Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện rò rỉ hệ thống cấp nước


 
   
NDĐT - Ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước của ba sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã giành chiến thắng trong cuộc thi toàn quốc Sáng kiến thông minh về nước 2016.
Lễ công bố kết quả và đội chiến thắng cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước vừa được Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức chiều 6-6, tại Hà Nội.
Đội chiến thắng gồm ba sinh viên: Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long, đến từ Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh.
Em Trịnh Quốc Anh cho biết, ý tưởng của nhóm là xây dựng một ứng dụng trên điện thoại di động để phát hiện rò rỉ hệ thống cấp nước. Khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ nước trong quá trình sử dụng, người sử dụng có thể mở ứng dụng có sự hỗ trợ của định vị GPS báo cho ban quản lý tòa nhà biết vị trí của mình để kịp thời sửa chữa đường ống. Ứng dụng này vô cùng đơn giản mà không mất quá nhiều chi phí. Nếu được áp dụng và triển khai rộng rãi, sáng kiến này sẽ góp phần hạn chế lượng nước bị rò rỉ trong quá trình phân phối nước.
Đội chiến thắng sẽ tham dự chương trình Tuần lễ nước Thế giới tổ chức tại Thủ đô Stockholm, Thụy Điển từ ngày 27-8 đến 2-9-2016. Tuần lễ nước Thế giới là một diễn đàn thường niên và luôn thu hút hàng nghìn đại biểu quốc tế tham dự.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng đội chiến thắng sẽ học hỏi và tiếp thu nhiều kiến thức mới từ Tuần lễ nước Thế giới tại Stcockholm và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong tương lai cho một thế giới bền vững hơn”.
Tài nguyên nước cung cấp cho con người lương thực, nước sạch, năng lượng và các cơ hội để có một cuộc sống mạnh khỏe. Tuy nhiên, là một nguồn tài nguyên hữu hạn, nước đang chịu nhiều áp lực ngày càng tăng và rất nhiều trong số những thách thức to lớn hiện nay tại Việt Nam liên quan đến nước. Cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước nhằm tìm kiếm các giải pháp giải quyết những thách thức về nước mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai.

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Nguồn cung nước sạch mới chỉ đáp ứng cho 1/2 dân số Hà Nội
Với trên 7 triệu dân (chưa kể số lao động ngoại tỉnh), trong khi tổng sản lượng cung cấp 900.000m3/ngày, đêm chỉ đủ đáp ứng cho trên 4 triệu người, Hà Nội sắp bước vào một mùa hè nữa phải đối diện với thực trạng khó khăn nguồn cung cấp nước sạch.
Công nhân Nhà máy nước Gia Lâm đang vận hành hệ thống sản xuất nước sạch
Công nhân Nhà máy nước Gia Lâm đang vận hành hệ thống sản xuất nước sạch
Nhu cầu sử dụng tăng hàng ngày
Tổng nguồn cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay đạt khoảng 900.000m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Đà do Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) quản lý có lưu lượng khoảng 233.000m3/ngày, đêm; sản lượng chủ yếu phân phối qua Công ty CP đầu tư & Kinh doanh nước sạch (Viwaco). Nguồn cấp từ các nhà máy nước ngầm do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) quản lý với công suất khoảng 600.000m3/ngày, đêm. Nguồn từ 2 trạm cấp nước Hà Đông cơ sở 1 và cơ sở 2 do Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông quản lý với công suất khoảng 50.000m3/ngày, đêm. Cuối cùng là nguồn từ 2 trạm cấp nước Sơn Tây 1 và 2 do Công ty CP Cấp nước Sơn Tây quản lý với công suất khoảng 23.500m3/ngày, đêm.
Việc cung cấp nước sạch trên địa bàn TP hiện nay do 4 đơn vị nói trên đảm nhiệm, đáp ứng nhu cầu của 923.000 khách hàng, khoảng 1.080.000 hộ gia đình, tương đương 4.374.000 nhân khẩu, bằng hơn 1/2 dân số Hà Nội.
Tuy nhiên, những con số thống kê nói trên chưa thể phản ánh hết thực tế mối quan hệ cung - cầu nước sạch của Thủ đô. Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông Hoàng Văn Thắng cho biết: “Đi sâu khảo sát chúng tôi thấy rằng nhu cầu nước sạch của người dân lớn hơn nhiều so với thực tế”.
Ông Hoàng Văn Thắng dẫn chứng một số khu vực như Xa La, Biên Giang, Yên Nghĩa... (Hà Đông), hiện có rất nhiều người lao động, sinh viên ngoại tỉnh về thuê trọ. Các chủ nhà trọ trong quá trình chia phòng, xây căn hộ cho thuê đã tự ý chắp nối nhiều đường ống nhỏ, phân chia nguồn nước đầu vào vốn chỉ dành cho một hộ gia đình thành cả một mạng lưới nhỏ, cấp nước cho hàng chục đầu ra khác. Mặt khác, quy mô dân số Hà Nội đang từng ngày, từng giờ tăng lên nhưng tần số gia tăng lại nằm ngoài khả năng kiểm soát của các đơn vị cấp nước. Có gia đình trước đây chỉ 2 thế hệ, nay thành 3, thành 4 thế hệ. Người đông hơn, nhu cầu tăng lên nhưng cả người dân lẫn chính quyền địa phương lại dường như đang “mất liên lạc” với đơn vị cấp nước, đặt họ vào tư thế “hụt hơi rượt đuổi” nhu cầu sử dụng nước sạch ngày một vượt xa tầm với.
“Tôi tin chắc hiện tượng này xảy ra ở khắp nơi trên địa bàn TP, sản lượng nước mà người dân thực sự cần có khi cao hơn gấp đôi, gấp ba thống kê theo hợp đồng từ các đơn vị cấp nước”, ông Thắng nhận định.
Thất thoát lớn, lãng phí nhiều
Hà Nội đang sử dụng 2 nguồn cung cấp chính là nước ngầm và nước mặt nhưng cả 2 nguồn này đều đang lâm vào tình trạng bấp bênh, thiếu hụt. Các chuyên gia cho rằng, thực trạng này bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: Nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu; hạ tầng cấp nước cũ kỹ, thường xuyên xảy ra sự cố, đặc biệt là đường ống dẫn nước sông Đà; ý thức sự dụng nước sạch của người dân còn chưa cao, dẫn đến lãng phí, thất thoát nước.
Cũng theo các chuyên gia, với sản lượng khoảng 900.000m3/ngày, đêm, Hà Nội mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho trên 4 triệu người. Tuy nhiên, dân số Hà Nội đến thời điểm này đã đạt trên 7 triệu người (chưa kể lao động thời vụ, ngoại tỉnh cư trú thường xuyên). Trong khi để xây dựng hoàn thiện một hệ thống cấp nước mới phải mất đến vài năm thì dân số Hà Nội lại đang tăng từng ngày, việc thiếu nguồn cung là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, ngoài đường ống dẫn nước sông Đà với hàng loạt sự cố trong khoảng 2 năm qua, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của gần 700.000 người còn có một phần rất lớn mạng lưới cấp nước của TP đã cũ kỹ, lạc hậu hoàn toàn, vừa không đáp ứng được năng lực cung cấp, vừa gây thất thoát sản lượng nước không nhỏ. Đã vậy, ý thức sử dụng, tiết kiệm nước của người dân Thủ đô lại chưa cao, việc sử dụng nước sạch cả trong lúc đầy đủ lẫn thiếu thốn đều chưa hợp lý, lãng phí.
Trưởng phòng Hạ tầng cấp nước, Sở Xây dựng Hà Nội Lê Hồng Quân chia sẻ, hiện lượng nước thất thoát, thất thu của Hà Nội rơi vào khoảng 21,5%. Trong đó có phần rò rỉ trong mạng lưới nhưng một lượng không nhỏ lại do bộ phận người dân thiếu ý thức gây nên. Ông Lê Hồng Quân nhấn mạnh: “Nếu người dân khi sử dụng nước có ý thức tiết kiệm, biết nghĩ đến cộng đồng thì dù sản lượng thiếu, chúng ta vẫn có thể san sẻ, phân phối đều khắp TP”.
Cùng chung nhận định này, một số chuyên gia cho rằng, có 2 hiện tượng chính gây thất thoát nước từ lỗi ý thức của người dân. Một là khi bắt gặp các sự cố vỡ ống chính, hỏng van điều tiết, nhiều người thờ ơ, không thông báo ngay cho đơn vị cung cấp để sửa chữa kịp thời, dẫn đến thất thoát. Hai là nhiều nơi vẫn còn những người đục trộm ống nước, nói cách khác là “ăn cắp” nước để sử dụng, khiến đơn vị cấp nước vừa thất thu, vừa thiếu hụt sản lượng để phân phối.
Cùng chia sẻ khó khăn
Để ứng phó với vấn đề nước sạch chắc chắn sẽ phức tạp, gay go vào mùa hè này, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị cung cấp nước đang thực hiện hàng loạt giải pháp cả lâu dài lẫn tình thế. Tổng Giám đốc Viwaco Nguyễn Anh Việt cho biết, Viwaco đã đầu tư cải tạo trạm cấp nước Giáp Bát công suất 1.000m3/ngày, đêm nhằm bổ sung cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân khu vực phố Nguyễn Văn Trỗi và mặt đường Giải Phóng. Ngoài ra còn lắp đặt thêm 3 tuyến ống, 3 trạm bơm tăng áp cố định, 73 trạm bơm tăng áp di động để nâng cao năng lực cung cấp, rút ngắn thời gian mất nước khi có sự cố xảy ra trên đường ống sông Đà. “Tuy nhiên, chúng tôi mong người dân sử dụng nước tiết kiệm, đặc biệt là khi gặp sự cố bất khả kháng” - ông Việt nói.
Hai đơn vị Hawaco và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đều đang chạy đua với thời gian để bổ sung sản lượng. Phó Tổng Giám đốc Hawaco Trần Quốc Hùng cho biết, hiện Công ty đã có thêm khoảng 30.000m3 nước/ngày, đêm từ Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì, đồng thời cải tạo, khoan thay thế, bổ sung được 8 giếng nước ngầm, sản lượng gần 13.000m3/ngày đêm; giảm được 3.800m3/ngày, đêm lượng nước thất thoát. “Hawaco có khoảng 5% sản lượng phụ thuộc vào đường ống sông Đà, tuy nhiên khi gặp sự cố, ngoài việc bù đắp 5% thiếu hụt này, chúng tôi sẽ hết sức hỗ trợ, ứng cứu cho cả khu vực của Viwaco bằng mọi phương tiện cần thiết” - ông Trần Quốc Hùng nói.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông Lại Đức Thịnh nhận định: “30% nhu cầu nước của Hà Đông phụ thuộc vào nguồn cung từ nước sông Đà. Chúng tôi đã lắp đặt các trạm bơm tăng áp nội bộ, để điều tiết luân phiên và rút ngắn thời gian mất nước một khi xảy ra sự cố”. Với vai trò cơ quan quản lý, Trưởng phòng Hạ tầng cấp nước, Sở Xây dựng Lê Hồng Quân cho biết, đã có rất nhiều giải pháp tình thế được đưa ra, ví như việc lắp đặt bồn chứa tại các khu dân cư phòng khi mất nước, hay huy động hàng chục xe téc dự bị, chuyên chở nước đến cho người dân khi cần... Nếu có sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương và người dân, các biện pháp này sẽ phát huy hiệu quả cấp thời khi xảy ra sự cố mất nước. Các công ty cấp nước đều cam kết đảm bảo các thiết bị chứa hoặc chuyên chở nước sinh hoạt đều đã được cơ quan chức năng kiểm định, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn. Đặc biệt, Sở Xây dựng yêu cầu các đơn vị cấp nước quan tâm đến một số bệnh viện, trường học nằm trong khu vực khó khăn về nước, để có giải pháp cấp nước kịp thời khi xảy ra thiếu nước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động, vận hành của các cơ sở quan trọng này.
Mỗi đơn vị cấp nước có một phương án dự phòng riêng, cơ quan quản lý, chính quyền các cấp cũng tìm giải pháp, thế nhưng bài toán chung mà tất cả họ đều rất muốn tìm ra lời giải chính là ý thức của người dân. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, mỗi người dân cần ý thức được trách nhiệm của mình với vấn đề nước sạch. Sử dụng nước tiết kiệm, trước hết là tự giúp chính mình, sau đó là chia sẻ khó khăn với cả cộng đồng. “Nước không phải là vô tận”, hãy sử dụng nước tiết kiệm, đừng vì lợi ích riêng mà làm thất thoát, lãng phí để rồi chính bản thân, gia đình mình và cả xã hội phải gánh chịu hậu quả. Bên cạnh đó, các ban ngành hữu quan của TP cũng cần có biện pháp kiềm chế tốc độ gia tăng dân số, song song xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tìm thêm nguồn nước để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.
40 khu vực có nguy cơ thiếu nước
Theo báo cáo của các đơn vị cung cấp nước sạch được Sở Xây dựng tổng hợp và rà soát lại, hè 2016, Hà Nội sẽ có khoảng 40 khu vực lớn nhỏ gặp khó khăn, bất lợi về nguồn cung nước sạch.
Đứng đầu danh sách là toàn bộ địa bàn với gần 700.000 nhân khẩu của Công ty CP đầu tư & kinh doanh nước sạch (Viwaco), tập trung tại các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... chỉ có một nguồn cung duy nhất là đường ống dẫn nước sông Đà, nếu gặp sự cố vỡ ống, sẽ mất nước hoàn toàn trên diện rộng. Phía Viwaco cho biết: “Hiện nay, áp lực cấp vào mạng của công ty tại điểm đồng hồ DN1200 đang duy trì từ 12 - 17m giảm trung bình 7 m so với cùng kỳ năm 2015 nên các phường: Phú Đô, Đồng Bát, khu vực đường K2 phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); Khương Trung, Khương Đình, Định Công, Phương Liệt, Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân), phố Trần Bình thuộc phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy)… sẽ thiếu nước trong mùa hè và bị ảnh hưởng nặng hơn, lâu hơn nếu có sự cố vỡ ống xảy ra.
Trên địa bàn của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội còn tồn tại 26 điểm đen thiếu nước gồm: đường Bưởi, Thụy Khuê (Ba Đình). Các hộ cuối nguồn thuộc phường Chương Dương, Phúc Tân, phố Hàng Tre, Hàng Bồ, Lý Nam Đế, Hàm Tử Quan, Hồng Hà (Hoàn Kiếm). Khu vực phố các tuyến phố Pháo Đài Láng, Đê La Thành I, Vũ Ngọc Phan, Thành Công, Láng, ngõ Thái Thịnh 2, phố Nguyễn Phúc Lai, N1, N2, N3 Hoàng Cầu, Bãi rác Thành Công, ngách 24/27 Thổ Quan, phố Khâm Thiên; ngõ Văn Hương, ngõ Văn Chương, N2 - N46 Lê Duẩn, ngõ 10 Giải Phóng (Đống Đa); phố Vĩnh Tuy, dốc Minh Khai, phố Hồng Mai, ngõ Hòa Bình 7, Đê Thanh Lương, cơ đê Nguyễn Khoái, phố Trần Thánh Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Tự, đê Trần Khát Chân, phố Hoa Lư, Vân Hồ, Nguyễn Du, ngõ Tân Lạc, ngõ Tự Do - phố Đại La; ngõ Chùa Liên Phái - phố Bạch Mai (Hai Bà Trưng). Ngoài đê Lĩnh Nam, Đền Lừ, Bằng A - Hoàng Liệt, ngõ Thống Nhất phố Đại La, Ngõ Trại Cá phố Trương Định (Hoàng Mai). Cuối đường Phan Bá Vành… Một số khu vực gặp bất lợi khác là: Xa La, Dương Nội (Hà Đông) với 21.000 khách hàng.
Nguyên nhân chủ yếu do các khu vực này nằm trên cốt địa hình cao hoặc cuối nguồn nước, mạng lưới cung cấp cũ, yếu, không đảm bảo cung cấp. Đặc biệt, Công ty CP Nước sạch Sơn Tây cho biết, do hệ thống cấp nước đã khai thác hết và vượt công suất thiết kế nên các khách hàng ở xa nguồn nước có thời điểm chỉ cấp được 2 đến 3 giờ/ngày, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Dòng Đa Độ kêu cứu

Với nhiều người Hải Phòng, Đa Độ (xưa còn gọi là Cửu Biều Giang) là dòng sông trong xanh với khung cảnh thơ mộng đôi bờ. Bao năm qua, sông cung cấp nước sạch cho hàng vạn gia đình sinh sống chung quanh, người dân nội thành cũng như bảo đảm tưới tiêu cho rất nhiều cánh đồng trù phú. Cá, tôm dồi dào dưới sông là nguồn sống cho hàng trăm hộ làm nghề chài lưới. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp đẽ ấy nay chỉ còn trong ký ức. Một lần được ngược dòng cùng cán bộ, nhân viên Trạm quản lý sông Đa Độ (Công ty CP Bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng), mới thấy nhiều điều đáng suy nghĩ…

Kỳ 1:  Dòng sông ô nhiễm

Đầu giờ sáng một ngày cuối tuần, trong tiết trời mưa xuân lất phất, chúng tôi cùng nhóm cán bộ, nhân viên Trạm quản lý sông Đa Độ xuống ca-nô ngược dòng Đa Độ. Tiếng máy ca-nô rù rì, sau dần rít lên đưa chúng tôi từ thị trấn Núi Đối hướng về phía cống Cổ Tiểu để bắt đầu hành trình. Theo lời anh Nguyễn Mạnh Tú, Trạm trưởng Trạm quản lý sông Đa Độ, điểm cuối trước khi sông Đa Độ hòa vào dòng Văn Úc đổ ra biển thuộc địa phận xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy). Tiếp đó, sông ngược lên trên qua địa phận hàng chục phường, xã, thị trấn thuộc các huyện Kiến Thụy, An Lão và các quận Đồ Sơn, Kiến An, Dương Kinh. Điểm đầu của sông Đa Độ là cống Trung Trang lấy nước từ dòng Văn Úc thuộc địa phận xã Bát Trang (huyện An Lão).
Thị trấn Núi Đối nhìn từ sông Đa Độ.      Ảnh: Trung Kiên
Thị trấn Núi Đối nhìn từ sông Đa Độ.
Ảnh: Trung Kiên
Cách đây chừng một hai tháng, trong lần chuyện trò với ông Hoàng Văn Khủng, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ- người từng gắn bó với dòng Đa Độ hàng chục năm, được biết, cái tên Cửu Biều Giang với hàm ý xưa kia dòng sông uốn khúc 9 đoạn từ trên cao nhìn xuống giống quả bầu, nhiều người rõ; nhưng cái tên chính Đa Độ nghĩa ra sao thì ít người biết. Theo cách lý giải của ông, Đa: nhiều, Độ: bến; Đa Độ đơn giản là dòng sông có nhiều bến ở đôi bờ. Nào là bến đò, bến thuyền, nào là bến nước, bến tắm, bến cá… Cái tên cổ này nói lên tầm quan trọng của sông Đa Độ với sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải và đời sống sinh hoạt của người dân sinh sống hai bên bờ.

Sau chừng 30 phút rẽ nước, khi chúng tôi có mặt ở khu vực cống Cổ Tiểu, gió mang hơi muối thổi từ biển vào mát rượi. Từ cống Cổ Tiểu, người điều khiển kéo mạnh tay ga để ca-nô “bay” trên mặt sông. Thế nhưng, chỉ chừng dăm bảy phút, lại phải trở về tốc độ “rùa bò”. Theo hướng chỉ tay của anh Tú trạm trưởng, trước mắt cơ man là bèo. Thưa thì quây thành khóm, dày thì ken thành mảng lớn. Có những thời điểm, mật độ bèo tây dày đến mức, có thể bước xuống đi bộ trên mặt sông chẳng khác gì trên bờ. Chính vì lớp bèo thường trực này mà 10 chuyến tuần tra dọc sông, có tới 4-5 lần ca-nô không thể đi được. Theo quy định, trừ những tình huống khẩn cấp, đặc biệt, mỗi tháng 3 lần, trạm phải tiến hành tuần tra dọc sông, cả đi lẫn về lên tới cả trăm cây số. Theo anh Tú, nhiều lần, trạm phải cắn răng thuê thuyền máy vừa đi trước dẫn đường, vừa kéo ca-nô vượt qua đoạn sông nhiều bèo. Chi phí cho mỗi lần thuê như vậy mất 700.000 đồng, tất nhiên không có hóa đơn chứng từ, trạm phải co kéo theo kiểu “giật gấu vá vai”.

Qua địa phận xã Đoàn Xá, lần lượt đến các xã Tân Phong, Minh Tân, thị trấn Núi Đối, xã Đại Đồng…, dù chuẩn bị tâm lý trước chuyến đi, nhưng việc được “mục sở thị” khiến chúng tôi kinh hoàng về tình trạng ô nhiễm của dòng sông vốn nổi tiếng đẹp và thơ mộng. Vừa đi, anh Tú vừa tranh thủ cung cấp một số thông tin nắm được về tình trạng ô nhiễm trên dòng sông mà anh gắn bó hơn 5 năm. Ngoài vô số trang trại chăn nuôi, khu dân cư, làng nghề, đáng sợ nhất là nước thải của nghĩa trang, bệnh viện, trạm y tế xã… cũng xả trực tiếp xuống sông.

Gắn bó cả tuổi thơ với dòng Đa Độ, trở về công tác tại trạm từ năm 2011 sau thời gian lênh đênh trên tàu viễn dương, cứ qua một trang trại, nhà máy, bệnh viện hay khu dân cư, anh Tú lại lắc đầu quầy quậy: “So với nhiều dòng sông tôi từng xuôi ngược, đôi bờ sông Đa Độ không có nhiều khu dân cư. Theo lẽ thường, nước sông phải sạch, trong. Vì thế, việc để nước sông ngày càng ô nhiễm, cần xem xét đến công tác quản lý và quy hoạch”. Thở dài một hơi, anh tiếp lời: “Hồi còn nhỏ, mỗi khi đi qua cầu Đối vào mùa hè, thấy bãi sen cạnh công viên Dương Kinh (thị trấn Núi Đối- PV), lúc nào cũng ngào ngạt hương sắc. Nhưng gần 10 năm trở lại đây, không hiểu sao tự nhiên sen “bay” hết sạch. Có lẽ loài hoa nổi tiếng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” này không chịu được sự ô nhiễm của nước sông. Không biết sau sen, đến lượt loài nào sẽ trở thành “vật tế thần”?”.

Theo thống kê sơ bộ, có hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp, khoảng trên dưới 50 làng nghề, gần 60 trạm y tế, 3 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa huyện An Lão, Bệnh viện đa khoa huyện Kiến Thụy, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hải Phòng), 2 khu dân cư lớn (thị trấn Núi Đối và thị trấn Ruồn)… đang ngày ngày làm ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ. Trong khi đó, đây lại là nguồn cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Nguyệt với công suất 40.000 m3/ngày, lớn thứ 2 trên địa bàn thành phố chỉ sau Nhà máy nước An Dương (140.000 m3/ngày).


Kỳ 2:  Bóp nghẹt dòng chảy

Trong hành trình ngược sông Đa Độ bằng ca-nô cùng cán bộ, nhân viên Trạm quản lý sông Đa Độ cũng như tìm hiểu thực tế, chúng tôi được tận mắt chứng kiến dòng chảy của sông đang bị những hành động cả vô tình lẫn cố ý của con người bóp nghẹt. Thực trạng này dễ dẫn tới đồng ruộng bị ngập úng vào mùa nước lên và sự không an toàn của các phương tiện thủy lưu thông trên sông.

Chỉ tay về đoạn sông bị phủ kín bởi bèo tây, chị Nguyễn Thị H., ở xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy), công nhân doanh nghiệp nằm ven đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh), hỏi chúng tôi: “Các anh, các chị thấy có gì lạ không?”. “Toàn bèo tây, có gì lạ đâu?”- đồng nghiệp đi cùng nhanh nhảu. “Nhưng sao bèo lại không theo gió, theo nước chảy trôi đi mà cứ khoanh lại thành đám, lại “nấp” sau khu dân cư chứ?”- Chị H. gợi mở. Đúng là lạ thật khi bèo tây, dù nhiều, lại không lan tràn khắp mọi nơi ở mặt sông mà co cụm thành từng mảng, từng đám theo khu. Mà càng lạ hơn nữa, những đám bèo đó đều được những sợi dây thừng lớn, cách một đoạn được buộc một tấm phao nổi, quây lại. Khi được hỏi, liệu có phải có người quây lại để nuôi bèo không, anh Tú đặt câu hỏi ngược lại: “Vớt bèo về cho gà, cho lợn ăn, chỉ cần quơ vài quơ là đầy thuyền. Liệu có người rảnh rỗi đến mức bỏ tiền mua hàng trăm mét dây rồi bỏ công ra quây để chơi?”. Khi hỏi ai làm, anh không trả lời.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc chiều dài sông Đa Độ có 2 đội kênh trục chính Kiến Thụy và An Lão trực thuộc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ với trên dưới 40 cán bộ, nhân viên. Trước đây, việc vớt bèo bảo đảm dòng chảy cũng như giao thông đường thủy thuộc một số trạm khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, nay thuộc về 2 đội trên. Nhiều lần phía công ty lý giải nguyên nhân tình trạng bèo ngập mặt sông là do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân sinh sống hai bên bờ, hiếm khi thấy có người vớt bèo. Để “né” các đoàn kiểm tra, khảo sát, ai đó nghĩ ra “sáng kiến” quây bèo núp sau khu dân cư hoặc nơi khuất nẻo nên đi trên đường ít khi quan sát thấy.

Cũng vì chuyện bèo ở một số đoạn quá nhiều và quá dày, nên mỗi chuyến đi tuần tra trên sông, bao giờ trong hành trang của anh em Trạm quản lý sông Đa Độ cũng có thêm con dao sắc để cắt dây cho bèo trôi. Thế nhưng, cứ cắt xong, lại có người nối lại. Điệp khúc cắt- nối, nối- cắt diễn ra hết ngày này qua ngày khác chẳng khác nào chuyện đóng cọc của người thả lờ bát quái hay dùng neo rê của đội kéo lưới vét.

Chả là ấm ức vì lưới vét đi đến đâu, càn quét đến nấy; một vài hôm nhấc hàng chục chiếc lờ bát quái mà chỉ được mớ cá vụn, một số ngư dân liền nghĩ ra chuyện đóng cọc dưới lòng sông, đầu cọc chìm dưới mặt nước chừng 1-2 mét. Không hiếm trường hợp người đánh lưới vét bị tan tành cả bộ lưới có giá hàng chục triệu vì “tiểu xảo” này. Để trả đũa, họ nghĩ ra cách cao tay hơn: dùng neo vừa chạy, vừa rê dưới đáy sông kéo theo hàng chục, hàng trăm chiếc lờ bát quái.

Tình trạng này không chỉ gây mâu thuẫn trong người dân tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Những ngày nước cạn, tàu thuyền qua lại trên mặt sông rất dễ “găm” phải cọc. “Ngoài tàu thuyền đánh bắt thủy sản, may mắn rất ít phương tiện vận tải qua lại trên mặt sông. Với tôi, dù thân thuộc với dòng sông, nhưng vừa lái ca-nô vừa run bởi chỉ cần quệt qua thôi cũng có thể lật nhào!”- anh Nhật, nhân viên lái ca-nô của trạm, giãi bày.

Góp phần vào tình trạng “bát nháo” trên dòng Đa Độ, phổ biển nhất là việc dựng chòi nổi trên mặt sông, thậm chí chặn một đoạn nhánh mở nhà hàng. Ở khu vực thị trấn núi Đối có khá nhiều nhà hàng kiểu này, trong đó có nhà hàng Ánh Tuyết và Liên Khánh. Bất chấp việc này vi phạm hành lang an toàn đường thủy, chẳng thấy cơ quan chức năng nào xử lý hay dỡ bỏ. Bên cạnh đó, người người, nhà nhà còn đua nhau cơi nới lấp sông. Đơn cử như trường hợp 1 hộ dân ở thôn Đức Phong (xã Đại Đồng) được huyện Kiến Thụy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau đó thành phố ra quyết định thu hồi vì vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy. Do huyện chưa bố trí mảnh đất khác “đền bù”, hộ dân này ngang nhiên đổ đất lấn sông trên diện tích mà giấy chứng nhận đã bị thu hồi. Hay mới nhất là trường hợp một hộ dân ở xã Mỹ Đức (huyện An Lão) ngang nhiên đổ đất lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi cầu Nguyệt. Điều khó khăn là phía Trạm quản lý sông Đa Độ chỉ có thể lập biên bản rồi báo cáo cấp trên, chứ không có chế tài xử lý. Vì thế, bằng những cách khác nhau, dòng chảy của sông Đa Độ vẫn ngày ngày bị nhiều người chung tay bóp nghẹt.

Trong hành trình ngược sông Đa Độ, chúng tôi thấy dọc 2 bên bờ, những đoạn không có khu dân cư hay cơ sở sản xuất công nghiệp, đều được be đắp khá cẩn thận. Tìm hiểu được biết, đây là công trình bảo vệ nguồn nước, dòng chảy cũng như hệ thống thủy lợi. Không biết theo quy hoạch tuyến bờ này cao vào rộng bao nhiêu, nhưng từ trên cao nhìn xuống, chẳng khác gì con giun ngoằn nghèo. Nơi phình ra, chỗ lại thắt vào. Giống như tình trạng bèo tây, những nơi dễ quan sát thì to đẹp, bề mặt rộng trên dưới 5 mét, còn chỗ khuất nẻo thì vừa thấp, bề mặt chỉ trên dưới 2 mét (?).

Thực trạng nước bị ô nhiễm, hành lang an toàn giao thông đường thủy bị vi phạm, dòng chảy bị bóp nghẹt diễn ra ngày một trầm trọng trên sông Đa Độ. Thực tế này đòi hỏi phải có hành động ngay, kịp thời của các cơ quan chức năng, nhất là những đơn vị quản lý trực tiếp như Phòng Tài nguyên- Môi trường các quận, huyện hai bên bờ sông, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, Công ty CP Bảo đảm giao thông đường thủy Hải Phòng, chính quyền các xã, phường quận, huyện trong việc nâng cao nhận thức của người dân, xử lý nghiêm những hành động vi phạm hay thái độ lơ là, thiếu trách nhiệm, thậm chí gian dối của những cá nhân, đơn vị trực tiếp quản lý.                       

Kỳ cuối: Tận diệt nguồn lợi thủy sản

Mới đây, dư luận xôn xao về chuyện một ngư dân đánh cá bắt được con ba ba “khủng” nặng tới 17,5 ở gần cầu Đối, thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy (cuối tháng 2-2016. Trong khi nhiều người mắt tròn, mắt dẹt về “cụ” ba ba được đồn đoán là có họ hàng xa với “cụ” rùa Hồ Gươm, anh H. (xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy), một người gắn bó với dòng Đa Độ cả chục năm với việc đánh bắt tôm cá bằng te kích điện, lại tỏ vẻ nghi hoặc, bởi theo anh, sông làm gì còn ba ba to như vậy sống hoang dã. Nhiều lần anh tận mắt chứng kiến chiêu trò của một số ngư dân.

Vào thời điểm đầu giờ trưa hoặc cuối giờ chiều, khi khách nhậu đến một số nhà hàng có chòi nổi ven sông để vừa nhấm nháp, vừa thưởng thức những cơn gió trong lành từ mặt sông thổi lại hay khung cảnh đẹp như tranh vẽ, một số ngư dân láu cá mắc sẵn vào lưới những con cá trắm đen, ba ba to (tất nhiên được nuôi) rồi kéo rê đến khu vực chòi nổi. Trong con mắt thích thú của khách nhậu, họ thản nhiên kéo lưới. Thế rồi a-lê-hấp, bỗng một chú trắm đen nặng đến dăm bảy ký, hoặc hơn, và ba ba chừng đôi ba ký, bỗng nổi lên quẫy trắng xóa cả một vùng mặt nước. Bị thuyết phục bởi màn “biểu diễn” vô tiền khoáng hậu này, thực khách, tất nhiên là không tiếc tiền đua nhau trả giá để được thưởng thức “hàng tự nhiên quý hiếm mục sở thị”. Giá ba ba nuôi tại các nhà hàng loại lớn chừng 600-700 nghìn đồng/ký lô, còn trắm đen ở chợ cũng chỉ hơn 100 nghìn đồng/cân, thì loại tự nhiên phải đắt gấp đôi, gấp ba. Tất nhiên, khi được tiếng là “đại gia”, chẳng ai tiếc tiền cho những món đồ “xịn”.

Thực tế, không chỉ ba ba, trắm đen, mà nguồn lợi thủy sản trên sông hầu như cạn kiệt. Ngoài những phương thức khai thác truyền thống, những “ngư dân chân chính” còn dùng đến những cách khai thác theo kiểu “không cho chúng nó thoát”. Ít vốn thì sắm bộ te kích điện rồi đẩy, chèo thuyền dọc đôi bờ. Cùng với những tiếng “te te, tè tè” nghe vui tai, tôm cá lớn nhỏ trong tầm vợt đều nổi trắng bụng. Và trứng tôm trứng cá chẳng bao giờ nở thành tôm con, cá nhỏ được nữa. Tuy nhiên, so với lưới màn, lưới vét, te kích điện chỉ là “muỗi”. Những bộ lưới màn, lưới vét, khi buông xuống quây kín cả một khoảnh sông. Từ cá vược, trắm đen cả chục cân đến cá mương chỉ bằng ngón tay trẻ nhỏ, chẳng con nào thoát.

Trong trí nhớ của ông Hoàng Văn Khủng, xưa kia dòng Đa Độ lắm tôm, nhiều cá. Trước đây, những canh nước đài 2, nhất là tang nước đêm giao thừa, chẳng bao giờ có nước mặn hay nước lợ. Người thủ cống khi ấy, bằng sự hiểu biết và dũng cảm, sẵn sàng mở toang cửa cống để đưa lượng lớn trứng tôm, trứng cá theo dòng nước ngọt tràn về sông. Vì thế, chuyện bắt được những con trắm đen, vược nặng hàng chục cân trên sông Đa Độ là “thường ngày ở huyện”! Nhưng theo thời gian, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần. Chưa nhắc đến cách con người đối xử với sông (dùng nhiều dụng cụ, cách khai thác mang tính tận diệt và hủy diệt), sự hiểu biết của con người với dòng sông cũng là một điều đáng buồn. Từ khi cống Cổ Tiểu trở thành cống chuyên tiêu, có nghĩa chỉ mở ra để thoát nước ra biển, thì mất đi một lượng lớn trứng tôm cá.

Khi được hỏi, sao để tình trạng này liên tục diễn ra, anh Tú, Trạm trưởng Trạm quản lý sông Đa Độ, lắc đầu ngao ngán, đây không phải chức năng, nhiệm vụ của trạm cũng như bên phía Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, mà của ngành Tài nguyên Môi trường. Mà Phòng Tài nguyên Môi trường các huyện Kiến Thụy cũng như An Lão hay quận Dương Kinh và Kiến An thì lấy đâu ra người cũng như phương tiện (đường thủy) để kiểm tra, xử lý thường xuyên. Thậm chí, có khi thành phố tổ chức thả cá giống để tăng nguồn lợi thủy sản ở đầu nguồn, cuối nguồn họ giăng lưới bắt sạch. Những con rô phi, trắm, trôi, mè… chỉ bằng ngón tay cái ăn vừa đắng vừa tanh, chó mèo cũng chê huống chi con người, nên chỉ có nước nấu cho lợn. “Chẳng biết cá giống  người ta bán sao chứ loại cá này ngoài chợ, chỉ vài nghìn một cân thôi!”- anh Tú cho biết.

 “Năm này qua năm khác, hết te kích điện rồi đến lưới màn, lưới vét thi nhau “dọn sạch” tôm cá dưới sông. Theo đà này, chỉ một vài năm nữa, dưới sông sẽ chẳng còn gì. Tôi biết chắc là việc khai thác thủy sản bằng te kích điện bị cấm, nhưng một số người cứ nhơn nhơn làm mà chẳng bị cơ quan chức năng xử lý. Còn với lưới màn, lưới vét, dù không rõ nhưng theo tôi, nên cấm hoặc có quy định chặt chẽ về kích cỡ mắt lưới để những con tôm, cá nhỏ có cơ hội lớn lên!”- ông T., một ngư dân gắn bó với dòng sông mấy chục năm với nghề thả lờ bắt tôm, ngậm ngùi!.

Mặc dù chuyến ngược dòng Đa Độ không được trọn vẹn, bởi ca-nô không thể vượt qua đoạn bèo tây dài đến cả cây số ở đoạn giáp ranh giữa xã Đông Phương với phường Đa Phúc (quận Dương Kinh), nhưng qua hơn 10 cây số, chúng tôi thật sự buồn lòng trước những gì mắt thấy, tai nghe. Kết thúc chuyến ngược dòng này, anh Tú, Trạm trưởng Trạm quản lý sông Đa Độ, bộc bạch: “Hơn 3 năm làm thủy thủ tàu viễn dương từ năm 2006-2008, sóng to gió lớn nơi biển cả rèn cho tôi bản lĩnh cùng sự “gan lỳ” ghê gớm. Thế nhưng, chứng kiến dòng sông thân yêu bị đầu độc, bị người ta bóp nghẹt, nhiều lúc tôi không kìm được nước mắt!”.

Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020 đề ra mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2013-2015: “Xử lý từ 30% trở lên lượng nước thải ra môi trường các lưu vực sông, trong đó 50%- 70% do doanh nghiệp xả thải; 100% do bệnh viện xả thải; bảo đảm thu gom toàn bộ lượng nước thải, không để xả thải trực tiếp ra sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ, sông Chanh Dương; kênh Hò#n Ngọc, hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng”. Thế nhưng, nước thải, nhất là các bệnh viện, vẫn được xả trực tiếp đầu độc sông Đa Độ. Nếu tình trạng như hiện nay tiếp diễn, chẳng lâu nữa Đa Độ sẽ trở thành dòng sông chết. Khi ấy, có đổ bao tiền của cũng như sức người, cũng chỉ là “xuống sông, xuống biển”.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Hỗ trợ kinh phí để lò đốt rác thải hoạt động hiệu quả

Vừa qua, các ngành chức năng thành phố, huyện Vĩnh Bảo tổ chức đánh giá hiệu quả đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ BD-Anpha tại thị trấn Vĩnh Bảo. Qua đánh giá cho thấy, lò đốt rác thải đưa vào hoạt động giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, cho hiệu quả xử lý cao hơn so với hình thức chôn lấp trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài, việc quản lý, vận hành lò đốt rác gặp nhiều khó khăn, cần được thành phố hỗ trợ kinh phí.

Theo báo cáo của UBND thị trấn Vĩnh Bảo, mỗi ngày, trên địa bàn thị trấn phát sinh khoảng 10 tấn rác thải sinh hoạt. Trước đây, vì không có bãi rác thải tập trung nên rác thải được thu gom “đổ nhờ” tại bãi rác của xã Tam Đa, xã Tân Hưng hoặc tập kết tại bãi rác thải tạm khoảng hơn 1.000 m2, nằm ngay tại ngã 3 kênh cầu Tây và kênh Ba Đồng (cách nhà máy nước Vĩnh Bảo vài trăm mét). Có thời điểm bác rác tạm này đầy, ùn ứ, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho nhà máy nước Vĩnh Bảo. Việc này khiến người dân sống quanh khu vực bức xúc và lo lắng.

Để khắc phục tình trạng này, tháng 6-2015, thành phố đồng ý cho huyện Vĩnh Bảo xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt theo công nghệ BD-ANPHA (Nhật Bản) tại xứ đồng Đom Đóm, khu dân cư Nam Sơn, với diện tích 12.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 5,7 tỷ đồng. Các hạng mục xây dựng gồm: thiết bị lò đốt, nhà xử lý rác, các công trình phụ trợ, hệ thống sấy rác và băng tải cao su. Đến tháng 7-2015, lò đốt rác hoàn thành và đưa vào sử dụng. UBND thị trấn Vĩnh Bảo giao Công ty CP môi trường Vĩnh Bảo quản lý, vận hành lò đốt rác.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bảo, từ khi đưa vào vận hành, mỗi ngày lò đốt rác xử lý từ 6-7 tấn rác thải của hơn 2.500 hộ dân trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bảo. Nếu hoạt động đúng theo thiết kế, mỗi ngày, lò đốt rác xử lý tối đa 12 tấn rác thải sinh hoạt, giải quyết được hết lượng rác phát sinh trên địa bàn. Từ khi lò đốt rác đưa vào hoạt động đến nay mang lại hiệu quả rõ rệt, không những làm giảm nguy cơ ô nhiễm do mùi hôi thối, nước rỉ từ rác ra ngoài môi trường, mà còn giảm diện tích đất chôn lấp rác thải, giảm kinh phí chi cho việc san lấp, xử lý môi trường tại bãi rác. Hơn nữa, công suất xử lý rác thải sinh hoạt nhanh, hiệu quả xử lý cao hơn so với hình thức chôn lấp trước đây.

Tuy nhiên, ông Sơn cho biết, thành phố chỉ đầu tư kinh phí xây dựng lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản, còn việc quản lý, vận hành là trách nhiệm của địa phương. Qua mấy tháng vận hành, lò đốt rác thải tại thị trấn bộc lộ một số hạn chế như: nhiệt độ của lò đốt khó đạt trên 1.000 độ C nên việc xử lý các chất độc hại trong khói thải rất khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường không khí; tăng chi phí vận hành lò đốt (tiền điện, trả lương công nhân vận hành, thuê bảo vệ…). Chất thải sau khi đốt rác không tận dụng được mà phải sử dụng biện pháp chôn lấp để xử lý. Đặc biệt, việc quản lý, vận hành lò đốt rác cần nhiều công nhân (khoảng 16 công nhân chia làm 3 ca/ngày). Trước đây, khi chưa xây dựng lò đốt rác thải, huyện Vĩnh Bảo hỗ trợ 15 triệu đồng/tháng để địa phương xử lý rác thải theo phương pháp chôn lấp. Nhưng từ khi đưa lò đốt rác vào sử dụng, nguồn kinh phí này bị cắt, địa phương gặp khó khăn về kinh phí để duy trì và vận hành hệ thống này. Mọi chi phí phục vụ quản lý, vận hành lò đốt rác đều trông chờ vào nguồn lệ phí thu gom rác từ nhân dân.

Thực tế hiện nay, Công ty CP môi trường Vĩnh Bảo đang quản lý, vận hành lò đốt rác này có 30 cán bộ, công nhân, trong đó có 14 công nhân thu gom, 10 công nhân vận hành tại lò đốt. Mỗi tháng đơn vị trực tiếp thu gom rác thải sinh hoạt và thu phí vệ sinh môi trường đối với hơn 2.500 hộ dân và 30 cơ quan, trường học trên địa bàn thị trấn được khoảng hơn 60 triệu đồng. Trong khi đó, đơn vị phải chi gần 100 triệu đồng/tháng gồm: trả lương cho công nhân, bộ phận quản lý, tiền điện, nước, mua đồ bảo hộ lao động, thuê xe thu gom, vận chuyển rác từ khu dân cư về bãi tập kết để đốt rác…

Tại cuộc họp đánh giá hiệu quả lò đốt rác thải sinh hoạt tại thị trấn Vĩnh Bảo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Sở TN&MT và các phòng, ban huyện Vĩnh Bảo cũng đồng ý với những đánh giá về ưu điểm, hạn chế của lò đốt rác công nghệ BD-Anpha này. Tuy nhiên, để lò đốt rác đem lại hiệu quả cao nhất, lãnh đạo địa phương đề nghị thành phố sớm có cơ chế hỗ trợ kinh phí quản lý, vận hành lò đốt hoặc quy định tăng mức thu phí vệ sinh môi trường, nhằm bảo đảm kinh phí trang trải cho công tác thu gom, xử lý rác thải tại lò đốt, tránh tình trạng khó khăn như hiện nay.

Chống ngập khu vực nội thành Hải Phòng
Nâng cao khả năng vận hành hệ thống thu nước và thoát nước

Năm 2016 được dự báo ít mưa, nhưng có khả năng xuất hiện những cơn mưa bất thường, mưa to. Từ cuối tháng 3 đến nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng triển khai chiến dịch nạo vét ga thu, tăng cường vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống cánh cống, trạm bơm, cống ngăn triều và mương hồ nhằm tăng cường khả năng chống ngập trên địa bàn 4 quận Ngô Quyền, Lê Chân, Hồng Bàng và Hải An.

Tổng vệ sinh diện rộng

Chiến dịch nạo vét ga thu, tăng cường vệ sinh, chủ động chống ngập  trong mùa mưa bão là hoạt động được công ty triển khai sớm, trên diện rộng và duy trì từ nhiều năm qua. Trong dịp này, toàn thể công nhân của 4 xí nghiệp thoát nước được huy động tiến hành nạo vét ga thu hàm ếch trên tất cả các tuyến đường, ngõ ngách; phá dỡ vật cản trước miệng ga thu; vớt vật cản, mở rộng mương khơi thông dòng chảy; bơm rửa bờ kè các hồ điều hoà; dọn vệ sinh các trạm bơm nước thải, kiểm tra công tác vận hành trạm bơm, cống ngăn triều; kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống cánh phai, van lật, cống ngăn triều; cập nhật số liệu về mưa cũng như tình trạng ngập lụt làm cơ sở cho việc quản lý và kịp thời sửa chữa các công trình, hệ thống thoát nước:

Với  tổng cộng 14 cống ngăn triều, 450km đường ống và gần 20.000 ga cống các loại, Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống thoát nước đứng đầu toàn quốc. Tuy nhiên, hệ thống thoát nước đô thị của thành phố dùng chung cho thoát nước mưa và thoát nước thải; hạ tầng thoát nước do xây dựng từ lâu, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ đô thị hoá; tình trạng lấn chiếm lòng kênh, mương cũng như sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân khiến khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị Hải Phòng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vớt bèo khơi thông dòng chảy tại kênh An Kim Hải trên địa bàn quận Hải An.
Vớt bèo khơi thông dòng chảy tại kênh An Kim Hải trên địa bàn quận Hải An.
Để tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho đô thị, thời gian qua, Công ty Thoát nước triển khai nhiều giải pháp, trong đó chủ động khai thác hiệu quả chương trình hợp tác giữa Hải Phòng và thành phố Kytakyushu (Nhật Bản) trong lĩnh vực môi trường và cấp - thoát nước. Qua đó, tăng cường trao đổi thông tin, tập huấn kỹ năng chuyên ngành về quản lý hệ thống thoát nước, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống thoát nước. Đặc biệt, lần đầu Công ty thoát nước Hải Phòng thí điểm chương trình kiểm tra lòng cống thoát nước bằng thiết bị tivi camera để phát hiện các điểm rò rỉ, nứt vỡ và ách tắc thay thế con người do Cục Cấp thoát nước thành phố Kytakyushu hỗ trợ về thiết bị và kỹ thuật.

Chú trọng giải quyết các trọng điểm ngập

Cùng với tổng vệ sinh và bảo dưỡng thiết bị tổng thể, công ty tập trung cao cho những điểm có nguy cơ ngập lụt khi xảy ra những cơn mưa lớn hơn 100mm.

Theo Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Thoát nước Nguyễn Minh Tuấn, hơn 3 năm qua, nhiều trọng điểm ngập trên địa bàn 4 quận được công ty tập trung giải quyết, do đó diện ngập, thời gian và chiều cao ngập tại nhiều điểm giảm khá rõ. Tuy vậy, với những cơn mưa lớn hơn 100mm, còn những điểm đáng lo ngại trên các tuyến đường như : Đình Đông, An Đà, Lê Lợi (quận Ngô Quyền); Minh Khai, Đường 5 (cũ) thuộc quận Hồng Bàng; khu bãi Cát, đường  Văn Cao, Đông Hải 1 (quận Hải An); Tô Hiệu (quận Lê Chân)...Theo đó, công ty chỉ đạo các xí nghiệp chú trọng chống ngập tại các điểm này. Trong đó, khu vực Đông Hải 1, đơn vị tiến hành cơi cổ ga, sửa chữa ga hỏng đường Bùi Thị Tự Nhiên; nạo vét lợi ga hàm ếch các đường : Cát Bi, Lý Hồng Nhật, Trần Văn Lan, Hào Khê, Nguyễn Thị Thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phủ Thượng Đoạn, đường 193 Văn Cao... Trước đó, công ty tiến hành đấu nối đoạn cống từ đường Bùi Tự Nhiên đến đường Phương Lưu; trung tu nạo vét bùn đường Phương Lưu (từ ngõ 202 đến đoạn cống D800 đường Phương Lưu; trung tu nạo vét bùn đường Phủ Thượng Đoạn (từ ngã tư đường Bùi Thị Tự Nhiên đến đường Đà Nẵng; đấu nối cống thoát nước từ số 186 đến số 210 đường Phủ Thượng Đoạn (khu vực đền Phú Xá); cải tạo thoát nước ngõ 67 đường Ngô Gia Tự. Đối với khu vực Đình Đông và An Đà đơn vị duy trì tốt dòng chảy điểm xả cửa Chợ Hàng (Cống Tây ra kênh An Kim Hải và Cống Tây ra kênh Tây Nam), tăng cường thoát nước về phía đường Lạch Tray. Đồng thời, tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho các cửa xả tại khu vực đường An Đà.

Để chống ngập khu vực Tô Hiệu, đơn vị cải tạo, sửa chữa, thông rửa hệ thống thoát nước đường Lạch Tray; cống, ga đường Tô Hiệu ( từ ngã tư Chùa Hàng đến Lạch Tray), Hàng Kênh (từ Tô Hiệu đến ngã ba Đình Đông) và sửa chữa, thông rửa hệ thống thoát nước đường Chùa Hàng, ngõ Lâm Tường, đường Mê Linh (đoạn từ ngã tư Hồ Sen đến đường Hai Bà Trưng. Trên địa bàn quận Lê Chân, đường Trần Nguyên Hãn (khu vực bến xe Niệm Nghĩa đến đường Nguyễn Văn Linh) cũng được cải tạo. Tại quận Hồng Bàng, đơn vị cải tạo thoát nước đường tàu Bãi Sậy khu tập thể Trại Chuối. Tiến hành chống ngập một số điểm dọc đường Nguyễn Văn Linh, đường 5 (cũ); sửa chữa cải tạo cống hộp đường 5 (trước cửa đơn vị phòng cháy chữa cháy đến số 312 Hùng Vương). Đặt cống thoát nước đường Hùng Vương (đoạn cây xăng 310 Hùng Vương)...