Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Dòng Đa Độ kêu cứu

Với nhiều người Hải Phòng, Đa Độ (xưa còn gọi là Cửu Biều Giang) là dòng sông trong xanh với khung cảnh thơ mộng đôi bờ. Bao năm qua, sông cung cấp nước sạch cho hàng vạn gia đình sinh sống chung quanh, người dân nội thành cũng như bảo đảm tưới tiêu cho rất nhiều cánh đồng trù phú. Cá, tôm dồi dào dưới sông là nguồn sống cho hàng trăm hộ làm nghề chài lưới. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp đẽ ấy nay chỉ còn trong ký ức. Một lần được ngược dòng cùng cán bộ, nhân viên Trạm quản lý sông Đa Độ (Công ty CP Bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng), mới thấy nhiều điều đáng suy nghĩ…

Kỳ 1:  Dòng sông ô nhiễm

Đầu giờ sáng một ngày cuối tuần, trong tiết trời mưa xuân lất phất, chúng tôi cùng nhóm cán bộ, nhân viên Trạm quản lý sông Đa Độ xuống ca-nô ngược dòng Đa Độ. Tiếng máy ca-nô rù rì, sau dần rít lên đưa chúng tôi từ thị trấn Núi Đối hướng về phía cống Cổ Tiểu để bắt đầu hành trình. Theo lời anh Nguyễn Mạnh Tú, Trạm trưởng Trạm quản lý sông Đa Độ, điểm cuối trước khi sông Đa Độ hòa vào dòng Văn Úc đổ ra biển thuộc địa phận xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy). Tiếp đó, sông ngược lên trên qua địa phận hàng chục phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Kiến Thụy, An Lão và các quận Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh. Điểm đầu của sông Đa Độ là cống Trung Trang lấy nước từ dòng Văn Úc thuộc địa phận xã Bát Trang (huyện An Lão).
Thị trấn Núi Đối nhìn từ sông Đa Độ.      Ảnh: Trung Kiên
Thị trấn Núi Đối nhìn từ sông Đa Độ.
Ảnh: Trung Kiên
Cách đây chừng một hai tháng, trong lần chuyện trò với ông Hoàng Văn Khủng, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ- người từng gắn bó với dòng Đa Độ hàng chục năm, được biết, cái tên Cửu Biều Giang với hàm ý xưa kia dòng sông uốn khúc 9 đoạn từ trên cao nhìn xuống giống quả bầu, nhiều người rõ; nhưng cái tên chính Đa Độ nghĩa ra sao thì ít người biết. Theo cách lý giải của ông, Đa: nhiều, Độ: bến; Đa Độ đơn giản là dòng sông có nhiều bến ở đôi bờ. Nào là bến đò, bến thuyền, nào là bến nước, bến tắm, bến cá… Cái tên cổ này nói lên tầm quan trọng của sông Đa Độ với sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải và đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống hai bên bờ.

Sau chừng 30 phút rẽ nước, khi chúng tôi có mặt ở khu vực cống Cổ Tiểu, gió mang hơi muối thổi từ biển vào mát rượi. Từ cống Cổ Tiểu, người điều khiển kéo mạnh tay ga để ca-nô “bay” trên mặt sông. Thế nhưng, chỉ chừng dăm bảy phút, lại phải trở về tốc độ “rùa bò”. Theo hướng chỉ tay của anh Tú trạm trưởng, trước mắt cơ man là bèo. Thưa thì quây thành khóm, dày thì ken thành mảng lớn. Có những thời điểm, mật độ bèo tây dày đến mức, có thể bước xuống đi bộ trên mặt sông chẳng khác gì trên bờ. Chính vì lớp bèo thường trực này mà 10 chuyến tuần tra dọc sông, có tới 4-5 lần ca-nô không thể đi được. Theo quy định, trừ những tình huống khẩn cấp, đặc biệt, mỗi tháng 3 lần, trạm phải tiến hành tuần tra dọc sông, cả đi lẫn về lên tới cả trăm cây số. Theo anh Tú, nhiều lần, trạm phải cắn răng thuê thuyền máy vừa đi trước dẫn đường, vừa kéo ca-nô vượt qua đoạn sông nhiều bèo. Chi phí cho mỗi lần thuê như vậy mất 700.000 đồng, tất nhiên không có hóa đơn chứng từ, trạm phải co kéo theo kiểu “giật gấu vá vai”.

