Lối mở cho vật liệu xây không nung
Trong một khoảng thời gian kéo dài hàng năm trời, DN sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN) nào may mắn lắm cũng chỉ đạt công suất chạy máy khoảng 50%. Làm ra mà không bán được thì cũng đồng nghĩa với… tự sát. DN bi quan và đứng bên bờ vực phá sản khi mất niềm tin từ việc phải chờ đợi quá lâu “cơ chế chính sách nền tảng” để kiến tạo thị trường.
“Nút thắt” tư tưởng lớn nhất trong khối sản xuất VLKN đã được gỡ bỏ.
Gặp nhiều trở ngại
“Nắng hạn gặp mưa rào”, cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLKN, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung. Các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cũng đã được Bộ Xây dựng ban hành, từ đây lối mở để VLKN tiến quân vào các công trình sử dụng vốn ngân sách sẽ không còn trong tình trạng “cửa đóng then cài” như trước. Từ giờ phút này, chuyện sống còn của ngành VLKN hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò xúc tiến thương mại và quảng bá kích cầu sản phẩm của chính bản thân các DN.
Tính từ thời điểm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ xuất hiện đến nay tuy mới hơn 1 tháng rưỡi nhưng chí ít “nút thắt” tư tưởng lớn nhất trong khối sản xuất VLKN đã được gỡ bỏ. Không chỉ vậy, khi tìm hiểu chỉ số tiêu thụ của các đại lý bán hàng VLKN sẽ thấy doanh số thương mại đang tiến triển rõ rệt. Tuy chưa có con số thống kê toàn diện vì khoảng thời gian còn quá ngắn, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận một điều chính hệ thống cơ chế chính sách đã “thông tắc” cho một mảng sản xuất gần như đã bước vào ngưỡng cửa của việc bị bức tử một cách đau đớn!
Một thực tế buồn không thể phủ nhận là thời gian qua, mảng thị trường chính là VLXKN gặp rất nhiều trở ngại trên con đường xâm nhập vào đời sống xây dựng. Có thời điểm, tới 7 nhà máy cùng tồn tại trong tình trạng sản xuất cầm chừng, 1 nhà máy phải dừng hẳn sản xuất. Đáng nói là sự khủng khiếp ấy diễn ra trong bối cảnh có tới 15 nhà máy đã đầu tư, đang chuẩn bị khánh thành và khoảng gần 20 nhà máy nữa đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng.
Điểm lại thực tế buồn này để thấy: Muốn vươn lên làm giàu bằng một mảng sản phẩm có thị trường rộng lớn cũng là điều hết sức nhọc nhằn! Theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ phó Vụ VLXD, định hướng đến 2020, VLKN chiếm khoảng 30 - 40% VLXD! Con số thoạt nghe tưởng chừng khiêm tốn trước tiềm lực và khả năng trỗi dậy của các DN sản xuất VLXD Việt Nam, nhưng rõ ràng chặng đường để đạt được mục tiêu “khiêm tốn” đó cũng không hề dễ dàng.
Công trình Nhà nước đi trước
Có một câu chuyện minh chứng cho luận điểm này, đó là chuyện về dòng sản phẩm VLKN mang thương hiệu Secoin mà giờ cứ mỗi lần nhắc lại, ông chủ của Secoin vẫn cứ thấy ngậm ngùi: Để được cấp phép sử dụng gạch lát toàn bộ đường dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, ông phải xin tới 19 giấy phép. Tưởng thế đã là đỉnh điểm của sự nhọc nhằn trong việc tìm đường khai thông cho VLKN nhưng hóa ra chưa phải, khi xin được “biếu không” gạch xây cho một dự án nhà ở cao tầng trong một KĐT nức tiếng thời điểm ấy nhằm gây tiếng vang cho VLXKN thì cũng bị chủ đầu tư thẳng thừng từ chối vì rất nhiều lý do có bắt nguồn từ công tác… quản lý nhà nước.
Giờ đây VLKN đã có một bầu không khí “dễ thở” hơn khi những khó khăn có tính chất “kiên cố” nhất đã bị hóa giải. Tuy nhiên, không phải đã hết những băn khoăn. Điều các DN sợ nhất chính là sức ì, là một “lối mòn” tư duy của những người đang nắm trong tay vận mệnh sống còn của họ. DN sản xuất VLKN quả là có đủ thứ lo lắng, họ sợ các kiến trúc sư, các kỹ sư kết cấu bấy lâu đã quen chỉ định dùng gạch nung cho công trình nên không chịu đổi mới, họ sợ một “dấu ấn nhận thức” cũ rích về sự hay ho của gạch đỏ đã ăn sâu vào máu không chỉ người dân mà cả giới kết cấu rất khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai, họ sợ một sự lười biếng không chịu cập nhật những thông tin mới của giới làm kỹ thuật khiến “rào cản” giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất về VLKN chậm được dỡ bỏ. Mà rào cản ấy cứ chậm dỡ bỏ ngày nào thì nguy cơ chết trên đống tài sản đã đầu tư của DN vẫn cứ lơ lửng trước mắt ngày đó.
Mối lo lắng này không phải không có cơ sở. Chẳng hạn như có một thời, khi rất nhiều công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách như các công trình liên doanh, các khách sạn, các trụ sở của các tổ chức quốc tế coi việc ứng dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng là chuyện bình thường thì các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải rất lâu sau mới tập cách làm quen với những dòng sản phẩm mới này. Mà công trình nhà nước không sử dụng, chắc chắn người dân sẽ đặt câu hỏi nghi ngại: “Công trình nhà nước mà nhà nước còn không dùng, sao có thể khích lệ người dân dùng được?”
Với sản lượng VLKN hiện mới chỉ chiếm 8 - 8,5% tổng số vật liệu xây lên đến 31 - 33 tỷ viên, rõ ràng đó là một chỉ số quá khiêm tốn dù rằng từ cách đây gần chục năm về trước, nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ thị trường VLKN. Rõ ràng, từ việc “nhìn thấy” tới việc “thu lợi nhuận về” là một khoảng cách quá lớn. Hy vọng, sau Chỉ thị số 10, sẽ còn có những động thái tích cực và quyết liệt hơn nữa từ chính giới quản lý thị trường xây dựng để kích cầu tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa đối với dòng sản phẩm đầy ưu điểm và thân thiện với môi trường này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét