Hội nghị phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam
10/25/13 7:26 AM
10/25/13 7:26 AM
Xem với cỡ chữ Gửi bài viết email In bài viết
Ngày 24/10/2013 tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng phối hợp cùng UBND thành phố Đà Nẵng và Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) tổ chức Hội nghị phát triển đô thị hợp nhất - Hướng tới thành phố xanh và bền vững tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tham dự Hội nghị về phía Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện chức năng thuộc Bộ. Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Xuân Anh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Về phía GIZ có ông Hanns Bernd Kuchta - Trưởng cố vấn Kỹ thuật. Hơn 200 đại biểu đại diện của Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các Hội nghề nghiệp Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế đã cùng tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Là một quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh của khu vực, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao mức sống của người dân. Tính đến tháng 9/2013, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được mở rộng với gần 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa xấp xỉ 33%.
Tuy nhiên, sự phát triển của đô thị Việt Nam trong thế kỷ 21 đang đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu về kinh tế, môi trường, năng lượng… đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu. Theo đánh giá của các tổ chức Quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; trong đó, khu vực đô thị - nơi chiếm 70% GDP cả nước - gánh chịu nhiều nguy cơ tổn thương nhất. Do đó, nhu cầu cấp bách của các đô thị Việt Nam hiện đại là cần có chiến lược, định hướng phát triển, quy hoạch phù hợp và có những giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao khả năng thích ứng và ứng phó có hiệu quả với những tác động trước mắt cũng như những tác động tiềm ẩn lâu dài của biến đổi khí hậu.
Nhằm thực hiện các Định hướng, Chiến lược, Chương trình tăng trưởng xanh, đô thị xanh phát triển bền vững của Chính phủ, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam. Hiện tại, Bộ đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, và đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Đề án được phê duyệt sẽ là tiền đề triển khai nhiều chương trình, dự án phục vụ định hướng phát triển đô thị xanh, ứng phó BĐKH tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị
Thứ trưởng nhận định: Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam suốt hơn 10 năm qua, song phát triển đô thị theo xu hướng này tại Việt Nam vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, và cần sự nỗ lực cao hơn của các cấp, các ngành, của xã hội, đồng thời cần tranh thủ nhiều hơn nữa kinh nghiệm và nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có GIZ.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trân trọng cám ơn Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển và Tổ chức hợp tác quốc tế CHLB Đức GIZ vì những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho công tác phát triển đô thị ứng phó Biến đổi khí hậu của Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực hạ tầng, các dự án hợp tác Việt-Đức đã có mặt tại 14 tỉnh, thành phố Việt Nam, tập trung nhiều cho Chương trình quản lý nước thải, chất thải tại các tỉnh lỵ và Chương trình thoát nước chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng Duyên hải thích ứng với BĐKH. Các dự án đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, đảm bảo thích ứng BĐKH, phát triển bền vững các khu vực thực hiện dự án. Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng: Hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị trong và ngoài nước, đại diện các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về định hướng phát triển cho các đô thị Việt Nam. Kết quả hội nghị sẽ góp phần tích cực giảm thiểu thiệt hại và góp phần ứng phó hữu hiệu hơn với BĐKH cho các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các địa phương miền Trung như Đà Nẵng - nơi chịu nhiều thiệt hại do cơn bão Nari vừa gây ra.
Bài phát biểu dẫn đề của ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng; các tham luận của các chuyên gia GIZ, UN-Habitat, Ngân hàng phát triển châu Á và nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đều đưa ra thông điệp: Biến đổi khí hậi đã, đang và sẽ xóa đi những thành tựu của nhiều năm phát triển. Cần chung tay xây dựng những thành phố xanh có khả năng chống chịu thiên tai, những đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu - đó chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của Việt Nam - một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Hội nghị diễn ra hai ngày, 24 - 25/10/2013. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm qua những bài tham luận, những cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề hướng tới các đô thị xanh - phương pháp tiếp cận tích hợp phát triển đô thị bền vững; hướng tới khả năng ứng phó - quản lý tổng hợp các rủi ro ngập úng đô thị; lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện có liên quan tới đô thị hóa bền vững, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu còn được trải nghiệm thực tế qua các chuyến tham quan thực địa theo từng chuyên đề: quy hoạch đô thị và không gian về nước; nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có thu nhập thấp nhất; dự án phát triển đô thị tại Đà Nẵng.
Hội nghị diễn ra hai ngày, 24 - 25/10/2013. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm qua những bài tham luận, những cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề hướng tới các đô thị xanh - phương pháp tiếp cận tích hợp phát triển đô thị bền vững; hướng tới khả năng ứng phó - quản lý tổng hợp các rủi ro ngập úng đô thị; lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy hoạch đô thị nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện có liên quan tới đô thị hóa bền vững, trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu còn được trải nghiệm thực tế qua các chuyến tham quan thực địa theo từng chuyên đề: quy hoạch đô thị và không gian về nước; nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng có thu nhập thấp nhất; dự án phát triển đô thị tại Đà Nẵng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét