Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013


Vụ Quản lý hoạt động xây dựng: Nâng cao chất lượng trong soạn thảo, ban hành văn bản

18/02/2013 12:51
Năm 2012 tiếp tục đánh dấu những thành công đáng ghi nhận của Vụ Quản lý hoạt động xây dựng trong công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ soạn thảo, ban hành một số văn bản pháp luật, góp phần đáng kể vào công tác quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Dung – Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng xung quanh vấn đề này.

Ông Bùi Trung Dung – Vụ Trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng
Xin ông cho biết những kết quả mà Vụ Quản lý hoạt động xây dựng đã đạt được trong năm 2012.
Ông Bùi Trung Dung:Năm 2012 với chức năng của mình, Vụ QLHĐXD đã tập trung rà soát nghiên cứu, soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trước hết, phải kể đến việc soạn thảo để Bộ trình Chính phủ ban hành NĐ 64/2012/NĐ-CP về cấp GPXD; trình Bộ Thông tư số 10/2012/TT-BXD hướng dẫn NĐ 64 và hiện nay đang hoàn thiện trình Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường ký Thông tư liên tịch giữa 2 Bộ hướng dẫn về các loại giấy tờ về Quyền sử dụng đất để cấp GPXD.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị định riêng biệt về cấp GPXD. Cùng với việc soạn thảo và ban hành Nghị định về GPXD, Vụ cũng đã soạn thảo trình Thủ tuớng ký ban hành Quyết định số 03/2012/QĐ-TTg về sửa đổi một số điều của QĐ 87 ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam nhằm cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ các loại giấy tờ cần thiết và quy trình cấp giấy phép thầu.
Việc soạn thảo, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật đã gặp phải những khó khăn như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Trung Dung: Riêng lĩnh vực pháp luật về xây dựng thì liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như: Đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, những quy định về quảng cáo... cho nên trong quá trình soạn thảo cũng cần phải nghiên cứu tất cả những Luật có liên quan sao cho đồng bộ, thống nhất. Từ đó phải rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan cho nên đã nảy sinh những khó khăn nhất định như: thời gian bị kéo dài; một số nội dung mà ngành xây dựng cần quản lý thì lại vướng những Luật khác đã quy định nên chưa đồng bộ; hệ thống tổ chức quản lý xây dựng từ Trung ương đến địa phương chưa được hoàn thiện, năng lực quản lý ở mỗi địa phương cũng có sự chênh lệch... cho nên mỗi văn bản pháp luật ra để khả thi thì cũng còn là một vấn đề cần phải xem xét toàn diện.
Hiện nay, theo khoán hành chính cho nên việc hướng dẫn thực hiện cũng có nhiều khó khăn. Việc kiểm tra thực hiện pháp luật để xem xét các tổ chức, cá nhân có thực hiện đúng theo pháp luật không... Xem xét những vấn đề chưa đi vào thực tiễn để có thể điều chỉnh kịp thời. Đòi hỏi phải có kinh phí thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, đi khảo sát. Vì vậy, tiếp tục xem xét để có những nguồn kinh phí để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật.
Năm 2013 hứa hẹn nhiều khó khăn, ông nhận định như thế nào về những nhiệm vụ quan trọng của Vụ trong thời gian tới.
Ông Bùi Trung Dung: Trước hết Vụ Quản lý hoạt động xây dựng năm 2013 được Bộ giao nhiệm vụ nghiên cứu rà soát, sửa đổi Luật Xây dựng. Sau khi ban hành Luật Xây dựng thì có một loạt Luật được ban hành như: Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...Tất cả những hoạt động xây dựng đều liên quan đến những Luật này. Để đảm bảo sao cho thống nhất đồng bộ với các Luật khác thì Luật Xây dựng cần phải rà soát điều chỉnh sao cho đồng bộ thống nhất với các Luật được ban hành sau đó.
Trong Luật Xây dựng, việc quy định quản lý chung cho tất cả nguồn vốn, bao gồm cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó nguồn vốn Nhà nước chưa được phân định rõ. Cho nên việc quản lý đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước cũng chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều dự án chưa hiệu quả, chất lượng chưa đảm bảo, tiến độ kéo dài... Trong Luật Xây dựng sửa đổi cần phải xác định rõ năng lực, vai chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước.

