analyzer TOC-VCPH TNM1-Shimadzu 4100, Japan.
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
1.  Hiệu quả xử lý BOD
Trong môi trường xử lý vi sinh có than làm giá thể dính bám, hiệu quả xử lý BOD (lấy qua giá trị trung bình) tỏ ra có ưu thế hơn hẳn 1,5 lần (53% so với 35%) khi không có than, thể hiện qua (Hình 3).

Hình 3: Hiệu quả xử lý BOD5
2. Hiệu quả xử lý COD

Hình 4: Hiệu quả xử lý COD
Ưu thế của than trong xử lý COD tỏ ra càng vượt trội so với không xử lý than (gần 2,7 lần) khi quan sát ở (Hình 4). Đặc biệt, với hàm lượng ô nhiễm dao động lớn ở đầu vào ở bình có than nhưng hàm lượng COD ở đầu ra thấp và khá ổn định.
3. Hiệu quả xử lý TOC
Nếu so sánh trên khía cạnh xử lý chất hữu cơ cacbon thì hiệu quả cao nhất thể hiện ở chỉ tiêu TOC (Hình 5), tới 73% ở bình có than, gấp hơn 2 lần so với bình không than 36%. Và cũng tương tự như COD, hàm lượng ô nhiễm tại đầu ra của bình phản ứng có than là thấp và khá ổn định.

HìÌnh 5: Hiệu quả xử lý TOC
Bảng 2. Hiệu suất xử lý nước thải dệt nhuộm của Công ty CP BITEXCO Nam Long
Thành phầnCó than, %Không than
BOD55335
COD5621
TOC7336
 
IV. KẾT LUẬN
Qua việc tiến hành nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, mặc dù, nước thải của Công ty CP BITEXCO Nam Long và Khu Công nghiệp dệt may Phố Nối có những đặc trưng riêng nhưng việc sử dụng than cácbon hóa làm giá thể trong quá trình xử lý vi sinh đã làm tăng đáng kể hiệu suất xử lý các yếu tố gây ô nhiễm: BOD, COD và TOC.
Đồng thời, đã tiến hành ứng dụng sản phẩm để xử lý nước thải của 2 cơ sở dệt nhuộm của Việt Nam và kết quả cho thấy, hiệu quả xử lý COD từ 1,28 - 2,7 lần, BOD 1,5 lần, TOC gấp hơn 2 lần  so với thiết bị đối chứng không sử dụng than cácbon hóa n Đại học tổng hợp Meisei, Nhật Bản
Tài liệu tham khảo
1.  Nguyễn Thế Đồng và các cộng sự. Nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải dệt nhuộm. 2005.
2. Jiangning Wu, Mark A.Eiteman, S. Edward Law. Evaluation of membrane filtration and ozonation processes for treatment of reactive-dye wastewater. 3/1998
3. Nobuyuki Takahashi, Tomoya Kumagai. Application of ozonation to dyeing wastewater treatment-case study in Nishiwaki treatment plan. 11/2008.
4. Huifang Wu, Shihe Wang, Huoliang Kong, Tiantian Liu, Mingfang Xia. Performance of combined process of anoxic baZed reactor-biological contact oxidation treating printing and dyeing wastewater, 5/2006.
5. K. Kadirvelu, M. Palanival, R. Kalpana, S. Rajeswari. Activated carbon from an agricultural by-product, for the treatment of dyeing industry wastewater. 12/1999.
6. Qi Yang, Haitao Shang, Jianlong Wang. Dye wastewater treatment by using ceramic membrane bioreactor. 2009.
7. Jinping Jia, Ji Yang, Jun Liao, Wenghua Wang, Zijian Wang. Treatment of dyeing wastewater with ACF electrodes. 6/1998.
 
Textile and dying wastewater treatment using carbon biofilter
Trịnh Văn Tuyên, Tô Thị Hải Yến
Institute of Environmental Technology,
Vietnam Academy of Science and Technology
 Shuji Yosizawa
Meisei University, Japan
In recent years, the demand of garment and textile products has rapidly increasing in Vietnam, leading to the extremly development of garment and textile industry with the diversification of product types, product colours, and product quality. Garment and textile sector is therefore becoming one of the most developed industry, which can create more labor demand for the society and promote the development of export turnover as well [1]. However, it is needed to overcome the environmental pollution from garment and textile wastewater.
Several technologies such as ozone [2, 3], combination of ozone and biological system [2], membrane and electrochemical technology [4-7] have been studying by Vietnamese and international researchers in order to treat wastewater from dying industry. However, the studied methods have their own limitations. The Institute of Environmental Technology has carrying out the study on dyeing wastewater treatment using carbonized carbon as biological charcoal media. This paper aims to describe the experiment of wastewater treatment in Pho Noi Garment and Textile Industrial Park and Nam Long Texttile Company in Thai Binh province. The results showed that, the rate of COD, BOD and TOC removal of system using carbonized carbon media would be 1.5 – 2.7 times higher than that of system without media.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012


HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐÁNH GIÁ TÁC 

ĐỘNG MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Vài nét về Đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động môi trường (tên tiếng anh: Environmental Impact Assessment, viết tắt là ĐTM) là hoạt động đánh giá các tác động – bao gồm cả tích cực và tiêu cực – mà một dự án có thể gây ra đối với môi trường, cả ở các khía cạnh tự nhiên, xã hội và kinh tế[1]. Mục tiêu của ĐTM là để xem xét các tác động đối với môi trường trước khi quyết định có triển khai dự án hay không. Hiệp hội quốc tế về Đánh giá Tác động thì định nghĩa ĐTM là “hoạt động/quá trình xác định, dự báo, đánh giá và giảm thiểu các tác động về mặt sinh học vật lý, xã hội và các tác động liên quan khác của các đề án phát triển trước khi đưa ra các quyết định và cam kết. Sau ĐTM, nguyên tắc phòng ngừa và người gây ô nhiễm phải trả tiền sẽ được áp dụng để phòng ngừa, hạn chế hoặc đưa ra những yêu cầu về trách nhiệm một cách nghiêm ngặt hoặc yêu cầu bảo hiểm về môi trường đối với một dự án, dựa trên những tác động môi trường đã được dự báo[2]. Nhìn chung, ĐTM đã được thực hiện rộng rãi trên thế giới để kiểm soát và giám sát một cách hiệu quả quá trình triển khai các dự án ở khía cạnh môi trường, chi phối quá trình ra quyết định đối với dự án (có được triển khai hay không) và quá trình thực thi dự án (khi được triển khai thì các biện pháp bảo vệ môi trường phải được thực thi như thế nào). Ở Việt Nam, ĐTM cũng đang ngày càng trở thành một công cụ bảo vệ môi trường quan trọng và chiếm một vị trí đáng kể trong các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hoạt động ĐTM ở Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều bất cập và yếu kém về cả chất lượng cũng như việc tuân thủ quy trình ĐTM như pháp luật đã quy định. Bản thân quy định pháp luật hiện hành về ĐTM cũng chưa chặt chẽ[3]. Do vậy, cần có sự đánh giá và nhận thức lại về khía cạnh pháp lý cũng như hiện trạng thực hiện hoạt động ĐTM.
2. Quá trình thể chế hoá hoạt động ĐTM ở Việt Nam và hệ thống các văn bản hiện hành về ĐTM
2.1. Quá trình thể chế hoá hoạt động ĐTM ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ĐTM chỉ mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993. Tại thời điểm đó, ĐTM được hiểu là “quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường[4]”. Đối tượng thực hiện ĐTM bao gồm (i) tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng đã hoạt động từ trước khi ban hành Luật và (ii) tổ chức, cá nhân khi xây dựng, cải tạo vùng sản xuất, khu dân cư, các công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; chủ dự án đầu tư của nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài, chủ dự án phát triển kinh tế- xã hội khác. Căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 175/CP hướng dẫn thi hành Luật, trong đó có nội dung đánh giá tác động môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 tiếp tục quy định và hoàn thiện một bước các quy định về ĐTM tại chương II (từ điều 14 đến điều 27). Sau khi Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường, từ năm 2006 đến nay Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành hơn 20 văn bản liên quan đến đánh giá tác động môi trường.
2.2. Hệ thống các văn bản hiện hành về ĐTM
Các quy định về ĐTM hiện nay chủ yếu nằm trong các văn bản sau đây[5]:
- Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
- Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
- Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
- Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường (thay thế Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT);
- Quyết định 19/2007/QĐ-BTNMT ngày 26/11/2007 ban hành quy định về điều kiện và hoạt động dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Nội dung cơ bản về khung pháp lý thực hiện ĐTM ở Việt Nam hiện nay
3.1. Trách nhiệm lập ĐTM và các loại ĐTM
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, có 3 loại hoạt động ĐTM sau đây:
(i) Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC): là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững[6]. ĐMC được áp dụng đối với các đối tượng sau:
+ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp quốc gia.
+ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trên quy mô cả nước.
+ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), vùng.
+ Quy hoạch sử dụng đất; bảo vệ và phát triển rừng; khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.
+ Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm.
+ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh[7].
(ii) Đánh giá tác động môi trường (ĐTM): là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó[8]. Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường thì chủ các dự án sau đây phải lập báo cáo ĐTM:
+ Dự án công trình quan trọng quốc gia;
+ Dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử – văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng;
+ Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ;
+ Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề;
+ Dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung;
+ Dự án khai thác, sử dụng nước dưới đất, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn;
+ Dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.
ĐMC và ĐTM về cơ bản đều dựa trên nguyên tắc rất cơ bản đó là phát hiện, dự báo và đánh giá những tác động tiềm tàng của hoạt động phát triển có thể gây ra đối với môi trường tự nhiên, kĩ thuật – xã hội, để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực tới mức thấp nhất có thể chấp nhận được[9]. Quy trình thực hiện của ĐTM và ĐMC đều được thực hiện qua các bước sàng lọc, xác định phạm vi, đánh giá tác động, xác định các biện pháp giảm thiểu, thẩm định, ra quyết định và cuối cùng là quan trắc, giám sát môi trường. Giữa ĐTM và ĐMC cũng có nhiều sự khác biệt cơ bản, trước hết là về đối tượng nghiên cứu, mục tiêu, mục đích cần đạt được và sau đó là sự khác biệt cả về những nội dung quy trình thực hiện. Tuy vậy, điều cần nhấn mạnh ở đây là những sự khác biệt này không phải là sự phủ nhận lẫn nhau mà chính lại là những mặt bổ sung, hỗ trợ cho nhau và ĐMC đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình không thể thay thế cho ĐTM ở cấp dự án và ngược lại[10].
(iii) Cam kết bảo vệ môi trường: là việc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM đưa ra bản cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Giống như báo cáo ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường cũng bao gồm các nội dung đánh giá các tác động của dự án đối với môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động này, tuy nhiên, do mức độ tác động tới môi trường thấp hơn nên thay vì phải thực hiện các bước trình và xin phê duyệt trước khi triển khai dự án, các chủ dự án này được tự mình đưa ra các cam kết về bảo vệ môi trường và tự chịu trách nhiệm về các cam kết và các biện pháp bảo vệ môi trường mà mình đưa ra.
Có thể thấy, việc đưa ra các loại hoạt động ĐTM khác nhau là một bước tiến quan trọng đối với khung pháp lý về ĐTM ở Việt Nam. Theo đó, tuỳ từng loại dự án mà trách nhiệm lập ĐTM cũng như yêu cầu đối với nội dung, quy trình thẩm định báo cáo ĐTM được xác định một cách cụ thể, phù hợp với tính chất và mức độ tác động đến môi trường của loại dự án đó. Các quy định này cũng làm rõ hơn yêu cầu về lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án quy hoạch, chiến lược phát triển. Sự phân hoá này giúp nâng cao hiệu quả của ĐTM với tư cách là một công cụ kiểm soát các tác động môi trường và bảo vệ môi trường.
3.2. Các yêu cầu về nội dung của ĐTM
Một trong những nội dung quan trọng của các văn bản hiện hành về ĐTM là quy định các yêu cầu về mặt nội dung nội dung đối với báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường.
- Đối với báo cáo ĐMC, nội dung được yêu cầu bao gồm hai vấn đề chính là dự báo tác động xấu đối với môi trường có thể xảy ra khi thực hiện dự án và phương hướng, giải pháp tổng thể giải quyết các vấn đề về môi trường trong quá trình thực hiện dự án.
- Đối với báo cáo ĐTM, xuất phát từ thực tế là báo cáo ĐTM được lập đối với các dự án đầu tư cụ thể nên yêu cầu về nội dung báo cáo ĐTM đòi hỏi tính chi tiết cao hơn, cụ thể là nội dung báo cáo phải thể hiện được các vấn đề như: (i) Mô tả dự án đầu tư; (ii) Các thông tin đánh giá về môi trường[11]; (iii) Các giải pháp về mặt môi trường được đề xuất[12]; (iv) Các thông tin tham vấn[13].
- Đối với bản cam kết bảo vệ môi trường, yêu cầu về nội dung mặc dù đơn giản hơn nhiều so với nội dung của báo cáo ĐTM, tuy nhiên các nội dung đặt ra cũng tương đối cụ thể, bao gồm hai nội dung chính là (i) mô tả về dự án: địa điểm, loại hình, quy mô, nguyên nhiên liệu sử dụng, chất thải phát sinh và (ii) cam kết về các biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu về nội dung khi lập báo cáo ĐTM, Phụ lục Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 08/12/2008 hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường cũng đã đưa ra các bản yêu cầu cụ thể về cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐMC, báo cáo ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường. Các bản yêu cầu này vừa có ý nghĩa bắt buộc tuân thủ, vừa có tính chất hướng dẫn đối với các chủ dự án khi lập báo cáo ĐMC, ĐTM hoặc cam kết bảo vệ môi trường.
3.3. Thẩm quyền và thủ tục thẩm định, phê duyệt
Ngoại trừ cam kết bảo vệ môi trường được lập cho các trường hợp không thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐMC và ĐTM, việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐMC và ĐTM được coi là một thủ tục bắt buộc. Kết quả thẩm định báo cáo ĐMC là một trong những căn cứ để  và phải được tiến hành trước trước khi triển khai dự án. Thẩm quyền và thủ tục phê duyệt các báo cáo này được xác định căn cứ vào tính chất và quy mô của các dự án được lập ĐMC và ĐTM.
- Báo cáo ĐMC luôn được thẩm định bởi một hội đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
- Báo cáo ĐTM có thể được thẩm định bởi một hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt; dự án liên ngành, liên tỉnh; Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ dự án liên ngành, liên tỉnh; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Để đảm bảo sự tham gia cũng như quyền lợi của cộng đồng tại địa bàn thực hiện dự án, trong quá trình thẩm định báo cáo ĐMC và ĐTM, các tổ chức, cá nhân có quyền gửi các yêu cầu, kiến nghị về bảo vệ môi trường liên quan đến dự án đến cho cơ quan thẩm định. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét các yêu cầu, kiến nghị này trước khi đưa ra quyết định.
- Đối với cam kết bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân thực hiện chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký với UBND cấp huyện hoặc cấp xã (trong trường hợp được cấp huyện uỷ quyền).
3.4. Tính pháp lý của văn bản ĐTM và các biện pháp đảm bảo thực thi các nội dung ĐTM trên thực tế
Đối với báo cáo ĐMC, kết quả thẩm định là một trong những căn cứ để phê duyệt dự án. Trong khi đó, đối với báo cáo ĐTM, kết quả thẩm định là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đó. Các dự án thuộc diện phải lập báo cáo ĐTM chỉ được phê duyệt, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác sau khi báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Trường hợp các cơ sở không thuộc đối tượng phải lập ĐMC và ĐTM thì chỉ được triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sau khi đã đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.
Về nguyên tắc, các báo cáo ĐMC, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường sau khi đã được thẩm định, phê duyệt sẽ trở thành các văn bản pháp lý có tính bẳt buộc áp dụng đối với tất cả các chủ thể hoạt động trong phạm vi dự án được lập báo cáo ĐMC, ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường tương ứng. Tuy nhiên, pháp luật bảo vệ môi trường mới chỉ tập trung quy định về trách nhiệm thực hiện và kiểm tra thực hiện các nội dung trong báo cáo ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường.
Theo Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường 2005, báo cáo ĐTM được đảm bảo thực hiện thông qua các cơ chế sau đây:
- Cơ chế thông tin và giám sát bởi cộng đồng: chủ dự án có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban nhân dân nơi thực hiện dự án về nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án về các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát. Cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM cũng có trách nhiệm thông báo nội dung quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM do mình phê duyệt cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo nội dung quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM do mình hoặc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án. Việc thực hiện trách nhiệm thông tin này cho phép chính quyền cơ sở và cộng đồng địa phương tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung của báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
- Cơ chế tự chịu trách nhiệm: chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo ĐTM và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM.
- Cơ chế tiền kiểm: chủ dự án có trách nhiệm thông báo cho cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM để kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; chỉ sau khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận chủ dự án đã  thực hiện đầy đủ yêu cầu về thông tin cho UBND địa phương và niêm yết tại địa bàn, thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM thì chủ dự án mới được đưa công trình vào sử dụng.
- Cơ chế hậu kiểm: cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Theo Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường 2005, cam kết bảo vệ môi trường được đảm bảo thực hiện thông qua:
- Cơ chế tự chịu trách nhiệm: tổ chức, cá nhân cam kết bảo vệ môi trường có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã ghi trong bản cam kết bảo vệ môi trường.
- Cơ chế kiểm tra, giám sát: Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nội dung đã ghi trong bản cam kết bảo vệ môi trường.
4. Đánh giá các quy định hiện hành về ĐTM ở Việt Nam
Các quy định về ĐTM có một vị trí tương đối quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam và ngày càng được quan tâm hoàn thiện. Điều đó chứng tỏ sự nhìn nhận về vai trò của ĐTM như một công cụ quan trọng để thực hiện công tác quản lý đối với môi trường.
Trước hết, với việc phân hoá các cấp độ thực hiện ĐTM theo tính chất của dự án, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đảm bảo sự phân hoá về trách nhiệm cũng như thể hiện đúng tính chất, mức độ yêu cầu đối với các biện pháp bảo vệ môi trường căn cứ vào tính chất, mức độ tác động đến môi trường của dự án. Việc xuất phát từ góc độ dự án đầu tư và từ góc độ ảnh hưởng môi trường là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính phù hợp cho các quy định về ĐTM. Các quy định về ĐTM cũng cho thấy chính sách mở rộng xã hội hoá, huy động sự tham gia của các tổ chức có chuyên môn vào công tác lập cũng như thẩm định báo cáo ĐTM. Ngoài các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về công tác thẩm định còn có thêm các tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM. Đây là các cơ quan độc lập đủ năng lực theo yêu cầu của Quyết định số 19/2007/QĐ-BTNMT về việc ban hành Quy định về điều kiện và hoạt động của dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc kiểm soát sự tham gia của các tổ chức, cá nhân chuyên môn này được đảm bảo trên cơ sở xác định các điều kiện về chuyên môn, về năng lực, về đội ngũ và trên cơ sở xác định trách nhiệm cụ thể chính là một chính sách hợp lý và cần thiết để đáp ứng nhu cầu thực tế đối với các hoạt động chuyên môn về môi trường trong quá trình lập và thẩm định báo cáo ĐTM hiện nay. Chính sách xã hội hoá này cũng phù hợp với sự trưởng thành về năng lực của tổ chức, cá nhân hoạt động chuyên môn về môi trường trong nước sau hơn 10 năm triển khai áp dụng các quy định về lập báo cáo ĐTM. Tuy nhiên, các quy định hiện hành mới tập trung vào quy định về điều kiện và năng lực của các tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM, chưa chú ý đến các quy định đảm bảo năng lực của các tổ chức làm dịch vụ lập báo cáo ĐTM được quy định rất sơ sài. Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 80/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, điều kiện về nhân lực, phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật của tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM tương đối chung chung[14], chưa đủ để đảm bảo các yêu cầu về năng lực đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ lập báo cáo ĐTM.
