Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè của Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh
11/1/13 4:40 PM
Ngày 23/10, Bộ Xây dựng đã có công văn 21/BXD-HTKT gửi Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh về việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè như sau:
Công nghệ lọc nhỏ giọt là công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học theo đó vi sinh vật phát triển bám dính không ngập trong nước. Bể lọc sinh học nhỏ giọt bao gồm 2 loại cao tải và thấp tải. Ở Việt Nam, nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt công suất thiết kế 7,400m3/ngđ, sử dụng hệ thống thoát nước riêng đã áp dụng công nghệ này (gồm bể lắng hai tầng và lọc nhỏ giọt) và đang gặp phải vấn đề liên quan đến xử lý Nitơ (NH4-N).

Hiện nay trên thế giới, công nghệ lọc nhỏ giọt cũng được áp dụng tại một số nước, với vật liệu lọc, hiệu quả lọc cũng như vấn đề mùi hôi đang được cải thiện trong đó dây chuyền công nghệ lọc nhỏ giọt với quy mô lớn nhất đang được áp dụng tại Nicaragua với công suất 297.000m3/ngđ (nguồn WB).

Tại Việt Nam, một số các vấn đề cơ bản liên quan đến nhà máy xử lý nước thải áp dụng công nghệ này có quy mô công suất lớn hơn 50.000m3/ngđ như quản lý vận hành hệ thống, những ưu điểm và hạn chế cùng với các yếu tố kỹ thuật như diện tích chiếm đất, khoảng cách ly an toàn về môi trường tối thiếu giữa công trình xử lý nước thải đến khu dân cư, hiệu quả xử lý chưa được đánh giá cụ thể.

Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 07:2010 ban hành theo Thông tư số 02/2010/TT-BXD ngày 05/2/2010 của Bộ Xây dựng có quy định: “Cho phép sử dụng bê lọc sinh học cao tải cho trạm có công suất tới 50.000 m /ngđ".

Căn cứ các lý do nêu trên và quy định tại Quy chuẩn 07:2010, việc đề xuất áp dụng công nghệ lọc nhỏ giọt cho dự án xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với quy mô công suất là 480.000 m3/ngđ và dự kiến sẽ đạt công suất 820.000 m3/ngđ vào năm 2025 là chưa phù hợp.
Hội thảo tham vấn các nhà tài trợ về Dự thảo Nghị định thoát nước và xử lý nước thải
10/3/13 3:29 PM
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 03/10/2013 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tham vấn các nhà tài trợ về Dự thảo Nghị định thoát nước và xử lý nước thải. Tham dự Hội thảo có đông đủ đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, tư vấn cho dự thảo như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đại diện đại sứ quán Na Uy và Phần Lan; đại diện Hội cấp thoát nước Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến cho biết: trong gần 2 năm nghiên cứu biên soạn Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 88/2007/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là những ý kiến đóng góp rất quý báu bằng văn bản của GIZ. Hội thảo hôm nay là một dịp để Ban soạn thảo lắng nghe các ý kiến tâm huyết từ phía các nhà tài trợ, các tổ chức tư vấn đã đồng hành cùng Ban soạn thảo trong quá trình làm việc. Bên cạnh các ý kiến của bảy Bộ ngành trung ương liên quan tới chính sách ưu đãi; quy hoạch phân chia trách nhiệm của từng Bộ; xiết chặt quy chuẩn về xả thải vào môi trường, vào hệ thống thủy lợi…đã được Ban soạn thảo tổng hợp trong các cuộc Hội thảo trước đây, ý kiến của các nhà tài trợ trong buổi Hội thảo hôm nay cũng được đánh giá cao và sẽ được Ban soạn thảo cân nhắc kỹ.

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt 6 nội dung cơ bản được điều chỉnh, sửa đổi trong Dự thảo (tên gọi, phạm vi; đối tượng quy hoạch; đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước; quy định về chủ sở hữu; quản lý thoát nước bền vững; một số vấn đề khác như quản lý nước thải – bùn thải, quản lý nước mưa, tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải… chưa có trong Nghị định 88); đại diện ADB, WB, JICA đã cùng Ban soạn thảo thảo luận một số vấn đề xung quanh định mức chi phí; cách tính chi phí dịch vụ thoát nước; tính linh hoạt trong quy định thời hạn hợp đồng quản lý - vận hành hệ thống thoát nước…

Tên gọi của Nghị định sửa đổi là Nghị định về thoát nước và xử lý nước thải. Về cơ bản, các đại biểu tham dự Hội thảo đều ủng hộ và hoan nghênh Dự thảo, cũng như hoạt động tích cực của Ban soạn thảo để góp phần cho Nghị định mới sớm được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo đà phát triển mới cho ngành thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam. 
 
Nhà máy xử lý rác: Phải đồng bộ về công nghệ và tiêu chuẩn xả thải
10/4/13 7:24 AM
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh tại buổi làm việc với UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) về tình hình xử lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn và kiểm tra tiến độ triển khai Dự án đầu tư “Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình”, ngày 03/10.
Xử lý CTR: Gánh nặng lớn cho ngân sách
Báo cáo về tình hình xử lý rác thải của Hà Nội, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 5.370 tấn CTR sinh hoạt, trong đó trên địa bàn các huyện là hơn 2.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 72% và xử lý chủ yếu bằng chôn lấp.
Mới đây, Hà Nội đã báo cáo thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý CTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Đồ án đưa ra là đến năm 2030 sẽ thu gom 99% lượng CTR trên địa bàn và xử lý bằng công nghệ hợp lý. Việc tổ chức thu gom sẽ được phân chia theo khu vực, tránh việc tập trung quá nhiều rác thải vào một khu vực.
Theo ông Khánh, hiện Hà Nội đã chấp thuận đầu tư cho nhiều dự án xử lý CTR với tổng công suất khoảng 4.600 tấn/ngày (chiếm 70% tổng lượng rác thải), trong đó phần lớn các dự án được xử lý bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do vướng GPMB hoặc vướng về công nghệ xử lý. Thậm chí, có dự án đã xin đổi công nghệ tới 06 lần.
Ông Khánh nhận định: Xu hướng hiện nay trong việc xử lý CTR là tái chế và sử dụng công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp. Song việc xử lý CTR sẽ là một gánh nặng rất lớn cho ngân sách của thành phố.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, hiện cùng một công nghệ nhưng ở các địa phương khác nhau nhà đầu tư đưa ra giá xử lý CTR rất khác nhau, có nơi đưa ra giá là 16 USD/tấn rác, nhưng có địa phương nhà đầu tư lại đưa ra giá xử lý tới 40 USD/tấn rác.
Thứ trưởng lưu ý: Hiện trong đồ án quy hoạch CTR của Hà Nội đã đưa ra vị trí 4 bãi chôn lấp, còn lại là xử lý bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, ngay trong quy hoạch Hà Nội phải đưa ra được bài toán về môi trường, đơn giá định mức đầu tư để phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn.
Ông Khánh cho biết, hiện các dự án xử lý CTR bằng công nghệ đốt đều do doanh nghiệp đầu tư và họ đều bám vào định mức đơn giá (cao nhất) của Bộ Xây dựng chứ không chịu giảm giá xuống. Vì vậy, để xác định đơn giá xử lý hiện đang là vấn đề lớn. Nếu toàn bộ các dự án xử lý CTR đi vào hoạt động, với giá xử lý rác trung bình khoảng 20 USD/tấn, Hà Nội sẽ phải chi khoảng 72.000 USD/ngày, tương đương với gần 26,3 triệu USD/năm.
Đầu tư xử lý CTR phải đảm bảo về công nghệ
Báo cáo về tình hình xử lý CTR tại địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, quan điểm của lãnh đạo huyện Đan Phượng là không xử lý rác bằng chôn lấp. Để đẩy mạnh việc thu gom rác, huyện đã đầu tư nhiều bãi trung chuyển tại các xã nên tỷ lệ thu gom rác hàng ngày khá cao, đạt 95-96%. Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý CTR, như bố trí mặt bằng, bỏ tiền ra xây dựng toàn bộ tường rào quanh dự án cho nhà đầu tư...
Hiện Cty CP Đầu tư Thành Quang đang triển khai Dự án “Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình” tại huyện Đan Phượng với công suất 240 tấn rác/ngày đêm, có khả năng xử lý rác cho 3 huyện của Hà Nội.
Ông Võ Đặng Sơn, Phó TGĐ Cty CP Đầu tư Thành Quang cho biết, nhà máy có tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ lò đốt Martin ghi dịch chuyển lùi (xuất xứ từ Cộng hòa Liên bang Đức, do Trung Quốc sản xuất chế tạo).
Nhà máy được thiết kế khép kín hoàn toàn với hệ thống đốt xử lý mùi hôi và khói thải tiên tiến, có công nghệ hồi phun đốt xử lý nước rác thông minh, tỷ lệ chôn lấp thấp và không phát sinh ô nhiễm thứ cấp… Toàn bộ nhà máy được vận hành thông qua trung tâm điều khiển tự động PLC với công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước tháng 02/2014.
Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn công nghệ để xúc tiến việc thiết kế, điều chỉnh dây chuyền công nghệ nhà máy nhằm sớm tích hợp bổ sung modul phát điện với công suất thiết kế từ 3,5-4 MW. Đây là dự án đi tiên phong trong lĩnh vực đốt rác sinh hoạt phát điện tại Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chỉ đạo: Khi Cty xây dựng nhà máy cần phải đảm bảo sự đồng bộ về công nghệ và tiêu chuẩn xả thải. Hiện Luật Thủ đô đã có hiệu lực và những tiêu chuẩn về môi trường của Thủ đô cao hơn tiêu chuẩn của Việt Nam, vì vậy tiêu chuẩn xả thải của Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình cần phải đạt tiêu chuẩn theo Luật Thủ đô.


Chống thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị
10/22/13 2:08 PM
Kỹ sư và công nhân Công ty nước sạch Hà Nội triển khai chống thất thoát, thất thu nước sạch.
Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 78%, nhưng tỷ lệ thất thoát, thất thu (TTTT) nước sạch bình quân đô thị toàn quốc chiếm khoảng 27%. Ðể bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ TTTT nước sạch xuống 15% vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, cần có một giải pháp tổng thể và những chính sách thu hút nguồn lực xã hội mạnh mẽ.
Nguyên nhân gây TTTT nước sạch
Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng TTTT nước sạch. Một bộ phận dân cư sử dụng nước theo phương thức khoán, chưa có đồng hồ đo nước. Gian lận trong sử dụng nước như tự ý đục phá đấu nối trái phép nguồn cấp nước, lấy nước từ đường ống thành phố hoặc từ họng cứu hỏa, dùng nước sạch để kinh doanh rửa xe, sản xuất dịch vụ... không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến lãng phí, thiếu ý thức tiết kiệm, lượng nước sử dụng lớn hơn nhiều lượng nước thanh toán. Mặt khác, tại các đô thị lớn vẫn còn sử dụng khá nhiều đồng hồ đo nước chất lượng kém, sai số lớn, nhất là các đồng hồ cũ, sử dụng từ những năm 90 trở về trước. Kết quả thử nghiệm cho thấy sai số của một số loại đồng hồ đo nước cũ lên tới 25%, trong khi các loại đồng hồ nước mới lại thiếu bảo trì, kiểm định định kỳ nên cũng gây thất thoát lớn.
Phụ trách phòng Quản lý cấp thoát nước thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Minh Ðức cho rằng, việc quản lý vận hành hệ thống cấp nước của các đơn vị đối với công tác phòng, chống TTTT nước chưa được quan tâm triệt để, thiếu khoa học, chưa kiểm soát chặt việc thu đúng, thu đủ tiền nước. Thiếu trang, thiết bị cho công tác quản lý hệ thống đường ống, xác định điểm rò rỉ dẫn tới sửa chữa các tuyến ống không kịp thời. Không có kế hoạch thay thế dài hạn các tuyến ống cũ, thiếu các phụ tùng dự trữ để thực hiện công tác sửa chữa tuyến ống. Bên cạnh đó, công tác thi công, lắp đặt các tuyến ống không đúng kỹ thuật, chất lượng thi công không đồng đều, trong khi công tác giám sát thi công, thử áp lực các tuyến ống không tuân thủ đúng quy định dẫn đến rò rỉ tại các đầu mối.
Một khó khăn nữa là nhiều đường ống cũ tại các đô thị có chất lượng kém và giảm dần theo thời gian, vẫn còn khá nhiều tuyến đường ống lắp đặt trước năm 1990. Do vậy, khi có biến động về áp lực dòng chảy thường bị vỡ, chẳng hạn như tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, khi các nhà máy nước lớn mới như Tân Hiệp, Sông Ðà phát nước vào mạng với áp lực cao thì phần lớn các mối nối của tuyến ống cũ đều bị vỡ.
Ông Nguyễn Minh Ðức cũng thừa nhận, hiện nay công tác thiết kế và quy hoạch hệ thống cấp nước còn kém và chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhu cầu dùng nước tại một số khu vực tăng mạnh, buộc phải đấu nối thêm số lượng đầu mối cấp nước, biến đổi áp lực. Việc thiết kế xây dựng hệ thống hạ tầng thiếu sự phối hợp giữa các bên như điện, viễn thông, cấp thoát nước... dẫn đến việc đào xới nhiều lần, liên tục trên cùng một tuyến, gây ách tắc giao thông, bức xúc cho người dân. Ðặc biệt khi triển khai thi công các loại công trình ngầm, do việc xác định vị trí các tuyến ống không đúng hoặc các đơn vị thi công không tuân thủ biện pháp thi công gây vỡ ống cấp nước. Gần đây nhất là sự cố khi thi công cải tạo tuyến cống thoát nước Lò Ðúc - Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Tổng công ty xây dựng Bạch Ðằng làm nhà thầu đã làm vỡ đường ống phân phối nước sạch, đoạn trước cửa nhà số 9 phố Kim Ngưu, ảnh hưởng đến 2.000 hộ dân trong khu vực.
Tìm kiếm thêm các nguồn lực ngoài ngân sách
Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2147/QÐ-TTg ngày 24-11-2010 phê duyệt Chương trình quốc gia chống TTTT nước sạch đến năm 2025 với mục tiêu giảm tỷ lệ TTTT nước sạch bình quân xuống còn 15% vào năm 2025, tuy nhiên để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay mới chỉ có 7,8% các công ty cấp nước đạt tỷ lệ thất thoát nước dưới 15%. Theo dự báo, chỉ tính riêng TP Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước sạch vào năm 2015 khoảng hơn 975 nghìn m3/ngày đêm và sẽ lên đến 1,5 triệu m3/ngày đêm vào năm 2020. Ðiều này đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ cần khoảng 16 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống cấp nước. Do vậy, việc cấp bách đầu tiên là tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển ngành nước, vì đầu tư lĩnh vực này chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách, cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ cũng đang tích cực nghiên cứu những giải pháp nhằm mở rộng, xã hội hóa công tác đầu tư cho ngành nước, nhưng trước mắt vẫn là tìm kiếm thêm các nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Phát triển và Hợp tác Ðan Mạch trong lĩnh vực chống TTTT nước sạch. Theo đó, Chính phủ Ðan Mạch thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Ðan Mạch (DANIDA) sẽ tiếp tục tài trợ khoảng 43 triệu ơ-rô cho chương trình chống TTTT nước sạch tại Việt Nam, trong đó có ít nhất 35% giá trị khoản vay sẽ được tài trợ không hoàn lại từ DANIDA. Trước đó, tổng vốn tài trợ của DANIDA đã giải ngân cho Việt Nam giai đoạn 2007 - 2012 là gần 303 triệu ơ-rô (trong đó vốn vay là gần 291 triệu ơ-rô và vốn viện trợ là hơn 12 triệu ơ-rô), riêng lĩnh vực cấp thoát nước chiếm khoảng 20%. Ðây sẽ là một trong những nguồn vốn quan trọng để phát triển bền vững ngành nước, một mặt giúp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành cấp, thoát nước từ khâu đào tạo, quản lý và vận hành hệ thống, đồng thời nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp cho cơ quan quản lý và tham gia thực hiện các dự án. Trong giai đoạn tới, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tham mưu cho Bộ Xây dựng đề xuất phía Ðan Mạch tài trợ các dự án đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật giảm TTTT nước sạch và cả những dự án trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn... vì đây cũng là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến chống TTTT nước sạch
Hội nghị phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam
10/25/13 7:26 AM
Ngày 24/10/2013 tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng và Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự Hội nghị về phía Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ. Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Xuân Anh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Về phía GIZ có ông Hanns Bernd Kuchta - Trưởng cố vấn Kỹ thuật. Hơn 200 đại biểu đại diện của Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các Hội nghề nghiệp Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế đã cùng tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh của khu vực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Tính đến tháng 9/2013, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được mở rộng với gần 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa xấp xỉ 33%.
