Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012


Lợi ích nhóm từ kẽ hở của Luật Đấu thầu

29/05/2012 11:01

Ông Vũ Khoa
Kết luận Thanh tra Chính phủ số 1039 công bố về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT trong thực hiện Luật Đấu thầu, trong đó chỉ ra sai phạm hàng loạt tại các dự án chỉ định thầu. Ngày 24/5 vừa qua, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) có cuộc gặp gỡ báo chí trao đổi ý kiến về Luật Đấu thầu và chỉ định thầu. PV Báo Xây dựng có cuộc phỏng vấn ông Vũ Khoa - Chủ tịch VACC xoay quanh kết luận này và đề xuất kiến nghị mới cho Luật Đấu thầu sửa đổi đang được soạn thảo trình Quốc hội.
Ông có ý kiến gì sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT trong thực hiện Luật Đấu thầu được dư luận rất quan tâm trong thời gian qua?
- Trong kết luận này chưa nói đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT, mà tôi thấy nổi cộm nên vấn đề lớn. Đó là chỉ định thầu, và tất nhiên là chỉ định thầu không đúng với luật pháp. Thanh tra Chính phủ nêu ra một loạt sai phạm tại các địa phương như Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Hưng Yên, Bộ GTVT… Luật Đấu thầu nói rõ những trường hợp chỉ định thầu là trường hợp nào? Đó là các công trình dự án mang đặc điểm: có sự bất khả kháng, gói thầu do nước ngoài tài trợ, gói thầu mang bí mật, ý nghĩa kinh tế quốc gia, gói thầu mua sắm mở rộng trang thiết bị có trong hạn mục do Thủ tướng phê duyệt. Thực tiễn thì những dự án như đường giao thông nông thôn, như tượng đài, khu du lịch sinh thái, trụ sở UBND tỉnh… thì chả có gì là cấp bách, hay bí mật quốc gia nhưng lại được chỉ định thầu tràn lan, giá trị lên đến ngàn tỷ. Đáng nói là đơn vị trúng thầu là một số doanh nghiệp giàu có và thế lực. Lợi ích nhóm xuất phát từ kẽ hở của Luật, dư luận đặt câu hỏi lợi ích nhóm ở đây là có căn cứ.
Theo ông, hậu quả của việc sai luật thế nào? và ảnh hướng đến các nhà thầu khác ra sao?
-Việc chấp hành Luật không nghiêm, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ thông báo tên dự án, giải ngân, tiến độ chậm… rồi kiến nghị tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cơ quan, đơn vị có liên quan đến khuyết điểm. Có những đơn vị nói thẳng rằng chúng tôi chả phải đấu thầu, toàn được chỉ định thầu. Theo pháp luật thì bất cứ ai sai luật cũng phải chịu trách nhiệm chứ, vi phạm luật pháp phải ra tòa chứ, không thực hiện cũng không sao thế này thì Luật để làm gì? Liên quan đến giao thầu, là có cơ chế xin cho - chỉ định thầu là món ngon, có tham nhũng, kém minh bạch. Không ra tòa mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm thì rõ ràng người ta sẽ lợi dụng Luật nhiều hơn. Đây là thiệt thòi lớn cho các nhà thầu khác, khi họ có đủ năng lực mà không có cơ hội đấu thầu. Điều này cũng có nghĩa là nhiều công trình bị chiếm dụng vốn và kém chất lượng, thất thoát ngân sách nhà nước và tâm lý ức chế cho xã hội.

Khu du lịch sinh thái Tràng An - Ninh Bình.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi mà chủ đầu tư và nhà thầu thích chỉ định thầu hơn đấu thầu?
- Thứ nhất là do năng lực cạnh tranh của nhiều nhà thầu yếu, chỉ có thể có được công trình thông qua chỉ định thầu. Thứ hai, khi chỉ định thầu, giá gói thầu không phải trọn gói mà người ta sẽ điều chỉnh suốt trong thời gian thi công. Thông thường, các gói thầu được chỉ định bao giờ cũng đưa ra mức rất thấp để “chào hàng”, sau đó, nhiều dự án được điều chỉnh tăng mức tổng đầu tư lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá trị ban đầu. Và nguyên nhân thứ 3 là lợi ích của các bên chỉ định thầu sẽ tốt hơn đấu thầu vì việc tăng giá trị gói thầu sẽ có lợi cho cả 2 bên.
Chính phủ và Quốc hội đang có lộ trình sửa đổi một số luật trong đó có Luật Đấu thầu. Liên quan đến những hạn chế như vừa trao đổi, ông có kiến nghị gì?
- Tôi nghĩ, cần làm rõ quyền hạn của Thủ tướng trong việc phê duyệt các dự án chỉ định thầu, Thủ tướng phải báo cáo Quốc hội về việc Chỉ định thầu để Quốc hội giám sát, xem việc đó đúng hay sai, xử lý thế nào, trách nhiệm của cơ quan đơn vị, cá nhân trình ký, duyệt ký đến đâu? Các chủ đầu tư phải có thông báo, đăng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường công tác giám sát, các cơ quan quản lý, cơ quan độc lập giám sát, các nhà thầu giám sát lẫn nhau.
Trân trọng cảm ơn ông.
Ông Dương Văn Cận - Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiến nghị: Giảm bớt quy trình đấu thầu
“Cần phải giảm bớt quy trình đấu thầu để các chủ đầu tư không còn vin vào lý do đấu thầu nhiêu khê; hoàn thiện những quy định của pháp luật, triển khai thực hiện luật nghiêm túc, không để những kẽ hở trong Luật Đấu thầu bị lợi dụng như xác định rõ hơn thế nào là gói thầu thuộc dự án cấp bách, vì lợi ích dự án quốc gia; Đặc biệt, cần giảm bớt tình trạng chỉ định thầu đối với các công trình dùng ngân sách nhà nước. Trong những trường hợp đặc biệt áp dụng hình thức chỉ định thầu cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; cần có chế tài xử phạt đối với các vi phạm, quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý, từ chủ đầu tư, các địa phương cho đến bộ ngành quản lý”.

Lối mở cho vật liệu xây không nung

29/05/2012 10:07
Trong một khoảng thời gian kéo dài hàng năm trời, DN sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) nào may mắn lắm cũng chỉ đạt công suất chạy máy khoảng 50%. Làm ra mà không bán được thì cũng đồng nghĩa với… tự sát. DN bi quan và đứng bên bờ vực phá sản khi mất niềm tin từ việc phải chờ đợi quá lâu “cơ chế chính sách nền tảng” để kiến tạo thị trường.

“Nút thắt” tư tưởng lớn nhất trong khối sản xuất VLKN đã được gỡ bỏ.
Gặp nhiều trở ngại
“Nắng hạn gặp mưa rào”, cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLKN, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cũng đã được Bộ Xây dựng ban hành, từ đây lối mở để VLKN tiến quân vào các công trình sử dụng vốn ngân sách sẽ không còn trong tình trạng “cửa đóng then cài” như trước. Từ giờ phút này, chuyện sống còn của ngành VLKN hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò xúc tiến thương mại và quảng bá kích cầu sản phẩm của chính bản thân các DN.
Tính từ thời điểm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ xuất hiện đến nay tuy mới hơn 1 tháng rưỡi nhưng chí ít “nút thắt” tư tưởng lớn nhất trong khối sản xuất VLKN đã được gỡ bỏ. Không chỉ vậy, khi tìm hiểu chỉ số tiêu thụ của các đại lý bán hàng VLKN sẽ thấy doanh số thương mại đang tiến triển rõ rệt. Tuy chưa có con số thống kê toàn diện vì khoảng thời gian còn quá ngắn, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận một điều chính hệ thống cơ chế chính sách đã “thông tắc” cho một mảng sản xuất gần như đã bước vào ngưỡng cửa của việc bị bức tử một cách đau đớn!
Một thực tế buồn không thể phủ nhận là thời gian qua, mảng thị trường chính là VLXKN gặp rất nhiều trở ngại trên con đường xâm nhập vào đời sống xây dựng. Có thời điểm, tới 7 nhà máy cùng tồn tại trong tình trạng sản xuất cầm chừng, 1 nhà máy phải dừng hẳn sản xuất. Đáng nói là sự khủng khiếp ấy diễn ra trong bối cảnh có tới 15 nhà máy đã đầu tư, đang chuẩn bị khánh thành và khoảng gần 20 nhà máy nữa đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.
Điểm lại thực tế buồn này để thấy: Muốn vươn lên làm giàu bằng một mảng sản phẩm có thị trường rộng lớn cũng là điều hết sức nhọc nhằn! Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ phó Vụ VLXD, định hướng đến 2020, VLKN chiếm khoảng 30 - 40% VLXD! Con số thoạt nghe tưởng chừng khiêm tốn trước tiềm lực và khả năng trỗi dậy của các DN sản xuất VLXD Việt Nam, nhưng rõ ràng chặng đường để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” đó cũng không hề dễ dàng.
Công trình Nhà nước đi trước
Có một câu chuyện minh chứng cho luận điểm này, đó là chuyện về dòng sản phẩm VLKN mang thương hiệu Secoin mà giờ cứ mỗi lần nhắc lại, ông chủ của Secoin vẫn cứ thấy ngậm ngùi: Để được cấp phép sử dụng gạch lát toàn bộ đường dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ông phải xin tới 19 giấy phép. Tưởng thế đã là đỉnh điểm của sự nhọc nhằn trong việc tìm đường khai thông cho VLKN nhưng hóa ra chưa phải, khi xin được “biếu không” gạch xây cho một dự án nhà ở cao tầng trong một KĐT nức tiếng thời điểm ấy nhằm gây tiếng vang cho VLXKN thì cũng bị chủ đầu tư thẳng thừng từ chối vì rất nhiều lý do có bắt nguồn từ công tác… quản lý nhà nước.
Giờ đây VLKN đã có một bầu không khí “dễ thở” hơn khi những khó khăn có tính chất “kiên cố” nhất đã bị hóa giải. Tuy nhiên, không phải đã hết những băn khoăn. Điều các DN sợ nhất chính là sức ì, là một “lối mòn” tư duy của những người đang nắm trong tay vận mệnh sống còn của họ. DN sản xuất VLKN quả là có đủ thứ lo lắng, họ sợ các kiến trúc sư, các kỹ sư kết cấu bấy lâu đã quen chỉ định dùng gạch nung cho công trình nên không chịu đổi mới, họ sợ một “dấu ấn nhận thức” cũ rích về sự hay ho của gạch đỏ đã ăn sâu vào máu không chỉ người dân mà cả giới kết cấu rất khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai, họ sợ một sự lười biếng không chịu cập nhật những thông tin mới của giới làm kỹ thuật khiến “rào cản” giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất về VLKN chậm được dỡ bỏ. Mà rào cản ấy cứ chậm dỡ bỏ ngày nào thì nguy cơ chết trên đống tài sản đã đầu tư của DN vẫn cứ lơ lửng trước mắt ngày đó.
Mối lo lắng này không phải không có cơ sở. Chẳng hạn như có một thời, khi rất nhiều công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách như các công trình liên doanh, các khách sạn, các trụ sở của các tổ chức quốc tế coi việc ứng dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng là chuyện bình thường thì các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải rất lâu sau mới tập cách làm quen với những dòng sản phẩm mới này. Mà công trình nhà nước không sử dụng, chắc chắn người dân sẽ đặt câu hỏi nghi ngại: “Công trình nhà nước mà nhà nước còn không dùng, sao có thể khích lệ người dân dùng được?”
Với sản lượng VLKN hiện mới chỉ chiếm 8 - 8,5% tổng số vật liệu xây lên đến 31 - 33 tỷ viên, rõ ràng đó là một chỉ số quá khiêm tốn dù rằng từ cách đây gần chục năm về trước, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ thị trường VLKN. Rõ ràng, từ việc “nhìn thấy” tới việc “thu lợi nhuận về” là một khoảng cách quá lớn. Hy vọng, sau Chỉ thị số 10, sẽ còn có những động thái tích cực và quyết liệt hơn nữa từ chính giới quản lý thị trường xây dựng để kích cầu tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa đối với dòng sản phẩm đầy ưu điểm và thân thiện với môi trường này.

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012


Bẫy thu nhập trung bình nhìn từ các nước ASEAN

Vấn đề đáng quan tâm nhất của nhiều nước ASEAN hiện nay là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình để tiến lên hàng các nước có thu nhập cao. Điều kiện để tránh bẫy thu nhập trung bình là gì? Để trả lời câu hỏi này, bài viết nầy sẽ thử đua ra một khung phân tích về các yếu tố quy định sự phát triển của mỗi giai đoạn và so sánh tình trạng hiện nay của các nước ASEAN với kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nước đã thành công trong việc vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước có thu nhập cao vào cuối thập niên 1990.
Bài viết kết luận là đối với 4 nước ASEAN (Malaysia, Thailand, Philippines và Indonesia), tăng năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D), nhấn mạnh chất lượng và sự tương thích của nguồn nhân lực, và tạo cơ chế để hình thành một khu vực tư nhân năng động là điều kiện cần thiết để tránh bẫy thu nhập trung bình. Đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn thu nhập trung bình thấp, cải cách thể chế và chính sách để tăng năng suất các yếu tố sản xuất như lao động, tư bản và đất đai là tối cần để tránh sự xuất hiện sớm của bẫy thu nhập trung bình.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Thọ (đại học Waseda, Tokyo) đã được đăng trên Thời đại mới số 24.
I. MỞ ĐẦU:
Nhìn từ trình độ phát triển, thế giới hiện nay có thể chia thành 4 nhóm: Nhóm 1 gồm những nước thu nhập thấp, đang trực diện với cái bẫy nghèo. Nhóm 2 gồm những nước đã đạt được trình độ phát triển trung bình từ rất lâu nhưng sau đó trì trệ cho đến ngày hôm nay. Nhiều nước ở châu Mỹ La tinh thuộc nhóm nầy. Nhóm thứ ba gồm những nước mới phát triển vài mươi năm nay và hiện nay đã đạt mức thu nhập trung bình. Ở Á châu, Trung Quốc và một số nước ASEAN thuộc nhóm nầy. Nhóm thứ tư gồm những nước tiên tiến, có thu nhập cao như Mỹ, Nhật, các nước Tây Âu, v,v...
Đáng chú ý là nhóm nước thứ hai đã chuyển sang giai đoạn trì trệ lâu dài sau khi đạt được mức thu nhập trung bình. Hiện tượng nầy gần đây được gọi là "Bẫy thu nhập trung bình" (Gill and Kharas 2007, Spence 2011,...). Từ kinh nghiệm nầy, điều quan tâm của nhiều người hiện nay là liệu các nước mới nổi như ASEAN có thể tránh bẫy thu nhập trung bình và bước vào quỹ đạo phát triển bền vững để trở thành những nước có thu nhập cao hay không. Đâu là những điều kiện để ASEAN tránh được bẫy thu nhập trung bình? Mục đích của bài viết nầy là thử tìm câu trả lời cho câu hỏi nầy.
Trong phần dưới đây, Tiết II sẽ đưa ra một khung phân tích bao gồm các thuật ngữ như giai đoạn phát triển, điểm chuyển hoán trên thị trường lao động, tăng trưởng dựa trên đầu vào, tăng trưởng dựa trên năng suất toàn yếu tố, lợi thế so sánh động và yếu tố thể chế. Tiết III bàn về giai đoạn phát triển hiện nay của các nước ASEAN, có so sánh với các nước Đông Á khác.
Dựa trên khung phân tích ở Tiết II, Tiết IV sẽ đánh giá khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước ASEAN bằng cách thử so sánh tình trạng hiện nay của các nước đó với kinh nghiệm của Hàn Quốc, một nước đã thành công trong quá trình thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phát triển thành nước tiên tiến. Tiết V sẽ bàn về trường hợp Việt Nam, một nước vừa đạt mức thu nhập trung bình thấp nhưng đang trực diện nhiều yếu tố bất ổn về cơ cấu. Nếu không cải cách triệt để, Việt Nam có thể rơi vào trường hợp mà tác giả gọi làsự xuất hiện sớm của bẫy thu nhập trung bình (an early appearance of a middle income trap). Cuối cùng, phần kết luận sẽ tóm tắt những vấn đề hiện nay của các nước ASEAN và đưa ra các đề án chính sách mà các nước ASEAN cần quan tâm để tránh được bẫy thu nhập trung bình.
II. KHUNG PHÂN TỪ LÝ LUẬN KINH TẾ PHÁT TRIỂN:
Khung khái niệm cơ bản của bài viết nầy bắt đầu bằng việc phân tích ba giai đoạn phát triển của một nền kinh tế (Hình 1). Điểm C trong hình chỉ giai đoạn đạt mức thu nhập trung bình. Một nước có thu nhập đầu người 500 USD nếu phát triển trung bình năm là 7% (không phải tốc độ GDP mà là tốc độ thu nhập đầu người) nghĩa là tăng gấp đôi thu nhập đầu người trong 10 năm, thì nước nầy cần bội tăng thu nhập 3 lần (cần 30 năm) để đạt mức 4.000 USD hoặc cần 40 năm để đạt 8.000 USD là những mức thuộc thu nhập trung bình cao (sẽ giải thích thêm ở Tiết III). Nếu thu nhập trung bình tăng mỗi năm 5% thì nước nầy cần từ 45 đến 60 năm mới đạt được mức thu nhập trung bình cao nói trên.
Như vậy chuyển từ một nước nghèo sang một nước có thu nhập trung bình là một quá trình phát triển kéo dài rất nhiều năm. Tuy nhiên, nếu quá trình phát triển bền vững tiếp tục thì từ mức thu nhập trung bình cao tiến lên mức thu nhập cao chỉ cần một khoảng thời gian ngắn. Quá trình nầy chỉ cần 15 năm nếu thu nhập đầu người tăng mỗi năm 5%. Đây là khoảng thời gian rất ngắn.Tuy nhiên, như nhiều người (Spence 2011:20 chẳng hạn) đã nhận định, quá trình đó ngắn nhưng rất khó khăn. Cái khó phải vượt qua chính là "bẫy thu nhập trung bình".
Để hiểu nội dung "bẫy thu nhập trung bình", ta phải phân tích tính chất của điểm chuyển hoán C trong Hình 1. Con đường chuyển dịch từ B sang C là một quá trình dài chuyển một nước từ nông sang công nghiệp, trong đó công nghiệp và dịch vụ ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong GDP và cơ cấu lao động có việc làm. Đó cũng là quá trình chuyển dịch cơ cấu lợi thế so sánh và nhiều mặt khác của nền kinh tế như thị trường lao động, thị trường vốn và trình độ công nghệ, kỹ thuật. Khi nền kinh tế đạt điểm C, điểm ghi mức thu nhập trung bình, chắc chắn sẽ gặp những vấn đề mới, những thách thức mới, vì nếu không thì sẽ không có vấn đề bẫy thu nhập trung bình. Vậy những vấn đề mới là gì? Từ những gợi ý của  kinh tế học phát triển ta có thể nêu một số giả thuyết như sau:
Thứ nhất, trong thị trường lao động, sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ dần dần thu hút hết lao động dư thừa ở nông thôn và trong nông nghiệp (điểm chuyển hoán lao động trong mô hình Lewis, 1954), tiền lương thực chất tăng theo. Trên đại thể điểm chuyển hoán Lewis trùng với (hoặc ở gần) điểm C trong Hình 1.[1]
Hình 1: Các giai đoạn phát triển của một nền kinh tế
AB: Xã hội truyền thống, chưa phát triển, trực diện với bẫy nghèo.
BC: Giai đoạn phát triển ban đầu, thoát khỏi bẫy nghèo, thị trường đang trên quá trình hình thành, C là mức thu nhập trung bình.
CD: Tiếp tục phát triển bền vững lên mức thu nhập cao (D).
CE: Trì trệ hoặc phát triển với tốc độ rất thấp, trực diện bẫy thu nhập trung bình.
Như vậy, từ điểm C, năng suất lao động phải cao hơn trươc để tương ứng với tiền lương thực chất bắt đầu tăng. Cũng từ điểm nầy, chất lượng lao động cũng phải cao hơn để kinh tế chuyển dịch từ cơ cấu có hàm lượng lao động giản đơn lên cơ cấu mà công nghiệp có hàm lượng lao động lành nghề, trình độ giáo dục cao. Nỗ lực về giáo dục, đào tạo phải lưu ý điểm nầy để cung cấp nguồn nhân lực thích đáng cho quá trình chuyển dịch lên nước có thu nhập cao.[2]
Thứ hai, giai đoạn đầu của quá trình phát triển (BC trong Hình 1) thường chủ yếu dựa vào đầu vào (input-driven), có đặc tính là dựa vào việc sử dụng nhiều lao động và vốn. Ở giai đoạn nầy phát triển với đặc tính đó là dễ hiểu, hợp logic và xem như không có vấn đề vì lao động đang dư thừa. Vốn thì khan hiếm nhưng cần đầu tư ban đầu nhiều cho việc xây dựng hạ tầng và các cơ sở sản xuất cho quá trình công nghiệp hóa, trong khi trình độ công nghệ, kỹ thuật còn thấp. Tuy nhiên từ điểm C để phát triển lên giai đoạn thu nhập cao, nền kinh tế cần các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật, năng lực kinh doanh hơn và việc sử dụng tư bản phải hiệu suất hơn. Nói cách khác, tăng trưởng trong giai đọan mới phải dựa trên năng suất tổng hợp toàn yếu tố (total factor productivity -TFP).[3] Như vậy, điểm chuyển hoán giữa hai giai đoạn phát triển dựa trên đầu vào và phát triển dựa trên TFP gần như trùng hợp với điểm C trong Hình 1.
Thứ ba, trên thị trường thế giới, các nước có thu nhập trung bình ngày càng bị các nước đi sau đuổi theo nên dần dần mất lợi thế so sánh trong những ngành có hàm lượng lao động cao, nhất là lao động giản đơn. Để tiếp tục phát triển, các nước có thu nhập trung bình phải ngày càng cạnh tranh được trong những ngành dùng nhiều lao động kỹ năng cao, dùng nhiều công nghệ cao.
Các nước có thu nhập trung bình bị ép, bị cạnh tranh giữa một bên là các nước thu nhập thấp, nhân công rẻ, cạnh tranh mạnh trong các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng lao động cao, và một bên là những nước có thu nhập cao, đang cạnh tranh mạnh trong các ngành luôn cách tân công nghệ. Nói cách khác, những nước có thu nhập trung bình phải thành công trong việc leo lên các bậc thang phát triển để đuổi theo các nước tiên tiến. Điều nầy cũng có nghĩa là cơ cấu lợi thế so sánh của các nước có thu nhập trung bình phải luôn thay đổi theo hướng tăng hàm lượng kỹ năng, công nghệ cao. Lợi thế so sánh động nầy chỉ trở thành hiện thực khi có nguồn lực về lao động, kỹ thuật, công nghệ và kinh doanh thích ứng.
Ba vấn đề kể trên liên quan nhau: Điểm chuyển hoán trong thị trường lao động và mô hình tăng trưởng dựa trên TFP là những điều kiện cần để duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế vì khả năng cạnh tranh ở giai đoạn nầy phải ngày càng dựa trên chất lượng cao hơn của lao động và nỗ lực cải tiến công nghệ để tăng hiệu quả phát triển.
Trong một nền kinh tế mở, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa, không ngừng tăng năng lực cạnh tranh quốc tế là điều kiện tất yếu để phát triển bền vững. Điều nầy phản ảnh trong sự thay đổi năng động của cơ cấu xuất khẩu dần dần nghiêng về những mặt hàng có hàm lượng cao về kỹ năng và cách tân công nghệ. Điểm nầy có thể được minh họa bằng sự thay đổi trong chỉ số cạnh tranh quốc tế (international competitiveness index, ICI) của các ngành công nghiệp. Có nhiều cách tính toán ICI, cách tính đơn giản và dễ hiểu nhất là dùng thống kê xuất nhập khẩu của các hàng công nghiệp. Theo cách nầy, ICI (i) được định nghĩa như sau:
i  =  (X - M) / (X + M) trong đó X và M là giá trị xuất và nhập khẩu của một sản phẩm công nghiệp.
Quá trình phát triển của một ngành công nghiệp có thể được khảo sát qua sự thay đổi của chỉ số nầy. Khuynh hướng điển hình có thể được diễn tả bằng Hình 2. Ở giai đoạn đầu của qúa trình phát triển hầu như không có xuất khẩu và thị trường trong nước được cung cấp bởi nhập khẩu. Do đó lúc nầy ICI bằng trừ 1. Khi sản xuất trong nước tăng dần, chỉ số nầy sẽ tiến đến 0 (lúc nầy cả nhập và xuất khẩu đều bằng hoặc gần nhừ bằng 0, hoặc xuất và nhập khẩu gần như bằng nhau). Khi ngành công nghiệp nầy ngày càng tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, xuất khẩu tiếp tục tăng và nhập khẩu giảm, kết quả là ICI tiến đến số 1. Trong trường hợp có mậu dịch trong nội bộ ngành (intra-industry trade) dĩ nhiên ICI không tiến đến 1 mà duy trì ở mức gần 0 hoặc ở giữa 0 và 1. Trên thực tế, tùy theo ngành, tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước, quá trình phát triển của một ngành công nghiệp có nhiều hình thái khác nhau, nhưng Hình 2 có thể biểu hiện những trường hợp phổ quát, điển hình nhất.
Sự phát triển bền vững của một nền kinh tế mở đòi hỏi phải thành công trong việc dịch chuyển từ ngành đang hoặc sắp mất lợi thế so sánh (ngành 1) sang ngành có hàm lượng kỹ năng cao hơn (ngành 2) và chuẩn bị điều kiện để chuyển sang ngành mới hơn (ngành 3) và cứ thế quá trình chuyển dần sang ngành 4, ngành 5, v.v.., những ngành ngày càng đòi hởi hàm lượng cách tân công nghệ cao hơn. Một nước thu nhập trung bình nếu thất bại trong việc chuyển dịch lợi thế so sánh vừa nói, chẳng hạn ngành 2 mất lợi thế so sánh ở thời điểm sớm hơn dự tưởng (thể hiện bằng đường điểm chấm của ngành 2 trong Hình 2) vì sự thay đổi nhanh trên thị trường quốc tế (do sự tham gia thị trường của nhiều nước có lao động rẻ hơn) và vì nước có thu nhập trung bình nầy không có khả năng phát triển các ngành mới hơn (Ngành 3). Trong trường hợp đó, "bẫy thu nhập trung bình" xuất hiện khi nước có thu nhập trung bình không liên tục đưa ra những lợi thế so sánh mới.
Đâu là những điều kiện để có chuyển dịch năng động trong lợi thế so sánh và tránh được bẫy thu nhập trung bình? Hai lãnh vực sau đây có lẽ quan trọng. Một là thời điểm thay đổi mục tiêu và tiêu điểm trong chiến lược phát triển, chính sách đầu tư cho hạ tầng và cho nguồn nhân lực theo hướng tương thích với việc phát triển các ngành công nghiệp dùng nhiều tri thức và công nghệ cao. Lãnh vực thứ hai là xây dựng một thể chế chất lượng cao nhằm phát triển, duy trì một khu vực tư nhân năng động luôn cách tân và nhạy bén với những thay đổi trên thị trường thế giới. Sau đây ta sẽ bàn thêm và chi tiết hơn về hai lãnh vực này.
Trong sự chuyển hướng chíến lược, đẫy mạnh giáo dục, nghiên cứu ứng dụng và triên khai, xây dựng cơ cấu hạ tầng chất lượng cao cần được nhấn mạnh để kinh tế có thể chuyển dịch lên nước thu nhập cao là giai đoạn cần có kỹ năng, tri thức, và công nghệ tiên tiến. Về việc xây dựng cơ cấu hạ tầng chất lượng cao, một ví dụ điển hình là bưu chính viễn thông, một lãnh vực đặc biệt có ý nghĩa quan trọng cho nền kinh tế tri thức. Như World Bank (2008: 36) nhấn mạnh, "bưu chính viễn thông đóng nhiều vai trò quan trọng trong cả hai khu vực công và tư. Ngành nầy có thể hỗ trợ giáo dục, thực hiện các nỗ lực minh bạch hóa chính sách, và phân phối dịch vụ của chính phủ. ... Bưu chính viễn thông giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ về vốn, tiền tệ; giúp nhiều dịch vụ buôn bán được với thị trường thế giới, và nối kết công nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu".
Liên quan đến việc chuyển hướng chiến lược, chính sách, trong những nước có thu nhập trung bình, có hai trường hợp đặc biệt cần được lưu ý. Một là trường hợp những nước giàu tài nguyên. Tại những nước nầy đã hình thành những nhóm lợi ích (vested interests) không có động cơ thay đổi hướng phát triển và thường ngăn cản sự chuyển hướng trong chiến lược phát triển. "Lời nguyền tài nguyên" (resource curse) là thuật ngữ để chỉ hiện tượng đó.[4] Để tránh "lời nguyền tài nguyên", các nước nầy cần có những người lãnh đạo mạnh, có đầu óc cấp tiến, có uy tín và bản lãnh chính trị đủ để chuẩn bị đưa nền kinh tế phát triển theo hướng mới.
Trường hợp thứ hai là những nước đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế theo thể chế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường mà hiện nay tuy đã phát triển đến mức thu nhập trung bình nhưng vẫn còn bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước và các nhóm lợi ích khác nên thị trường phát triển méo mó. Việc tiếp tục bảo hộ các nhóm lợi ích và không hoàn thiện cơ chế thị trường là những trở ngại trên đường phát triển bền vững, có hiệu suất. Trường hợp của Việt Nam sẽ được phân tích ở Tiết V.
Tiếp theo đây ta thử phân tích thế nào là thể chế chất lượng cao, một trong hai điều kiện để chuyển dịch lợi thế so sánh của một nước có thu nhập trung bình. Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển (BC trong Hình 1), hệ thống thể chế hoàn chỉnh, cao cấp nhưng phức tạp (sophisticated institutions) chưa cần thiết và năng lực để xây dựng một thể chế như vậy cũng chưa có. Với cấu tạo kinh tế lúc đó (tài nguyên nông nghiệp và nguồn lao động là chính), phương hướng phát triển khá rõ ràng nên việc hình thành chính sách, chiến lược phát triển tương đối dễ, đơn giản. Sự can thiệp mạnh của chính phủ vào thị trường, kể cả việc lập nhiều doanh nghiệp nhà nước nhiều khi cần thiết và chấp nhận được. Tính chất đơn giản, chất lượng thấp của một hệ thống thể chế như vậy cũng phù hợp với giai đoạn phát triển dựa trên đầu vào.
Tuy nhiên, để nền kinh tế phát triển bền vững và tiến lên nước có thu nhập cao, nước có thu nhập trung bình cần xây dựng một hệ thống thể chế khác, phức tạp hơn và có chất lượng cao hơn. Hệ thống thể chế chất lượng cao (high quality institutions), một thuật ngữ của Dani Rodrik (2007), có những nội dung chính sau: (1) tăng cường sự minh bạch (transparency), tăng khả năng dự đoán (predictability), và tăng năng lực quản lý nhà nước (governance) để vừa giảm sự bất xác định, giảm rủi ro đối với nhà đầu tư để họ mạnh dạn tiến vào những lãnh vực mới (do đó cơ cấu kinh tế mới chuyển dịch lên cao), vừa tránh tham nhũng và giảm chi phí giao dịch (transaction cost);
(2) có cơ chế thống quản doanh nghiệp (corporate governance) áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế thống quản doanh nghiệp quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên liên quan (stakeholders), có cơ chế thưởng phạt những người lãnh đạo hoặc quản lý doanh nghiệp; (3) bảo đảm sự tham gia rộng rãi của nhiều tầng lớp dân chúng trong quá trình quyết định các chính sách; (4) có cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa nhà nước, doanh nghiệp và giới nghiên cứu, trí thức trong việc hình thành chiến lược tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, nhất là xác lập quan hệ minh bạch giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Để xây dựng thể chế chất lượng cao, như Rodrik (2007) nhấn mạnh, cần một đội ngũ quan chức có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, một bộ máy hành chính hiệu suất. Thể chế chất lượng cao còn cần thiết để không ngừng cải thiện nguồn nhân lực nhằm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp có kỹ năng cao, và liên tục tăng khả năng cạnh tranh quốc tế của khu vực tư nhân.
Như World Bank (2008:83) nhấn mạnh, khi trình độ phát triển còn cách xa các nước tiên tiến, nước nào cũng dễ nhận thấy chính sách, chiến lược cần có để phát triển, nhưng khi đã rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến thì nhà nước khó thấy con đường nên theo để tiếp tục phát triển. Do đó vai trò của khu vực tư nhân quan trọng hơn vì họ biết rõ thị trường hơn.
Tuy nhiên, như phân tích có sức  thuyết phục của Ohno (2010), vai trò của nhà nước vẫn còn quan trọng trong việc đưa ra các chính sách công nghiệp chủ động bổ sung cho tính năng động của khu vực tư nhân qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và một cơ sở hạ tầng thích hợp. Vai trò của nhà nước còn quan trọng trong việc đưa ra các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và triển khai (R&D), một điều kiện để không ngừng cách tân công nghệ. Trong ý nghĩa đó, thể chế chất lượng cao vô cùng thiết yếu để đẩy mạnh tinh thần doanh nghiệp (entrepreneurship) và giảm phí tổn kinh doanh cho khu vực tư nhân.
Chúng ta đã bàn về những điểm chuyển hoán chung quanh cái bẫy có thể xảy ra của một nước có thu nhập trung bình. Những điểm chuyển hoán nầy có thể được tổng hợp thành 3 yếu tố: (a) Nỗ lực của nước thu nhập trung bình trong việc tăng chất lượng nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D). Yếu tố nầy quan trọng vì tạo điều kiện để chuyển nền kinh tế từ giai đoạn dư thừa lao động sang giai đoạn thiếu lao động, đồng thời chuyển từ nền kinh tế tăng trưởng dựa trên đầu vào sang nền kinh tế tăng trưởng dựa trên TFP, đồng thời chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và cơ cấu xuất khẩu theo hướng dùng nhiều kỹ năng và công nghệ cao. (b) Nỗ lực của nước thu nhập trung bình trong việc xây dựng thể chế chất lượng cao. Yếu tố nầy quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh mới, kích thích khu vực tư nhân ngày càng hướng vào cách tân công nghệ. (c) Với hai yếu tố vừa kể, cơ cấu lợi thế so sánh sẽ thay đổi không ngừng và nhờ đó duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo)
Còn tiếp

[1] Điểm nầy có thể thấy từ kinh nghiệm của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Trong trường hợp của Nhật chẳng hạn, điểm chuyển hoán Lewis xảy ra vào khoảng năm 1960 (xem Minami 1973) và lúc đó Nhật là nước có thu nhập trung bình cao.
[2] Một trong những tiền đề quan trọng trong mô hình Lewis là sự hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo của thị trường lao động. Nếu thị trường lao động kém phát triển hoặc bị méo mó (distortion), sẽ có hiện tượng thiếu lao động ở đô thị hoặc trong khu vực công nghiệp trong khi vẫn còn lao động dư thừa ở nông thôn.
[3] Sau khi Ngân hàng thế giới phát biểu bản báo cáo nổi tiếng (World Bank 1993) xem sự phát triển của 8 nước Đông Á là thần kỳ, Krugman (1994) có bài viết không tán thành và cho rằng phát triển của Đông Á không thể gọi là thần kỳ vì chủ yếu dựa trên đầu vào (input-driven), không phải trên TFP. Trên ý nghĩa đó, theo Krugman, phát triển của Đông Á có cùng tính chất với Liên Xô cũ nên kinh tế sớm muộn sẽ suy sụp vì quy luật giảm dần hiệu quả của đầu vào (decreasing returns of inputs).
Ý kiến nầy làm bùng nổ nhiều tranh luận về các mặt lý luận, lịch sử và thực chứng. Trong các tranh luận nầy, theo người viết bài nầy, ý kiến của giáo sư Yujiro Hayami là có sức thuyết phục nhất. Hayami (2000) cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế ở giai đoạn đầu của quá trình phát triên thường dựa trên đầu vào nhưng dần dần chuyển qua TPF ở giai đoạn sau. Ý nầy rất hay, ít nhất về mặt lịch sử và lý luận, có thề dùng để hiểu ranh giới giữa hai giai đoạn phát triển thu nhập trung bình và thu nhập cao.
[4] Gần đây có nhiều nghiên cứu về hiện tượng nầy. Chẳng hạn, xem Coxhead (2007).

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012


Sau 2 năm thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), sản lượng 3 chủng loại sản phẩm chính là gạch xi măng, gạch bê tông khí và gạch bê tông bọt đều có khả năng đạt, vượt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ, nhất là gạch bê tông khí và bê tông bọt, rất hạn chế. Thậm chí, có DN không tiêu thụ được đã phải dừng sản xuất. Thực tế này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới để đưa chương trình phát triển VLXKN tới đích.

Sản xuất gạch không nung trên dây chuyền hiện đại tại Công ty TNHH một thành viên Nam Huy (Lào Cai).
Chỉ tiêu thụ được 50-60% sản lượng
Sau 2 năm triển khai chương trình phát triển VLXKN là hàng loạt dây chuyền sản xuất VLXKN đã được đầu tư đều đi vào hoạt động. Trước khi ban hành chương trình (tháng 4-2010), các địa phương chỉ có dây chuyền quy mô nhỏ, công suất dưới 3 triệu viên gạch xi măng/năm, đến nay đã có những dây chuyền công suất 60 triệu viên/năm. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện đạt tổng công suất 3 tỷ viên gạch xi măng/năm. Trong khi đó, từ 1 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí, 100.000m3/năm, đã có 22 DN đầu tư (9 DN đã hoạt động), với tổng công suất 3,8 triệu mét khối/năm. Còn với gạch bê tông bọt, từ 4 dây chuyền, công suất 4000-10.000m3/năm, hiện đã có 17 cơ sở đầu tư sản xuất với tổng công suất 190.000m3/năm. Tính cả 3 sản phẩm chủ lực trên, VLXKN hiện đạt tỷ lệ 16-17% tổng vật liệu xây (mục tiêu chương trình đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015).
Tuy nhiên, ngoài sản phẩm gạch xi măng có mặt trên thị trường từ lâu, giá bán thấp hơn so với gạch đất sét nung, nên có khả năng tiêu thụ tốt (85%-90% sản lượng), thì gạch bê tông khí và bê tông bọt tiêu thụ rất chậm. Báo cáo của Hiệp hội VLXD cho thấy, hầu hết các dây chuyền gạch bê tông khí, bê tông bọt chỉ chạy 20-30% công suất thiết kế. Chỉ có 1 dây chuyền đạt gần 50% công suất thiết kế. Có đơn vị mới đi vào sản xuất đã phải dừng hoạt động do hàng tồn kho lớn, tiêu thụ không được, nếu tiếp tục vận hành lại càng tốn kém. Mặc dù chạy chưa hết nửa công suất, nhưng hầu hết các nhà máy cũng chỉ bán được 50-60% sản lượng. Năm 2011, 9 nhà máy bê tông khí tiêu thụ 0,2 triệu mét khối sản phẩm, còn 17 nhà máy bê tông bọt tiêu thụ 0,05 triệu mét khối sản phẩm. Tình hình tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2012 cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Nguyên nhân là do nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên phần lớn dây chuyền có công nghệ ở mức trung bình. Vì vậy, sản phẩm cũng chỉ đạt chất lượng trung bình theo tiêu chuẩn Việt Nam. Các nhà máy lại ra đời đúng lúc kinh tế gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, nên sản phẩm vật liệu tiêu thụ chậm. Mặt khác, lãi suất tăng cao, chi phí sản xuất cao đã đẩy giá thành sản phẩm gạch bê tông cao hơn gạch đất sét nung 20-25%.
Gạch đất sét nung vẫn chiếm tỷ lệ lớn
Một trong những mục tiêu tăng cường sản xuất VLXKN là hạn chế gạch đất sét nung, bởi quá trình sản xuất loại gạch này gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Song, đến thời điểm này, sản lượng gạch đất sét nung cả nước vẫn đạt khoảng 20,9 tỷ viên, chiếm 83% vật liệu xây, trong đó sản lượng gạch sản xuất bằng lò thủ công, là loại lò gây ô nhiễm môi trường vẫn chiếm 35-40%. Đáng chú ý, Hà Nội cùng với Thái Bình, Vĩnh Long, An Giang là những địa phương còn nhiều lò gạch thủ công nhất nước. Như vậy, mục tiêu đến năm 2010 không còn lò gạch đất sét nung thủ công như Bộ Xây dựng đề ra đã "phá sản".
Các chuyên gia cho rằng, công trình cao tầng phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN nhẹ. Các địa phương phải quyết liệt thực hiện lộ trình giảm sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt lò gạch thủ công. Với công trình cao 25 tầng, sử dụng VLXKN nhẹ thay gạch đất sét nung, mặc dù giá thành VLXKN cao hơn gạch đất sét nung nhưng chi phí đầu tư toàn công trình giảm 8% do giảm chi phí kết cấu móng, khung dầm nhờ trọng lượng gạch nhẹ; giảm được chi phí quản lý, chi phí tài chính nhờ tiến độ thi công được đẩy nhanh, sớm đưa công trình vào sử dụng do năng suất thi công cao hơn. Chưa kể, VLXKN tiết kiệm năng lượng làm mát mùa hè, sưởi ấm mùa đông trong giai đoạn vận hành. Theo tính toán, nếu sử dụng toàn bộ sản lượng 4,2 tỷ viên gạch quy tiêu chuẩn VLXKN, có thể tiết kiệm được 6,15 triệu mét khối đất sét, 615.000 tấn than và giảm thải vào khí quyển 2,4 triệu tấn CO2.

Nguồn nước ngầm Việt Nam suy giảm

Mực nước ngầm đang giảm dần ở cả hai Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Một số chỉ tiêu nguyên tố vi lượng của hai vùng này cũng vượt mức cho phép.

Nguồn nước ngầm đang ở mức báo động. Ảnh:Thiennhien.net
Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước vừa công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất năm 2011 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tại Đồng bằng Bắc Bộ, mực nước khai thác tại một số điểm đã đạt mức báo động như Mai Dịch, Cầu Giấy, thuộc Hà Nội. Mực nước ở Hải Hậu, Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình còn trong ngưỡng an toàn, nhưng do tầng chứa nước có điều kiện thủy địa hóa phức tạp.
Trung tâm quan trắc đã phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 36 mẫu nước cho thấy, gần một nửa mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Hầu hết các mẫu phân tích cho hàm lượng amoni, mangan và asen vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là tại các điểm khai thác ở Hà Nội.
Cụ thể, hàm lượng ion amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 92,4 lần. Đặc biệt, tại điểm quan trắc Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, hàm lượng này cao gấp 233 lần tiêu chuẩn. Hàm lượng mangan từ 32 mẫu nước lấy ở tầng nước ngầm có tới 17 mẫu vượt tiêu chuẩn, nhiều nơi có hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn.
Về mùa mưa, kết quả phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 30 mẫu nước, hàm lượng mangan có 12/30 mẫu, 4/30 mẫu asen vượt tiêu chuẩn.
Tại khu vực Đồng bằng Nam Bộ, một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, vào khoảng tiệm cận với mực nước hạ thấp cho phép, đặc biệt ở khu vực quận 12, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả đánh giá chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ở Đồng bằng này có hai chất là mangan và metan vượt tiêu chuẩn cho phép trong nước ngầm. Điển hình là thị trấn Bến Lục, Long An, chỉ tiêu metan ở các tầng chưa nước chính đều vượt quá giới hạn.
Vùng có tầng nước ngầm tương đối tốt là Tây Nguyên, chưa thấy dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong nước dưới đất hầu hết đạt tiêu chuẩn cho phép, trừ mangan.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến mực nước ngầm ô nhiễm là do hoạt động của con người như rác, nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp không được xử lý triệt để ngấm xuống gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức cũng như việc việc khoan, đào để xây dựng, khai thác khoáng sản làm mất tầng đất đá bảo vệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm bẩn, xâm mặn diễn ra nhanh hơn.
Chuyên gia khuyến cao, nước ngầm ô nhiễm có thể gây ra bệnh dịch tả, nước nhiễm thủy ngân có thể gây ung thư.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012


Quản lý an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng

17/05/2012 20:29
Phát triển bền vững xây dựng
Hệ thống phát triển bền vững được hình thành từ năm 1992 tại Hội thảo của LHQ về bảo vệ và phát triển môi trường ở Rio De Janero. Thế kỷ XX trở thành thế kỷ của sự cảnh báo – nhân loại đã nhìn thấy tương lai phía trước và trên cơ sở kiến thức mới này cần phải sử dụng các biện pháp phòng chống thiên tai địch họa chứ không chỉ đơn thuần là chịu khắc phục.
Yêu cầu của thời đại ngày nay là loại bỏ sự khác biệt giữa hệ thống sản xuất công nghệ công nghiệp do con người tạo ra với các hệ thống tồn tại sẵn có trong thiên nhiên. Đối với bất kỳ hệ thống vi sinh vật tự nhiên nào đều có đặc trưng là độ bền vững dưới tác động của các yếu tố bên ngoài, khả năng tự tái sinh; khả năng tự phát triển, khả năng tự hoàn thiện, phát triển và biến đổi, sự thống nhất tất cả các thành phần. Còn đối với hệ thống sản xuất công nghiệp thì dưới tác động nhỏ của môi trường bên ngoài hay chỉ một sai sót nhỏ trong quản lý cũng dẫn đến hậu quả rất lớn. Từ đó chúng ta có thể tự kết luận rằng: cần phải vay mượn kinh nghiệm tổ chức đã được tích luỹ trong tự nhiên và sử dụng chúng trong hoạt động của chúng ta.
Vấn đề tối ưu hóa trình tự và tổ chức sử dụng cũng đặc biệt quan trọng khi nghiên cứu các các vấn đề có tính chất toàn cầu hóa, như năng lượng, sinh thái học và nhiều vấn đề khác nữa đòi hỏi nguồn tài nguyên rất lớn, mà chúng lại chỉ có hạn trên trái đất. Ở đây không có khả năng tìm ra câu trả lời bằng phương pháp thực nghiệm hay được phép mắc sai lầm còn mắc lỗi hệ thống thì phức tạp hơn nhiều. Tốt hơn cả là dựa vào những hiểu biết về tính chất bên trong của hệ thống, các quy luật phát triển của chúng. Trong trường hợp như vậy khó có thể đánh giá được hết giá trị của các quy luật tự tổ chức, hình thành nên các trình tự trong hệ thống đảm bảo môi trường sinh thái- xây dựng.
Khoa học hiện đại ngày nay thường xuyên là phải tìm ra các quy luật dựa vào các mô hình phi tuyến tính đa dạng và phức tạp.
Chất lượng của hoạt động xây dựng
Định hướng thiết kế sản phẩm và công trình xây dựng trước tiên phải tuân thủ quy chuẩn quốc gia và phải phù hợp với tiêu chuẩn quản lý chất lượng thế giới ISO 14000, 9000 và 10303. Để thực hiện tiêu chuẩn yêu cầu cần thiết là phải thẩm định môi trường và đánh giá chu kỳ sống của công trình xây dựng, các kết cấu của nó và vật liệu xây dựng dưới tác động của môi trường bên ngoài. Trên cơ sở kết quả thẩm định môi trường xây dựng thu được, cần phải triển khai thực hiện các quy tắc, quy trình để tối thiểu hóa hay loại bỏ hoàn toàn các tác động xấu đến quá trình xây dựng công trình.
Phần quan trọng nhất khi đánh giá tác động của công trình xây dựng đối với môi trường bên ngoài là xác định tải trọng môi trường tác động đến nó. Để thực hiện công tác này người ta phải soạn thảo các phương pháp đơn giản và khả thi để xác định các loại tải trọng môi trường khác nhau.
Các phương pháp hiện có cho phép tính được lượng khí thải dioxide carbon (làm cho không khí ấm lên), oxits lưu huỳnh và khí nitơ (nguyên nhân gây ra mưa axít).
Đánh giá tải trọng môi trường cần phải tiến hành đối với từng giai đoạn của chu kỳ sống công trình xây dựng, kể cả công tác khảo sát thiết kế, mua nguyên vật liệu, sản xuất vật liệu xây dựng và các sản phẩm phụ trợ, đào hố móng và công tác làm đất, xây dựng và lắp đặt máy móc, vận chuyển và tháo dỡ, vận hành và phá bỏ công trình.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề đánh giá và mô hình hóa giai đoạn vận hành, cải tạo và phá dỡ nhà và công trình, ngoài ra phải chú ý đến chi phí và tải trọng của môi trường tổng thể liên quan đến vận chuyển rác thải, chất thải, sử lý chúng, khả năng tái sử dụng nguyên liệu trong rác thải, cũng như tiêu hao hay thu lại năng lượng (thí dụ đốt rác thải)
Trong các hoạt động xây dựng luôn tồn tại các mục đích bên trong và mục đich bên ngoài. Mục đích bên trong là do lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra và phát triển nó, thông thường đó là tăng trưởng doanh thu, đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp v.v…Mục đich bên ngoài của hoạt động xây dựng là những mục đích mà xã hội nhắm tới và giải quyết. Doanh nghiệp xây dựng nộp lãi dưới dạng thuế thu nhập đối với xã hội là cần thiết, nhưng chưa đủ mà hoạt động của doanh nghiệp xây dựng còn phải giải quyết nhiệm vụ khác nữa mà xã hội đặt ra cho doanh nghiệp.
Nhìn chung những nhiệm vụ này liên quan đến việc nâng cao chất lượng sống của người dân trong xã hội, nguyên do là xã hội nhận biết được chất lượng sống cần thiết. Những nhiệm vụ mà xã hội đặt ra cho các nhà xây dựng là đảm bảo nhà ở, đường đi lại và các công trình xây dựng cần thiết khác, ngoài ra còn tạo lập chỗ làm việc, phát triển một số ngành nghề liên quan đến xây dựng v.v… Hoạt động của doanh nghiệp xây dựng luôn luôn là hoạt động xã hội, và tại xã hội phát triển thì bản thân các nhân viên doanh nghiệp xây dựng hiểu rất rõ điều này. Người ta định hướng hoạt động của mình trên cơ sở triết học xây dựng – hệ thống này bao gồm những nghuyên tắc cơ bản nhất, các phương pháp sản xuất vật liệu, sản phẩm, dịch vụ xây dựng, quản lý sản xuất xây dựng, các mối liên hệ lẫn nhau giữa lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng, nhân viên, nhà nước và môi trường thiên nhiên. Triết lý của hoạt động xây dựng dựa trên truyền thống về văn hóa và dân tộc, dựa trên hệ thống chung phát triển công nghệ. Phần quan trọng nhất của triết lý xây dựng là triết lý về chất lượng, đây cũng là yêu cầu của xã hội.
Nguyên tắc đổi mới về việc tổ chức marketing trong doanh nghiệp xây dựng dựa trên sự hợp tác của tất cả các thành viên hướng đến chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng để đạt được hiệu quả lâu dài của doanh nghiệp xây dựng và lợi ích của tất cả người lao động trong doanh nghiệp cũng như lợi ích của toàn xã hội nói chung. Joseph Juran đề xuất tư tưởng làm việc mà ý tưởng chủ đạo của nó là “Cơ sở của chất lượng sản phẩm chính là chất lượng người lao động và chất lượng quản trị trên tất cả các cấp, nghĩa là tổ chức công việc của tập thể người lao động sao cho mọi người lao động đều thỏa mãn với công việc của mình”.
Kế hoạch này không chỉ dựa trên sự hoàn thiện của quá trình sản xuất mà dựa trên sự hoàn thiện tổng thể của cả hệ thống với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo cao nhất của công ty về những vấn đề chất lượng, đào tạo cán bộ các cấp bằng những phương pháp đảm bảo chất lượng, đặt niềm tin vào các cán bộ chủ chốt. Hệ thống này không cho phép đưa các sản phẩm hỏng đến người tiêu dùng, mà chỉ được phép tăng số lượng các sản phẩm chất lượng cao "không bị lỗi" ra thị trường.
Những định hướng phát triển vấn đề an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng là một trong những hệ thống cơ sở của hoạt động xây dựng, đảm bảo sự tương thức tối đa các điều kiện và các chỉ số của môi trường sinh thái trên tất cả các giai đoạn của chu kỳ sống của công trình xây dựng với mục đích vận hành lâu dài và phát triển ổn định.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng là một khái niệm hệ thống trong đó chia ra các hệ thống nhỏ, các thành tố, các mối liên hệ; thiết lập các đặc tính về chất và về lượng, thiết lập các chỉ số, tiêu chí, các hạn chế, hình thành mục tiêu và chức năng.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng là hệ thống các biện pháp, các phương pháp, các tiêu chuẩn định mức, các giải pháp quản lý dự án, tổ chức, công nghệ và đặc tính kinh tế dựa trên các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các nguyên tắc tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, tài nghuyên thiên nhiên và kinh nghiệm tích cực của con người trong hoạt động xây dựng thực tiễn.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng là một loại hình phức tạp và có giá trị lớn của hoạt động xây dựng, như là những khái niệm, hiệu quả, chất lượng, an toàn, ổn định, thiết thực.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng là xu hướng trong hoạt động khoa học và giáo dục trong lĩnh vực xây dựng, đào tạo cán bộ chuyên nghiệp và cán bộ khoa học cho ngành xây dựng.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng giải quyết những đặc thù của dự án xây dựng cụ thể, còn tuân thủ các quy định của nhà nước trong qúa trình thẩm định môi trường của các cấp khác nhau, đánh giá tác động môi trường xung quanh, bảo hiểm rủi ro môi trường, kiểm tra môi trường, sự tương ứng của hệ thống hành chính và trách nhiệm pháp lý của người quyết định.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng, là hệ thống được hình thành trong tất cả các giai đoạn của chu kỳ sống của công trình xây dựng, kể cả giai đoạn khảo sát thiết kế xây dựng, chuẩn bị nhiệm vụ thiết kế xây dựng, thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng, chuẩn bị thi công, công tác xây lắp và các công trình đặc thù, khai thác công trình, cải tạo công trình và khả năng phá bỏ.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng cần phải xem xét công trình một cách tổng thể, cũng như đối với các yếu tố cấu thành chúng. Thí dụ, vật liệu xây dựng được coi là thân thiện với môi trường sinh thái cũng có thể gây ra tác động xấu đến an toàn môi trường trong quá trình sản xuất. Trong khi đó giá thành vật liệu lại không tính đến thực tế này.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng như là một hệ thống, không chỉ liên quan đến một công trình xây dựng mà còn là khái niệm bao gồm tổ hợp nhà và công trình, kể cả liên quan đến hoạt động xây dựng trên cả một lãnh thổ hay cả một vùng miền.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng là hệ thống thông tin dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập được trong qúa trình nghiên cứu nhiều năm, thanh kiểm tra môi trường sinh thái cùng với việc sử dụng hệ thống dữ liệu và công nghệ thông tin.
* Đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng theo tiêu chuẩn MS ISO 14000 là một trong các hệ thống đảm bảo chất lượng môi trường có mục đích miêu tả và giải thích mối quan hệ giữa hệ thống xây dựng và môi trường sinh thái.
Hệ thống đảm bảo an toàn môi trường sinh thái vận hành bao gồm tiểu hệ thống quản lý và tiểu hệ thống bổ trợ. Hệ thống quản lý mang tính quốc gia và có cơ cấu cây thư mục: công trình- lãnh thổ- vùng- ngành và dựa trên cơ sở luật pháp, các quy định, tiêu chuẩn và trình tự yêu cầu.
Mục đích xây dựng bất kỳ hệ thống đảm bảo an toàn môi trường sinh thái là tối thiểu hóa hay loại bỏ hoàn toàn các tác động xấu đến môi trường tự nhiên trong suốt qúa trình xây dựng và tồn tại công trình xây dựng.
Theo cấu trúc chuyền tải an toàn môi trường sinh thái chia ra mức độ ổn định thiên nhiên dưới tác động của quá trình xây dựng dựa vào các quy luật của tự nhiên; an toàn sinh thái xã hội dựa vào các mối quan hệ xã hội đặc biệt; ổn định về tinh thần dựa vào mức độ ổn định thế giới tâm linh của con người. Các tiếp cận theo cấu trúc cho phép phân loại các cơ cấu an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng (ổn định vùng miền), tương ứng với nó là chất lượng môi trường sinh thái trên lãnh thổ được thể hiện trên sơ đồ hình 1.

Hình 1. Sơ đồ cơ cấu bảo đảm an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng
Tính đa nhân tố đảm bảo an toàn môi trường trong xây dựng
Khái niệm “bảo đảm an toàn môi trường trong xây dựng” là khái niệm đa nhân tố và mang tính môi trường. Ý nghĩa của việc đảm bảo an toàn môi trường trong xây dựng là khả năng giảm thiểu tối đa các yếu tố gây ra các nguy hiểm tiềm tàng (gói các rủi ro). Sự tồn tại của các nhân tố bên trong và bên ngoài dẫn đến phải bảo hiểm và bảo hiểm trách nhiệm theo Bộ luật dân sự Liên bang Nga và các Bộ luật của LHQ trong lĩnh vực bảo đảm an toàn.
Để biến chuyển một cách có hiệu quả từ hệ thống kiểm tra phân tích- thông tin và phân tích các hiểm nguy tới việc tổ chức hệ thống đảm bảo an toàn môi trường, bảo hiểm và tái bảo hiểm các rủi ro môi trường đòi hỏi phải có được sự nhất trí cao của các cơ quan thẩm định nhà nước trong lĩnh vực bảm đảm an toàn môi trường và lĩnh vực nghiên cứu thẩm định phân loại rủi ro (bảo hiểm môi trường).
Hệ thống đảm bảo an toàn môi trường là hệ thống thống kê vô số các nhân tố nguy hiểm thuộc các loại hình khác nhau. Các quyết định mang tính cá nhân và độc quyền thiếu sự thống nhất là không thể chấp nhận được.
Vô số các nhân tố nguy hiểm thuộc các loại hình khác nhau và vô số các lợi ích cá nhân trên thực tế là không đồng nhất, và trong một số trường hợp chúng có thể đối kháng nhau. Chính vì vậy sự đồng thuận của các giải pháp đòi hỏi nghệ thuật thỏa hiệp lẫn nhau.
Sự thỏa hiệp đặc biệt bao gồm các vấn đề về cách xác định và tuân thủ bảo mật (hạn chế tiếp cận) các dữ liệu liên quan đến các cấp độ bí mật khác nhau (bí mật quốc gia, bí mật công tác, thương mại, riêng tư).
Trong thực tế, các lợi ích riêng tư của các tổ chức và các nguy hiểm tiềm tàng trong các công trình xây dựng luôn thay đổi dẫn đến việc bỏ qua những yêu cầu và những đòi hỏi nghiêm ngặt trong hệ thống đảm bảo an toàn môi trường. Điều này đẫn đến sự cần thiết phải thường xuyên điều chỉnh các định hướng ưu tiên, phân chia và phân chia lại các chức năng và các nguồn lực.
Thậm chí về lý thuyết cũng không tồn tại tiêu chí đánh giá đầy đủ danh mục các yếu tố nguy hiểm tiềm tàng, vì vậy mọi ý tưởng và đề xuất đều có khả năng tồn tại trong cuộc sống. Bản thân danh mục này luôn là danh mục mở, còn việc thay đổi định hướng ưu tiên trong danh mục phải được cả tập thể quyết định bao gồm tất cả các thành viên tham gia của tổ chức đó.
Yếu tố nguy hiểm nhất là không tính đến khía cạnh phân tích- thông tin khi quyết định, khi lập kế hoạch và khi phân bổ các nguồn lực. Sự kết hợp hợp lý giữa các quy định truyền thống và để ra quyết định trên cơ sở phân tích- thông tin hiện đại yêu cầu đào tạo cán bộ quản lý các cấp chuyên nghiệp chất lượng cao phù hợp với sự phát triển.
Thực tế thì hệ thống các quy chuẩn pháp lý còn một số nhất định các yếu tố không phù hợp và còn nhiều thiếu sót, và trong thực tế hệ thống này không thống nhất được tiêu chí chủ đạo để đảm bảo an toàn sinh thái công trình xây dựng. Điều này đòi hỏi phải thẩm định và xem xét lại toàn bộ hệ thống quy chuẩn pháp lý theo định hướng ưu tiên các khía cạnh nhằm đảm bảo an toàn môi trường sinh thái.
Yếu tố đặc thù của hệ thống tư nhân kiểm soát phân tích-thông tin, tổng hợp và đưa ra các giải pháp là tương đối phức tạp và ít được các chuyên gia hoạt động ở các lĩnh vực khác xem xét. Vấn đề phối hợp được các giải pháp tư nhân về tiêu chí chung để đảm bảo an toàn môi trường sinh thái chỉ được giải quyết trong trường hợp các tài liệu được thể hiện rất rõ ràng và đơn giản hoá công nghệ thông tin.
Sự cần thiết phải thường xuyên hòa hợp đòi hỏi các thành viên của hệ thống bảo đảm an toàn môi trường sinh thái lượng kiến thức chuyên môn cần thiết trong lĩnh vực kỹ thuật hệ thống và tâm lý học, còn sự thay đổi thường xuyên của các điều kiện quyết định bên trong và bên ngoài (các yếu tố rủi ro) thì đòi hỏi bắt buộc phải chuẩn bị sẵn dải tần các phương án thay thế để lựa chọn tức thì các phương án quyết định cuối cùng.
Giải quyết vấn đề an toàn môi trường sinh thái hạn chế bằng tiềm năng và các nguồn lực thực tế dẫn đến cần phải tăng cường yêu cầu bắt buộc sắp xếp lại các định hướng ưu tiên trong vô số các mục đích và nhiệm vụ. Việc sắp xếp nói trên không chỉ đòi hỏi một số thỏa hiệp và nhượng bộ của tư nhân nhất định để đạt được mục đích chung mà còn để phân chia các lợi ích sau này nữa phù hợp với mức độ nhượng bộ của tư nhân.
Bất cứ hành vi nào để phân chia và tái phân chia các chức năng của các thành viên trong hệ thống bảo đảm an toàn môi trường sinh thái cần phải loại bỏ tham vọng và xây dựng trên cơ sở 3 tiêu chí nổi tiếng – làm những điều gì mới, làm điều có ích và mỗi người làm giỏi chuyên môn của mình.
Chuẩn bị và ra bất kỳ quyết định nào trong hệ thống cần phải lường trước dự báo các vấn đề mới đồng thời với việc tính đến các nguy hiểm mới có khả năng xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện.
Hệ thống đảm bảo an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng yêu cầu hệ thống tương ứng của người quyết định có trách nhiệm về hành chính và trách nhiệm luật pháp. Đồng thời cũng quy định nhiệm vụ xác định trách nhiệm về độ chính xác và kịp thời của cơ sở dữ liệu trong hệ thống đảm bảo phân tích-thông tin ra quyết định.

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

TRI THỨC VĂN HÓA-MÔ HÌNH GIÁO DỤC HUMBOLDTS


“Tư tưởng của chúng ta là số phận của chúng ta” (Arthur Schopenhauer, 1788 – 1860) (quote from: Chuyện xưa, chuyện nay : Tư tưởng đổi thay số phận – Bùi Văn Nam Sơn (SGTT 26.05.2010) http://www.sgtt.com.vn/Loi-song/122844/Tu-tuong-doi-thay-so-phan.html) Những "đại ca" dấn thân như như Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Xuân Xanh, Trương Văn Tân, Trịnh Xuân Thuận, Bùi Trân Phượng, Chu Hảo... đã lặng lẽ phối hợp với nhau và dưới sự hỗ trợ từ những mầm non tuy còn yếu ớt của xã hội dân sự đã cho ra đời một sản phẩm thật quan trọng: http://triethoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=448:gii-thiu-k-yu-humboldt-200&Itemid=5
Đại học ở VN có lẽ giống trường phổ thông cấp 4, do lấy theo mô hình giáo dục của Liên Xô và các nước XHCN, những nền giáo dục này có một nhược điểm "chết người" là không gắn giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học (các viện tách khỏi các trường), các trường đại học không được tự trị.

* Mô hình
giáo dục Humboldts:
- Theo ông Bùi Văn Nam Sơn," lý tưởng giáo dục Humboldt dựa trên các cột trụ: sự tự trị của đại học trước các thế lực chính trị, kinh tế, xã hội, quyền tự do trong nghiên cứu và giảng dạy, hệ thống giáo dục phù hợp với đặc điểm của các lứa tuổi, yêu cầu giáo dục văn hóa tổng quát để xây dựng con người cá nhân tự chủ, và sau cùng, là việc học tập suốt đời." trích trong bài: Kỷ yếu Humboldt 200 năm: Từ cội nguồn đại học đến tinh thần đại học hiện đại (SGTT 21.3.2011) (
http://www.sgtt.com.vn/Khoa-giao/142010/Tu-coi-nguon-dai-hoc-den-tinh-than-dai-hoc-hien-dai.html )
- "Đại học Berlin là đại học khai sáng theo tinh thần Immanuel Kant hòa lẫn tinh thần nhân văn của chủ nghĩa (tân) nhân văn Đức được đại diện bởi các đại văn hào như Goethe, Schiller, cùng với chủ nghĩa duy tâm của các nhà triết học Đức như Fichte, Schelling, Hegel. Đó là đại học của khoa học, của nghiên cứu, của sự kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, của tự do giảng dạy (Lehrfreiheit) và tự do học (Lernfreiheit), mà mục đích tối thượng là đi tìm chân lý mà không có sự can thiệp của nhà nước. Nó nhằm phát triển con người một cách toàn diện, phát triển khoa học là “cái mà mãi mãi phải đi tìm” như Humboldt quan niệm về chân lý. Sự chuẩn bị phải được bắt đầu ngay từ nhà trường, để “bước chuyển từ trường học sang đại học là một chương trong cuộc đời của một người trẻ mà ở đó, …có thể tự đứng vững được trong tự do và tự-hành động,…và khi thoát khỏi sự kềm chế, người sinh viên không trở thành kẻ lãng du, hoặc chuyển sang cách sống thực dụng, mà sẽ mang trong mình một niềm mong ước vươn lên trong khoa học, cái mà cho đến lúc đó có thể nói hầu như chỉ mới được gợi ra cho anh ta từ xa thôi”." trích trong bài: Kỷ yếu Humboldt 200 - by Nguyễn Xuân Xanh (diendan 03.02.2011) bài này có thể lấy tại địa chỉ
http://www.diendan.org/Doc-sach/ky-yeu-humboldt-200 nếu k vào được có thể vào qua link này http://123data.ne/browse.php?u=Oi8vd3d3LmRpZW5kYW4ub3JnL0RvYy1zYWNoL2t5LXlldS1odW1ib2xkdC0yMDAvP3NlYXJjaHRlcm09Ikh1bWJvbGR0Ig%3D%3D&b=5
- "Đó là đại học lấy nghiên cứu, khám phá kết hợp với giảng dạy, tự do giảng dạy và tự do học làm trọng tâm hoạt động, mà không có sự can thiệp của nhà nước." trích trong bài:  VỀ  NGUỒN  GỐC  CỦA  ĐẠI  HỌC *- Nguyễn Xuân Xanh (erct – copy 23.4.2011) (
http://www.erct.com/2-ThoVan/0-Tu_sach-ERCT/VeNguongoccuaDaihoc.htm )
- "Hai trong các đặc tính được viết lên ngọn cờ của đại học cải cách quan trọng này là “tự do” và “nghiên cứu”. Đại học phải là đại học có đầy đủ quyền tự do cho học thuật, và phải là đại học nghiên cứu. Không có hai tính chất này, đại học trở nên tầm thường như trường học muôn thuở." trích trong bài: Nhân đại học HUMBOLDT tròn 200 tuổi. Đại học Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới? – Nguyễn Xuân Xanh (SGTT 15.10.2010)
http://sgtt.vn/Khoa-giao/131135/Dai-hoc-Viet-Nam-dang-o-dau-tren-ban-do-the-gioi.html
Những người con là kết quả của mô hình giáo dục Liên Xô có lẽ đều nhận thấy điểm này, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy thời gian trôi đi quá nhanh mà mình đã lớn tuổi, có khi gia đình cũng chưa xây dựng, đó chính là kết quả của một sai lầm thuộc về giáo dục, tách giáo dục ra khỏi cuộc sống, người học ở trong tháp ngà quá lâu và ngộ nhận, khi bước ra khỏi thì thấy thời gian mình trải qua bị lãng phí. Nhưng ngày nay thì họ lại chuyển sang thái cực hơi cực đoan hơn đó là họ lại là những con người lợi dụng nhanh nhất?
Điểm qua một số bài giới thiệu tư tưởng này thấy trên các trang chính thống (thuộc nhà nước) như Sài Gòn tiếp thị và các trang chia sẻ, nói một cách chữ nghĩa là khu vực dân sự:
- Trên blog của ô Giáp Văn Dương
http://www.giapvan.net/2011/07/ly-tuong-giao-duc-humboldt-mo-hinh-hay.html hay bài này: http://bungbinhsaigon.net/Baiviet.aspx?id=315
- Trên SGTT có
các bài:
http://sgtt.vn/Khoa-giao/144475/Bong-mat-cua-mot-vi-nhan-.html
http://sgtt.vn/Khoa-giao/144086/Chung-quanh-di-san-cua-Humboldt-.html
http://sgtt.vn/Khoa-giao/143485/%E2%80%9CSu-nghiem-chinh-cua-ly-tuong%E2%80%9D.html
http://sgtt.vn/Khoa-giao/143800/%E2%80%9CDao-sac-moi-cat-duoc-moi-thu%E2%80%9D.html

Và đây là các bài khác của
đại ca Bùi Văn Nam Sơn
http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/BuiVanNamSon/BVNSTab.htm
Trên tờ Sài Gòn tiếp thị có một mảnh vườn nhỏ ươm mầm những tư tưởng thú vị  của ông (
http://sgtt.vn/Khoa-giao/Tro-chuyen-triet-hoc/Index.html ) trang amvc tập hợp tại đây:
"Với tư cách là một trong các nhà giáo dục lớn của mọi thời đại, Kant còn đóng vai trò “khai sáng” như thế nào trong đời sống xã hội hiện nay, theo ông?
Tôi xin phép đổi chữ “Khai sáng” quen thuộc thành chữ “Khai minh” theo đúng ngữ pháp Hán Việt. Kant viết: “Khai minh là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy”. Không trưởng thành là sự bất lực không biết dùng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Vì thế, ông bảo: khẩu hiệu của sự Khai minh là: “sapere aude!” (latinh: Hãy dám biết!), hãy có gan dùng đầu óc của mình. Con người rất thích ở yên trong tình trạng không trưởng thành, vì mọi việc đã có người khác chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu. Thoát khỏi “xiềng xích êm ái” ấy, con người thấy bơ vơ, lúng túng, vì không quen suy nghĩ và vận động tự do. Một cuộc cách mạng có thể lật đổ kẻ độc tài nhưng không phải dễ dàng mang lại sự cải cách đích thực về lề lối tư duy. Theo nghĩa đó, Khai minh là một tiến trình tất yếu, bất tận. Vận dụng vào lĩnh vực giáo dục, nó mãi mãi có ý nghĩa thiết thực: khuyến khích, bảo vệ quyền tự do nghiên cứu của nhà khoa học, vun bồi tinh thần phê phán và khả năng tự đề kháng của người học"
 đoạn này: "
Còn xét như một phong trào lịch sử? Phong trào Khai minh bắt đầu ở Châu Âu từ giữa thế kỷ 17 (nếu tính từ năm 1667 với “Luận văn về sự khoan dung” (Essay on Toleration của John Locke) cho đến đỉnh cao là Đại cách mạng Pháp 1789. Sau hai thế kỷ gian khổ, phương Tây đã tạo được những tiền đề cơ bản cho xã hội hiện đại: nền giáo dục phổ cập, nền khoa học và đại học tự trị, chế độ cộng hòa trên cơ sở tam quyền phân lập (Montesquieu) và sự tự do của các nhân quyền và dân quyền (Rousseau) cùng với cơ sở vật chất là nền kinh tế hàng hóa và đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa… Vì thế, người Tây phương ngày nay vẫn tự nhận mình là con đẻ của thời Khai minh, dù từ thế kỷ 19 đến nay, họ không ngừng tìm mọi cách để điều chỉnh và khắc phục các hạn chế và khuyết tật của nó.
- Ông từng nói dịch sớm và dịch cái đáng dịch là cách nhanh nhất để bắt kịp thiên hạ. Phải chăng cũng là một cách “đi tắt đón đầu”?
Đúng và không. Theo tôi, “đi tắt đón đầu” có thể đúng ở một lĩnh vực công nghệ cục bộ hay mánh lới làm ăn nào đó, hiểu như là sự nắm bắt thời cơ và có cách làm thông minh, tiết kiệm, còn học thuật và dân trí thì phải theo một tuần tự chứ không thể chờ có phép lạ. Muốn tiếp thu những giá trị vĩnh cửu và tiên tiến đích thực, phải có nền tảng, phải cần thời gian, chỉ đừng để mất thời gian vì đi đường vòng. Những giá trị ấy độc lập với dân tộc, chính trị. Tự mình đóng cửa thì hạn chế tầm nhìn, chỉ có hại cho mình thôi. Bởi lẽ, mình không đọc sách thì sách đâu có chết! Niềm tin được củng cố thực sự khi được so sánh và thử thách với các tư tưởng khác. Nói như Hegel, tin là phải hiểu cái mình tin."
đoạn này: "
Ông nghĩ sao về điều này?
Năm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục. Đã lần lượt có các buổi hội thảo nhân dịp này ở Hà Nội, Hội An, và vào ngày 21.9. tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, kết hợp với lễ ra mắt ở phía Nam của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh. Theo tôi nhận xét, đó là các dịp rất tốt để anh chị em tri thức tâm huyết cùng nhau suy nghĩ và cố gắng làm những gì chưa làm được. Thật ra, là phải làm nốt những gì các cụ chưa thể làm do hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt và hãy làm những gì lẽ ra chúng ta đã phải làm. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian và thời cơ!
- Nhất là trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế dồn dập với số lượng kiến thức khổng lồ như ngày nay?
Vâng, trong thời hội nhập, vẫn không thể giao lưu nếu không hiểu nhau và không hiểu nhau ở cùng một trình độ. Việc hiểu quan trọng nhất phải thông qua học thuật. Trước đây loài người thấy thế giới tự nhiên rất khó hiểu. Sang thế kỷ 21, do sự phát triển vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, việc tìm hiểu tự nhiên có khi không khó khăn bằng hiểu cái thế giới tự nhiên thứ hai do con người tạo ra (tức khối lượng tri thức khổng lồ của nhân loại). Không biết chọn lọc tinh hoa, người học rất có thể lạc vào khu rừng rậm, không tiếp cận nỗi. Đây là việc làm rất quy mô và đòi hỏi sự kiên trì."
Đoạn này: "
- Đội ngũ dịch giả, như ông nói, đã thiếu lại yếu, giải quyết vấn đề này thế nào, thưa ông?
Có lẽ chúng ta nên học kinh nghiệm của Nhật bản và Hàn quốc. Họ biết rằng công cuộc cải cách giáo dục phải bắt rễ từ nền móng khoa học. Do đó, bên cạnh việc đào tạo chuyên gia ở ngoài nước, họ chủ yếu dựa vào lực lượng hùng hậu tại chỗ là sinh viên, nếu không, chẳng biết lấy đâu ra. Giáo sư hướng dẫn sinh viên làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ, bằng cách cho họ dịch, chú giải, bình luận những tác phẩm kinh điển trên thế giới. Đây là nguồn lực vô tận, lại không tốn kém nhiều mà dễ tổ chức có hệ thống. Nhìn phương Tây mà xem. Trong thời gian tương đối ngắn, họ đã có trong tay hầu hết những bản dịch đáng tin cậy về văn hóa và văn minh phương Đông. Họ đã làm theo cách ấy, và còn có thuận lợi là dựa vào nguồn du học sinh Châu Á ở nước họ để dịch kinh điển phương Đông, có sự thẩm định của ban giám khảo. Hai bên cùng có lợi, và người tốt nghiệp thực sự có được kiến thức vững vàng.

- Ông thường nói: “Học triết thì nên đến thẳng với “Phật” chứ không thông qua “các nhà sư”. Để học và dịch những tác phẩm đồ sộ, ông có phải đi đường vòng không?
Đi đường vòng nhiều chứ. Mất thì giờ vô cùng. Mất sức nữa. Đơn giản vì tôi không có được các bản dịch giúp cho mình tham khảo khi còn trẻ. Ít được thụ hưởng công trình của đồng hương mình. Những sinh viên đi du học như tôi đều gặp những trở ngại lớn như thế. Tôi có bạn học là một sinh viên người Hàn cùng cặp tình nhân người Nhật. Lúc sang Tây Đức, tôi đã có bằng cử nhân, còn cặp tình nhân kia thì chưa, và còn rất trẻ. Thế nhưng, tôi và ông bạn người Hàn hết sức ngạc nhiên trước trình độ của họ. Hỏi ra mới hay, họ có trong tay cả hai bản dịch toàn tập bằng tiếng Nhật, cùng sách tham khảo, từ điển. Vào năm 1970, Hàn Quốc cũng như mình. Nhưng gần đây, ông bạn Hàn Quốc viết thư khoe với tôi, sau khi về nước, thế hệ của ông và trước ông một ít đã dịch những bộ toàn tập các tác giả lớn nhất qua tiếng Hàn. Ông còn nói đùa: “bảo đảm chất lượng Đức quốc!”. Từ chỗ tay trắng, sau 30 năm, Hàn Quốc đã có một kho tàng kinh điển. Tôi hết sức kinh ngạc vì điều này.
- Nâng cấp đại học VN nên bắt đầu từ việc trùng tu nền học thuật. Liệu một thế hệ đã có thể lấp đầy những lỗ hổng này?
Chúng ta đã có một nền học thuật bình thường như các nước khác hay chưa mới là vấn đề. Muốn cải cách giáo dục, xây dựng đại học có đẳng cấp khu vực thì trước hết phải làm những công việc bình thường như người ta đã. Nhìn vào thư viện sẽ thấy ngay nền học thuật, dịch thuật của một đất nước đến đâu. Vậy phải làm ngay kẻo không kịp. Không có phép lạ nào ngoài việc có biện pháp hợp lý, rồi làm việc kiên trì và lâu dài. Không ai dám chắc, nhưng nếu làm tận lực, một thế hệ vẫn có thể khắc phục được lỗ hổng ấy. Quan trọng là phải thấy việc tiếp cận tinh hoa thế giới một cách có hệ thống là cần thiết. Sau đó mới đến việc sử dụng chất xám của sinh viên cao học."
+ Trong bài: DỊCH THUẬT VÀ HỌC THUẬT - Bùi Văn Nam Sơn (dịch giả) "Dịch thuật là tăng nội lực cho số đông để các thế hệ sau bay cao, bay xa. Không có cái nền chung ấy, những “sáng tạo” đột xuất cũng khó có chất lượng ngoài chút hư danh của kẻ “múa gậy vườn hoang” và trái với tính “công truyền” (chứ không phải “bí truyền”) vốn là bản chất của khoa học và với lý tưởng nhân văn, khai sáng của triết học đích thực."
Giáo dục của mình nhìn vào cở sở thư viện trường lớp ô Bùi Văn Nam Sơn phải thốt lên: đúng ra là chúng ta không có các sách dịch bản gốc mới đúng. "
Đấy có phải lý do mà thầy đã nhiều lần đau lòng thốt lên rằng môi trường tri thức cũng như giáo dục ở VN quá thiếu sách? 
- Đúng hơn phải nói là không có sách! Sách nghiên cứu, sách giáo dục toàn bằng tiếng nước ngoài làm sao đòi sinh viên hiểu được? Nước ngoài cũng thế thôi, sinh viên Mỹ làm sao đọc được tiếng Pháp nếu cuốn sách đó không được dịch sang tiếng Anh? Làm sao làm seminar cho sinh viên được khi thiếu sách? Điều kiện vật chất rất quan trọng cho giáo dục. Hình thức seminar thành công ở phương Tây bởi họ đã có thời gian chuẩn bị sách rất kỹ. Học về tác giả nào cũng có sách để đọc, để nghiên cứu sâu hơn, cùng nhau đọc thì mới cùng nhau giải thích hoặc tranh cãi. Xu hướng chung của thế giới, mình không muốn bị lạc hậu thì phải chuẩn bị những cơ sở vật chất chứ không phải chỉ nguyện vọng thấy Tây 80% seminar trong giáo dục ta cũng bắt chước y như thế." trong bài: Cuộc đời vui quá không buồn được - Cát Khuê (thực hiện) pv Bùi văn Nam Sơn  (19.11.2010 – copy 23.12.2010) có thể tìm thấy tại đường link:  http://www.catkhue.com/2010/11/cuoc-oi-vui-qua-khong-buon-uoc.html
Trong bài:  Bùi Văn Nam Sơn Kẻ lữ hành theo chân các triết gia (TN 4-7-08) ( http://tuansan.thanhnien.com.vn/pages/200827/248816.aspx ) "Ông nói nhiều về nỗi trăn trở, tự vấn của mình về sự suy nhược của nền khoa học xã hội - nhân văn nước nhà. Ông sốt ruột, mất ăn mất ngủ (theo cả nghĩa đen, mỗi ngày ông đều chong đèn làm việc đến khuya, làm việc liên tục, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm, “như có cọp rượt sau lưng”) khi nhìn vào thư viện quốc gia, thấy vốn liếng sách vở của ta không bằng một thư viện trường đại học của người. Trong cơn bùng nổ của lý thuyết trên thế giới, ông hoảng hốt thấy sự thờ ơ và lãnh đạm của chúng ta. “Phải biết giật mình, mất ăn mất ngủ khi so với các nước gần gũi như Hàn Quốc. Những năm 70 của thế kỷ trước, triết học họ kém hơn ta, họ tiếp xúc với triết học phương Tây muộn hơn ta. Giờ sau 40 năm nhìn vào thư viện của họ, toàn tập những tác phẩm lớn của những tác giả lớn về KHXH đã dịch ra tiếng Hàn. Hàn Quốc phát triển kinh khủng về học thuật, văn hóa, kinh tế. Trong 40 năm hòa bình, ta loay hoay làm đủ thứ chuyện thì họ làm việc đó. Ta tụt hậu kinh khủng, kể cả trong văn hóa tư tưởng – cái không tốn kém nhiều – lại tự hào vỗ ngực ta là “văn hiến chi bang” mà sách vở trống lổng. Không biết bao giờ mới tỉnh thức về việc này!?"
" Vì sao trong khi nói và viết, ông rất thường trích dẫn cụ Phan Châu Trinh, ngay như câu vừa rồi ông dẫn của cụ “Yêu nước thì tốt, nhưng biết đạo yêu nước còn tốt hơn”?
Tôi thường trích dẫn cụ vì Phan Châu Trinh lớn lắm, là  nhân vật bản lề giữa xã hội cũ và mới, tượng trưng cho sự tỉnh thức của một dân tộc biết giật mình trước sự lạc hậu và thấy rõ sự quan trọng hàng đầu của văn hóa. Vì cụ biết có nó là có tất cả, gỡ được nó là gỡ được tất cả, mặc dù những chỗ khác có bức thiết hơn (trong khi thiên hạ thói thường “nóng đâu xoa đó”). Luận về người không luận về thành bại, mà luận về tầm nhìn, là cách đặt vấn đề của họ. Đặt vấn đề quan trọng hơn giải pháp, để không vay mượn tư tưởng, nô lệ tư tưởng của người khác. Độc lập văn hóa còn quan trọng hơn độc lập chính trị. Độc lập văn hóa là thấy được tầm quan trọng của văn hóa, giữ gìn, bồi đắp được nó, chứ không cho là văn hóa mình số 1! "
đoạn này: "Hai, thói quen: Lâu nay mình vẫn tiếp thu được những tư tưởng uyên thâm của Nho, Khổng (nhưng nay lạc hậu, xơ cứng. Mình vừa lòng với việc tiếp thu bề ngoài, không hiểu nguyên lý, phổ biến theo kiểu bí truyền, thầy dạy cho trò). Còn về việc không có những nhà đại khoa học, thì mình cũng chỉ là một trong hàng trăm nước như vậy, số nước có nhà đại khoa học chỉ đếm trên đầu ngón tay, không nên mặc cảm về chuyện này.
Không phải ta không có truyền thống. Truyền thống là do mình tạo ra. Do thói quen của một đất nước có nền giáo dục - khoa học lạc hậu, coi thường khoa học nhân văn không thiết thực, không làm ra của cải (mà không hiểu nó là nền tảng để làm ra của cải), chứ đừng tự kỷ ta không có truyền thống.
Từ việc xem nhẹ, coi thường khoa học xã hội lại ngộ nhận về tố chất, truyền thống của mình là cái nhìn vô cùng thiển cận."
đoạn này nữa: " Ông nhắc đi nhắc lại đừng công cụ hóa triết học một cách vội vã và dại dột. Vậy thì nhiệm vụ của triết học là gì?
Triết học, nhiệm vụ của nó là làm việc cho sự tự do của con người. Tự do nghĩa là mình làm chủ được – làm cho cái gì từng xa lạ trở nên quen thuộc với mình. Tự do là chính mình trong cái khác với mình. Muốn biến thế giới này thành một thế giới nhân đạo, quê hương để con người cư ngụ được, anh phải đủ năng lực tư duy để nắm bắt được nó. Mà anh suy nghĩ về thế giới là suy nghĩ bằng những phạm trù. Phạm trù anh vươn lên tới đâu, tự do của anh vươn lên tới đó. Nhưng, phải biết rằng không có tự do học thuật thì không có tự do tư duy.
Sự suy nhược (theo ông nhận định) của khoa học xã hội và nhân văn hiện nay tại Việt Nam nói lên điều gì và dẫn đến hậu quả gì?
Nói đến “khoa học” là nói đến tính khách quan, tính chính xác, tính chất khảo cứu, tính độc lập của tư tưởng, tính sáng tạo và mới mẻ trong quan niệm. Các tính chất ấy hiện ta đều thiếu cả. Đó là do sự “bao cấp về tư tưởng” trong nhiều năm, dẫn đến sự xem nhẹ vai trò của KHXH & NV, thậm chí ngộ nhận về chức năng của nó khi biến nó thành công cụ nhất thời và thiển cận. Và khi “công cụ” này tỏ ra không mấy hiệu quả, càng dễ xem nó là vô ích và nguy hiểm. Trong khi đó, kinh nghiệm lịch sử ở các nước cho thấy: nền KHXH & NV phát triển thường mở đường cho việc thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của toàn xã hội, từ đó ảnh hưởng sâu sắc đến việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước. Nó không chỉ là môi trường tạo ra những nhà văn hóa, nhà tư tưởng mà còn dọn miếng đất phì nhiêu, thuận lợi cho việc phát triển các ngành khoa học, công nghệ một cách lành mạnh, và nói chung, cho một nền văn hóa và kinh tế bền vững, nhân đạo."
Lại liên quan tới TH có thể xem gợi mở này của ‘đại ca’ thật hấp dẫn “Đằng sau nét cọ hồn nhiên và lời dẫn chuyện gọn gàng, chuẩn xác, ta có thể nhận ra chủ trương biên soạn thật nghiêm túc của các tác giả: triết học và khoa học không phải là sản phẩm ngẫu nhiên của những thiên tài cô độc, không phải là những “định luận” nhất thành bất biến, mà là nỗ lực suy tư không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ kế tiếp nhau, là một cuộc đối thoại có thể tái hiện lại được, trong đó mỗi quan điểm có thể được hiểu như lời giải đáp với các câu hỏi của tiền nhân và gợi mở những câu hỏi mới cho kẻ đến sau. Triết học và khoa học cũng không phải là công việc riêng của những chuyên gia, mà liên quan đến mọi người và cần được mọi người tiếp nhận và chia sẻ. Sự phong phú, đa dạng của tri thức nhân loại không làm ta “choáng ngợp”, mà trái lại, kích thích lòng khao khát hiểu biết và gợi hứng cho ta vươn tới những chân trời mới mẻ, những nỗ lực tìm tòi sâu sắc hơn, nhất là trong bối cảnh của cuộc giao lưu và hội nhập quốc tế đang ngày càng sôi động hiện nay.Hy vọng rằng bộ Nhập môn này – đang được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới – cũng sẽ được người đọc nước ta, nhất là các bạn trẻ, vui vẻ chọn làm người bạn đồng hành trên con đường khám phá và khai phóng.Xin chân thành hoan nghênh sáng kiến của Nhà xuất bản Trẻ và hoan hỉ giới thiệu cùng bạn đọc.” Trích trong: Nhập môn triết học và khoa học – (nhóm dịch giả) Bùi Văn Nam Sơn và Vũ Ngọc Thăng hiệu đính
+ Hay trong bài: Tin và đáng tin – Bùi Văn Nam Sơn (22.1.2009) Và đặc biệt đoạn này: “Trẻ em đặt trọn lòng tin vào người lớn cho tới khi chúng... thất vọng. Đó là cái giá khá đau đớn phải trả cho sự trưởng thành, tức cho sự thức tỉnh và mất ảo tưởng. Nhưng, nếu được hưởng một nền giáo dục tốt, vết thương ấy sẽ được chữa lành, thậm chí không để lại sẹo, mà còn thăng hoa thành tinh thần hoài nghi khoa học. Tinh thần ấy không làm thui chột lòng tin, trái lại, khi đã đủ mạnh, nó giúp giữ vững lòng tin vào những gì xứng đáng để tin.”
Đoạn này: “Nguy hiểm hơn, việc mất lòng tin xã hội sớm muộn sẽ làm suy giảm tiềm lực đáp ứng yêu cầu của cả hệ thống: “do thiếu lòng tin, nhiều yêu cầu vốn chỉ có thể được thỏa mãn ở dài hạn sẽ đòi hỏi phải được đáp ứng cùng một lúc và trong thời gian ngắn, điều ấy sẽ phá vỡ các khả năng đáp ứng của toàn hệ thống. Dường như chúng ta đang ở đúng vào thời điểm nguy kịch này” (Luhmann).”
Đoạn này: “Như thế, bao lâu người ta còn dành lòng tin cho các định chế, chúng mới có thể xác lập được sự đáng tin cậy trong hành động. Tự bản thân các định chế là không đủ để mang lại lòng tin cũng như để xây dựng các hình thức giao tiếp dân chủ, đoàn kết. Ở các nước đang chuyển đổi (chẳng hạn các nước Đông Âu cũ), việc thiết lập các định chế mới mẻ chỉ là bước đầu, dù là quan trọng.
Điều tương tự cũng đã diễn ra: 20 năm sau ngày thiết lập các định chế dân chủ ở nước Đức hậu - phát xít, triết gia Karl Jaspers vẫn chưa thấy thể chế ấy đã được cắm sâu vào “lòng” nhân dân. Ông viết: “Trong thực tế, ta vẫn chưa có được mục tiêu chính trị được cắm sâu vào lòng dân, chưa có được cái ý thức tự đứng vững trên đôi chân của mình... Nhân dân nước ta không có tinh thần dân chủ. Ta có một hình thức chính thể đại nghị gọi là dân chủ, nhưng lại được thiết kế để làm vẩn đục hơn là khích lệ ý thức dân chủ” (Cộng hòa liên bang đi về đâu? 1966, tr. 177-178).
Các kinh nghiệm lịch sử ấy cho thấy sự cần thiết phải nêu bật những điều kiện để biến sự thừa nhận những định chế một cách đơn thuần hình thức thành một sự thừa nhận đích thực và thành thực. Sự ổn định của một chế độ xã hội vẫn chưa được bảo đảm bao lâu người ta chưa thể đoan chắc rằng nó sẽ được nhân dân bảo bọc và bảo vệ khi lâm vào những thời kỳ khủng hoảng hoặc bị suy yếu về năng lực chế tài (do tham nhũng, thối nát, bất lực...).”
Đoạn này: “Lòng tin không thể mua mà có, không thể ra lệnh mà được, không thể học hay dạy mà cần thời gian để thử thách ở cả hai chiều: tin có nghĩa là tin nhau. Lòng tin không thể mua bán nhưng lại cần phải được “đầu tư” lâu dài, giống như không ai có thể tiếp tục rút tiền khỏi tài khoản để tiêu xài thoải mái mà không chịu khó thường xuyên đóng tiền vào. Có vẻ lạ thường, nhưng như đã nói trên, lòng tin gắn liền với một loạt những nghịch lý nan giải. Chúng ta vẫn phải hành động đôi khi mù quáng khi không có lựa chọn nào khác”
Xin mượn câu “Câu chuyện nghiêm chỉnh nào cũng cần trở nên vui vẻ, và câu chuyện vui vẻ có khi cũng cần trở nên nghiêm chỉnh trong bài: “Chuyện xưa, chuyện nay : Tư tưởng đổi thay số phận”  để thưởng thức một bài vui vui và nhẹ nhàng lại sâu lắng của “đại ca” nữa trước khi kết thúc: http://amvc.free.fr/Damvc/GioiThieu/BuiVanNamSon/DapThanhHoiCuHaoHoaBVNS.htm
The end!
(Các bài trích dẫn có thể dễ dàng tìm thấy qua sự trợ giúp tìm kiếm từ google, bằng cách gõ tên bài đó google sẽ cho ra kết quả)