Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012


Gạch không nung xi măng cốt liệu: Sự lựa chọn bền vững
...
Ông Lê Hoài An, Giám đốc Công ty cổ phần Gạch Khang Minh (bên phải) giới thiệu sản phẩm gạch xi măng cốt liệu mới với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
(baodautu.vn) Việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.
Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất gạch đất nung là đất sét từ đất canh tác nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông, đất đồi. Trong nhiều năm qua, do bị khai thác tràn lan, thiếu kiểm soát, diện tích đất canh tác bị xâm hại quá lớn, gây sụt giảm nghiêm trọng diện tích trồng cây nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, với tốc độ khai thác đất bãi bồi ven sông như hiện nay, việc sản xuất gạch đã gây ra hệ lụy không nhỏ đối với môi trường ven sông, dẫn tới tình trạng sụt lở đất ven sông, tác động đến an sinh của người dân.
Trong khi đó, khác với gạch đất sét nung, gạch không nung xi măng cốt liệu có nguyên liệu chính là đá mạt, phụ phẩm cuối cùng của các đơn vị khai thác đá, nên hầu hết những địa phương có mỏ đá vôi đều có thể tổ chức, quy hoạch sản xuất gạch xi măng cốt liệu. Nguyên liệu để sản xuất gạch xi măng cốt liệu dồi dào và thuận lợi hơn so với nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch đất nung. Đây là một lợi thế rất lớn khiến gạch xi măng cốt liệu có nguồn cung cấp dồi dào, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.
Gạch xi măng cốt liệu Khang Minh của Công ty cổ phần Gạch Khang Minh được sản xuất trên dây chuyền thiết bị hiện đại, sản phẩm được cấu thành từ máy rung ép thủy lực, không gây khói bụi, bảo vệ môi trường. Một yếu tố cần được nhắc đến trong công nghệ sản xuất chính là suất đầu tư. Để vận hành một nhà máy sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ tuy-nen với tổng công suất khoảng 30 triệu viên/năm, cần ít nhất 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng số tiền đầu tư đó, một nhà máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu có thể cho công suất 60 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy, các chỉ tiêu về suất đầu tư, công suất, điều kiện sản xuất của gạch xi măng cốt liệu đều thuận lợi và có tính cạnh tranh cao hơn so với gạch nung. Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu cũng có lợi thế lớn về việc tiết kiệm quỹ đất phát triển. 
Ngoài ra, gạch xi măng cốt liệu có ưu thế nổi trội hơn hẳn gạch đất nung về chất lượng và tính ứng dụng của sản phẩm. Cụ thể, gạch xi măng cốt liệu có cường độ chịu lực cao; chống thấm tốt; mẫu mã, kích thước đa dạng; giá cả cạnh tranh, ổn định; sản lượng lớn; giảm thời gian thi công, tiết kiệm chi phí; công cụ, vật tư, thói quen, kỹ thuật thi công đơn giản; dễ dàng trong quản lý và thân thiện với môi trường.
Với nhiều lợi thế cạnh tranh, cùng với định hướng khuyến khích phát triển của Chính phủ, gạch không nung xi măng cốt liệu đang ngày càng trở nên thông dụng, được nhiều chủ đầu tư, nhà thầu và người tiêu dùng tin dùng khi thỏa mãn tốt các yếu tố là sản phẩm văn minh, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và giá thành rẻ.

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012


Rác thải, nước thải y tế: Xử lý qua loa, hậu quả nặng nề
Cập nhật lúc09:49, Thứ Ba, 25/12/2012 (GMT+7)
Trên địa bàn thành phố có hơn 1.300 cơ sở y tế, trong đó có 26 bệnh viện các cấp, 224 trạm y tế xã, phường… Lượng rác thải, nước thải phát sinh hằng ngày từ các cơ sở y tế là bao nhiêu; lượng rác thải, nước thải đã được xử lý như thế nào, có đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường? Đây vẫn là những vấn đề chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chấp hành luật chưa nghiêm
Trên địa bàn thành phố mới có 8/26 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Hầu hết việc xử lý rác thải, nước thải tùy thuộc vào điều kiện kinh phí của từng đơn vị. Do đó, rác thải, nước thải của những cơ sở này được xử lý rất đa dạng. Bệnh viện Đa khoa An Lão hiện có 2 cơ sở, trung bình mỗi ngày bệnh viện này phục vụ 600 bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú, thải ra một khối lượng rác, nước thải khá lớn. Thế nhưng, đến nay Bệnh viện An Lão vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải hiện đại. Việc xử lý rác chủ yếu bằng các biện pháp thủ công như chôn, đốt. Còn nước thải, theo kết quả khảo sát của Công ty cấp nước Hải Phòng, bệnh viện xử lý bằng cách để tự ngấm, tràn ra sông Đa Độ. Bệnh viện Đa khoa An Dương đã được đầu tư xây dựng bể xử lý nước thải với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, thực chất đây chỉ là những bể chứa nước thải. Quy trình xử lý chỉ là dùng hóa chất “bơm” thẳng vào bể, sau khi cho lắng cặn, rồi xả thẳng ra sông Đa Độ. Nước thải từ bệnh viên Giao thông Vận tải đưa vào nguồn nước sông Rế qua kênh Bắc Hưng Hùng.
Thực tế, nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thiếu cam kết bảo vệ môi trường. Rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tuy được thu gom, phân loại theo quy trình song chưa hoàn thiện. Có cơ sở khám chữa bệnh có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được vận hành, xử lý nước thải đúng quy định. Đây là kết luận của lực lượng cảnh sát môi trường qua đợt kiểm tra 59 bệnh viện, phòng khám đa khoa vừa qua. Kết quả này thêm lần nữa cảnh báo những ẩn họa do việc xử lý rác thải y tế chưa đúng cách. 
Trên địa bàn Hải Phòng rất ít cơ sở y tế có khu xử lý nước thải và rác thải y tế. Trong ảnh: Khu xử lý nước thải của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Trên địa bàn Hải Phòng rất ít cơ sở y tế có khu xử lý nước thải và rác thải y tế. Trong ảnh: Khu xử lý nước thải của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp.
Đe dọa sức khỏe cộng đồng
Theo Quy chế quản lý chất thải y tế (Bộ Y tế) thì chất thải y tế là chất từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, nghiên cứu... trong các cơ sở y tế. Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, nhau thai, bào thai); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học nguy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ).
Nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.
Hơn nữa, trong chất thải y tế lại chứa đựng các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B. Các tác nhân này có thể thâm nhập vào cơ thể con người qua các vết trầy xước, vết đâm xuyên, qua niêm mạc, qua đường hô hấp (do hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải). Nước thải bệnh viện còn là nơi "cung cấp" vi khuẩn gây bệnh, nhất là nước thải từ những bệnh viện chuyên về các bệnh truyền nhiễm cũng như trong các khoa lây nhiễm của các bệnh viện. Những nguồn nước thải này là một trong những nhân tố cơ bản có khả năng làm lây lan các bệnh truyền nhiễm thông qua đường tiêu hóa. Đặc biệt nguy hiểm khi nước thải bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh, có thể dẫn đến dịch bệnh cho người và động vật qua nguồn nước khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống... Khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, và sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái. Việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không bảo đảm đó sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải. Để tránh sự nguy hại của chất thải y tế đối với sức khỏe và môi trường, và bảo vệ những người thường xuyên tiếp xúc với chất thải y tế, ngành y tế cần quan tâm nhiều hơn nữa công tác xử lý chất thải y tế.

Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012


Hợp tác tăng cường năng lực trong lĩnh vực cấp nước, vệ sinh và quản lý CTR giữa Việt Nam và Na Uy

07/12/2012 16:45
Ngày 7/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Xây dựng và Đại sứ quán Vương quốc Na Uy tại Việt Nam về Thỏa thuận dự án “Tăng cường năng lực trong lĩnh vực cấp nước, vệ sinh và quản lý CTR tại Việt Nam thuộc Chương trình tín dụng hỗn hợp giữa Norad-KfW”.
Tham dự Lễ ký kết, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ Vụ HTQT, Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ Xây dựng; Hội Cấp thoát nước Việt Nam; Bộ Kế hoạch & Đầu tư... Về phía Na Uy có Tiến sỹ Ragnhild Dybdahl - Đại diện Lâm thời cùng cán bộ chương trình, Đại sứ quán Vương Quốc Na Uy tại Việt Nam.
Thay mặt Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Trần Văn Sơn cảm ơn cơ quan hợp tác quốc tế Norad, Chính phủ Na Uy về sự hỗ trợ quý báu đã dành cho ngành Cấp thoát nước và Môi trường (CTN&MT) của Việt Nam. Đồng thời, đánh giá cao sự phối hợp tích cực của các đơn vị trong Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan như Bộ KH&ĐT, Tài Chính, Tư pháp... trong quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án.
Phát triển ngành CTN&MT là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Trong những năm qua, cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế, ngành CTN&MT Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể. Công suất của hệ thống cấp nước đạt 6,4 triệu m3/ngày đêm; công suất khai thác đạt 5,9 triệu m3/ngày đêm. Chất lượng và mạng lưới dịch vụ đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, ngành CTN&MT của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như tỷ lệ cấp nước còn thấp; tỷ lệ thất thoát nước cao; chất lượng nước chưa ổn định; nguồn lực đầu tư ngành Nước còn hạn chế; một lượng lớn nước thải và CTR chưa được xử lý vẫn thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng...
Trước những thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung xây dựng định hướng, quy hoạch, kế hoạch để huy động các nguồn lực nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường. Với trên 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Na Uy, Chính phủ Na Uy đã có nhiều hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Một số dự án về hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là các dự án ngành nước và môi trường được triển khai bằng nguồn vốn ODA của Na Uy đã in đậm dấu ấn quan hệ hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển Việt Nam - Na Uy, Chính phủ Na Uy đã đồng ý với Chính phủ Việt Nam xây dựng triển khai hỗ trợ kỹ thuật của dự án, tăng cường năng lực trong lĩnh vực cấp nước vệ sinh và quản lý CTR tại Việt Nam. Dự án này thuộc chương trình tín dụng hỗn hợp giữa Norad-KfW và cơ quan hợp tác phát triển Norad là đại diện cho Chính phủ Na Uy và Bộ Xây dựng là đại diện cho Chính phủ Việt Nam. Trong suốt thời gian gần 2 năm chuẩn bị dự án, Norad đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang làm việc với Bộ Xây dựng để nghiên cứu, chuẩn bị dự án. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng của cả hai bên, ngày 27/8/2012, tổ chức Norad đã có thư thông báo chính thức tài trợ không hoàn lại với số tiền khoảng 3 triệu USD. Ngày 4/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản phê duyệt danh mục dự án và giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt văn kiện, tổ chức, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án...
Nội dung chính của dự án là tăng cường năng lực cho 3 cấp chính quyền Trung ương, địa phương; các công ty CTN&MT đô thị; các ban quản lý dự án liên quan đến xây dựng các dự án của Ngành nhằm đảm bảo tính bền vững về hoạt động tài chính, kỹ thuật và lợi ích hoạt động của các công trình cấp thoát nước và Cty môi trường tại 12 đô thị. Với các mục tiêu và sản phẩm cụ thể của dự án, Thứ trưởng tin tưởng, dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ từ cấp trung ương tới địa phương trong cấp nước, vệ sinh và quản lý CTR. Kết quả của dự án sẽ làm minh chứng cụ thể cho quan hệ hợp tác phát triển hiệu quả giữa hai chính phủ Việt Nam và Na Uy...
Tiến sỹ Ragnhild Dybdahl - Đại diện Lâm thời, Đại sứ quán Vương Quốc Na Uy tại Việt Nam bày tỏ vui mừng thay mặt cho cơ quan hợp tác quốc tế của Na Uy cùng với Thứ trưởng ký kết biên bản ghi nhớ dự án tăng cường năng lực trong lĩnh vực cấp nước, vệ sinh và quản lý CTR tại Việt Nam thuộc Chương trình tín dụng hỗn hợp giữa Norad-KfW.
Đây là dự án cuối cùng trong số các dự án chính mà Chính phủ Na Uy cung cấp cho Việt Nam theo hiệp định 2003 và chương trình tín dụng hỗn hợp không kèm theo các điều khoản ràng buộc. Na Uy đã ký nhiều hiệp định về hỗ trợ cho các dự án cấp nước sạch và XLNT cũng như quản lý CTR ở rất nhiều khu vực của Việt Nam. Tất cả 12 dự án đều nhận được các khoản viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Na Uy trong giai đoạn là 10 năm. Bà Ragnhild Dybdahl cho rằng, vai trò của dự án rất quan trọng để cải thiện tính bền vững trong thực hiện hiệu quả của các dự án. Đồng thời hy vọng, trên cơ sở mối quan hệ bạn bè sâu đậm, quan hệ tác hữu nghị ngoại giao trên 40 năm giữa hai chính phủ Việt Nam và Na Uy, sự hợp tác sẽ còn tiếp tục được tăng cường hơn nữa trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cũng như thương mại, không chỉ trong lĩnh vực CTN và quản lý CTR...