Năm 2012 tiếp tục đánh dấu những thành công đáng ghi nhận của Vụ Quản lý hoạt động xây dựng trong công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ soạn thảo, ban hành một số văn bản pháp luật, góp phần đáng kể vào công tác quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Trung Dung – Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng xung quanh vấn đề này.
Ông Bùi Trung Dung – Vụ Trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng
Xin ông cho biết những kết quả mà Vụ Quản lý hoạt động xây dựng đã đạt được trong năm 2012.
Ông Bùi Trung Dung:Năm 2012 với chức năng của mình, Vụ QLHĐXD đã tập trung rà soát nghiên cứu, soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Trước hết, phải kể đến việc soạn thảo để Bộ trình Chính phủ ban hành NĐ 64/2012/NĐ-CP về cấp GPXD; trình Bộ Thông tư số 10/2012/TT-BXD hướng dẫn NĐ 64 và hiện nay đang hoàn thiện trình Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường ký Thông tư liên tịch giữa 2 Bộ hướng dẫn về các loại giấy tờ về Quyền sử dụng đất để cấp GPXD.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị định riêng biệt về cấp GPXD. Cùng với việc soạn thảo và ban hành Nghị định về GPXD, Vụ cũng đã soạn thảo trình Thủ tuớng ký ban hành Quyết định số 03/2012/QĐ-TTg về sửa đổi một số điều của QĐ 87 ban hành Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam nhằm cải cách thủ tục hành chính, quy định rõ các loại giấy tờ cần thiết và quy trình cấp giấy phép thầu.
Việc soạn thảo, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật đã gặp phải những khó khăn như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Trung Dung: Riêng lĩnh vực pháp luật về xây dựng thì liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như: Đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, những quy định về quảng cáo... cho nên trong quá trình soạn thảo cũng cần phải nghiên cứu tất cả những Luật có liên quan sao cho đồng bộ, thống nhất. Từ đó phải rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan cho nên đã nảy sinh những khó khăn nhất định như: thời gian bị kéo dài; một số nội dung mà ngành xây dựng cần quản lý thì lại vướng những Luật khác đã quy định nên chưa đồng bộ; hệ thống tổ chức quản lý xây dựng từ Trung ương đến địa phương chưa được hoàn thiện, năng lực quản lý ở mỗi địa phương cũng có sự chênh lệch... cho nên mỗi văn bản pháp luật ra để khả thi thì cũng còn là một vấn đề cần phải xem xét toàn diện.
Hiện nay, theo khoán hành chính cho nên việc hướng dẫn thực hiện cũng có nhiều khó khăn. Việc kiểm tra thực hiện pháp luật để xem xét các tổ chức, cá nhân có thực hiện đúng theo pháp luật không... Xem xét những vấn đề chưa đi vào thực tiễn để có thể điều chỉnh kịp thời. Đòi hỏi phải có kinh phí thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, đi khảo sát. Vì vậy, tiếp tục xem xét để có những nguồn kinh phí để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật.
Năm 2013 hứa hẹn nhiều khó khăn, ông nhận định như thế nào về những nhiệm vụ quan trọng của Vụ trong thời gian tới.
Ông Bùi Trung Dung: Trước hết Vụ Quản lý hoạt động xây dựng năm 2013 được Bộ giao nhiệm vụ nghiên cứu rà soát, sửa đổi Luật Xây dựng. Sau khi ban hành Luật Xây dựng thì có một loạt Luật được ban hành như: Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu...Tất cả những hoạt động xây dựng đều liên quan đến những Luật này. Để đảm bảo sao cho thống nhất đồng bộ với các Luật khác thì Luật Xây dựng cần phải rà soát điều chỉnh sao cho đồng bộ thống nhất với các Luật được ban hành sau đó.
Trong Luật Xây dựng, việc quy định quản lý chung cho tất cả nguồn vốn, bao gồm cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong đó nguồn vốn Nhà nước chưa được phân định rõ. Cho nên việc quản lý đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước cũng chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều dự án chưa hiệu quả, chất lượng chưa đảm bảo, tiến độ kéo dài... Trong Luật Xây dựng sửa đổi cần phải xác định rõ năng lực, vai chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước.
Năm 2012, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng đã tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở cho khoảng 3.000 dự án.
Việc tiền kiểm trong quá trình thẩm định các bước thiết kế để đảm bảo an toàn đối với các dự án sử dụng mọi nguồn vốn, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn khi xảy ra sự cố xảy ra hiểm họa không lường hết được. Thì cần phải có vai trò quản lý, thẩm tra, thẩm định của cơ quan Nhà nước.
Đồng thời năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trong thời gian vừa qua không có sự kiểm soát cho nên tình trạng các nhà thầu, cũng như các cá nhân hoạt động xây dựng, năng lực chưa đảm bảo. Sắp tới trong Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần phải quy định cụ thể và chi tiết hơn để đảm bảo nâng cao năng lực hoạt động xây dựng nhằm đảm bảo các dự án, các công trình đạt hiệu quả chất lượng cũng như đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài.
Một vấn đề nữa là việc điều chỉnh dự án cũng đang vướng mắc dẫn tới nợ đọng trong đầu tư xây dựng mới. Cho nên trong Luật Xây dựng cần phải đề cập tới việc điều chỉnh dự án khi có những biến động bất thường về cơ chế chính sách, giá...đảm bảo các dự án đủ vốn để hoàn thành công trình.
Cùng với việc nghiên cứu, soạn thảo sửa đổi Luật Xây dựng thì sẽ phải nghiên cứu các nghị định và thông tư có liên quan. Như các Nghị định quản lý các dự án, Nghị định quản lý chất lượng công trình... Trong chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Quốc hội thì yêu cầu phải trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 về thời gian cũng tương đối gấp đòi hỏi phải khẩn trương thực hiện việc này.
Vụ cũng đã được Bộ giao cho triển khai thực hiện Đề án Tin học hóa trong cấp phép xây dựng. Đây là một đề án tương đối lớn, thực hiện việc cải cách hành chính trong công tác cấp giấy phép xây dựng.
Để thực hiện những chức năng, nhiệm vụ mà Bộ giao, đồng thời nâng cao tính chủ động giải quyết một số công việc sự vụ. Vụ cũng đã xây dựng Đề án chuyển đổi từ Vụ Quản lý hoạt động xây dựng thành Cục Quản lý hoạt động xây dựng. Do vậy, năm 2013 cũng cần phải khẩn trương để ổn định tổ chức, thiết lập các phòng, các đơn vị chức năng, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà Bộ giao cho.
Từ nhiều năm nay, việc đánh giá xếp hạng năng lực nhà thầu chưa được quan tâm đúng mức. Được biết, Vụ đang tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký thông tin và đánh giá nhà thầu, ông có thể trao đổi một vài điểm nổi bật của Thông tư này?
Ông Bùi Trung Dung: Trong thời gian vừa qua, việc kiểm soát năng lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng chưa được chặt chẽ. Do cơ chế Nhà nước chỉ quy định điều kiện năng lực, còn các tổ chức tự xếp hạng và chủ đầu tư đánh giá năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện những công trình cụ thể. Cho nên việc kiểm soát năng lực của các nhà thầu là chưa đạt hiệu quả.
Để tăng cường năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân cũng như công khai minh bạch năng lực của các nhà thầu thì Vụ đang tiến hành soạn thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký và đánh giá nhà thầu.
Nội dung của Thông tư này là đưa ra các tiêu chí để chủ đầu tư và có sự tham gia của cơ quan Nhà nước đánh giá mức độ hoàn thành của nhà thầu đối với từng gói thầu, từng công trình. Nhà nước không xếp hạng năng lực mà việc này do chủ đầu tư đánh giá sự đáp ứng năng lực của nhà thầu theo yêu cầu của từng công trình.
Việc yêu cầu công khai thông tin trên trang thông tin điện tử là bắt buộc đối với các nhà thầu, tham dự thầu các công trình có sử dụng vốn Nhà nước. Hy vọng quy định này sẽ là cơ sở để cho các cơ quan, tổ chức giám sát việc lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ hiệu quả của dự án.
Để phục vụ cho công tác đánh giá nhà thầu, Vụ Quản lý hoạt động xây dựng đang đề xuất với Bộ cho phép thành lập Hiệp hội Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là tổ chức góp phần thực hiện công tác đánh giá việc thực hiện của các nhà thầu đối với từng công trình.
Trân trọng cảm ơn ông!