Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013


Gạch xi măng cốt liệu: Chất lượng cao, có thể tái sử dụng
Quang Hưng
Công ty Khang Minh có năng lực sản xuất 155 triệu viên gạch/năm
(baodautu.vn) Trong quý I/2013, Công ty cổ phần Gạch Khang Minh đã đưa được một lượng lớn sản phẩm gạch xi măng cốt liệu đến nhiều công trình xây dựng. Đây là loại gạch có chất lượng vượt trội, thân thiện với môi trường.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gạch Khang Minh cho biết, vượt qua tình trạng vật liệu xây dựng khó tiêu thụ do sự “đóng băng” của thị trường bất động sản, Công ty Gạch Khang Minh đã ký được hàng loạt hợp đồng cung cấp sản phẩm gạch xi măng cốt liệu cho các công trình xây dựng ở nhiều địa phương. Từ tháng 1/2013 đến nay, Công ty đã có hàng chục đơn hàng xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp, ký túc xá công nhân tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam…, với số lượng lên tới hơn 30 triệu viên (quy tiêu chuẩn).
Ông Đặng Việt Lê cho biết, được sản xuất từ hai nguyên liệu chính là xi măng (chiếm 8 - 10%) và đá mạt (loại đá sạch, không lẫn đất, đường kính nhỏ hơn 5 mm), gạch xi măng cốt liệu có độ kết dính cao, ít khe hở, chống thấm nước. Sản phẩm luôn đạt chất lượng cao và ổn định, vì được sản xuất bằng dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại, quy mô công nghiệp.
Ban đầu ra thị trường, gạch xi măng cốt liệu thường bị chê nặng, nhưng sau một thời gian sử dụng, sản phẩm này đã khẳng định được những đặc tính ưu việt của mình. Để sản phẩm có cường độ chịu lực trên 75 kg/cm2, với gạch đất sét nung phải dùng loại gạch đặc tỷ trọng 1.800 kg/m3, trong khi gạch không nung xi măng cốt liệu chỉ cần dùng loại kết cấu lỗ rỗng tỷ trọng 1.400 kg/m3.
Thực tế đã chứng minh, có những công trình cao tầng, như Keangnam Hà Nội (70 tầng), Lotte (65 tầng), Hyundai HillStade (32 tầng), Nam Đô Complex (28 tầng)... hoàn toàn chỉ xây bằng gạch xi măng cốt liệu. Sức nặng của viên gạch được xem như một trong những yếu tố giúp công trình đứng vững trước tác động của ngoại lực, như sức gió, mưa bão, sự biến động của nhiệt độ, áp suất…
Mặt khác, gạch xi măng cốt liệu khá gần gũi với người xây dựng Việt Nam, vì thi công bằng vữa thông thường. Gạch sản xuất bằng khuôn, đồng đều, nên tiết kiệm được lượng vữa xây trát. Vữa được cấu thành từ xi măng và cát, trong khi gạch xi măng cốt liệu được sản xuất từ xi măng và đá mạt, nên có thể nói hai nguyên liệu này có tính chất tương đồng, nên độ kết dính giữa gạch xi măng cốt liệu và vữa rất cao. Một tính năng ưu việt khác của sản phẩm này là khả năng tái sử dụng do cường độ chịu lực của gạch tốt, nên nếu khi phá dỡ công trình, các viên gạch vẫn giữ được nguyên hình khối để có thể tái sử dụng.
Nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có, hiện tại, việc sản xuất gạch xi măng cốt liệu đã được phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương. Không kể các cơ sở sản xuất công suất nhỏ 3 - 5 triệu viên/năm, tính đến nay, cả nước đã có hơn 30 đơn vị sản xuất với công suất lớn (từ 7 triệu viên/năm trở lên).

Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch (QH) hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.
Theo đó, diện tích lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và một phần ranh giới hành chính của tỉnh Hòa Bình, Nam Định và TP Hà Nội với tổng diện tích khoảng 7.665km2. Trên cơ sở đó, QH đề ra mục tiêu dự báo nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải, xác định các vùng tiêu thoát nước, phương án thoát nước, xử lý nước thải và nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, QH còn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải; Làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Theo Tờ trình Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được chia thành 09 vùng tiêu bao gồm: 01 vùng tiêu miền núi thượng sông Bôi tiêu tự chảy được hoàn toàn. 8 vùng tiêu là sông Nhuệ, sông Tích - sông Thanh Hà, Hữu Đáy, Bắc Ninh Bình, Nam Ninh Bình, Bắc Nam Hà (Kim Bảng - Duy Tiên), Trung Nam Định, Nam Nam Định do địa hình một số vùng thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ, tiêu thoát nước mặt cho các khu vực này là kết hợp tiêu tự chảy và tiêu động lực. Giải pháp tiêu thoát nước cho các khu vực là tích nước bằng hệ thống hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong lưu vực, tăng cường chế độ tiêu tự chảy, giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hệ thống công trình đầu mối tiêu động lực, cải thiện môi trường sinh thái và góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị.
