Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013


Cty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Hải Dương: Tối ưu hóa quản lý vận hành hệ thống cấp nước

07/05/2013 10:59
Thực hiện “Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025” của Chính phủ, Cty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Hải Dương (Cty KDNS Hải Dương) đã khai thác tối ưu mọi nguồn lực, thực hiện nhiều dự án đầu tư phát triển cấp nước, nhiều giải pháp thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch, chủ động sáng tạo trong ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để từng bước hiện đại hoá cấp nước, đuổi kịp trình độ quản lý và vận hành của các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm phát triển hoạt động cấp nước bền vững đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch; cung cấp nước ổn định, bảo đảm chất lượng, dịch vụ tốt và kinh tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Lắp đặt thiết bị giám sát cho các block
Tối ưu hóa quản lý vận hành hệ thống cấp nước
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty KDNS Hải Dương chia sẻ: Một trong những giải pháp tổng thể được lựa chọn để thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu và phát triển hoạt động cấp nước bền vững là tối ưu hóa quản lý vận hành hệ thống cấp nước. Trên cơ sở hạ tầng cấp nước hiện có, bao gồm các công trình xử lý nước, hệ thống mạng đường ống, nhu cầu tiêu thụ hiện hữu cũng như giai đoạn tương lai và nguồn lực hiện tại. Sau khi khảo sát nghiên cứu, phân tích đánh giá Cty KDNS Hải Dương đã xây dựng các bước triển khai thực hiện:
Đối với công trình nguồn: Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, hạn chế khai thác nguồn nước ngầm để làm nguồn dự trữ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư cải tạo đường truyền công nghệ, ưu tiên cải tạo công nghệ lắng, lắp đặt thiết bị biến tần, xây dựng hệ thống giám sát vận hành, tiến tới tự động hóa vận hành xử lý nước cho tất cả các công trình hiện có.
Đối với hệ thống mạng lưới: Tái cấu trúc lại hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước như: Phân vùng tách mạng, tạo lập các block; Xây dựng kế hoạch đầu tư, cải tạo, thay thế lắp đặt đồng hồ tổng; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết bị công nghệ mới như van thông minh điều tiết áp lực; Xác định các điểm cần kiểm soát theo dõi, phân tích, đánh giá nhu cầu tiêu thụ hiện hữu và các giai đoạn tương lai, cân đối lại áp lực giữa khu vực đầu nguồn và cuối nguồn; Điều tiết sản xuất cho phù hợp.
Xây dựng hệ thống quản lý tổng thể: Cty nhận thấy ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ là cần thiết nhưng phải hiểu biết và làm chủ được khoa học công nghệ (không phụ thuộc vào các nhà cung cấp và dịch vụ) thì mới đảm bảo bền vững, đồng thời phải phù hợp với điều kiện nguồn hiện có của Cty.
Thành quả đạt được
Từ năm 2011, Cty đã nghiên cứu chế tạo thành công thiết bị giám sát lưu lượng, áp lực… lắp đặt cho tất cả các hệ thống cấp nước của Cty đồng thời ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng được phần mềm hệ thống: Cải tiến phần mềm điều khiển quản lý thiết bị, phần mềm quản lý người sử dụng hệ thống, thu thập thông tin, phân tích và tổng hợp và xây dựng Web với người sử dụng đầu cuối. Cty đã từng bước hiện đại hóa trình độ quản lý, vận hành hệ thống cấp nước; Quản lý vận hành ổn định, đảm bảo chất lượng, an toàn, tiết kiệm chi phí sản xuất và thực hiện chương trình chống thất thoát, thất thu hiệu quả.
“Tối ưu hóa quản lý vận hành hệ thống cấp nước” đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong quản lý vận hành hệ thống cấp nước, giảm chi phí sản xuất, thực hiện chương trình thất thoát, thất thu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh góp phần ổn định tài chính của Cty nước Hải Dương, tạo nguồn để phát triển và mở rộng dịch vụ cung cấp nước sạch. Nguồn nước sạch và dịch vụ cấp nước của Cty không những đáp ứng đủ cho nhu cầu của các đô thị, các khu, cụm công nghiệp mà còn cung cấp được cho hơn 40 xã nông thôn (tương đương 160 nghìn dân) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Hiện nay, nhận thức được lợi ích đạt được của việc “Tối ưu hóa quản lý vận hành Hệ thống cấp nước” Cty KDNS Hải Dương đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ áp dụng được cho một số Cty cấp nước như: Sơn La, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… và các tỉnh thành khác trên cả nước nhằm góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống dưới 15% vào năm 2025.