Tuy nhiên, nếu xét về tính đồng bộ, toàn diện thì các quy định về ĐTM hiện nay thiếu những yêu cầu, tiêu chí cần thiết để đảm bảo chất lượng của các báo cáo ĐTM. Các quy định hiện hành dường như cũng đã cố gắng khắc phục hạn chế này bằng các phương thức như quy định các chủ thể lập báo cáo ĐTM phải đảm bảo những nội dung nhất định trong báo cáo ĐTM, quy định về việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường[15], quy định cách thức thực hiện (như yêu cầu thành lập tổ công tác, yêu cầu về thành phần tham gia…)[16], quy định chi tiết về  các bước thẩm định, chủ thể thẩm định v.v. nhưng lại thiếu chính những quy định về cơ sở để đánh giá chất lượng của báo cáo ĐTM đó. Điều đó dẫn đến một thực tế là việc thẩm định các báo cáo ĐTM chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của người thẩm định, chưa có các căn cứ cụ thể để thẩm định và cơ chế pháp lý cụ thể ràng buộc yêu cầu thẩm định.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành cũng chủ yếu quy định trách nhiệm thực thi đối với báo cáo ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường, chưa có cơ chế đảm bảo thực thi đối với nội dung báo cáo ĐMC. Thực tế này, một phần xuất phát từ chính tính pháp lý của các văn bản quy hoạch, chiến lược phải lập báo cáo ĐMC. Hiện nay, các văn bản quy hoạch, chiến lược chủ yếu mang tính định hướng, không mang tính bắt buộc, chính vì vậy, việc xác định tính pháp lý của các báo cáo ĐMC được lập phục vụ cho các văn bản quy hoạch, chiến lược này tương đối phức tạp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng các nội dung của báo cáo ĐMC không có tính chất ràng buộc các hoạt động đầu tư trên thực tiễn và việc khẳng định tính ràng buộc cũng như quy định cơ chế đảm bảo thực thi các nội dung của báo cáo ĐMC là điều cần thiết.
Về tính khả thi, cơ chế giám sát của cộng đồng: các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và đảm bảo thực thi báo cáo ĐTM trên thực tế quy định tương đối chặt chẽ việc đảm bảo cho cộng đồng dân cư quyền được tham gia ý kiến, quyền được lắng nghe ý kiến, đặc biệt, các ý kiến về không đồng ý triển khai dự án hoặc không đồng ý về các biện pháp bảo vệ môi trường phải được nêu rõ trong các báo cáo ĐTM trình thẩm định, phê duyệt. Về mặt pháp lý, có thể nói các quy định về thủ tục nhằm đảm bảo sự tham gia của cộng đồng vào quá trình lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM hiện nay tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, hoạt động lập báo cáo ĐTM là hoạt động có tính chuyên môn cao và với nhận thức của cộng đồng dân cư thì khó có thể đánh giá được hết các vấn đề chuyên môn của các báo cáo này. Các quy định hiện hành chỉ quy định các thủ tục, trình tự lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, không có bất kỳ cơ chế nào để hỗ trợ về chuyên môn nhằm nâng cao nhận thức và khả năng của cộng đồng trong việc xem xét các nội dung của báo cáo ĐTM. Không được hỗ trợ về các vấn đề chuyên môn, cộng đồng dân cư có thể gặp khó khăn khi đưa ra ý kiến về các dự án triển khai tại địa bàn và trong nhiều trường hợp, các ý kiến được đưa ra không xác đáng hoặc cản trở các dự án đã có các phương án bảo vệ môi trường phù hợp.
5. Đánh giá về hiệu quả thi hành của các quy định pháp luật về ĐTM
Cán bộ thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM ở cấp trung ương thuộc Vụ thẩm định (Bộ Tài nguyên và Môi trường, nay trực thuộc Tổng cụ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phê duyệt đối với những dự án thuộc thẩm quyền của mình. Ở cấp địa phương, trách nhiệm thẩm định là của Phòng Thẩm định thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố hoặc Hội đồng nhân dân cùng cấp sẽ chịu trách nhiệm phê duyệt. Hiện nay còn có thêm hình thức mới là dịch vụ thẩm định. Theo đánh giá của các chuyên gia, năng lực thẩm đinh báo cáo ĐTM đã được nâng cao đáng kể do có nhiều cán bộ đã được đào tạo, tập huấn ở trong nước và nước ngoài cũng như khả năng “học thông qua hành” từ thực tiễn công việc[17]. Tuy nhiên ở cấp tỉnh đội ngũ cán bộ thẩm định ĐTM vẫn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng hiện nay.
Việc đưa ĐTM vào thành một nghĩa vụ bắt buộc trong quy trình lập và triển khai các dự án đã giúp nâng cao nhận thức của các chủ đầu tư dự án khi thực hiện các hoạt động đầu tư và đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường được triển khai song song với quá trình đầu tư dự án. Theo tổng kểt, từ năm 1994 đến năm 2004, đã có hơn 800 báo cáo ĐTM của các dự án và cơ sở đang hoạt động đã được thẩm định và phê duyệt ở cấp trung ương; gần 26.000 báo cáo ĐTM và bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đã được thẩm định và phê duyệt ở cấp địa phương[18].
Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và ý nghĩa của công tác ĐTM nên trên thực tế, các quy định về ĐTM chưa thực sự phát huy đầy đủ vai trò và ý nghĩa của nó trong công tác bảo vệ môi trường. Hạn chế của công tác ĐTM thể hiện cụ thể như sau:
- Việc thực hiện ĐTM đối với nhiều dự án còn mang tính hình thức. Nhiều chủ dự án chỉ coi đây là một thủ tục trong quá trình chuẩn bị hoặc thực hiện dự án, vì vậy, khi được yêu cầu lập báo cáo ĐTM thì chỉ làm lấy lệ, cho đủ thủ tục để dự án được thông qua chứ không quan tâm đến những tác động và nguy cơ môi trường thực sự. Một trong những minh chứng cho hiện tượng này là việc cấp phép ồ ại cho các dự án xây dựng sân gôn trong thời gian qua. Tình trạng xung đột xảy ra giữa các chủ dự án và cộng đồng địa phương do tranh chấp quyền sở hữu, tiếp cận, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nguồn nước chứng tỏ các dự án này đã không thực hiện ĐTM một cách nghiêm túc và chất lượng. Một báo cáo có tên “Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: từ pháp luật đến thực tiễn” do Trung tâm con người và thiên nhiên thực hiện vào tháng 4/2009 cũng chỉ ra rằng hiện tượng các chuyên gia tư vấn thường được khoán làm một báo cáo ĐTM cho phù hợp với yêu cầu của pháp luật là rất phổ biến ở các địa phương. Vì vậy, việc tuân thủ quy trình và yêu cầu chất lượng báo cáo ĐTM thường bị làm ngơ hoặc xem nhẹ. Báo cáo ĐTM hiện nay “mới chỉ quan tâm đến tác động có hại, trực tiếp, trước mắt, tác động tới môi trường tự nhiên trong khi ít quan tâm đến tác động có lợi, gián tiếp, lâu dài và tác động xã hội. Các phương án giảm thiểu tác động thì hoặc là quá sơ sài, hoặc thiếu tính khả thi, hoặc chỉ là lời hứa hẹn không có cơ sở”[19]. Việc thiếu chú ý đến các tác động xã hội có thể thấy rõ trong nhiều báo cáo đã được thực hiện. Ví dụ, Báo cáo ĐTM của Dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Hương Sơn phần đánh giá tác động xã hội chỉ có 01 trang, Báo cáo ĐTM của Dự án khai thác mỏ Titan ở Hà Tĩnh phần đánh giá tác động xã hội chỉ có ½ trang; Báo cáo ĐTM của Dự án nhà máy thủy điện Lai Châu có nội dung dày tới 200 trang nhưng phần đánh giá tác động xã hội cũng chỉ có 2 trang. Nhiều báo cáo ĐTM chỉ là bản copy của các dự án khác, thậm chí nhiều trường hợp chủ đầu tư còn “quên” thay đổi địa danh cho phù hợp với dự án mới. Có những báo cáo thì lại làm ngơ hoặc đánh giá thấp các giá trị và vai trò của môi trường và hệ sinh thái ở nơi dự án đề xuất can thiệp để dễ được chấp thuận. Ví dụ Vườn quốc gia Tam Đảo đã được quy hoạch và  khẳng định là “khu rừng đa dạng sinh học cao với rừng lùn thường xanh điển hình”, tuy nhiên báo cáo hiện trạng môi trường phục vụ cho chuẩn bị dự án Tam Đảo II (xây dựng khu giải trí do nước ngoài đầu tư) ở vùng lõi VQG đã đánh giá là khu vực “nghèo đa dạng sinh học, không có giá trị bảo tồn”. Tương tự, báo cáo ĐTM cho đề xuất dự án xây dựng thủy điện Rào Àn1 và Rào Àn 2 trong vùng rừng nguyên sinh kề VQG Vũ Quang ở xã Kim Sơn (Hà Tĩnh) đã không đề cập đến tác động của dự án đối với các loài thú lớn bị đe doạ có giá trị bảo tồn trên toàn cầu như sao la, voi. Tình trạng này cho thấy các quy định hiện hành chưa đủ để ràng buộc trách nhiệm của người lập báo cáo ĐTM trong việc đảm bảo chất lượng và trung thực của báo cáo ĐTM. Bên cạnh đó, việc nâng cáo năng lực thẩm định báo cáo ĐTM cũng là đòi hỏi bức thiết để khắc phục tình trạng này.
