Tại Nhà máy nước Vĩnh Bảo, Công ty TNHH MTV Cấp nước Hải Phòng vừa khởi công dự án bể lọc tiếp xúc sinh học (BCF) 5.000m3/ngày do Nhật Bản hỗ trợ về công nghệ. Đây là công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam nhằm cải thiện dịch vụ cấp nước, đặc biệt là chất lượng nước.
Theo lãnh đạo Công ty Cấp nước, nguồn nước mặt của các con sông cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước của Hải Phòng trong những năm gần đây đang bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó có sông Chanh Dương, một nhánh của sông Luộc là nguồn cung cấp cho Nhà máy nước(NMN) Vĩnh Bảo. Nguyên nhân do nước thải từ các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, các khu dân cư chưa được xử lý xả thẳng ra sông, cộng với việc sử dụng hóa chất tràn lan trong sản xuất nông nghiệp không được kiểm soát đã tác động tiêu cực đến các nguồn nước sông phục vụ tưới tiêu và sản xuất nước. Kết quả phân tích định kỳ tại công ty, một số chỉ tiêu ô nhiễm như hàm lượng chất hữu cơ, a moni tại các nguồn nước tăng dần theo thời gian và tăng nhanh trong những năm gần đây. Các chất ô nhiễm này gây khó khăn cho công tác vận hành của các NMN, chi phí hóa chất xử lý tăng cao. Không những thế, việc tăng cường sử dụng hóa chất clo sẽ sinh ra hợp chất THMs không có lợi cho sức khỏe, nên cần hạn chế. Một số nước tiên tiến sử dụng công nghệ sử dụng Ozon (O3) để oxi hóa chất hữu cơ, nhưng phương pháo này tốn kém chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Sử dụng công nghệ sinh học-bể lọc BCF, là công nghệ đang sử dụng tại thành phố Kitakyushu-thành phố kết nghĩa với Hải Phòng được đánh giá hiệu quả cao, mặc dù chi phí đầu tư cao nhưng chi phí vận hành ở mức trung bình, không phức tạp. Thông qua chương trình hợp tác, năm 2012 vừa qua, các chuyên gia của Kitakyushu tìm hiểu thực trạng cấp nước, trực tiếp hướng dẫn, đề xuất giải pháp, áp dụng kinh nghiệm phân tích chất lượng nước. Công ty cấp nước được hỗ trợ một số thiết bị thí nghiệm, chế tạo mô hình thử nghiệm bể lọc tiếp xúc sinh học. Việc áp dụng thử nghiệm tại Nhà máy nước An Dương cho thấy, giảm rõ rệt hàm lượng chất hữu cơ, chất hoạt động bề mặt. Cụ thể, NH4 giảm hơn 80%, magan và một số kim loại nặng như sắt giảm khoảng 70%, giảm gốc NO hơn 90%, giảm hợp chất THMs. Ngoài ra BCF còn cải thiện chất lượng nước thông qua giảm mùi, độ đục, màu… Kết quả trên đem lại kết quả khả quan trong việc thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng nước cấp của Công ty Cấp nước Hải Phòng. Phát huy hiệu quả từ việc thử nghiệm lắp đặt bể lọc BCF, được sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về công nghệ, Công ty Cấp nước quyết định lựa chọn đầu tư dự án bể lọc BCF 5.000m3/ngày tại NMN Vĩnh Bảo do hàm lượng chất hữu cơ trong nước nguồn tại đây cao; quy mô công suất nhà máy nhỏ, chi phí xây dựng bể BCF phù hợp với khả năng cân đối vốn của công ty. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, do Công ty Cấp nước Hải Phòng làm chủ đầu tư, được Cục cấp thoát nước thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) hỗ trợ về công nghệ. Bể lọc BCF và các thiết bị phụ trợ giúp hệ thống vận hành tự động khi đưa vào sử dụng sẽ có tác dụng giảm thiểu các chất hữu cơ, amoni, chất gây mùi và các chất hoạt động bề mặt nước thô, góp phần cải thiện dịch vụ cấp nước, vì sức khỏe cộng đồng. Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 9 năm nay.
Việc đầu tư xây dựng bể lọc sinh học BCF tại NMN Vĩnh Bảo, xử lý ô nhiễm chất hữu cơ trong nguồn nước không chỉ mang lại lợi ích cho huyện Vĩnh Bảo, thành công của dự án sẽ là cơ sở để tăng cường áp dụng công nghệ này vào các NMN khác của công ty. Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cấp nước, trong đó tăng cường hợp tác quốc tế, mạnh dạn ứng dụng công nghệ từ các nước tiên tiến đầu tư thiết bị, tạo điều kiện để cán bộ kỹ thuật có cơ hội đào tạo nâng cao trình độ, Công ty Cấp nước Hải Phòng tiếp tục nâng cao khả năng vận hành, bảo dưỡng và chất lượng dịch vụ cấp nước./.