Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Tìm đòn bẩy cho thị trường vật liệu xây không nung

16/06/2012 20:18

Với những tính năng ưu việt, dòng sản phẩm vật liệu xây không nung được xác định sẽ chiếm lĩnh thị trường xây dựng trong tương lai, giảm dần tỷ lệ vật liệu nung. Mặc dù có các tiêu chí rất rõ ràng nhưng trong quá trình thực hiện lộ trình phát triển vật liệu xây không nung vẫn nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần một “đòn bẩy” gỡ khó.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nên chọn hướng nào?

Nhu cầu về vật liệu xây tại Việt Nam tăng rất nhanh, khoảng 10-12%/năm. Nếu theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu sử dụng vật liệu xây vào năm 2015 và 2020 tương ứng khoảng 32 và 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, để sản xuất một tỷ viên gạch đất sét nung quy tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 - tác nhân gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, đến năm 2020, nếu đáp ứng nhu cầu vật liệu xây hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 57-60 triệu m3 đất sét, tương đương 2.800 đến 3.000ha đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn 5,3-5,6 triệu tấn than và thải ra môi trường khoảng 17 triệu tấn khí CO2.

Bức tranh được phác họa từ những con số trên chính là lời thúc giục các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng buộc phải trả lời câu hỏi “nên chọn hướng nào?” để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả cộng đồng.

Hiện nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ vật liệu nung và thay thế bằng vật liệu xây không nung. Tại Việt Nam , phương án này cũng đã được ghi nhận và triển khai thực tế. Các chuyên gia trong ngành ghi nhận việc sử dụng vật liệu xây không nung sẽ hạn chế được các tác động bất lợi nêu trên, đồng thời đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Quá trình sản xuất vật liệu xây không nung còn giúp tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành khác như nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng..., góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như các chi phí xử lý phế thải.

Theo quy hoạch phát triển ngành điện và luyện kim, lượng tro, xỉ phát thải hàng năm sẽ tăng rất nhanh. Dự kiến đến năm 2020, lượng phế thải tro, xỉ khoảng 45 triệu tấn sẽ mất khoảng 1.100ha mặt bằng chứa phế thải. Trong khi đó, nếu tái sử dụng một phần nguồn thải này không chỉ giúp giải phóng được mặt bằng kho bãi mà còn tiết kiệm nguyên liệu sản xuất.

Đặc biệt, các loại vật liệu xây không nung đã nhanh chóng chứng minh được một số ưu điểm nổi bật như: nhẹ - giúp giảm tải trọng công trình, do đó tiết kiệm chi phí làm móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công; tính cách nhiệt cao, góp phần tích cực vào chương trình tiết kiệm năng lượng. Bởi vậy, Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đã nêu rõ mục tiêu phát triển dòng sản phẩm này.

Theo đó, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung nhằm thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Đối diện khó khăn

Phải thừa nhận rằng mặc dù đã có các tiêu chí rất rõ ràng nhưng trong quá trình thực hiện lộ trình này vẫn nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Do các nhà máy sản xuất bêtông nhẹ ra đời vào lúc kinh tế nước gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, chi phí tài chính lớn... khiến dòng sản phẩm này tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ.

Thống kê tình hình sản xuất và tiêu thụ một số loại sản phẩm vật liệu xây không nung trong năm 2011 cho thấy đa số các dây chuyền gạch block đã sản xuất hết công suất, tổng sản lượng đạt khoảng ba tỷ viên quy tiêu chuẩn nhưng sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 85-90% lượng sản xuất. Cùng đó, gạch bêtông nhẹ với sản lượng bêtông khí khoảng 0,4 triệu m3, bêtông bọt khoảng 0,1 triệu m3 cũng chỉ có mức tiêu thụ vào khoảng 50-60% sản lượng. Tấm tường thạch cao, tấm 3D cùng một số chủng loại sản phẩm khác cũng rơi vào tình trạng ế ẩm tương tự...

Nguyên nhân được chỉ ra là do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn lại hạn chế nên phần lớn chỉ nhập hệ thống dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Cùng đó, công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt; cộng với đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo... nên các nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất.

Khó khăn càng dồn đến với doanh nghiệp khi lãi suất vay vốn để đầu tư vào sản xuất tăng ở mức cao (quanh mốc 20%/năm) trong khi thủ tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại cũng rất khó khăn. Những yếu tố này khiến giá thành sản xuất tăng. Điển hình như giá thành sản xuất bêtông khí chưng áp AAC hiện tại cao hơn so với gạch đất sét nung khoảng 20-25% do chi phí sản xuất cao hơn. Như vậy, khó khuyến khích phát triển vật liệu xây không nung. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung vẫn chưa được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.

