Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013


Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch (QH) hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, KCN thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030.
Theo đó, diện tích lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và một phần ranh giới hành chính của tỉnh Hòa Bình, Nam Định và TP Hà Nội với tổng diện tích khoảng 7.665km2. Trên cơ sở đó, QH đề ra mục tiêu dự báo nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải, xác định các vùng tiêu thoát nước, phương án thoát nước, xử lý nước thải và nhu cầu đầu tư trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, QH còn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải; Làm cơ sở cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Theo Tờ trình Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được chia thành 09 vùng tiêu bao gồm: 01 vùng tiêu miền núi thượng sông Bôi tiêu tự chảy được hoàn toàn. 8 vùng tiêu là sông Nhuệ, sông Tích - sông Thanh Hà, Hữu Đáy, Bắc Ninh Bình, Nam Ninh Bình, Bắc Nam Hà (Kim Bảng - Duy Tiên), Trung Nam Định, Nam Nam Định do địa hình một số vùng thấp hơn mực nước sông trong mùa lũ, tiêu thoát nước mặt cho các khu vực này là kết hợp tiêu tự chảy và tiêu động lực. Giải pháp tiêu thoát nước cho các khu vực là tích nước bằng hệ thống hồ điều hòa, hồ cảnh quan trong lưu vực, tăng cường chế độ tiêu tự chảy, giảm thiểu chi phí đầu tư, quản lý hệ thống công trình đầu mối tiêu động lực, cải thiện môi trường sinh thái và góp phần tạo dựng mỹ quan đô thị.
Về QH thoát nước mưa khu vực đô thị: Các đô thị được chia thành các lưu vực thoát nước đảm bảo thoát nước mưa nhanh và triệt để. Đối với các đô thị trung du, miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình có độ dốc địa hình thoát tự chảy tốt, tận dụng hệ thống hồ hiện có, xây dựng thêm hồ đa chức năng để tích nước và điều tiết nước mưa. Đối với các đô thị đồng bằng, tăng cường tối đa sử dụng hệ thống hồ điều hoà để tiếp nhận, điều tiết nước mưa, tổ chức thoát nước mưa theo nguyên tắc lấy kênh, hồ là tuyến thoát nước chính...
Ở khu vực nông thôn: Đối với sông, suối chảy qua khu vực dân cư cần cải tạo, gia cố bờ, chống sạt lở; Tận dụng tối đa mặt nước (ao, hồ tự nhiên và nhân tạo), mặt phủ thấm nước để thoát nước mặt theo chế độ tự chảy. Đối với khu dân cư nằm bên sườn đồi, núi phải thiết kế các mương đón hướng dòng chảy trên đỉnh đồi, núi xuống, không chảy tràn qua khu dân cư. Còn các KCN xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Nước mưa được thoát ra sông, kênh, rạch và không phải xử lý.
Theo QH thoát nước thải và xử lý nước thải thì các đô thị từ loại III trở lên đang sử dụng mạng lưới thoát nước chung, xây dựng hệ thống cống bao, giếng tách để đưa nước thải về nhà máy xử lý. Các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực.
Đối với các KCN: Sẽ xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra hệ thống sông trong khu vực. Bản QH cũng đưa ra địa điểm dự kiến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị thuộc phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Còn ở các khu dân cư nông thôn, do lượng nước thải ít nên sẽ được xử lý theo từng hộ gia đình.
Ước tính vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước (bao gồm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, trạm xử lý nước thải) trong phạm vi lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 khoảng 90,5 nghìn tỷ đồng và năm 2030 là 108,3 nghìn tỷ đồng.

Không có nhận xét nào: