Quản lý chất thải rắn: Cần cụ thể hóa chế tài xử lý
Thời gian qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, việc phát triển các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, dịch vụ là nguyên nhân phát sinh ngày càng lớn lượng chất thải. Cùng với quá trình phát sinh về khối lượng là tính phức tạp, sự nguy hại về tính chất của các loại chất thải, nhất là chất thải rắn (CTR) nguy hại.
Rác thải rắn tạo ra mối nguy hại rất lớn đến môi trường sống.
Từ năm 2007, Chỉnh phủ đã ban hành Nghị định 59/2007/NĐ-CP về quản lý CTR, tuy nhiên công tác quản lý CTR hiện còn nhiều tồn tại bất cập. Bởi việc nhập khẩu phế liệu đang trở thành một vấn đề lớn. Thế nhưng khối lượng phế thải bị buộc tiêu hủy và số vụ vi phạm trong xuất nhập khẩu phế thải được phát hiện chỉ là một con số nhỏ so với thực tế. Điều này đã làm gia tăng gánh nặng cho công tác xử lý và tiêu hủy CTR hiện nay.
Xác định được sự nguy hại của CTR, công tác quản lý CTR đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Nhà nước, thể hiện bằng các chính sách, pháp luật trong quản lý CTR đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2005, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, các chính sách áp dụng cơ chế quản lý 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế), và chính sách xã hội hóa công tác quản lý CTR sinh hoạt, phát triển công nghiệp, công nghệ xử lý CTR, chính sách về túi ni lông thân thiện môi trường... đã được khuyến khích phát triển.
Ước tính, hiện toàn quốc khối lượng CTR công nghiệp mỗi ngày lên đến trên 13.000 tấn, trong đó chiếm một phần không nhỏ chất thải rắn nguy hại, tập trung chủ yếu ở 2 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam, phần lớn phát sinh do các ngành công nghiệp nhẹ, hóa chất, luyện kim… nhưng chưa được quản lý và thu gom, xử lý triệt để.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết: Hiện cơ cấu phân bổ ngân sách đang dành 90% cho hoạt động thu gom và vận chuyển chất thải, vì vậy chi phí dành cho xử lý, tiêu hủy chất thải rất thấp. Mặc dù được xem là một trong những biện pháp giảm thiểu chôn lấp CTR, nhưng hầu hết các nhà máy ủ rác đang gặp khó khăn trong hoạt động. Vì trợ cấp của chính quyền địa phương để vận hành các nhà máy ủ rác thấp hơn khoản trợ cấp dành cho chôn lấp.
Có thể thấy, nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu phế liệu trái phép vào nước ta là do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nên một số doanh nghiệp đã lợi dụng nhập khẩu dưới danh nghĩa nhập khẩu hàng hóa, hoặc phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Mặt khác, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi khối lượng chất thải không ngừng gia tăng.
Cũng mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành công văn gửi Sở Xây dựng, Sở TN&MT các tỉnh thành về việc điều tra, khảo sát thực trạng về tình hình quản lý CTR sinh hoạt. Trong đó, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan trên điều tra, khảo sát tình hình thực hiện công tác quản lý CTR tại địa phương và có ý kiến đề xuất, bổ sung, sửa đổi nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
Thực tế một thách thức không thể phủ nhận còn tồn tại đối với việc huy động sự tham gia của cộng đồng đó là, công tác xã hội hóa còn yếu. Vấn đề nảy sinh cả từ phía cộng đồng và chính quyền. Nhận thức và năng lực của cộng đồng chưa đảm bảo để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý CTR, đặc biệt là ở khu vực tập trung đông dân nghèo. Ý thức của người dân đối với việc giữ gìn vệ sinh công cộng còn thấp, bởi việc xả rác ra đường, cống rãnh hoặc đổ trộm CTR xây dựng ra bờ sông, các khu vực công cộng... vẫn đang là việc làm phổ biến, nên đã gây tác động tiêu cực đến vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.