Mặt khác, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu và người tiêu dùng về dòng sản phẩm này chưa đầy đủ; thậm chí thiếu hiểu biết về vật liệu xây không nung nói riêng và bê tông khí nói chung. Để đạt các mục tiêu đã đề ra trong lộ trình phát triển vật liệu xây không nung cần có sự trợ giúp của cả xã hội, nhất là các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và người tiêu dùng.

Đón chờ “đòn bẩy”

Chương trình 567 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 đã được xã hội và các doanh nghiệp rất quan tâm. Chỉ tính ba chủng loại sản phẩm chính là gạch ximăng-cốt liệu, gạch bêtông khí chưng áp và gạch bêtông bọt thì tổng công suất đầu tư đã đạt 4,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm từ 16-17 % so với tổng sản lượng vật liệu xây năm 2011, ước đạt 25 tỷ viên. Trong khi đó, cuối năm 2008, sản lượng vật liệu xây không nung mới chỉ chiếm 8-8,5%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động chọn hướng đi mới.

Cùng đó, tỷ lệ gạch nhẹ trên tổng số vật liệu xây không nung phấn đấu đạt mục tiêu khoảng 21% vào năm 2015 và 25% vào năm 2020 thì nay đã đạt 1,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm (chiếm khoảng 28,6%) - vượt mục tiêu đề ra. Tổng giá trị các doanh nghiệp đã đầu tư đến cuối năm 2011 khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung nhẹ (bêtông khí chưng áp và bêtông bọt) cũng gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đòn bẩy thực sự cho thị trường chính là Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sử dụng gạch đất sét nung của Chính phủ. Cùng với các hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật đã được Bộ Xây dựng ban hành, các doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là lối mở để vật liệu không nung tiến quân, trước tiên là vào các công trình sử dụng vốn ngân sách.

Với sự hỗ trợ của các cơ chế chính sách, cùng những ủng hộ tích cực từ xã hội, hy vọng thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung có thể toàn tâm toàn ý tập trung xúc tiến thương mại và quảng bá kích cầu sản phẩm./.

Nhiều giải pháp công nghệ mới tại tuần lễ nước Singapore

Nhiều giải pháp công nghệ mới tại tuần lễ nước Singapore
Nhiều giải pháp công nghệ mới đã được các công ty Nhật Bản giới thiệu tại sự kiện về nước sạch và môi trường quốc tế tổ chức tại Singapore.
Nhiều giải pháp công nghệ mới đã được các công ty Nhật Bản giới thiệu tại sự kiện về nước sạch và môi trường quốc tế tổ chức tại Singapore từ ngày mùng 2 đến 4/7.

Ba sự kiện lớn mang tính toàn cầu, gồm Tuần lễ nước Singapore (Singapore International Water Week), Hội nghị Làm sạch môi trường (CleanEnviro Summit) và Hội nghị các thành phố quốc tế (World Cities Summit) đã được tổ chức tại trung tâm triển lãm Sands Expo & Convention, Marina Bay (Singapore), thu hút sự tham gia của 900 công ty đến từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực nước sạch và môi trường. Mỗi sự kiện đều đưa ra nhiều giải pháp và câu trả lời trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu cũng như tốc độ đô thị hóa quá nhanh tại châu Á.

Tại Water Expo, ban tổ chức đã tổ chức thành 16, mỗi khu lại tập hợp các gian triển lãm của các công ty tới từ một quốc gia hay vùng lãnh thổ khác nhau. Tại khu Nhật Bản, khách tham quan dễ dàng nhận ra các gương mặt quen thuộc tròn lĩnh vực xử lý nước như Toshiba, Hitachi, Swing và Kobelco Eco Solutions.



Tại triển lãm, hãng Toshiba đã giới thiệu hệ thống lọc mang tên Feed Filtration Systemkhông sử dụng hóa chất đông tụ.

Với ý thức bảo vệ môi trường, Toshiba đã sử dụng loại bột có chức năng hoạt tính để thay cho hóa chất đông tụ, vốn thừa lại dưới dạng chất thải sau khi nước đi qua hệ thống lọc. Khi chất làm đông bị loại bỏ thì các chất thải cũng được giảm thiểu tới mức tối đa, trong khi loại bột có chức năng hoạt tính vẫn có thể được tái sử dụng, giúp cắt giảm chi phí tới 40% khi xử lý nước thải.





Hệ thống này bắt đầu được vận hành từ ngày 27/6 để xử lý nước thải tại nhà máy của Fujitsu ở Nagano. Toshiba biện có kế hoạch giới thiệu công nghệ này tới nhiều nước châu Á, thúc đẩy sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường trong công nghệ xử lý nước.

Tại triển lãm, Toshiba cũng giới thiệu hình ảnh về hoạt động của công ty trong các dự án phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.



Toshiba cũng giới thiệu hệ thống khử trùng bằng tia tử ngoại (UV) cũng như hệ thống tách chất lỏng-chất rắn.





Trong khi đó, tại triển lãm lần này, Hitachi lại giới thiệu hệ thống quản lý nước thông minh bằng công nghệ thông tin.



Hitachi đã trình bày một nghiên cứu tại Maldives. Ở quốc đảo này, Hitachi Plant Technologies đã mua lại 20% cổ phần của công ty kinh doanh và xử lý nước Male, đồng thời cung cấp các công nghệ cả phần cứng lẫn phần mềm.

Theo đó, hệ thống quản lý mạng đường ống và hệ thống xử lý nước thải sử dụng bản đồ dữ liệu GIS giúp công ty điều hành công việc một cách hiệu quả hơn. Hệ thống có chức năng hiển thị, tìm kiếm và phân tích, cho phép mô phỏng lưu lượng, áp lực nước từ các dữ liệu thu được, ghi lại độ cao, chiều dài, kích thực hay vật liệu sử dụng lắp đường ống nước. Kết quả mô phỏng được sử dụng cho biết lập kế hoạch bảo trì, ngăn ngừa mất nước và lãng phí nước tại đường ống dưới lòng đất.



Tại thành phố Hồ Chí Minh, 40% tổng lượng nước bị lãng phí mà không đem lại lợi nhuận là trong quá trình cấp nước. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Tokyo chỉ là 30%. Chính vì vậy, Hitachi sẽ giới thiệu công nghệ này tại Việt Nam cũng như Đông Nam Á trong tương lai gần, góp phần giảm thiểu sự lãng phí nước sạch.



Dự án nghiên cứu cũng đã được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với ngân sách 100 tỷ yen tài trợ bởi Ngân hàng phát triển châu Á ADB, nhằm thay thế mạng lưới đường ống ngầm hiện tại.

Hiệu quả của hệ thống quản lý cấp nước cũng sẽ giảm thiểu năng lương tiêu thụ trong vận hành máy bơm so với công nghệ quản lý bằng sức ép như hiện tại.



Trong năm tài khóa vừa qua, ngành kinh doanh trong lĩnh vực cấp nước và xử lý nước thải của Hitachi đã đạt lợi nhuận 100 tỷ yen và công ty cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường ra toàn cầu. Hitachi đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 200 tỷ yen trong năm tài khóa 2015 với mức tăng trưởng ở thị trường hải ngoại là từ 10 đến 40%, thông qua việc cung cấp các giải pháp thông minh trong hợp tác với các đối tác địa phương, đáp ứng nhu cầu địa phương.



Tham gia Water Expo còn có Swing, một trong những công ty cấp nước hàng đầu của Nhật Bản và đã tham gia vào thị trường Việt Nam. Với triết lý đề cao sự hiệu quả, Swing đã giới thiệu những hệ thống tái chế có tên “Bitrec” Bio Cycle Treatment and Co-Generation System, Hệ thống sinh khối bùn, Hệ thống lên men mê-tan và công nghệ phục hồi phốt-pho.







Một công ty Nhật Bản khác có mặt ở Water Week là Kobelco Eco-Solutions Co, giới thiệu giải pháp tổng thể về cung cấp nước cho sản xuất nước công nghiệp.

Công ty đã kết hợp hệ thống khử muối để trích xuất nước ngọt từ nước biển, sử dụng công nghệ RO cho quá trình khử mặn và tái sử dụng nước thải. Các nghiên cứu được thực hiện trong dự án hợp tác với đại học Yamaguchi, Toray, Hitachi Plant Technology và KOBELCO

Tại Việt Nam, Kobelco Eco-Solutions đã đầu tư vào Khu công nghiệp Long Đức, cung cấp công nghệ và thiếu bị cho nhà máy xử lý nước Loteco, có thể xử lý 4.000 tấn nước thải mỗi giờ. Công ty cũng cung cấp hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy thép Pomina cũng như nhiều công ty khác.









