Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Khoảng cách ly tối thiểu và công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
6/14/13 3:43 PM
Ngày 11/6, Bộ Xây dựng đã có công văn 11/BXD-HTKT gửi Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh về khoảng cách ly tối thiểu và công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đối với Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh như sau:
1. Vị trí Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh đã được xác định trong Quy hoạch chi tiết 1/500 Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh tại Quyết định số 213/QĐ-SXD ngày 03/8/2009 của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh.

2. Về quy định đối với khoảng cách ly tối thiểu từ trạm xử lý nước thải đến khu vực dân cư gần nhất:

Khoảng cách ly tối thiểu từ trạm xử lý nước thải đến khu vực dân cư gần nhất được quy định tại các quy chuẩn và tiêu chuẩn sau:

- QCVN 07:2010/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- QCVN 01:2008/BXD: Quy chuẩn xây dựng Việt Nam Quy hoạch xây dựng.

- TCVN 7957:2008: Thoát lưới – Mạng lưới và Công trình bên ngoài.

- TCVN 7222:2002: Yêu cầu chung về môi trường đối với các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Theo quy định hiện hành, các Quy chuẩn là bắt buộc áp dụng, còn các tiêu chuẩn là khuyến khích áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Vì vậy, khoảng cách 150m từ nhà máy xử lý đến khu vực dân cư gần nhất mà Dự án đã lựa chọn là phù hợp với quy định hiện hành.

3. Về công nghệ xử lý nước thải đã được phê duyệt:

Công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn cho nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh là công nghệ xử lý sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn (gọi tắt là C-tech). Đây là loại công nghệ đang được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xử lý nước thải lớn của thế giới và Việt Nam như Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Hồ Tây - Thành phố Hà Nội; Thành phố Bắc Ninh, VSIP Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh; thành phố Vinh - tỉnh Nghệ An, Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương,…). Theo thiết kế của dự án, toàn bộ nhà máy được xây kín, khi sử dụng công nghệ này, nước thải sau xử lý đạt quy định tại cột A, QCVN 14:2008/BTNMT và được xả ra sông Ngũ Huyện Khê. Công nghệ này được đánh giá là công nghệ hiện đại, không ảnh hưởng, tác động đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trong vùng dự án.

4. Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn là một công trình phúc lợi xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhà máy đi vào vận hành sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Khi đưa nhà máy vào sử dụng, chủ đầu tư cần giám sát chặt chẽ hoạt động của nhà máy tuân thủ đúng quy trình quản lý, vận hành.
 
Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay phát triển ngành nước Việt Nam
7/25/13 7:00 AM
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định vay cho “Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam - Khoản vay 2”, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, ngày 23/5/2013 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký với Đại diện ADB Hiệp định vay cho “Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam - Khoản vay 2”.
Theo đó, ADB cam kết tài trợ cho Việt Nam một khoản tín dụng từ nguồn vốn vay thông thường (OCR) trị giá 212 triệu USD với thời hạn 25 năm (gồm 6 năm ân hạn), cơ chế lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất liên ngân hàng London LIBOR 6 tháng + % (biên độ này sẽ được ADB xác định theo từng thời điểm) và các khoản phụ phí (hoặc giảm trừ) tuỳ thuộc vào chi phí huy động vốn của ADB (được thông báo 6 tháng/lần vào tháng 1 và tháng 7 hằng năm), phí cam kết 0,15%/năm tính trên số vốn chưa giải ngân.
Khoản vay này tập trung tài trợ thực hiện các dự án đầu tư cho các công ty cấp nước; hỗ trợ thực hiện chuẩn bị dự án đầu tư cho các công ty cấp nước tại 12 tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Dương.
Dự án được thực hiện từ năm 2013-2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan điều phối, UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản, chủ đầu tư là các công ty cấp nước.
Khoản vay nhằm cung cấp bền vững nước sạch tại Việt Nam thông qua nâng cao hiệu quả của hệ thống nước. Các dự án trong Khoản vay 2 được hoàn thành sẽ mở rộng mạng lưới bao phủ, tăng công suất cấp nước, tăng cường tính bền vững thông qua việc thiết lập và đánh giá các chỉ số hoạt động, có lộ trình tăng giá nước phù hợp theo hướng nguồn thu sẽ bù đắp đủ chi phí và giảm dần trợ cấp.
Hội thảo: "Công nghệ mới trong ngành cấp thoát nước"
7/26/13 4:35 PM
Sáng nay 26/7/2013 tại Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã phối hợp với Mạng lưới các công ty nước Đông Nam Á (SEAWUN) tổ chức Hội thảo "Công nghệ mới trong ngành cấp thoát nước". Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng - ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam; ông Noupheak Virabouth - Chủ tịch SEAWUN; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước; các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Cao Lại Quang phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Cao Lại Quang cho biết, với nhiều thành tựu của công cuộc đổi mới, mạng lưới các đô thị của Việt Nam đang ngày càng được phát triển mở rộng và thực sự trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế. Song các đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Mạng lưới được quan tâm đầu tư, cải tạo phát triển mở rộng, song cũng có thể nói rằng, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải của Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mạng lưới cấp nước, chất lượng dịch vụ cấp nước sạch còn thấp, tỷ lệ thất thoát thất thu còn cao, nước thải chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý và nhận thức cộng đồng, việc lựa chọn áp dụng những công nghệ phù hợp vẫn là những thách thức lớn đối với ngành cấp thoát nước của Việt Nam. Hiện này, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước đang được các công ty cấp thoát nước thuộc các tỉnh, thành phố của Việt Nam hết sức quan tâm, và đây cũng là yêu cầu cấp thiết hướng tới phát triển ngành nước một cách bền vững. Thứ trưởng Cao Lại Quang bày tỏ hy vọng, Hội thảo này sẽ là dịp chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc áp dụng những công nghệ mới trong lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Thứ trưởng Cao Lại Quang cũng cho biết, Mạng lưới các Công ty nước Đông Nam Á được thành lập năm 2002, văn phòng đặt tại Việt Nam, đã trải qua hơn 10 năm hoạt động. SEAUN đã có nhiều hoạt động hữu ích, hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các công ty nước trong khối Đông Nam Á. Bộ Xây dựng và Hội cấp thoát nước Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của SEAWUN và mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Hội Cấp thoát nước Việt Nam và SEAWUN để góp phần thúc đẩy lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam ngày càng phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các tham luận rất bổ ích về những công nghệ mới áp dụng trong lĩnh vực cấp thoát nước, nổi bật là các báo cáo về Công nghệ cải tạo bể lọc một lớp thành bể lọc hai lớp vật liệu trong trạm xử lý nước do Công ty Cấp nước Hải Phòng phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Môi trường - Đại học Xây dựng phối hợp nghiên cứu; Giải pháp tiền ô xi hóa tại nhà máy nước Tân Hiệp nhằm nâng cao chất lượng nước sạch sau xử lý của Công ty Cấp nước Sài Gòn; Giải pháp xử lý nước thải tập trung công nghệ Huber của Đức; Ý nghĩa của chất lượng vật tư ngành nước trong việc giảm thất thoát nước sạch; Hệ thống quản trị mạng lưới cấp nước...

Tại Hội thảo này, các đại biểu cũng chứng kiến Lễ bàn giao chức Giám đốc điều hành mới của SEAWUN cho ông Nguyễn Tường Văn - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng./.