Năm 2012, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng đã tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở cho khoảng 3.000 dự án.
Việc tiền kiểm trong quá trình thẩm định các bước thiết kế để đảm bảo an toàn đối với các dự án sử dụng mọi nguồn vốn, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn khi xảy ra sự cố xảy ra hiểm họa không lường hết được. Thì cần phải có vai trò quản lý, thẩm tra, thẩm định của cơ quan Nhà nước.
Đồng thời năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trong thời gian vừa qua không có sự kiểm soát cho nên tình trạng các nhà thầu, cũng như các cá nhân hoạt động xây dựng, năng lực chưa đảm bảo. Sắp tới trong Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần phải quy định cụ thể và chi tiết hơn để đảm bảo nâng cao năng lực hoạt động xây dựng nhằm đảm bảo các dự án, các công trình đạt hiệu quả chất lượng cũng như đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài.
Một vấn đề nữa là việc điều chỉnh dự án cũng đang vướng mắc dẫn tới nợ đọng trong đầu tư xây dựng mới. Cho nên trong Luật Xây dựng cần phải đề cập tới việc điều chỉnh dự án khi có những biến động bất thường về cơ chế chính sách, giá...đảm bảo các dự án đủ vốn để hoàn thành công trình.
Cùng với việc nghiên cứu, soạn thảo sửa đổi Luật Xây dựng thì sẽ phải nghiên cứu các nghị định và thông tư có liên quan. Như các Nghị định quản lý các dự án, Nghị định quản lý chất lượng công trình... Trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội thì yêu cầu phải trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 về thời gian cũng tương đối gấp đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện việc này.
Vụ cũng đã được Bộ giao cho triển khai thực hiện Đề án Tin học hóa trong cấp phép xây dựng. Đây là một đề án tương đối lớn, thực hiện việc cải cách hành chính trong công tác cấp giấy phép xây dựng.
Để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ mà Bộ giao, đồng thời nâng cao tính chủ động giải quyết một số công việc sự vụ. Vụ cũng đã xây dựng Đề án chuyển đổi từ Vụ Quản lý hoạt động xây dựng thành Cục Quản lý hoạt động xây dựng. Do vậy, năm 2013 cũng cần phải khẩn trương để ổn định tổ chức, thiết lập các phòng, các đơn vị chức năng, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà Bộ giao cho.
Từ nhiều năm nay, việc đánh giá xếp hạng năng lực nhà thầu chưa được quan tâm đúng mức. Được biết, Vụ đang tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký thông tin và đánh giá nhà thầu, ông có thể trao đổi một vài điểm nổi bật của Thông tư này?
Ông Bùi Trung Dung: Trong thời gian vừa qua, việc kiểm soát năng lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng chưa được chặt chẽ. Do cơ chế Nhà nước chỉ quy định điều kiện năng lực, còn các tổ chức tự xếp hạng và chủ đầu tư đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện những công trình cụ thể. Cho nên việc kiểm soát năng lực của các nhà thầu là chưa đạt hiệu quả.
Để tăng cường năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân cũng như công khai minh bạch năng lực của các nhà thầu thì Vụ đang tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký và đánh giá nhà thầu.
Nội dung của Thông tư này là đưa ra các tiêu chí để chủ đầu tư và có sự tham gia của cơ quan Nhà nước đánh giá mức độ hoàn thành của nhà thầu đối với từng gói thầu, từng công trình. Nhà nước không xếp hạng năng lực mà việc này do chủ đầu tư đánh giá sự đáp ứng năng lực của nhà thầu theo yêu cầu của từng công trình.
Việc yêu cầu công khai thông tin trên trang thông tin điện tử là bắt buộc đối với các nhà thầu, tham dự thầu các công trình có sử dụng vốn Nhà nước. Hy vọng quy định này sẽ là cơ sở để cho các cơ quan, tổ chức giám sát việc lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ hiệu quả của dự án.
Để phục vụ cho công tác đánh giá nhà thầu, Vụ Quản lý hoạt động xây dựng đang đề xuất với Bộ cho phép thành lập Hiệp hội Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là tổ chức góp phần thực hiện công tác đánh giá việc thực hiện của các nhà thầu đối với từng công trình.
Trân trọng cảm ơn ông!

Người dân còn e ngại với gạch không nung

19/02/2013 14:35
Những năm gần đây, ngành sản xuất vật liệu xây của tỉnh Hải Dương có bước phát triển khá nhanh, tập trung vào hai loại sản phẩm chính là gạch đất sét nung và gạch không nung. Sản phẩm vật liệu xây cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng trong tỉnh và một phần cung cấp cho thị trường các tỉnh lân cận. Hiện tại, sản lượng vật liệu xây của tỉnh đạt khoảng 1,2 tỷ viên tiêu chuẩn mỗi năm. Trong đó, sản lượng gạch không nung chỉ chiếm khoảng 18%.

Sản xuất gạch không nung tại Hải Dương
Sản lượng gạch không nung trong thời gian qua luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản xuất vật liệu xây dựng. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có trên 500 hộ sản xuất gạch không nung với sản lượng khoảng 45 triệu viên, tương đương 125 triệu viên tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung trên địa bàn tỉnh. Ngoài Cty CP Đoàn Minh Công (Tứ Kỳ) đã xây dựng và đưa sản phẩm ra thị trường khoảng 150 triệu viên tiêu chuẩn/năm, Cty CP sông Đà – Cao Cường (TX Chí Linh) cũng đang đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại và công suất lên tới 80 triệu viên/năm. Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, Hải Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ sử dụng gạch không nung cao nhất so với mặt bằng chung của cả nước.
Sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hai khu vực: khu vực đơn lẻ của tư nhân ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và khu vực của các nhà máy với dây chuyền và công nghệ hiện đại. Sản phẩm của những hộ sản xuất đơn lẻ ở các địa phương trong tỉnh thường có công nghệ lạc hậu, phần nhiều được làm bằng tay hoặc hệ thống máy móc đơn giản, lạc hậu. Vì thế, chất lượng sản phẩm thấp, mẫu mã đơn giản không thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Thời gian gần đây, một số cơ sở cũng đã đầu tư máy móc với công nghệ hiện đại, nhưng số lượng còn ít so với tổng số hộ sản xuất trong cả tỉnh. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhà máy sản xuất gạch không nung với công nghệ sản xuất hiện đại được nhập khẩu từ nước ngoài. Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất gạch không nung của các dây chuyền này là cát đá, xi-măng, tro bay, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện cùng các chất phụ gia khác. Sản phẩm của các nhà máy thường phong phú, đa dạng như gạch xây 4 lỗ, gạch xây 3 lỗ, gạch xây đặc, gạch đặc chèn, gạch đặc nhẹ... với nhiều ưu điểm như không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, bề mặt phẳng, kích thước đồng đều, tiết kiệm vữa xây, chi phí đầu tư giảm...
Mặc dù có rất nhiều ưu điểm, nhưng sản phẩm gạch không nung vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Anh Trần Văn Thuận, chủ doanh nghiệp tư nhân Huy Thuận, thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ) cho rằng: “Mặc dù gạch không nung có chất lượng không thua kém so với gạch tuy – nen, nhưng việc tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, người dân chủ yếu dùng gạch không nung để xây dựng các công trình phụ, chuồng trại, tường rào, bó bờ ao... Rất ít người sử dụng gạch không nung để xây nhà”. Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Phùng Văn Đường, PGĐ Cty CP Đoàn Minh Công cho rằng: “Yếu tố tâm lý và thói quen quyết định đến sự lựa chọn của người dân. Họ đã quá quen với sự hiện diện của gạch nung từ nhiều năm nay. Vì thế, để họ chuyển sang sử dụng gạch không nung là một chặng đường dài và rất gian khó. Hiện tại, với công suất 150 triệu viên/năm, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu cung cấp cho các dự án lớn ở Hà Nội và Hải Phòng. Đi vào sản xuất từ năm 2007, nhưng các năm qua chúng tôi cũng chỉ cung cấp cho thị trường Hải Dương đầy tiềm năng khoảng 30% tổng sản phẩm, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng nhà ở dân sinh”. Cùng với quan điểm này, anh Tuấn cho biết: “Cơ sở của tôi đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung trên địa bàn huyện Tứ Kỳ. Ra đời năm 2006, năm đầu tiên cơ sở chỉ sản xuất khoảng 30 vạn viên. Nhưng đến nay, cơ sở đã cung cấp ra thị trường trên 350 vạn viên. Người dân chủ yếu dùng để xây dựng tường rào, bó bờ ao hoặc xây các công trình phụ. Hầu như chưa có ai sử dụng để xây nhà kiên cố, cao tầng. Người dân vẫn còn e ngại về chất lượng của sản phẩm. Họ chưa thực sự an tâm khi dùng gạch không nung để xây nhà - tài sản cả đời tích cóp của họ”.
Để gạch không nung trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người dân, ông Phùng Văn Đường, PGĐ Cty Đoàn Minh Công cho rằng công tác tuyên truyền, vận động được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sự phát triển gạch không nung cần cụ thể và sát thực hơn nữa như tạo điều kiện về vốn, mặt bằng và có chế tài cứng rắn trong việc xoá bỏ các cơ sở sản xuất gạch nung không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, chính các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ ở địa phương cần thường xuyên cập nhật các thông tin về sản phẩm, công nghệ và thị trường gạch không nung.