Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012


Hội thảo Sửa đổi, bổ xung nghị định 88/CP về thoát nước đô thị và Khu công nghiệp

13/09/2012 19:33
Sáng 13/9, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp (KCN). Do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (Giz) nhằm thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án năm 2012 tổ chức nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị định 88 của Chính phủ.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, ông Hanns Bernd Kuchta, Giám đốc chương trình Quản lý nước thải và chất thải rắn, Giz. Phát biểu khai mạc hội thảo ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết: Sau 5 năm thực hiện, trên cơ sở báo cáo đánh giá của các địa phương và của các Bộ, ngành để tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện đồng thời kiến nghị và sửa đổi, bổ xung NĐ 88.
Trong đó công tác Quy hoạch thoát nước dựa trên cơ sở nội dung quy hoạch đã được quy định, phân loại quy hoạch thoát nước của 4 vùng kinh tế trọng điểm (Vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ Miền Trung, Phía nam và đồng bằng Sông Cửu Long), quy hoạch thoát nước 3 lưu vực sông lớn ( Lưu vực sông Cầu, Sông Nhuệ - Đáy và lưu vực sông Đồng Nai); quy hoạch thoát nước là một nội dung của quy hoạch xây dựng vùng TP.Hà Nội, vùng Tp Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng CP phê duyệt. Tuy nhiên, quy định về nội dung quy hoạch thoát nước còn nhiều điểm bất cập về giai đoạn lập quy hoạch, quy định hiện nay cho việc lập quy hoạch phần lớn cho giai đoạn đầu là 10 đến 15 năm và giai đoạn sau trên 20 năm. Cho thấy việc quy định cho cả hai loại quy hoạch cùng một giai đoạn lập quy hoạch là chưa hợp lý, đồng thời quy hoạch nước vùng vẫn chưa làm rõ phạm vi, quy mô lập quy hoạch là vùng tỉnh hay vùng liên tỉnh. Đồng thời cần ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như quy định về quản lý hoạt động thoát nước thải tại các địa phương.
Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cũng là một vấn đề được hội thảo quan tâm. Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đắt hơn nhiều lần so với cấp nước nhưng các địa phương cũng như hầu hết các đô thị tỉnh ly đều có dự án thoát nước và vệ sinh môi trường với quy mô khác nhau. Cụ thể tại các đô thị nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải đã được đưa vào sử dụng. Đến nay đã có 17 nhà máy xử lý nước tập trung với công suất thiết kế đạt khoảng 565.000m3/ng.đ. ( trong đó có nhà máy với công suất rất lớn đã đi vào hoạt động như nhà máy nước thải Bình Hưng – TP. HCM công suất 200.000m3/ng.đ, hay nhà máy xử lý nước thải tại Yên Sở - Hà Nội công suất 200.000 m3/ng.đ. Trong đó vấn đề quy định về chủ sở hữu cũng như phí thoát nước như thế nào cho phù hợp cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận. Và đó cũng là một trong những nội dung được đưa ra chỉnh sửa, bổ sung.
Tại Hội thảo một số tham luận về phí thoát nước thực trạng và đề xuất sửa đổi của Cục Hạ tầng kỹ thuật, một số địa phương như Hải Phòng trình bày tại Hội thảo những kinh nghiệm về thu phí thoát nước đã được các đại biểu đánh giá cao, bên cạnh đó những kinh nghiệm lập và ban hành Quy chế quản lý thoát nước thành phố Bắc Ninh cũng là những tham luận được Hội thảo chọn lọc đưa vào báo cáo trình CP.