- Đối với yêu cầu lập báo cáo ĐMC, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đã xác định rõ trách nhiệm lập báo cáo ĐMC đối với các dự án quy hoạch, chiến lược, song trong một thời gian dài, rất nhiều dự án quy hoạch ở các tỉnh đã làm ngơ đối với yêu cầu này. Thực tế cho thấy rằng nếu không có sự kiên quyết của cơ quan làm công tác thẩm định và phê duyệt thì cũng không có bất kỳ quy định nào ràng buộc trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu về lập báo cáo ĐMC.
- Về việc thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM: hiện nay trách nhiệm này được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Uỷ ban nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động thẩm định chưa thực sự trở thành một kênh phản biện trong sự đối trọng với những ưu tiên về dự án đầu tư và phát triển kinh tế, nhất là đối với các dự án đầu tư quy mô lớn của nước ngoài nhưng tiềm ẩn rủi ro cao về môi trường như xây dựng thuỷ điện, cảng biển, khai thác khoáng sản, sửa chữa tàu biển, tái chế rác thải… Tính độc lập, phản biện và chịu trách nhiệm trước pháp luật của hội đồng thẩm định, thể hiện qua trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM chưa được quy định rõ ràng. Các ý kiến đánh giá của hội đồng thẩm định hầu như chỉ mang tính chất tư vấn, tham khảo, quyết định thông qua báo cáo ĐTM được định đoạt bởi hội đồng phê duyệt chứ không thuộc hội đồng thẩm định. Trong trường hợp dự án được thông qua và khi đi vào hoạt động gây ra những tác động và suy thoái môi trường thì sẽ khó quy trách nhiệm cho các bên liên quan.
6. Một số kiến nghị
Để ĐTM có thể là một công cụ hữu hiệu trong quản lý và bảo vệ môi trường, cần hoàn thiện khung pháp lý về ĐTM ở Việt Nam ở các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, Cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định đảm bảo chất lượng của báo cáo ĐTM được lập, trong đó có việc đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng của báo cáo ĐTM. Việc đưa ra các tiêu chí cụ thể về mặt nội dung đối với báo cáo ĐTM vừa đảm bảo tính minh bạch của các quy định về lập và thẩm định báo cáo ĐTM, vừa làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân lập báo cáo ĐTM, vừa là căn cứ cho việc thẩm định báo cáo.
Thứ hai, Cần có cơ chế để đảm bảo thực thi các nội dung của báo cáo ĐMC trên thực tế. Nội dung của báo cáo ĐMC phải được coi là một phần của các quy hoạch, chiến lược đã được phê duyệt và các báo cáo ĐTM thuộc các dự án nằm trong phạm vi của các quy hoạch, chiến lược phải đảm bảo sự phù hợp với các báo cáo ĐMC đã được lập cho các quy hoạch, chiến lược đó.
Thứ ba, Cần cụ thể hoá các quy định về điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ lập báo cáo ĐTM nhằm đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ của các tổ chức này, góp phần chuyên môn hoá công tác lập báo cáo ĐTM và đảm bảo chất lượng của công tác ĐTM trên thực tế.
Thứ tư, Cần có cơ chế đảm bảo sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình lập, thẩm định và giám sát thực hiện các báo cáo ĐTM và ĐMC thông qua việc nâng cao năng lực của cộng đồng về các vấn đề môi trường và yêu cầu đối với báo cáo ĐTM và ĐMC.
Thứ năm, Cần làm rõ trách nhiệm môi trường của các chủ thể tham gia vào việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM đảm bảo trong trường hợp các dự án được phê duyệt làm tổn hại đến môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo ĐTM thì sẽ có chủ thể phải chịu trách nhiệm về hậu quả này. Cụ thể là trong trường hợp báo cáo ĐTM được lập với chất lượng không cao, không đánh giá đầy đủ các tác động môi trường cũng như thiếu những giải pháp cần thiết để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực của dự án đến môi trường mà vẫn được phê duyệt thì sẽ xác định trách nhiệm của người phê duyệt, người thẩm định và chủ dự án như thế nào, trong trường hợp dự án đó được triển khai và gây thiệt hại cho môi trường, cho cộng đồng dân cư thì trách nhiệm thuộc về ai là những vấn đề cần được làm rõ. Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát việc thực hiện báo cáo ĐTM trong khi triển khai Dự án. Cần trao cho Sở Tài nguyên và Môi trường quyền (và trách nhiệm) phát hiện những vấn đề mới phát sinh, những giải pháp nêu trong báo cáo ĐTM đã không còn phù hợp với thực tế để yêu cầu chủ dự án điều chỉnh nội dung Báo cáo ĐTM.