Về QH thoát nước mưa khu vực đô thị: Các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước đảm bảo thoát nước mưa nhanh và triệt để. Đối với các đô thị trung du, miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình có độ dốc địa hình thoát tự chảy tốt, tận dụng hệ thống hồ hiện có, xây dựng thêm hồ đa chức năng để tích nước và điều tiết nước mưa. Đối với các đô thị đồng bằng, tăng cường tối đa sử dụng hệ thống hồ điều hoà để tiếp nhận, điều tiết nước mưa, tổ chức thoát nước mưa theo nguyên tắc lấy kênh, hồ là tuyến thoát nước chính...
Ở khu vực nông thôn: Đối với sông, suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở; Tận dụng tối đa mặt nước (ao, hồ tự nhiên và nhân tạo), mặt phủ thấm nước để thoát nước mặt theo chế độ tự chảy. Đối với khu dân cư nằm bên sườn đồi, núi phải thiết kế các mương đón hướng dòng chảy trên đỉnh đồi, núi xuống, không chảy tràn qua khu dân cư. Còn các KCN xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Nước mưa được thoát ra sông, kênh, rạch và không phải xử lý.
Theo QH thoát nước thải và xử lý nước thải thì các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách để đưa nước thải về nhà máy xử lý. Các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực.
Đối với các KCN: Sẽ xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực. Bản QH cũng đưa ra địa điểm dự kiến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Còn ở các khu dân cư nông thôn, do lượng nước thải ít nên sẽ được xử lý theo từng hộ gia đình.
Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 khoảng 90,5 nghìn tỷ đồng và năm 2030 là 108,3 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội: Giảm dần lượng khai thác nguồn nước ngầm

Theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nguồn nước sạch cho dân Thủ đô cơ bản sẽ được lấy từ nguồn nước mặt, thay cho nguồn nước ngầm chủ yếu như hiện nay.
Dự kiến đến năm 2020, tổng nhu cầu tối thiểu về nước sạch của Hà Nội là 1,287 triệu m3. Nhưng hiện tại, tổng công suất các nhà máy nước của TP mới đạt hơn 858,4 nghìn m3 nước. Như vậy, từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ phải đầu tư để tăng cường nguồn nước sạch thêm khoảng 955 nghìn m3 nước.
Để đảm bảo sự bền vững của tài nguyên nước, bên cạnh việc khai thác hợp lý và giảm dần công suất các nhà máy nước ngầm, Hà Nội sẽ ưu tiên đầu tư khai thác nguồn nước mặt chủ yếu từ sông Đà, sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, đến năm 2020, nguồn nước khai thác từ sông Đà với lưu lượng là 600 nghìn m3/ngđ, sông Hồng 300 nghìn m3/ngđ và sông Đuống là 300 nghìn m3/ngđ (trong đó cấp cho Hà Nội 240 nghìn m3/ngđ, còn lại cấp nước cho một số khu vực tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên).
Theo tính toán, tổng nhu cầu nước sạch tối thiểu của Hà Nội đến năm 2050 là 3,328 triệu m3/ngđ. Nhu cầu nước sạch cơ bản sẽ được lấy từ nước mặt sông Đà, sông Hồng và sông Đuống. Đối với những khu vực nhỏ, cục bộ mà cấp nước đô thị không dẫn đến được sẽ sử dụng nước ngầm tại chỗ.
Một số nguồn nước ngầm phía nam Hà Nội có chất lượng xấu sẽ giảm dần công suất khai thác và ngừng hoạt động vào năm 2020 đối với Nhà máy nước Hạ Đình và năm 2030 đối với Nhà máy nước Tương Mai, Nhà máy nước Pháp Vân. Thay thế nguồn nước ngầm này là nguồn nước mặt lấy từ Nhà máy nước mặt Sông Đà và từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Như vậy, trong 7 năm tới, Hà Nội sẽ giảm dần lượng khai thác nước ngầm từ hơn 628,4m3 nghìn/ngđ (chiếm 73,2% tổng công suất các nhà máy nước) xuống 623,5 nghìn m3/ngđ vào năm 2020 (chiếm 35% công suất các nhà máy nước), và đến năm 2050 lượng nước khai thác từ nguồn nước ngầm của Hà Nội sẽ chỉ chiếm 17,36% trên tổng công suất các nhà máy nước.