Qua địa phận xã Đoàn Xá, lần lượt đến các xã Tân Phong, Minh Tân, thị trấn Núi Đối, xã Đại Đồng…, dù chuẩn bị tâm lý trước chuyến đi, nhưng việc được “mục sở thị” khiến chúng tôi kinh hoàng về tình trạng ô nhiễm của dòng sông vốn nổi tiếng đẹp và thơ mộng. Vừa đi, anh Tú vừa tranh thủ cung cấp một số thông tin nắm được về tình trạng ô nhiễm trên dòng sông mà anh gắn bó hơn 5 năm. Ngoài vô số trang trại chăn nuôi, khu dân cư, làng nghề, đáng sợ nhất là nước thải của nghĩa trang, bệnh viện, trạm y tế xã… cũng xả trực tiếp xuống sông.

Gắn bó cả tuổi thơ với dòng Đa Độ, trở về công tác tại trạm từ năm 2011 sau thời gian lênh đênh trên tàu viễn dương, cứ qua một trang trại, nhà máy, bệnh viện hay khu dân cư, anh Tú lại lắc đầu quầy quậy: “So với nhiều dòng sông tôi từng xuôi ngược, đôi bờ sông Đa Độ không có nhiều khu dân cư. Theo lẽ thường, nước sông phải sạch, trong. Vì thế, việc để nước sông ngày càng ô nhiễm, cần xem xét đến công tác quản lý và quy hoạch”. Thở dài một hơi, anh tiếp lời: “Hồi còn nhỏ, mỗi khi đi qua cầu Đối vào mùa hè, thấy bãi sen cạnh công viên Dương Kinh (thị trấn Núi Đối- PV), lúc nào cũng ngào ngạt hương sắc. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, không hiểu sao tự nhiên sen “bay” hết sạch. Có lẽ loài hoa nổi tiếng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” này không chịu được sự ô nhiễm của nước sông. Không biết sau sen, đến lượt loài nào sẽ trở thành “vật tế thần”?”.

Theo thống kê sơ bộ, có hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp, khoảng trên dưới 50 làng nghề, gần 60 trạm y tế, 3 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa huyện An Lão, Bệnh viện đa khoa huyện Kiến Thụy, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng), 2 khu dân cư lớn (thị trấn Núi Đối và thị trấn Ruồn)… đang ngày ngày làm ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ. Trong khi đó, đây lại là nguồn cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Nguyệt với công suất 40.000 m3/ngày, lớn thứ 2 trên địa bàn thành phố chỉ sau Nhà máy nước An Dương (140.000 m3/ngày).


Kỳ 2:  Bóp nghẹt dòng chảy

Trong hành trình ngược sông Đa Độ bằng ca-nô cùng cán bộ, nhân viên Trạm quản lý sông Đa Độ cũng như tìm hiểu thực tế, chúng tôi được tận mắt chứng kiến dòng chảy của sông đang bị những hành động cả vô tình lẫn cố ý của con người bóp nghẹt. Thực trạng này dễ dẫn tới đồng ruộng bị ngập úng vào mùa nước lên và sự không an toàn của các phương tiện thủy lưu thông trên sông.

Chỉ tay về đoạn sông bị phủ kín bởi bèo tây, chị Nguyễn Thị H., ở xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy), công nhân doanh nghiệp nằm ven đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh), hỏi chúng tôi: “Các anh, các chị thấy có gì lạ không?”. “Toàn bèo tây, có gì lạ đâu?”- đồng nghiệp đi cùng nhanh nhảu. “Nhưng sao bèo lại không theo gió, theo nước chảy trôi đi mà cứ khoanh lại thành đám, lại “nấp” sau khu dân cư chứ?”- Chị H. gợi mở. Đúng là lạ thật khi bèo tây, dù nhiều, lại không lan tràn khắp mọi nơi ở mặt sông mà co cụm thành từng mảng, từng đám theo khu. Mà càng lạ hơn nữa, những đám bèo đó đều được những sợi dây thừng lớn, cách một đoạn được buộc một tấm phao nổi, quây lại. Khi được hỏi, liệu có phải có người quây lại để nuôi bèo không, anh Tú đặt câu hỏi ngược lại: “Vớt bèo về cho gà, cho lợn ăn, chỉ cần quơ vài quơ là đầy thuyền. Liệu có người rảnh rỗi đến mức bỏ tiền mua hàng trăm mét dây rồi bỏ công ra quây để chơi?”. Khi hỏi ai làm, anh không trả lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc chiều dài sông Đa Độ có 2 đội kênh trục chính Kiến Thụy và An Lão trực thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ với trên dưới 40 cán bộ, nhân viên. Trước đây, việc vớt bèo bảo đảm dòng chảy cũng như giao thông đường thủy thuộc một số trạm khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, nay thuộc về 2 đội trên. Nhiều lần phía công ty lý giải nguyên nhân tình trạng bèo ngập mặt sông là do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân sinh sống hai bên bờ, hiếm khi thấy có người vớt bèo. Để “né” các đoàn kiểm tra, khảo sát, ai đó nghĩ ra “sáng kiến” quây bèo núp sau khu dân cư hoặc nơi khuất nẻo nên đi trên đường ít khi quan sát thấy.

Cũng vì chuyện bèo ở một số đoạn quá nhiều và quá dày, nên mỗi chuyến đi tuần tra trên sông, bao giờ trong hành trang của anh em Trạm quản lý sông Đa Độ cũng có thêm con dao sắc để cắt dây cho bèo trôi. Thế nhưng, cứ cắt xong, lại có người nối lại. Điệp khúc cắt- nối, nối- cắt diễn ra hết ngày này qua ngày khác chẳng khác nào chuyện đóng cọc của người thả lờ bát quái hay dùng neo rê của đội kéo lưới vét.

Chả là ấm ức vì lưới vét đi đến đâu, càn quét đến nấy; một vài hôm nhấc hàng chục chiếc lờ bát quái mà chỉ được mớ cá vụn, một số ngư dân liền nghĩ ra chuyện đóng cọc dưới lòng sông, đầu cọc chìm dưới mặt nước chừng 1-2 mét. Không hiếm trường hợp người đánh lưới vét bị tan tành cả bộ lưới có giá hàng chục triệu vì “tiểu xảo” này. Để trả đũa, họ nghĩ ra cách cao tay hơn: dùng neo vừa chạy, vừa rê dưới đáy sông kéo theo hàng chục, hàng trăm chiếc lờ bát quái.

Tình trạng này không chỉ gây mâu thuẫn trong người dân tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Những ngày nước cạn, tàu thuyền qua lại trên mặt sông rất dễ “găm” phải cọc. “Ngoài tàu thuyền đánh bắt thủy sản, may mắn rất ít phương tiện vận tải qua lại trên mặt sông. Với tôi, dù thân thuộc với dòng sông, nhưng vừa lái ca-nô vừa run bởi chỉ cần quệt qua thôi cũng có thể lật nhào!”- anh Nhật, nhân viên lái ca-nô của trạm, giãi bày.

Góp phần vào tình trạng “bát nháo” trên dòng Đa Độ, phổ biển nhất là việc dựng chòi nổi trên mặt sông, thậm chí chặn một đoạn nhánh mở nhà hàng. Ở khu vực thị trấn núi Đối có khá nhiều nhà hàng kiểu này, trong đó có nhà hàng Ánh Tuyết và Liên Khánh. Bất chấp việc này vi phạm hành lang an toàn đường thủy, chẳng thấy cơ quan chức năng nào xử lý hay dỡ bỏ. Bên cạnh đó, người người, nhà nhà còn đua nhau cơi nới lấp sông. Đơn cử như trường hợp 1 hộ dân ở thôn Đức Phong (xã Đại Đồng) được huyện Kiến Thụy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau đó thành phố ra quyết định thu hồi vì vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy. Do huyện chưa bố trí mảnh đất khác “đền bù”, hộ dân này ngang nhiên đổ đất lấn sông trên diện tích mà giấy chứng nhận đã bị thu hồi. Hay mới nhất là trường hợp một hộ dân ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) ngang nhiên đổ đất lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi cầu Nguyệt. Điều khó khăn là phía Trạm quản lý sông Đa Độ chỉ có thể lập biên bản rồi báo cáo cấp trên, chứ không có chế tài xử lý. Vì thế, bằng những cách khác nhau, dòng chảy của sông Đa Độ vẫn ngày ngày bị nhiều người chung tay bóp nghẹt.

Trong hành trình ngược sông Đa Độ, chúng tôi thấy dọc 2 bên bờ, những đoạn không có khu dân cư hay cơ sở sản xuất công nghiệp, đều được be đắp khá cẩn thận. Tìm hiểu được biết, đây là công trình bảo vệ nguồn nước, dòng chảy cũng như hệ thống thủy lợi. Không biết theo quy hoạch tuyến bờ này cao vào rộng bao nhiêu, nhưng từ trên cao nhìn xuống, chẳng khác gì con giun ngoằn nghèo. Nơi phình ra, chỗ lại thắt vào. Giống như tình trạng bèo tây, những nơi dễ quan sát thì to đẹp, bề mặt rộng trên dưới 5 mét, còn chỗ khuất nẻo thì vừa thấp, bề mặt chỉ trên dưới 2 mét (?).

Thực trạng nước bị ô nhiễm, hành lang an toàn giao thông đường thủy bị vi phạm, dòng chảy bị bóp nghẹt diễn ra ngày một trầm trọng trên sông Đa Độ. Thực tế này đòi hỏi phải có hành động ngay, kịp thời của các cơ quan chức năng, nhất là những đơn vị quản lý trực tiếp như Phòng Tài nguyên- Môi trường các quận, huyện hai bên bờ sông, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, Công ty CP Bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng, chính quyền các xã, phường quận, huyện trong việc nâng cao nhận thức của người dân, xử lý nghiêm những hành động vi phạm hay thái độ lơ là, thiếu trách nhiệm, thậm chí gian dối của những cá nhân, đơn vị trực tiếp quản lý.                       

Kỳ cuối: Tận diệt nguồn lợi thủy sản

Mới đây, dư luận xôn xao về chuyện một ngư dân đánh cá bắt được con ba ba “khủng” nặng tới 17,5 ở gần cầu Đối, thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy (cuối tháng 2-2016. Trong khi nhiều người mắt tròn, mắt dẹt về “cụ” ba ba được đồn đoán là có họ hàng xa với “cụ” rùa Hồ Gươm, anh H. (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy), một người gắn bó với dòng Đa Độ cả chục năm với việc đánh bắt tôm cá bằng te kích điện, lại tỏ vẻ nghi hoặc, bởi theo anh, sông làm gì còn ba ba to như vậy sống hoang dã. Nhiều lần anh tận mắt chứng kiến chiêu trò của một số ngư dân.

Vào thời điểm đầu giờ trưa hoặc cuối giờ chiều, khi khách nhậu đến một số nhà hàng có chòi nổi ven sông để vừa nhấm nháp, vừa thưởng thức những cơn gió trong lành từ mặt sông thổi lại hay khung cảnh đẹp như tranh vẽ, một số ngư dân láu cá mắc sẵn vào lưới những con cá trắm đen, ba ba to (tất nhiên được nuôi) rồi kéo rê đến khu vực chòi nổi. Trong con mắt thích thú của khách nhậu, họ thản nhiên kéo lưới. Thế rồi a-lê-hấp, bỗng một chú trắm đen nặng đến dăm bảy ký, hoặc hơn, và ba ba chừng đôi ba ký, bỗng nổi lên quẫy trắng xóa cả một vùng mặt nước. Bị thuyết phục bởi màn “biểu diễn” vô tiền khoáng hậu này, thực khách, tất nhiên là không tiếc tiền đua nhau trả giá để được thưởng thức “hàng tự nhiên quý hiếm mục sở thị”. Giá ba ba nuôi tại các nhà hàng loại lớn chừng 600-700 nghìn đồng/ký lô, còn trắm đen ở chợ cũng chỉ hơn 100 nghìn đồng/cân, thì loại tự nhiên phải đắt gấp đôi, gấp ba. Tất nhiên, khi được tiếng là “đại gia”, chẳng ai tiếc tiền cho những món đồ “xịn”.

Thực tế, không chỉ ba ba, trắm đen, mà nguồn lợi thủy sản trên sông hầu như cạn kiệt. Ngoài những phương thức khai thác truyền thống, những “ngư dân chân chính” còn dùng đến những cách khai thác theo kiểu “không cho chúng nó thoát”. Ít vốn thì sắm bộ te kích điện rồi đẩy, chèo thuyền dọc đôi bờ. Cùng với những tiếng “te te, tè tè” nghe vui tai, tôm cá lớn nhỏ trong tầm vợt đều nổi trắng bụng. Và trứng tôm trứng cá chẳng bao giờ nở thành tôm con, cá nhỏ được nữa. Tuy nhiên, so với lưới màn, lưới vét, te kích điện chỉ là “muỗi”. Những bộ lưới màn, lưới vét, khi buông xuống quây kín cả một khoảnh sông. Từ cá vược, trắm đen cả chục cân đến cá mương chỉ bằng ngón tay trẻ nhỏ, chẳng con nào thoát.

Trong trí nhớ của ông Hoàng Văn Khủng, xưa kia dòng Đa Độ lắm tôm, nhiều cá. Trước đây, những canh nước đài 2, nhất là tang nước đêm giao thừa, chẳng bao giờ có nước mặn hay nước lợ. Người thủ cống khi ấy, bằng sự hiểu biết và dũng cảm, sẵn sàng mở toang cửa cống để đưa lượng lớn trứng tôm, trứng cá theo dòng nước ngọt tràn về sông. Vì thế, chuyện bắt được những con trắm đen, vược nặng hàng chục cân trên sông Đa Độ là “thường ngày ở huyện”! Nhưng theo thời gian, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần. Chưa nhắc đến cách con người đối xử với sông (dùng nhiều dụng cụ, cách khai thác mang tính tận diệt và hủy diệt), sự hiểu biết của con người với dòng sông cũng là một điều đáng buồn. Từ khi cống Cổ Tiểu trở thành cống chuyên tiêu, có nghĩa chỉ mở ra để thoát nước ra biển, thì mất đi một lượng lớn trứng tôm cá.

Khi được hỏi, sao để tình trạng này liên tục diễn ra, anh Tú, Trạm trưởng Trạm quản lý sông Đa Độ, lắc đầu ngao ngán, đây không phải chức năng, nhiệm vụ của trạm cũng như bên phía Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, mà của ngành Tài nguyên Môi trường. Mà Phòng Tài nguyên Môi trường các huyện Kiến Thụy cũng như An Lão hay quận Dương Kinh và Kiến An thì lấy đâu ra người cũng như phương tiện (đường thủy) để kiểm tra, xử lý thường xuyên. Thậm chí, có khi thành phố tổ chức thả cá giống để tăng nguồn lợi thủy sản ở đầu nguồn, cuối nguồn họ giăng lưới bắt sạch. Những con rô phi, trắm, trôi, mè… chỉ bằng ngón tay cái ăn vừa đắng vừa tanh, chó mèo cũng chê huống chi con người, nên chỉ có nước nấu cho lợn. “Chẳng biết cá giống  người ta bán sao chứ loại cá này ngoài chợ, chỉ vài nghìn một cân thôi!”- anh Tú cho biết.

 “Năm này qua năm khác, hết te kích điện rồi đến lưới màn, lưới vét thi nhau “dọn sạch” tôm cá dưới sông. Theo đà này, chỉ một vài năm nữa, dưới sông sẽ chẳng còn gì. Tôi biết chắc là việc khai thác thủy sản bằng te kích điện bị cấm, nhưng một số người cứ nhơn nhơn làm mà chẳng bị cơ quan chức năng xử lý. Còn với lưới màn, lưới vét, dù không rõ nhưng theo tôi, nên cấm hoặc có quy định chặt chẽ về kích cỡ mắt lưới để những con tôm, cá nhỏ có cơ hội lớn lên!”- ông T., một ngư dân gắn bó với dòng sông mấy chục năm với nghề thả lờ bắt tôm, ngậm ngùi!.

Mặc dù chuyến ngược dòng Đa Độ không được trọn vẹn, bởi ca-nô không thể vượt qua đoạn bèo tây dài đến cả cây số ở đoạn giáp ranh giữa xã Đông Phương với phường Đa Phúc (quận Dương Kinh), nhưng qua hơn 10 cây số, chúng tôi thật sự buồn lòng trước những gì mắt thấy, tai nghe. Kết thúc chuyến ngược dòng này, anh Tú, Trạm trưởng Trạm quản lý sông Đa Độ, bộc bạch: “Hơn 3 năm làm thủy thủ tàu viễn dương từ năm 2006-2008, sóng to gió lớn nơi biển cả rèn cho tôi bản lĩnh cùng sự “gan lỳ” ghê gớm. Thế nhưng, chứng kiến dòng sông thân yêu bị đầu độc, bị người ta bóp nghẹt, nhiều lúc tôi không kìm được nước mắt!”.

Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020 đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2013-2015: “Xử lý từ 30% trở lên lượng nước thải ra môi trường các lưu vực sông, trong đó 50%- 70% do doanh nghiệp xả thải; 100% do bệnh viện xả thải; bảo đảm thu gom toàn bộ lượng nước thải, không để xả thải trực tiếp ra sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hò#n Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng”. Thế nhưng, nước thải, nhất là các bệnh viện, vẫn được xả trực tiếp đầu độc sông Đa Độ. Nếu tình trạng như hiện nay tiếp diễn, chẳng lâu nữa Đa Độ sẽ trở thành dòng sông chết. Khi ấy, có đổ bao tiền của cũng như sức người, cũng chỉ là “xuống sông, xuống biển”.