Thứ sáu, cần tích cực tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ thẩm định báo cáo ĐTM cho các cán bộ cấp tỉnh. Việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng của công tác thẩm định, ngay cả đối với các dịch vụ thẩm định.
Thứ bảy, Cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với các vi phạm nghĩa vụ từ việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện báo cáo ĐTM để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm, bổ sung chế tài đình chỉ dự án và yêu cầu khôi phục hiện trạng để tránh tình trạng có những chủ thể cố tình không lập báo cáo ĐTM nhưng vẫn triển khai dự án gây ra những hậu quả môi trường không thể khắc phục được./.

* Phó trưởng ban, Ban NCPL Dân sự – Kinh tế, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp.
** Nghiên cứu viên, Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp.
[1] ĐTM trong bài viết này được xem xét theo nghĩa rộng, bao gồm cả Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường và Cam kết bảo vệ môi trường.
[3] Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Việt Dũng, Hoàng Xuân Thúy, Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Từ pháp luật đến thực tiễn, Trung tâm con người và thiên nhiên, Hà Nội, 4/2009, trang 1.
[4] Khoản 11 Điều 2 Luật Bảo vệ môi trường năm 1993.
[5] Bên cạnh đó còn có một số văn bản sau đây:
- Quyết định số 13/2005/QĐ-BTNMT ngày 2/12/2005 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ thẩm định và đánh giá tác động môi trường;
- Quyết định 13/2006/QĐ-BTNMT ngày 08/9/2006 ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
[6] Khoản 19 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2005.
[7] Điều 14 Luật Bảo vệ môi trường 2005.
[8] Khoản 11 Điều 2 Luật Bảo vệ môi trường 2005.
[10] Sự khác biệt giữa ĐTM và ĐMC đã được đề cập một cách khái quát trong nhiều tài liệu nghiên cứu ở ngoài nước dưới nhiều góc độ khác nhau và nội dung này cũng được đề cập tới trong kết quả nghiên cứu của đề tàiB2000.34.79.MT “Cơ sở khoa học của đánh giá môi trường chiến lược” do Trung Tâm Kĩ Thuật Môi Trường Đô thị và Khu công nghiệp thực hiện vào năm 2000.
[11] Bao gồm việc đánh giá về hiện trạng môi trường cả nơi thực hiện dự án và vùng kế cận, đánh giá mức độ nhạy cảm và sức chịu tải của môi trường; đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện và các thành phần môi trường, yếu tố kinh tế – xã hội chịu tác động của dự án; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra
[12] Bao gồm các biện pháp cụ thể được đề xuất để giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường; các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành công trình; danh mục công trình, chương trình quản lý và giám sát các vấn đề môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án
[13] Báo cáo ĐTM phải phản ánh được ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; đặc biệt, các ý kiến không tán thành việc đặt dự án tại địa phương hoặc không tán thành đối với các giải pháp bảo vệ môi trường phải được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
[14] Điều 8 Nghị định 80/2006/NĐ-CP quy định tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có cán bộ kỹ thuật, công nghệ và môi trường có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực dự án;
b) Có các phương tiện, máy móc, thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định về đo đạc, lấy mẫu về môi trường và các mẫu liên quan khác phù hợp với tính chất của dự án và địa điểm thực hiện dự án;
c) Có cơ sở vật chất – kỹ thuật, phòng thí nghiệm bảo đảm việc xử lý, phân tích các mẫu về môi trường và các mẫu khác liên quan đến dự án. Trong trường hợp không có phòng thí nghiệm đạt yêu cầu, tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn phải hợp đồng thuê phòng thí nghiệm khác đáp ứng yêu cầu đặt ra.
[15] Thông tư 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008  hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường quy định “Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, chủ dự án phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam; các tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.
[16] Thông tư 05/2008/TT-BTNMT quy định “Cơ quan được giao nhiệm vụ lập dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Điều 14 của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là chủ dự án) thành lập tổ công tác về đánh giá môi trường chiến lược gồm các chuyên gia về môi trường, các nhà khoa học liên quan có trình độ, chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất của dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để tiến hành công tác đánh giá môi trường chiến lược và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch”.
[17] Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Việt Dũng, Hoàng Xuân Thúy, Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Từ pháp luật đến thực tiễn, Trung tâm con người và thiên nhiên, Hà Nội, 4/2009, trang 10.
[18] Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Việt Dũng, Hoàng Xuân Thúy, Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Từ pháp luật đến thực tiễn, Trung tâm con người và thiên nhiên, Hà Nội, 4/2009, trang 11.
[19] Nguyễn Hải Vân, Nguyễn Việt Dũng, Hoàng Xuân Thúy, Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Từ pháp luật đến thực tiễn, Trung tâm con người và thiên nhiên, Hà Nội, 4/2009, trang 15.