Tuy nhiên, sự phát triển của đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, môi trường, năng lượng… đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của các tổ chức Quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; trong đó, khu vực đô thị - nơi chiếm 70% GDP cả nước - gánh chịu nhiều nguy cơ tổn thương nhất. Do đó, nhu cầu cấp bách của các đô thị Việt Nam hiện đại là cần có chiến lược, định hướng phát triển, quy hoạch phù hợp và có những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao khả năng thích ứng và ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài của biến đổi khí hậu.
Nhằm thực hiện các Định hướng, Chiến lược, Chương trình tăng trưởng xanh, đô thị xanh phát triển bền vững của Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam. Hiện tại, Bộ đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, và đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Đề án được phê duyệt sẽ là tiền đề triển khai nhiều chương trình, dự án phục vụ định hướng phát triển đô thị xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng nhận định: Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam suốt hơn 10 năm qua, song phát triển đô thị theo xu hướng này tại Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, và cần sự nỗ lực cao hơn của các cấp, các ngành, của xã hội, đồng thời cần tranh thủ nhiều hơn nữa kinh nghiệm và nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có GIZ.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trân trọng cám ơn Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển và Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức GIZ vì những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho công tác phát triển đô thị ứng phó Biến đổi khí hậu của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực hạ tầng, các dự án hợp tác Việt-Đức đã có mặt tại 14 tỉnh, thành phố Việt Nam, tập trung nhiều cho Chương trình quản lý nước thải, chất thải tại các tỉnh lỵ và Chương trình thoát nước chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng Duyên hải thích ứng với BĐKH. Các dự án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, đảm bảo thích ứng BĐKH, phát triển bền vững các khu vực thực hiện dự án. Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng: Hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về định hướng phát triển cho các đô thị Việt Nam. Kết quả hội nghị sẽ góp phần tích cực giảm thiểu thiệt hại và góp phần ứng phó hữu hiệu hơn với BĐKH cho các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các địa phương miền Trung như Đà Nẵng - nơi chịu nhiều thiệt hại do cơn bão Nari vừa gây ra.
Bài phát biểu dẫn đề của ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; các tham luận của các chuyên gia GIZ, UN-Habitat, Ngân hàng phát triển châu Á và nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều đưa ra thông điệp: Biến đổi khí hậi đã, đang và sẽ xóa đi những thành tựu của nhiều năm phát triển. Cần chung tay xây dựng những thành phố xanh có khả năng chống chịu thiên tai, những đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu - đó chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam - một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

Hội nghị diễn ra hai ngày, 24 - 25/10/2013. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm qua những bài tham luận, những cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề hướng tới các đô thị xanh - phương pháp tiếp cận tích hợp phát triển đô thị bền vững; hướng tới khả năng ứng phó - quản lý tổng hợp các rủi ro ngập úng đô thị; lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện có liên quan tới đô thị hóa bền vững, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu còn được trải nghiệm thực tế qua các chuyến tham quan thực địa theo từng chuyên đề: quy hoạch đô thị và không gian về nước; nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có thu nhập thấp nhất; dự án phát triển đô thị tại Đà Nẵng.