Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012


Sau 2 năm thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), sản lượng 3 chủng loại sản phẩm chính là gạch xi măng, gạch bê tông khí và gạch bê tông bọt đều có khả năng đạt, vượt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ, nhất là gạch bê tông khí và bê tông bọt, rất hạn chế. Thậm chí, có DN không tiêu thụ được đã phải dừng sản xuất. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới để đưa chương trình phát triển VLXKN tới đích.

Sản xuất gạch không nung trên dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH một thành viên Nam Huy (Lào Cai).
Chỉ tiêu thụ được 50-60% sản lượng
Sau 2 năm triển khai chương trình phát triển VLXKN là hàng loạt dây chuyền sản xuất VLXKN đã được đầu tư đều đi vào hoạt động. Trước khi ban hành chương trình (tháng 4-2010), các địa phương chỉ có dây chuyền quy mô nhỏ, công suất dưới 3 triệu viên gạch xi măng/năm, đến nay đã có những dây chuyền công suất 60 triệu viên/năm. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện đạt tổng công suất 3 tỷ viên gạch xi măng/năm. Trong khi đó, từ 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí, 100.000m3/năm, đã có 22 DN đầu tư (9 DN đã hoạt động), với tổng công suất 3,8 triệu mét khối/năm. Còn với gạch bê tông bọt, từ 4 dây chuyền, công suất 4000-10.000m3/năm, hiện đã có 17 cơ sở đầu tư sản xuất với tổng công suất 190.000m3/năm. Tính cả 3 sản phẩm chủ lực trên, VLXKN hiện đạt tỷ lệ 16-17% tổng vật liệu xây (mục tiêu chương trình đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015).
Tuy nhiên, ngoài sản phẩm gạch xi măng có mặt trên thị trường từ lâu, giá bán thấp hơn so với gạch đất sét nung, nên có khả năng tiêu thụ tốt (85%-90% sản lượng), thì gạch bê tông khí và bê tông bọt tiêu thụ rất chậm. Báo cáo của Hiệp hội VLXD cho thấy, hầu hết các dây chuyền gạch bê tông khí, bê tông bọt chỉ chạy 20-30% công suất thiết kế. Chỉ có 1 dây chuyền đạt gần 50% công suất thiết kế. Có đơn vị mới đi vào sản xuất đã phải dừng hoạt động do hàng tồn kho lớn, tiêu thụ không được, nếu tiếp tục vận hành lại càng tốn kém. Mặc dù chạy chưa hết nửa công suất, nhưng hầu hết các nhà máy cũng chỉ bán được 50-60% sản lượng. Năm 2011, 9 nhà máy bê tông khí tiêu thụ 0,2 triệu mét khối sản phẩm, còn 17 nhà máy bê tông bọt tiêu thụ 0,05 triệu mét khối sản phẩm. Tình hình tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2012 cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Nguyên nhân là do nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên phần lớn dây chuyền có công nghệ ở mức trung bình. Vì vậy, sản phẩm cũng chỉ đạt chất lượng trung bình theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các nhà máy lại ra đời đúng lúc kinh tế gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, nên sản phẩm vật liệu tiêu thụ chậm. Mặt khác, lãi suất tăng cao, chi phí sản xuất cao đã đẩy giá thành sản phẩm gạch bê tông cao hơn gạch đất sét nung 20-25%.
Gạch đất sét nung vẫn chiếm tỷ lệ lớn
Một trong những mục tiêu tăng cường sản xuất VLXKN là hạn chế gạch đất sét nung, bởi quá trình sản xuất loại gạch này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Song, đến thời điểm này, sản lượng gạch đất sét nung cả nước vẫn đạt khoảng 20,9 tỷ viên, chiếm 83% vật liệu xây, trong đó sản lượng gạch sản xuất bằng lò thủ công, là loại lò gây ô nhiễm môi trường vẫn chiếm 35-40%. Đáng chú ý, Hà Nội cùng với Thái Bình, Vĩnh Long, An Giang là những địa phương còn nhiều lò gạch thủ công nhất nước. Như vậy, mục tiêu đến năm 2010 không còn lò gạch đất sét nung thủ công như Bộ Xây dựng đề ra đã "phá sản".
Các chuyên gia cho rằng, công trình cao tầng phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN nhẹ. Các địa phương phải quyết liệt thực hiện lộ trình giảm sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt lò gạch thủ công. Với công trình cao 25 tầng, sử dụng VLXKN nhẹ thay gạch đất sét nung, mặc dù giá thành VLXKN cao hơn gạch đất sét nung nhưng chi phí đầu tư toàn công trình giảm 8% do giảm chi phí kết cấu móng, khung dầm nhờ trọng lượng gạch nhẹ; giảm được chi phí quản lý, chi phí tài chính nhờ tiến độ thi công được đẩy nhanh, sớm đưa công trình vào sử dụng do năng suất thi công cao hơn. Chưa kể, VLXKN tiết kiệm năng lượng làm mát mùa hè, sưởi ấm mùa đông trong giai đoạn vận hành. Theo tính toán, nếu sử dụng toàn bộ sản lượng 4,2 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn VLXKN, có thể tiết kiệm được 6,15 triệu mét khối đất sét, 615.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,4 triệu tấn CO2.

Nguồn nước ngầm Việt Nam suy giảm

Mực nước ngầm đang giảm dần ở cả hai Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Một số chỉ tiêu nguyên tố vi lượng của hai vùng này cũng vượt mức cho phép.

Nguồn nước ngầm đang ở mức báo động. Ảnh:Thiennhien.net
Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước vừa công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất năm 2011 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tại Đồng bằng Bắc Bộ, mực nước khai thác tại một số điểm đã đạt mức báo động như Mai Dịch, Cầu Giấy, thuộc Hà Nội. Mực nước ở Hải Hậu, Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình còn trong ngưỡng an toàn, nhưng do tầng chứa nước có điều kiện thủy địa hóa phức tạp.
Trung tâm quan trắc đã phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 36 mẫu nước cho thấy, gần một nửa mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Hầu hết các mẫu phân tích cho hàm lượng amoni, mangan và asen vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là tại các điểm khai thác ở Hà Nội.
Cụ thể, hàm lượng ion amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 92,4 lần. Đặc biệt, tại điểm quan trắc Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, hàm lượng này cao gấp 233 lần tiêu chuẩn. Hàm lượng mangan từ 32 mẫu nước lấy ở tầng nước ngầm có tới 17 mẫu vượt tiêu chuẩn, nhiều nơi có hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn.
Về mùa mưa, kết quả phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 30 mẫu nước, hàm lượng mangan có 12/30 mẫu, 4/30 mẫu asen vượt tiêu chuẩn.
Tại khu vực Đồng bằng Nam Bộ, một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, vào khoảng tiệm cận với mực nước hạ thấp cho phép, đặc biệt ở khu vực quận 12, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả đánh giá chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ở Đồng bằng này có hai chất là mangan và metan vượt tiêu chuẩn cho phép trong nước ngầm. Điển hình là thị trấn Bến Lục, Long An, chỉ tiêu metan ở các tầng chưa nước chính đều vượt quá giới hạn.
Vùng có tầng nước ngầm tương đối tốt là Tây Nguyên, chưa thấy dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong nước dưới đất hầu hết đạt tiêu chuẩn cho phép, trừ mangan.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến mực nước ngầm ô nhiễm là do hoạt động của con người như rác, nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp không được xử lý triệt để ngấm xuống gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức cũng như việc việc khoan, đào để xây dựng, khai thác khoáng sản làm mất tầng đất đá bảo vệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm bẩn, xâm mặn diễn ra nhanh hơn.
Chuyên gia khuyến cao, nước ngầm ô nhiễm có thể gây ra bệnh dịch tả, nước nhiễm thủy ngân có thể gây ung thư.