Rác thải, nước thải y tế: Xử lý qua loa, hậu quả nặng nề
Cập nhật lúc09:49, Thứ Ba, 25/12/2012 (GMT+7)
Trên địa bàn thành phố có hơn 1.300 cơ sở y tế, trong đó có 26 bệnh viện các cấp, 224 trạm y tế xã, phường… Lượng rác thải, nước thải phát sinh hằng ngày từ các cơ sở y tế là bao nhiêu; lượng rác thải, nước thải đã được xử lý như thế nào, có đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường? Đây vẫn là những vấn đề chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chấp hành luật chưa nghiêm
Trên địa bàn thành phố mới có 8/26 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Hầu hết việc xử lý rác thải, nước thải tùy thuộc vào điều kiện kinh phí của từng đơn vị. Do đó, rác thải, nước thải của những cơ sở này được xử lý rất đa dạng. Bệnh viện Đa khoa An Lão hiện có 2 cơ sở, trung bình mỗi ngày bệnh viện này phục vụ 600 bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, thải ra một khối lượng rác, nước thải khá lớn. Thế nhưng, đến nay Bệnh viện An Lão vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải hiện đại. Việc xử lý rác chủ yếu bằng các biện pháp thủ công như chôn, đốt. Còn nước thải, theo kết quả khảo sát của Công ty cấp nước Hải Phòng, bệnh viện xử lý bằng cách để tự ngấm, tràn ra sông Đa Độ. Bệnh viện Đa khoa An Dương đã được đầu tư xây dựng bể xử lý nước thải với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, thực chất đây chỉ là những bể chứa nước thải. Quy trình xử lý chỉ là dùng hóa chất “bơm” thẳng vào bể, sau khi cho lắng cặn, rồi xả thẳng ra sông Đa Độ. Nước thải từ bệnh viên Giao thông Vận tải đưa vào nguồn nước sông Rế qua kênh Bắc Hưng Hùng.
Thực tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thiếu cam kết bảo vệ môi trường. Rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tuy được thu gom, phân loại theo quy trình song chưa hoàn thiện. Có cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được vận hành, xử lý nước thải đúng quy định. Đây là kết luận của lực lượng cảnh sát môi trường qua đợt kiểm tra 59 bệnh viện, phòng khám đa khoa vừa qua. Kết quả này thêm lần nữa cảnh báo những ẩn họa do việc xử lý rác thải y tế chưa đúng cách.
Trên địa bàn Hải Phòng rất ít cơ sở y tế có khu xử lý nước thải và rác thải y tế. Trong ảnh: Khu xử lý nước thải của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. |
Đe dọa sức khỏe cộng đồng
Theo Quy chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế) thì chất thải y tế là chất từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, nghiên cứu... trong các cơ sở y tế. Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, nhau thai, bào thai); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học nguy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ).
Nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể con người qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp (do hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải). Nước thải bệnh viện còn là nơi "cung cấp" vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh, có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống... Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không bảo đảm đó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải. Để tránh sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế, ngành y tế cần quan tâm nhiều hơn nữa công tác xử lý chất thải y tế.