Nhà máy xử lý rác: Phải đồng bộ về công nghệ và tiêu chuẩn xả thải
10/4/13 7:24 AM
Xem với cỡ chữ Gửi bài viết email In bài viết
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh tại buổi làm việc với UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) về tình hình xử lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn và kiểm tra tiến độ triển khai Dự án đầu tư “Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình”, ngày 03/10.
Xử lý CTR: Gánh nặng lớn cho ngân sách
Báo cáo về tình hình xử lý rác thải của Hà Nội, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 5.370 tấn CTR sinh hoạt, trong đó trên địa bàn các huyện là hơn 2.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 72% và xử lý chủ yếu bằng chôn lấp.
Mới đây, Hà Nội đã báo cáo thẩm định Đồ án Quy hoạch xử lý CTR Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Đồ án đưa ra là đến năm 2030 sẽ thu gom 99% lượng CTR trên địa bàn và xử lý bằng công nghệ hợp lý. Việc tổ chức thu gom sẽ được phân chia theo khu vực, tránh việc tập trung quá nhiều rác thải vào một khu vực.
Theo ông Khánh, hiện Hà Nội đã chấp thuận đầu tư cho nhiều dự án xử lý CTR với tổng công suất khoảng 4.600 tấn/ngày (chiếm 70% tổng lượng rác thải), trong đó phần lớn các dự án được xử lý bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do vướng GPMB hoặc vướng về công nghệ xử lý. Thậm chí, có dự án đã xin đổi công nghệ tới 06 lần.
Ông Khánh nhận định: Xu hướng hiện nay trong việc xử lý CTR là tái chế và sử dụng công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp. Song việc xử lý CTR sẽ là một gánh nặng rất lớn cho ngân sách của thành phố.
Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, hiện cùng một công nghệ nhưng ở các địa phương khác nhau nhà đầu tư đưa ra giá xử lý CTR rất khác nhau, có nơi đưa ra giá là 16 USD/tấn rác, nhưng có địa phương nhà đầu tư lại đưa ra giá xử lý tới 40 USD/tấn rác.
Thứ trưởng lưu ý: Hiện trong đồ án quy hoạch CTR của Hà Nội đã đưa ra vị trí 4 bãi chôn lấp, còn lại là xử lý bằng công nghệ đốt. Tuy nhiên, ngay trong quy hoạch Hà Nội phải đưa ra được bài toán về môi trường, đơn giá định mức đầu tư để phân kỳ đầu tư phù hợp với từng giai đoạn.
Ông Khánh cho biết, hiện các dự án xử lý CTR bằng công nghệ đốt đều do doanh nghiệp đầu tư và họ đều bám vào định mức đơn giá (cao nhất) của Bộ Xây dựng chứ không chịu giảm giá xuống. Vì vậy, để xác định đơn giá xử lý hiện đang là vấn đề lớn. Nếu toàn bộ các dự án xử lý CTR đi vào hoạt động, với giá xử lý rác trung bình khoảng 20 USD/tấn, Hà Nội sẽ phải chi khoảng 72.000 USD/ngày, tương đương với gần 26,3 triệu USD/năm.
Đầu tư xử lý CTR phải đảm bảo về công nghệ
Báo cáo về tình hình xử lý CTR tại địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, quan điểm của lãnh đạo huyện Đan Phượng là không xử lý rác bằng chôn lấp. Để đẩy mạnh việc thu gom rác, huyện đã đầu tư nhiều bãi trung chuyển tại các xã nên tỷ lệ thu gom rác hàng ngày khá cao, đạt 95-96%. Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý CTR, như bố trí mặt bằng, bỏ tiền ra xây dựng toàn bộ tường rào quanh dự án cho nhà đầu tư...
Hiện Cty CP Đầu tư Thành Quang đang triển khai Dự án “Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình” tại huyện Đan Phượng với công suất 240 tấn rác/ngày đêm, có khả năng xử lý rác cho 3 huyện của Hà Nội.
Ông Võ Đặng Sơn, Phó TGĐ Cty CP Đầu tư Thành Quang cho biết, nhà máy có tổng mức đầu tư gần 251 tỷ đồng, ứng dụng công nghệ lò đốt Martin ghi dịch chuyển lùi (xuất xứ từ Cộng hòa Liên bang Đức, do Trung Quốc sản xuất chế tạo).
Nhà máy được thiết kế khép kín hoàn toàn với hệ thống đốt xử lý mùi hôi và khói thải tiên tiến, có công nghệ hồi phun đốt xử lý nước rác thông minh, tỷ lệ chôn lấp thấp và không phát sinh ô nhiễm thứ cấp… Toàn bộ nhà máy được vận hành thông qua trung tâm điều khiển tự động PLC với công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước tháng 02/2014.
Hiện chủ đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn công nghệ để xúc tiến việc thiết kế, điều chỉnh dây chuyền công nghệ nhà máy nhằm sớm tích hợp bổ sung modul phát điện với công suất thiết kế từ 3,5-4 MW. Đây là dự án đi tiên phong trong lĩnh vực đốt rác sinh hoạt phát điện tại Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chỉ đạo: Khi Cty xây dựng nhà máy cần phải đảm bảo sự đồng bộ về công nghệ và tiêu chuẩn xả thải. Hiện Luật Thủ đô đã có hiệu lực và những tiêu chuẩn về môi trường của Thủ đô cao hơn tiêu chuẩn của Việt Nam, vì vậy tiêu chuẩn xả thải của Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình cần phải đạt tiêu chuẩn theo Luật Thủ đô.
|
Chuyên: Lập dự án-Thiết kế-Thẩm định-Giám sát-Thi công Cấp thoát nước-Xử lý môi trường-Xây dựng-Hoàn thiện công trình,...
Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét