Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Hỗ trợ kinh phí để lò đốt rác thải hoạt động hiệu quả

Vừa qua, các ngành chức năng thành phố, huyện Vĩnh Bảo tổ chức đánh giá hiệu quả đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ BD-Anpha tại thị trấn Vĩnh Bảo. Qua đánh giá cho thấy, lò đốt rác thải đưa vào hoạt động giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, cho hiệu quả xử lý cao hơn so với hình thức chôn lấp trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài, việc quản lý, vận hành lò đốt rác gặp nhiều khó khăn, cần được thành phố hỗ trợ kinh phí.

Theo báo cáo của UBND thị trấn Vĩnh Bảo, mỗi ngày, trên địa bàn thị trấn phát sinh khoảng 10 tấn rác thải sinh hoạt. Trước đây, vì không có bãi rác thải tập trung nên rác thải được thu gom “đổ nhờ” tại bãi rác của xã Tam Đa, xã Tân Hưng hoặc tập kết tại bãi rác thải tạm khoảng hơn 1.000 m2, nằm ngay tại ngã 3 kênh cầu Tây và kênh Ba Đồng (cách nhà máy nước Vĩnh Bảo vài trăm mét). Có thời điểm bác rác tạm này đầy, ùn ứ, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước Vĩnh Bảo. Việc này khiến người dân sống quanh khu vực bức xúc và lo lắng.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 6-2015, thành phố đồng ý cho huyện Vĩnh Bảo xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ BD-ANPHA (Nhật Bản) tại xứ đồng Đom Đóm, khu dân cư Nam Sơn, với diện tích 12.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng gồm: thiết bị lò đốt, nhà xử lý rác, các công trình phụ trợ, hệ thống sấy rác và băng tải cao su. Đến tháng 7-2015, lò đốt rác hoàn thành và đưa vào sử dụng. UBND thị trấn Vĩnh Bảo giao Công ty CP môi trường Vĩnh Bảo quản lý, vận hành lò đốt rác.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bảo, từ khi đưa vào vận hành, mỗi ngày lò đốt rác xử lý từ 6-7 tấn rác thải của hơn 2.500 hộ dân trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bảo. Nếu hoạt động đúng theo thiết kế, mỗi ngày, lò đốt rác xử lý tối đa 12 tấn rác thải sinh hoạt, giải quyết được hết lượng rác phát sinh trên địa bàn. Từ khi lò đốt rác đưa vào hoạt động đến nay mang lại hiệu quả rõ rệt, không những làm giảm nguy cơ ô nhiễm do mùi hôi thối, nước rỉ từ rác ra ngoài môi trường, mà còn giảm diện tích đất chôn lấp rác thải, giảm kinh phí chi cho việc san lấp, xử lý môi trường tại bãi rác. Hơn nữa, công suất xử lý rác thải sinh hoạt nhanh, hiệu quả xử lý cao hơn so với hình thức chôn lấp trước đây.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, thành phố chỉ đầu tư kinh phí xây dựng lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản, còn việc quản lý, vận hành là trách nhiệm của địa phương. Qua mấy tháng vận hành, lò đốt rác thải tại thị trấn bộc lộ một số hạn chế như: nhiệt độ của lò đốt khó đạt trên 1.000 độ C nên việc xử lý các chất độc hại trong khói thải rất khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường không khí; tăng chi phí vận hành lò đốt (tiền điện, trả lương công nhân vận hành, thuê bảo vệ…). Chất thải sau khi đốt rác không tận dụng được mà phải sử dụng biện pháp chôn lấp để xử lý. Đặc biệt, việc quản lý, vận hành lò đốt rác cần nhiều công nhân (khoảng 16 công nhân chia làm 3 ca/ngày). Trước đây, khi chưa xây dựng lò đốt rác thải, huyện Vĩnh Bảo hỗ trợ 15 triệu đồng/tháng để địa phương xử lý rác thải theo phương pháp chôn lấp. Nhưng từ khi đưa lò đốt rác vào sử dụng, nguồn kinh phí này bị cắt, địa phương gặp khó khăn về kinh phí để duy trì và vận hành hệ thống này. Mọi chi phí phục vụ quản lý, vận hành lò đốt rác đều trông chờ vào nguồn lệ phí thu gom rác từ nhân dân.

Thực tế hiện nay, Công ty CP môi trường Vĩnh Bảo đang quản lý, vận hành lò đốt rác này có 30 cán bộ, công nhân, trong đó có 14 công nhân thu gom, 10 công nhân vận hành tại lò đốt. Mỗi tháng đơn vị trực tiếp thu gom rác thải sinh hoạt và thu phí vệ sinh môi trường đối với hơn 2.500 hộ dân và 30 cơ quan, trường học trên địa bàn thị trấn được khoảng hơn 60 triệu đồng. Trong khi đó, đơn vị phải chi gần 100 triệu đồng/tháng gồm: trả lương cho công nhân, bộ phận quản lý, tiền điện, nước, mua đồ bảo hộ lao động, thuê xe thu gom, vận chuyển rác từ khu dân cư về bãi tập kết để đốt rác…

Tại cuộc họp đánh giá hiệu quả lò đốt rác thải sinh hoạt tại thị trấn Vĩnh Bảo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Sở TN&MT và các phòng, ban huyện Vĩnh Bảo cũng đồng ý với những đánh giá về ưu điểm, hạn chế của lò đốt rác công nghệ BD-Anpha này. Tuy nhiên, để lò đốt rác đem lại hiệu quả cao nhất, lãnh đạo địa phương đề nghị thành phố sớm có cơ chế hỗ trợ kinh phí quản lý, vận hành lò đốt hoặc quy định tăng mức thu phí vệ sinh môi trường, nhằm bảo đảm kinh phí trang trải cho công tác thu gom, xử lý rác thải tại lò đốt, tránh tình trạng khó khăn như hiện nay.

Chống ngập khu vực nội thành Hải Phòng
Nâng cao khả năng vận hành hệ thống thu nước và thoát nước

Năm 2016 được dự báo ít mưa, nhưng có khả năng xuất hiện những cơn mưa bất thường, mưa to. Từ cuối tháng 3 đến nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng triển khai chiến dịch nạo vét ga thu, tăng cường vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống cánh cống, trạm bơm, cống ngăn triều và mương hồ nhằm tăng cường khả năng chống ngập trên địa bàn 4 quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng và Hải An.

Tổng vệ sinh diện rộng

Chiến dịch nạo vét ga thu, tăng cường vệ sinh, chủ động chống ngập  trong mùa mưa bão là hoạt động được công ty triển khai sớm, trên diện rộng và duy trì từ nhiều năm qua. Trong dịp này, toàn thể công nhân của 4 xí nghiệp thoát nước được huy động tiến hành nạo vét ga thu hàm ếch trên tất cả các tuyến đường, ngõ ngách; phá dỡ vật cản trước miệng ga thu; vớt vật cản, mở rộng mương khơi thông dòng chảy; bơm rửa bờ kè các hồ điều hoà; dọn vệ sinh các trạm bơm nước thải, kiểm tra công tác vận hành trạm bơm, cống ngăn triều; kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống cánh phai, van lật, cống ngăn triều; cập nhật số liệu về mưa cũng như tình trạng ngập lụt làm cơ sở cho việc quản lý và kịp thời sửa chữa các công trình, hệ thống thoát nước:

Với  tổng cộng 14 cống ngăn triều, 450km đường ống và gần 20.000 ga cống các loại, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống thoát nước đứng đầu toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước đô thị của thành phố dùng chung cho thoát nước mưa và thoát nước thải; hạ tầng thoát nước do xây dựng từ lâu, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ đô thị hoá; tình trạng lấn chiếm lòng kênh, mương cũng như sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân khiến khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị Hải Phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vớt bèo khơi thông dòng chảy tại kênh An Kim Hải trên địa bàn quận Hải An.
Vớt bèo khơi thông dòng chảy tại kênh An Kim Hải trên địa bàn quận Hải An.
Để tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho đô thị, thời gian qua, Công ty Thoát nước triển khai nhiều giải pháp, trong đó chủ động khai thác hiệu quả chương trình hợp tác giữa Hải Phòng và thành phố Kytakyushu (Nhật Bản) trong lĩnh vực môi trường và cấp - thoát nước. Qua đó, tăng cường trao đổi thông tin, tập huấn kỹ năng chuyên ngành về quản lý hệ thống thoát nước, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống thoát nước. Đặc biệt, lần đầu Công ty thoát nước Hải Phòng thí điểm chương trình kiểm tra lòng cống thoát nước bằng thiết bị tivi camera để phát hiện các điểm rò rỉ, nứt vỡ và ách tắc thay thế con người do Cục Cấp thoát nước thành phố Kytakyushu hỗ trợ về thiết bị và kỹ thuật.

Chú trọng giải quyết các trọng điểm ngập

Cùng với tổng vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị tổng thể, công ty tập trung cao cho những điểm có nguy cơ ngập lụt khi xảy ra những cơn mưa lớn hơn 100mm.

Theo Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Nguyễn Minh Tuấn, hơn 3 năm qua, nhiều trọng điểm ngập trên địa bàn 4 quận được công ty tập trung giải quyết, do đó diện ngập, thời gian và chiều cao ngập tại nhiều điểm giảm khá rõ. Tuy vậy, với những cơn mưa lớn hơn 100mm, còn những điểm đáng lo ngại trên các tuyến đường như : Đình Đông, An Đà, Lê Lợi (quận Ngô Quyền); Minh Khai, Đường 5 (cũ) thuộc quận Hồng Bàng; khu bãi Cát, đường  Văn Cao, Đông Hải 1 (quận Hải An); Tô Hiệu (quận Lê Chân)...Theo đó, công ty chỉ đạo các xí nghiệp chú trọng chống ngập tại các điểm này. Trong đó, khu vực Đông Hải 1, đơn vị tiến hành cơi cổ ga, sửa chữa ga hỏng đường Bùi Thị Tự Nhiên; nạo vét lợi ga hàm ếch các đường : Cát Bi, Lý Hồng Nhật, Trần Văn Lan, Hào Khê, Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phủ Thượng Đoạn, đường 193 Văn Cao... Trước đó, công ty tiến hành đấu nối đoạn cống từ đường Bùi Tự Nhiên đến đường Phương Lưu; trung tu nạo vét bùn đường Phương Lưu (từ ngõ 202 đến đoạn cống D800 đường Phương Lưu; trung tu nạo vét bùn đường Phủ Thượng Đoạn (từ ngã tư đường Bùi Thị Tự Nhiên đến đường Đà Nẵng; đấu nối cống thoát nước từ số 186 đến số 210 đường Phủ Thượng Đoạn (khu vực đền Phú Xá); cải tạo thoát nước ngõ 67 đường Ngô Gia Tự. Đối với khu vực Đình Đông và An Đà đơn vị duy trì tốt dòng chảy điểm xả cửa Chợ Hàng (Cống Tây ra kênh An Kim Hải và Cống Tây ra kênh Tây Nam), tăng cường thoát nước về phía đường Lạch Tray. Đồng thời, tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho các cửa xả tại khu vực đường An Đà.

Để chống ngập khu vực Tô Hiệu, đơn vị cải tạo, sửa chữa, thông rửa hệ thống thoát nước đường Lạch Tray; cống, ga đường Tô Hiệu ( từ ngã tư Chùa Hàng đến Lạch Tray), Hàng Kênh (từ Tô Hiệu đến ngã ba Đình Đông) và sửa chữa, thông rửa hệ thống thoát nước đường Chùa Hàng, ngõ Lâm Tường, đường Mê Linh (đoạn từ ngã tư Hồ Sen đến đường Hai Bà Trưng. Trên địa bàn quận Lê Chân, đường Trần Nguyên Hãn (khu vực bến xe Niệm Nghĩa đến đường Nguyễn Văn Linh) cũng được cải tạo. Tại quận Hồng Bàng, đơn vị cải tạo thoát nước đường tàu Bãi Sậy khu tập thể Trại Chuối. Tiến hành chống ngập một số điểm dọc đường Nguyễn Văn Linh, đường 5 (cũ); sửa chữa cải tạo cống hộp đường 5 (trước cửa đơn vị phòng cháy chữa cháy đến số 312 Hùng Vương). Đặt cống thoát nước đường Hùng Vương (đoạn cây xăng 310 Hùng Vương)...