Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012


Xử lý nước thải bằng công nghệ xanh TFR

30/11/2012 17:57
Theo thống kê trên cả nước hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, nhà máy đều có hệ thống XLNT. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là đa số các hệ thống XLNT của các nhà máy đều không xử lý đạt. Chưa kể những giải pháp công nghệ XLNT tiên tiến của Nhật, Mỹ đã và đang được ứng dụng đạt hiệu quả không cao do không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam. Mới đây, thêm một giải pháp XLNT theo công nghệ của Đức vừa được giới thiệu tại Việt Nam sẽ là kinh nghiệm giúp cho các nhà máy có thể lựa chọn những công nghệ và giải pháp thích hợp nhất cho mình trong việc XLNT. Đó là công nghệ XLNT dòng chảy nhỏ giọt ( Trickle Flow Response - TFR) của Tập đoàn DAS Environmental Expert GmbH (DAS).

Nhà máy chế biến phô mai Bel Việt Nam, thuộc Tập đoàn Group Bel (Pháp) ứng dụng lắp đặt hệ thống XLNT TFR của DAS
TFR là công nghệ được phát triển từ bồn phản ứng sinh học dòng chảy nhỏ giọt (DCNG), sử dụng hạt vật liệu mang rất nhẹ được bao phủ bởi một lớp vi sinh vật hoạt tính cao, cho phép XLNT đến một mức nhất định rồi xả trực tiếp vào nguồn nước hoặc tái sử dụng cho quá trình sản xuất, cung cấp một hệ thống ổn định quá trình thông khí liên tục với mức tiêu thụ năng lượng thấp hơn rất nhiều lần so với các công nghệ thông thường hiện nay phổ biến tại Việt Nam. Không giống như các hệ thống XLNT thông thường, các vật liệu mang không hoàn toàn ngập trong nước và do đó vi sinh vật có thể dễ dàng được cung cấp đủ lượng ôxy. Dòng nước thải chảy nhỏ giọt liên tục từ trên xuống được làm thoáng bằng không khí theo hướng ngược lại bởi một quạt gió nhỏ gọn vận hành với áp lực rất thấp.
Theo nguyên tắc hoạt động, tại bước đầu tiên của quy trình XLNT, chất rắn được tách ra khỏi dòng nước bởi thiết bị lược rác cơ học. Để lưu lượng nước thải đồng nhất, nước thải được thu gom trong một bể chứa gọi là bể điều hòa. Từ đây, nước thải được đưa vào phần cốt lõi của hệ thống là các phản ứng sinh học TFR vận hành trên nguyên lý độc quyền: Sử dụng vật liệu mang dạng hạt rất nhẹ có kích thước nhỏ bao phủ bởi các vi sinh vật hoạt tính cao có khả năng thích ứng với môi trường tương ứng. Dòng nước thải liên tục chảy nhỏ giọt xuống lớp đệm vật liệu mang được làm thoáng bằng không khí cung cấp từ một quạt gió thổi theo hướng ngược lại. Quá trình sinh học hiếu khí phân hủy tải lượng hữu cơ và các thành phần chứa nitơ. Sau đó, xử lý sinh học kết hợp với xử lý hóa lý loại bỏ phốt pho nếu cần thiết, bùn dư tạo ra được loại và thải bỏ theo quy định. Nước sau xử lý được khử trùng và xả vào nguồn tiếp nhận.
Tiến sĩ Horst Reichardt - GĐ điều hành của DAS, công nghệ này không chỉ đặc trưng bởi việc tiêu thụ ít năng lượng, chi phí vận hành thấp, mà việc bảo trì cũng không tốn kém cũng như có thể dễ dàng mở rộng hệ thống. Cấu trúc mô-đun cho phép dễ dàng mở rộng và nâng cấp bất kỳ lúc nào. Bằng cách đáp ứng tất cả yêu cầu xả trực tiếp trong khi vẫn giữ những yêu cầu vận hành và bảo dưỡng ở mức tối thiểu, công nghệ TFR cung cấp một quy trình hiện đại để xử lý từng phần hoặc toàn bộ nước thải công nghiệp. Chất lượng nước thải sau xử lý có thể đáp ứng các yêu cầu cho việc tái sử dụng. Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn hơn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm năng lượng, đồng thời vẫn duy trì được chi phí xử lý thấp. Sau công nghệ XLNT cho các nhà máy, công ty cũng đã phát triển các quy trình và giải pháp cho vấn đề XLNT công nghiệp và đô thị.
Nói về hiệu quả của công nghệ TFR, ông Francois Pons - GĐ Nhà máy Bel Việt Nam, Cty TNHH Bel Việt Nam (Chi nhánh của Tập đoàn Bel của Pháp chuyên sản xuất và cung cấp các nhãn hiệu phô mai Con bò cười, Kiri, BabyBel...) cho biết, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ TFR để XLNT cho nhà máy sản xuất phô mai tại Bình Dương và rất hài lòng với hiệu suất hoạt động vượt trội của hệ thống, đặc biệt, giảm thiểu tối đa lượng bùn và mùi hôi rất hiệu quả. Điều này thực sự an toàn đối với sức khỏe của nhân viên cũng như môi trường xung quanh.
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước đang diễn ra ngày càng phức tạp. Để phát triển bền vững, việc sử dụng những công nghệ XLNT thân thiện với môi trường, giảm phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái chế; đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý... là xu hướng các doanh nghiệp đang hướng tới. Theo một số chuyên gia ngành Nước, với chi phí vận hành thấp, tiết kiệm năng lượng, XLNT triệt để..., công nghệ dòng chảy nhỏ giọtTFRhứa hẹn sẽ là một công nghệ xanh, thông minh nằm trong danh sách lựa chọn hàng đầu ứng dụng tại các nhà máy, xí nghiệp thời gian tới.