Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013


Chống thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị
10/22/13 2:08 PM
Kỹ sư và công nhân Công ty nước sạch Hà Nội triển khai chống thất thoát, thất thu nước sạch.
Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 78%, nhưng tỷ lệ thất thoát, thất thu (TTTT) nước sạch bình quân đô thị toàn quốc chiếm khoảng 27%. Ðể bảo đảm mục tiêu giảm tỷ lệ TTTT nước sạch xuống 15% vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, cần có một giải pháp tổng thể và những chính sách thu hút nguồn lực xã hội mạnh mẽ.
Nguyên nhân gây TTTT nước sạch
Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng TTTT nước sạch. Một bộ phận dân cư sử dụng nước theo phương thức khoán, chưa có đồng hồ đo nước. Gian lận trong sử dụng nước như tự ý đục phá đấu nối trái phép nguồn cấp nước, lấy nước từ đường ống thành phố hoặc từ họng cứu hỏa, dùng nước sạch để kinh doanh rửa xe, sản xuất dịch vụ... không đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến lãng phí, thiếu ý thức tiết kiệm, lượng nước sử dụng lớn hơn nhiều lượng nước thanh toán. Mặt khác, tại các đô thị lớn vẫn còn sử dụng khá nhiều đồng hồ đo nước chất lượng kém, sai số lớn, nhất là các đồng hồ cũ, sử dụng từ những năm 90 trở về trước. Kết quả thử nghiệm cho thấy sai số của một số loại đồng hồ đo nước cũ lên tới 25%, trong khi các loại đồng hồ nước mới lại thiếu bảo trì, kiểm định định kỳ nên cũng gây thất thoát lớn.
Phụ trách phòng Quản lý cấp thoát nước thuộc Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Minh Ðức cho rằng, việc quản lý vận hành hệ thống cấp nước của các đơn vị đối với công tác phòng, chống TTTT nước chưa được quan tâm triệt để, thiếu khoa học, chưa kiểm soát chặt việc thu đúng, thu đủ tiền nước. Thiếu trang, thiết bị cho công tác quản lý hệ thống đường ống, xác định điểm rò rỉ dẫn tới sửa chữa các tuyến ống không kịp thời. Không có kế hoạch thay thế dài hạn các tuyến ống cũ, thiếu các phụ tùng dự trữ để thực hiện công tác sửa chữa tuyến ống. Bên cạnh đó, công tác thi công, lắp đặt các tuyến ống không đúng kỹ thuật, chất lượng thi công không đồng đều, trong khi công tác giám sát thi công, thử áp lực các tuyến ống không tuân thủ đúng quy định dẫn đến rò rỉ tại các đầu mối.
Một khó khăn nữa là nhiều đường ống cũ tại các đô thị có chất lượng kém và giảm dần theo thời gian, vẫn còn khá nhiều tuyến đường ống lắp đặt trước năm 1990. Do vậy, khi có biến động về áp lực dòng chảy thường bị vỡ, chẳng hạn như tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, khi các nhà máy nước lớn mới như Tân Hiệp, Sông Ðà phát nước vào mạng với áp lực cao thì phần lớn các mối nối của tuyến ống cũ đều bị vỡ.
Ông Nguyễn Minh Ðức cũng thừa nhận, hiện nay công tác thiết kế và quy hoạch hệ thống cấp nước còn kém và chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, nhu cầu dùng nước tại một số khu vực tăng mạnh, buộc phải đấu nối thêm số lượng đầu mối cấp nước, biến đổi áp lực. Việc thiết kế xây dựng hệ thống hạ tầng thiếu sự phối hợp giữa các bên như điện, viễn thông, cấp thoát nước... dẫn đến việc đào xới nhiều lần, liên tục trên cùng một tuyến, gây ách tắc giao thông, bức xúc cho người dân. Ðặc biệt khi triển khai thi công các loại công trình ngầm, do việc xác định vị trí các tuyến ống không đúng hoặc các đơn vị thi công không tuân thủ biện pháp thi công gây vỡ ống cấp nước. Gần đây nhất là sự cố khi thi công cải tạo tuyến cống thoát nước Lò Ðúc - Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Tổng công ty xây dựng Bạch Ðằng làm nhà thầu đã làm vỡ đường ống phân phối nước sạch, đoạn trước cửa nhà số 9 phố Kim Ngưu, ảnh hưởng đến 2.000 hộ dân trong khu vực.
Tìm kiếm thêm các nguồn lực ngoài ngân sách
Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2147/QÐ-TTg ngày 24-11-2010 phê duyệt Chương trình quốc gia chống TTTT nước sạch đến năm 2025 với mục tiêu giảm tỷ lệ TTTT nước sạch bình quân xuống còn 15% vào năm 2025, tuy nhiên để đạt được mục tiêu này còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay mới chỉ có 7,8% các công ty cấp nước đạt tỷ lệ thất thoát nước dưới 15%. Theo dự báo, chỉ tính riêng TP Hà Nội, nhu cầu sử dụng nước sạch vào năm 2015 khoảng hơn 975 nghìn m3/ngày đêm và sẽ lên đến 1,5 triệu m3/ngày đêm vào năm 2020. Ðiều này đồng nghĩa với việc Hà Nội sẽ cần khoảng 16 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống cấp nước. Do vậy, việc cấp bách đầu tiên là tìm kiếm các nguồn lực cho phát triển ngành nước, vì đầu tư lĩnh vực này chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách, cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ cũng đang tích cực nghiên cứu những giải pháp nhằm mở rộng, xã hội hóa công tác đầu tư cho ngành nước, nhưng trước mắt vẫn là tìm kiếm thêm các nguồn lực từ các tổ chức nước ngoài. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Phát triển và Hợp tác Ðan Mạch trong lĩnh vực chống TTTT nước sạch. Theo đó, Chính phủ Ðan Mạch thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Ðan Mạch (DANIDA) sẽ tiếp tục tài trợ khoảng 43 triệu ơ-rô cho chương trình chống TTTT nước sạch tại Việt Nam, trong đó có ít nhất 35% giá trị khoản vay sẽ được tài trợ không hoàn lại từ DANIDA. Trước đó, tổng vốn tài trợ của DANIDA đã giải ngân cho Việt Nam giai đoạn 2007 - 2012 là gần 303 triệu ơ-rô (trong đó vốn vay là gần 291 triệu ơ-rô và vốn viện trợ là hơn 12 triệu ơ-rô), riêng lĩnh vực cấp thoát nước chiếm khoảng 20%. Ðây sẽ là một trong những nguồn vốn quan trọng để phát triển bền vững ngành nước, một mặt giúp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành cấp, thoát nước từ khâu đào tạo, quản lý và vận hành hệ thống, đồng thời nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp cho cơ quan quản lý và tham gia thực hiện các dự án. Trong giai đoạn tới, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tham mưu cho Bộ Xây dựng đề xuất phía Ðan Mạch tài trợ các dự án đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật giảm TTTT nước sạch và cả những dự án trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn... vì đây cũng là những lĩnh vực liên quan mật thiết đến chống TTTT nước sạch

Không có nhận xét nào: