hát hiện nguồn nước ngầm lớn tại Hà Nội:
Các chuyên gia khoan thăm dò nguồn nước ngầm Neogen tại Hà Nội.Ảnh: Ngọc Thanh
Giải bài toán thiếu nguồn nước sạch
Trong khi nguồn nước ngầm ở Hà Nội đang bị ô nhiễm và dần cạn kiệt, thì
mới đây, các chuyên gia của Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài
nguyên nước miền Bắc (Bộ TN&MT) đã phát hiện ra tầng nước ngầm mới
dưới lòng đất ở Hà Nội, có trữ lượng rất lớn và chất lượng tốt. Nguồn
nước này có thể "giải khát" cho nhiều khu vực đang thiếu nước sạch sinh
hoạt trên địa bàn Thủ đô.
Ô nhiễm cả hai tầng
Theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, hiện tổng mức khai thác nước ngầm
của toàn TP Hà Nội vào khoảng 700.000m3/ngày đêm, với hơn 170.000 giếng
khai thác. Dự báo, đến năm 2020, mức khai thác sẽ tăng gấp đôi, lên mức
1,4 triệu m3/ngày đêm.
Các chuyên gia khoan thăm dò nguồn nước ngầm Neogen tại Hà Nội.Ảnh: Ngọc Thanh
Để đánh giá chất lượng nguồn nước ngầm, Sở TN&MT Hà Nội đã khảo sát
tại các giếng khoan khai thác nước quy mô công nghiệp và giếng khoan
khai thác nước nhỏ lẻ, trong đó có giếng khoan Unicef của các hộ gia
đình. Kết quả kiểm tra, phân tích các mẫu nước cho thấy, các giếng khoan
hoạt động liên tục không những hút cạn nước ngầm ở cả 2 tầng sát mặt
đất (là Holocen và Pleistocen), mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các
tầng nước này. Trầm trọng hơn, diện tích nguồn nước ngầm bị ô nhiễm đang
có dấu hiệu lan rộng. Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng đều cao hơn giới
hạn cho phép, trong đó, hàm lượng amoni, asen và hữu cơ đều cao. Nếu kéo
dài tình trạng này, nước ngầm ở Hà Nội sẽ dần cạn kiệt và không còn sử
dụng được.
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc & Dự báo Tài nguyên nước
(Bộ TN&MT) cũng khẳng định, mực nước ngầm tại Hà Nội đang bị sụt
giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể,
nước ngầm ở khu vực Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có hàm lượng amoni cao hơn
tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Ở Tân Lập (huyện Đan Phượng), hàm lượng
amoni cao gấp 233 lần tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng mangan, asen đều
vượt tiêu chuẩn.
Phát hiện nguồn nước quý, khai thác giá rẻ
Trong khi tình trạng nguồn nước ngầm ở Hà Nội bị khai thác quá mức và
dần cạn kiệt, việc phát hiện tầng nước ngầm thứ 3 (Neogen) dưới lòng đất
là vô cùng quý giá. Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị,
TS Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra
tài nguyên nước miền Bắc cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, các chuyên
gia của liên đoàn đã điều tra, nghiên cứu và mới đây đã hoàn thành đề
án Điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP Hà Nội.
"Tầng nước này có thể khai thác để sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt hoặc
các ngành sản xuất công nghiệp đòi hỏi chất lượng nước tốt như dệt may,
điện tử. Còn nguồn nước khoáng ấm có thể khai thác để phát triển du
lịch. Bên cạnh đó, việc đầu tư chi phí, xử lý, khai thác nguồn nước ngầm
này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với khai thác nước mặt. Lợi ích về lâu dài
là rất rõ, bởi ưu thế về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước, có thể
khai thác ổn định, lâu dài. Nếu khai thác nguồn nước này sử dụng cho
sinh hoạt, giá thành sẽ rẻ hơn gần một nửa so với giá nước phải chi trả
hiện nay" - ông Thanh tính toán.
Hiện nay, một số nơi như Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân (quận Hoàng
Mai), tầng nước Neogen đã được khai thác phục vụ người dân sử dụng và
được đánh giá có chất lượng tốt nhất nội đô Hà Nội. Với nguy cơ nguồn
nước ngầm bị ô nhiễm và cạn kiệt, thì việc phát hiện nguồn nước ngầm
dưới đất tầng Neogen có thể "giải khát" cho nhiều khu vực đang thiếu
nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô.
Theo kết quả điều tra, tầng chứa nước Neogen phía Nam Hà Nội có độ
sâu từ mặt đất xuống khoảng 60 - 110m, nhiều vùng rất giàu nước và chất
lượng nước tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều dưới
mức cho phép. Đề án đã xác định được các vùng có triển vọng khai thác
nước lớn trong tầng chứa nước hệ tầng Vĩnh Bảo và đánh giá được trữ
lượng nước dưới lòng đất của các trầm tích hệ tầng Vĩnh Bảo lên tới
1.642.925m3/ngày.