Thực trạng cấp nước sạch đô thị: Dân đang tự làm bẩn hệ thống
Về việc cấp nước đô thị, ngay từ năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trong các hệ thống cấp nước tập trung ở khu vực đô thị, nông thôn…Tuy nhiên cách cấp nước hiện nay tại Hà Nội và một số đô thị đang gặp phải nhiều bất cập, đó là việc chỉ cung cấp nước đến cửa nhà, cung cấp theo tuyến trên một mạng lưới chằng chịt, thiếu đồng bộ. Điều này đã “đẩy” người dân phải đầu tư hệ thống ống dẫn, bể chứa, máy bơm để chứa nước dự trữ. Do đó trong quá trình dự trữ nước tại gia đình đã vô tình tự làm bẩn nguồn nước.
Để có nước sạch nhiều hộ gia đình phải tự mua sắm hệ thống tích trữ nước sạch tại nhà
Nghị định 117 đã quy định các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia vào các hoạt động có liên quan đến sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch ở Việt Nam. Qua một thời gian ngắn áp dụng, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 sửa đổi Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch cũng đã được kịp thời ban hành, cập nhật những điều chỉnh cho Nghị định số 117/2007/NĐ-CP.
Có thể thấy, thời gian qua, hệ thống cấp nước sạch tại các đô thị Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm ưu tiên đầu tư cải tạo và xây dựng, tuy nhiên hiện nay việc cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân vẫn còn nhiều bất cập. Những bất cập này thể hiện ngay trong cách làm và những quy chuẩn chung để quy định chúng.
TS. Nguyễn Tiến Hóa, Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương phân tích: Ngày trước tại Hà Nội chúng ta thấy rằng người Pháp đã xây dựng nhiều tháp nước tại các khu dân cư. Tháp nước này có nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho một cộng đồng dân cư trong khu vực phục vụ sinh hoạt, thế nhưng hiện nay tại nhiều đô thị những tháp nước như thế này đã không còn. Trở lại hệ thống cung cấp nước sạch mà chúng ta đang áp dụng hiện nay, các Cty nước sạch chỉ có trách nhiệm đưa đường ống đến cửa nhà hay đầu một con ngõ. Sau đó người dân có nhu cầu dung nước thì tự phải đầu tư ống dẫn, máy bơn, xây bể nước để tích nước sinh hoạt.
TS. Hóa phân tích thêm: Cách cung cấp nước sạch như hiện nay tại một số đô thị đã vô hình “đẩy” người dân vào chỗ tự làm bẩn hệ thống nước sạch của mình, ngoài ra còn tốn tiền trong việc đầu tư hệ thống tích giữ nước. Thứ nhất là tại các khu dân cư đông đúc, hệ thống mạng nước sạch luôn bị quá tải, nước chảy rất chậm do đó để có đủ nước phục vụ sinh hoạt thì người dân phải tự đầu tư hệ thống bể chứa và mua sắm máy bơm để đẩy nước vào bể chứa. Nếu có điều kiện thì người dân sẽ đầu tư những bể tốt, kín đáo đảm bảo không bị côn trung xâm nhập, còn với những bể được xây ngầm hoặc trên mái nhà thì ai dám chắc là không có sự thẩm thấu của nước bẩn, và côn trùng. Quá trình tích nước này đã vô tình làm bẩn chất lượng nước máy, và gây nguy hiểm cho người dùng.
Cũng theo TS.Hóa “Vậy câu hỏi được đặt ra là, tại sao hiện nay chúng ta không xây dựng những loại bể chứa tập trung tại các khu dân cư, đại loại như những tháp nước ngày trước để người dân không phải chật vật với tình trạng nhỏ giọt, hay mất nước vào giờ cao điểm như tại một số đô thị hiện nay”.
Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có 68 Cty cấp nước, thực hiện cung cấp nước sạch cho các khu vực đô thị. Nguồn nước mặt chiếm 70% tổng nguồn nước cấp và 30% còn lại là nước ngầm. Có hơn 420 hệ thống cấp nước với tổng công suất thiết kế đạt 5,9 triệu m3/ngày. Công suất hoạt động cấp nước đạt mức 4,5 triệu m3/ngày tương đương 77% công suất thiết kế.
Nhiều hộ gia đình tại Hà Nội phải tự xây dựng hệ thống máy bơm để đẩy nước lên các tầng ngôi nhà
Tính đến cuối năm 2010, có 18,15 triệu người dân đô thị có thể tiếp cận được với nước sạch, chiếm 69% tổng số dân thành thị. Phần trăm số dân sử dụng nước sạch ở các đô thị được thống kê như sau: 70% dân số ở đô thị đặc biệt và đô thị loại I, 45-55% dân số ở đô thị loại II và II, 30-35% dân số ở đô thị loại IV và 10-15% dân số ở đô thị loại V. Theo đó, lượng nước sử dụng trung bình của các đô thị là 80-90 lít/người/ngày đêm; trong đó tại các thành phố lớn thì lượng nước này là 120-130 lít/người/ngày đêm (theo nghiên cứu Bench-marking, Ngân hàng Thế giới - Hội Cấp thoát nước Việt Nam). Các số liệu thực tế nêu trên đều thấp hơn kế hoạch mục tiêu quốc gia về phát triển cấp nước đô thị.
Theo Hội cấp thoát nước Việt Nam, công suất các hệ thống cấp nước còn hạn chế do sự đầu tư không đầy đủ các nhà máy xử lý nước, các mạng lưới đường ống truyền dẫn và phân phối nước sạch. Mặc dù công suất cấp nước đô thị hiện tại đã tăng lên gấp 3 và gấp 2 lần so với năm 1975 và 1990, tuy nhiên so quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, rất nhiều khu công nghiệp, KĐT mới được hình thành và dân số đô thị cũng tăng nhanh chóng, nên hệ thống cấp nước vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của dân cư thành thị. Bên cạnh đó, do những khó khăn về nguồn vốn đầu tư cũng như năng lực của các Cty cấp nước, sự thiếu đồng bộ khi quy hoạch phát triển hệ thống cấp nước và thực hiện quy hoạch, nên nhiều hệ thống cấp nước đã nâng cấp và nâng cao công suất, nhưng không hoạt động hết công suất.
Ngoài ra chưa kể đến việc để người dân tự mua sắm các trang thiết bị để trang bị cho hệ thống nước sạch, còn làm gia tăng tình trạng thất thoát nước sạch khá lớn hiện nay. Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho hay, Việt Nam có 755 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 31% và sẽ đạt con số 50% trong năm 2025. Tuy nhiên, thất thoát nước đang là một trong những thách thức trong quá trình đô thị hóa khi tỷ lệ thất thoát nước của Viêt Nam lên tới 29%. Hiện cả nước hiện có 68 Cty cấp nước, mới chỉ cung cấp dịch vụ cho khoảng 70% dân số ở hơn 750 đô thị.
Cũng theo số liệu Bench-marking của Hội Cấp thoát nước Việt Nam do việc cấp nước không đủ 24 giờ/ngày nên việc giảm nhanh áp lực trong hệ thống phân phối, nước chỉ có thể chảy vào các bể chứa nước dưới đất của các hộ gia đình mà không thể tự chảy lên các bể ở cao hơn. Hơn nữa, chất lượng nước cấp đến các hộ gia đình cũng không hoàn toàn đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh, mặc dù chất lượng nước xử lý tại các máy nước có thể đạt các chỉ tiêu của nước cấp.
Nguyên nhân là do, nước được phân phối trong đường ống có áp lực thấp hay không có áp lực hay thậm chí có áp suất âm, và các đấu nối bị hỏng, những nguyên nhân trên khiến cho nước dễ dàng bị thấm khi vận chuyển trong đường ống nước. Khi áp lực nước bên trong ống tăng cao đến mức đủ cho nước có thể tự chảy (lớn hơn 0,6m/s), những cặn bẩn lâu ngày trong hệ thống ống có thể chảy lẫn trong ống và làm giảm chất lượng nước khi nước được cấp đến các hộ gia đình.