Đồng thời, các nhà máy nước xây dựng mới sẽ phải lựa chọn các công nghệ, thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Trong đó, đối với nguồn nước ngầm sẽ áp dụng công nghệ truyền thống làm thoáng - xử lý sơ bộ - lọc nhanh - khử trùng. Còn nguồn nước mặt sẽ áp dụng công nghệ sơ lắng - trộn - phản ứng keo tụ - lắng - lọc nhanh - khử trùng.
Cùng với việc đầu tư phát triển các nhà máy nước mặt, đến năm 2020 Hà Nội dự kiến sẽ đầu tư xây dựng mạng lưới đường ống truyền tải và đường ống cấp I khoảng 686,5km, các trạm bơm tăng áp, cũng như thay thế các đường ống cũ để đảm bảo nguồn nước, chống thất thoát nước sạch.
Dự kiến, nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là khoảng 72 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 sẽ tập trung đầu tư các nhà máy nước ngầm, Nhà máy nước Sông Hồng, Nhà máy nước Sông Đuống giai đoạn I và II, Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn II và mạng lưới đường ống cấp nước khoảng 50 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được huy động từ nhiều nguồn khác nhau: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODS, vốn tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư, vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Nhà xã hội sẽ đại hạ giá nhờ ...gạch?
TPO - Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng gạch không nung vào xây dựng nhà ở xã hội sẽ tiết kiệm thời gian, giảm giá thành.
Kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ đại hạ giá nhờ công nghệ xây dựng mới. Ảnh: N.M
Kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ đại hạ giá nhờ công nghệ xây dựng mới. Ảnh: N.M.
Giảm 50%
Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng nhà xã hội cho biết, vừa qua nhà thương mại sốt với những căn hộ chung cư ở Đại Thanh, Kim Văn- Kim Lũ với giá 10 - 15 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư vẫn có lãi. Với những ưu đãi của Nhà nước về tiền sử dụng đất, lãi vay cộng thêm áp dụng những vật liệu xây dựng tiết kiệm như gạch không nung sẽ khiến giá nhà xã hội giảm chỉ bằng một nửa giá nhà thương mại đó.
Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, gạch nung sẽ được thay thế hoàn toàn bằng gạch không nung.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong một hội nghị về vật liệu xây dựng đã thẳng thắn cho biết, nếu dùng đất nung thì sẽ mất nhiều đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trong đến an ninh lương thực, và phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn dẫn đến chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái, hậu họa của thiên tai. Và nghiêm trọng hơn còn gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả dài lâu. Thứ trưởng khuyến khích sử dụng gạch không nung trong xây dựng để hạn chế các nguyên nhân trên, đồng thời góp phần giảm giá thành xây dựng.
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nếu áp dụng đồng bộ từ gạch không nung cho đến sơn vào nhà xã hội, giá sẽ giảm 50% so với giá thành xây dựng hiện nay.
Từ khuyến khích đến bắt buộc
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc tạo cơ chế đồng bộ cho vật liệu xây dựng không nung cần phải đẩy nhanh hơn vì những mục tiêu xã hội hết sức tốt đẹp. Có một thực tế, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy được nhiều lợi thế từ sản phẩm vật liệu không nung.
Tuy nhiên do thói quen sử dụng gạch nung cho việc xây dựng nhà và các công trình dân dụng chiếm 93% nên ban đầu sản phẩm tiêu thụ rất khó khăn. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, nhất là ưu đãi trong vay vốn, giảm thuế… chưa hình thành đồng bộ tiêu chuẩn sản phẩm, kỹ thuật sản xuất; chưa ban hành được đơn giá, quy phạm, định mức xây dựng liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng.
Lãnh đạo Công ty An Thái chuyên sản xuất gạch không nung phân tích, gạch bê tông khí chưng áp là loại gạch được sản xuất bằng công nghệ cao, với vốn đầu tư lớn. Gạch có nhiều ưu việt như trọng lượng nhẹ, cách âm, cách nhiệt....
Ở Nhật Bản, một đất nước thường xuyên xảy ra động đất thì sản phẩm AAC càng được sử dụng phổ biến. Gạch AAC có tính năng kháng chấn nên sau trận động đất, các bức tường xây bằng AAC vẫn nguyên vẹn. “Chúng tôi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực gạch không nung nhưng hiện nay do thị trường BĐS đóng băng nên lượng tiêu thụ gạch giảm sút. Điều đặc biệt là nếu áp dụng gạch không nung vào xây nhà xã hội sẽ giảm giá thành xuống nhưng cho đến nay dù có lộ trình xây dựng gạch không nung thay thế gạch thường nhưng vẫn chưa có chủ đầu tư nào mạnh dạn sử dụng gạch không nung. Chúng tôi mong Nhà nước nên có chính sách mạnh hơn nữa để những doanh nghiệp đi đầu như chúng tôi không bị chết yểu”, vị này nói.