Nhà tài trợ nước ngoài quan tâm đến phát triển đô thị ở Việt Nam
Tại hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển vào trung tuần tháng 12 vừa qua, các đối tác phát triển đã thống nhất “ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển giáo dục và kỹ năng và đảm bảo chính sách đất đai hợp lý là những ưu tiên chính giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thành công”.
Ảnh: Duy Tường
Thảo luận về các nội dung điều chỉnh bổ sung Luật Đất đai của Việt Nam, các đối tác phát triển nhất trí: “Luật Đất đai bổ sung cần tạo ra môi trường thuận lợi cho việc quản lý bền vững về mặt môi trường, các nguồn lực đất đai khan hiếm” và thúc giục: Chính phủ đảm bảo quyền sử dụng đất cho người dân, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, tăng cường quyền sử dụng đất của các nhóm bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo và cộng đồng dân tộc thiểu số. Các đối tác phát triển cũng khuyến nghị thành lập quy trình thu hồi và đền bù đất của Nhà nước bình đẳng và minh bạch hơn và hạn chế những vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hồi đất bắt buộc. “Việc nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý quy hoạch sử dụng đất trong khuôn khổ quản lý đất đai chung rất cần thiết cho sự phát triển hiệu quả và toàn diện của Việt Nam trong tương lai”, các nhà tài trợ nhận định.
Còn tại hội nghị CG giữa năm, hồi tháng 7, các nhà tài trợ phát triển cho Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với tư cách là nước thu nhập trung bình. Chính phủ và các đối tác phát triển đã thống nhất trong nhận định về những thách thức dài hạn của biến đổi khí hậu và cam kết sẽ cùng hành động để giải quyết những thách thức này. Ông Henning Plate - Tham tán Phát triển, Đại sứ quán CHLB Đức ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, cũng như trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.
Mặc dù có thể nhận được nhiều hỗ trợ về tài chính để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, song các đối tác phát triển vẫn cho rằng Việt Nam cần thêm nhiều vốn từ nguồn trong nước và tư nhân và kêu gọi Chính phủ cần sử dụng một cách có chiến lược nguồn hỗ trợ tài chính cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ, ban ngành, địa phương cần có nguồn hỗ trợ tài chính để nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư.
Trước đó, hồi tháng 4, WB cũng đã công bố báo cáo hỗ trợ kỹ thuật đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam với mục đích xác định các xu hướng, cơ hội, thách thức và ưu tiên trọng tâm chính sách phát triển đô thị cho Việt Nam. Theo đó, độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 3,4%/năm, đa số tập trung trong và xung quanh TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, hệ thống đô thị hiện nay đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính 2 TP này, đặc biệt là nút thắt hậu cần, chi phí vận chuyển cao bất thường, tắc nghẽn giao thông gia tăng và thị trường đất đai bị bóp méo. Báo cáo đề xuất cần tập trung cải thiện hệ thống giao thông đô thị và cơ sở hạ tầng tại các TP lớn nhất, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của các vùng đô thị này.
Báo cáo lập luận rằng trong khi các dịch vụ cơ bản ở Việt Nam đã được cung cấp tương đối tốt và sự thiếu vắng các khu ổ chuột lớn cho thấy đa số người dân đều có thể tiếp cận với nhà ở, thì cũng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy điều này đang thay đổi. Phân tích trong báo cáo cho thấy chỉ có 5% dân số thu nhập cao nhất ở Hà Nội và TP.HCM có khả năng chi trả cho nhà đất do các Cty phát triển đô thị cung cấp qua kênh chính thức. Do vậy, Việt Nam cần xử lý sớm hệ thống giá đất kép và sự mập mờ của thị trường nhà đất, cũng như thói quen bán và cho thuê đất để tăng ngân sách địa phương, là những thực tế có thể dẫn tới phát triển đô thị lộn xộn.
Báo cáo kêu gọi các nhà quy hoạch giải quyết các vấn đề giao thông đô thị để nâng cao chất lượng sống và cung cấp thêm nhiều lựa chọn giao thông cho người dân, kể cả người nghèo, trẻ em, người già và người tàn tật. Giải quyết những vấn đề này cũng đồng nghĩa với hiện đại hóa và cải cách hệ thống quy hoạch của Việt Nam, tăng cường quản lý đô thị và đảm bảo phối hợp tốt hơn giữa các cấp chính quyền và giữa các ban ngành của TP.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: "Quá trình đô thị hóa sẽ là một phần quan trọng trong tương lai của Việt Nam và đảm bảo có TP dễ sống và có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu sẽ là một phần cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam."
Riêng tại hội nghị CG vào trung tuần tháng 12, các đối tác phát triển cam kết tài trợ 6.485 triệu USD cho chương trình phát triển của Việt Nam năm 2013.