Các bệnh viện thiếu hệ thống xử lý nước thải: Không muốn làm chứ không thiếu tiền!
Ngày: 07/07/2012
Bốn bệnh viện trung ương tại TP.HCM nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường của sở Y tế thành phố vì chưa có hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) đạt tiêu chuẩn, xả thẳng ra môi trường từ nhiều năm nay. Họ viện lý do “không có tiền xây dựng HTXLNT ”.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Ảnh: Phan Sơn

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng vấn đề là các cơ sở y tế có muốn làm hay không, chứ không phải là vấn đề tiền.
Lý do cũ rích
Bệnh viện Giao thông vận tải TP.HCM thuộc cục Y tế giao thông vận tải (72/3 Trần Quốc Toản, phường 8, quận 3) nhiều năm nay nước thải không được lắng lọc, diệt khuẩn mà xả thẳng ra ống cống sinh hoạt chung của khu dân cư. Bác sĩ Đỗ Công Huân, giám đốc bệnh viện này cho biết, bệnh viện vốn là nhà ở của dân từ năm 1976 nên không có HTXLNT. Tuy nhiên, ông cho rằng do bệnh viện “không đủ tiền để tự đầu tư HTXLNT”. Ông Huân cũng cho biết, bệnh viện đã xây dựng đề án khu xử lý nước thải nhưng từ năm 2007 đến nay xin kinh phí từ cấp trên chưa được.
Tương tự, tại các bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng Bưu điện 2, bệnh viện Bưu điện 2 và trung tâm Chỉnh hình – phục hồi chức năng thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng kêu khó, vì không có kinh phí để xây dựng HTXLNT.
Sở Y tế TP.HCM bị “chỉnh” ngược
Trong sáu bệnh viện xả nước thải không đạt chuẩn ra môi trường trong danh sách của sở Y tế TP.HCM có viện Vệ sinh y tế công cộng và viện Pasteur. Đây là hai cơ sở y tế có nhiệm vụ kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho các tỉnh phía Nam, nhưng lại bị liệt vào danh sách có nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới tầng nước ngầm và sức khoẻ của người dân thành phố!
Một hệ thống xử lý nước thải bệnh viện mẫu mực
Do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, từ khi hoạt động vào tháng 3.2004 đến nay, HTXLNT bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM với công suất xử lý 500m3/ngày đêm luôn vận hành tốt và đạt chuẩn. Theo ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trước khi chảy ra cống thải của thành phố, nước thải bệnh viện được xử lý bằng công nghệ sinh học + hoá chất và đạt chuẩn QCVN 28. Cứ định kỳ mỗi sáu tháng, bệnh viện đều lấy mẫu nước thải sau xử lý để mang đi xét nghiệm ở một đơn vị độc lập, rồi gửi báo cáo lên cơ quan chức năng. Ph.S
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, phó viện trưởng viện Pasteur, nói năm nào cũng nhận được văn bản yêu cầu giải trình của bộ Y tế về việc không đủ tiêu chuẩn về nước thải y tế, trong khi sở Y tế TP.HCM không bao giờ đến viện khảo sát, lấy mẫu về thử. Do đó, ông Hải “chỉnh ngược” sở Y tế là nên xem lại cách làm việc của mình bởi HTXLNT của viện Pasteur đưa vào sử dụng năm 2007 với công suất 200m3/ngày đêm. Và cuối năm 2011, sở Tài nguyên và môi trường xuống đánh giá, đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn môi trường.
Vấn đề là có làm hay không
Qua kết quả khảo sát thực tế về thực trạng xử lý nước thải của 12 bệnh viện phía Nam của viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM cho thấy, nước thải bệnh viện ngoài các chất ô nhiễm như: hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thì có thể có thêm một số chất gây ô nhiễm đặc thù như các phế phẩm thuốc, các dung môi hoá học, các chất tẩy rửa ở nhà giặt, và đặc biệt là dư lượng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay các chất này chưa được đưa vào danh mục các thông số cần phải kiểm tra trong TCVN 7382:2004 nước thải bệnh viện.
Nói về tình trạng nước thải bệnh viện gây ô nhiễm, ông Đặng Văn Khoa, chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM khoá VII, nói: “Đây là một việc rất cũ, từng nóng bỏng tại nghị trường các kỳ họp HĐND TP.HCM từ 5 – 7 năm trước”. Thực tế ai cũng thấy rõ nước thải y tế nguy hại như thế nào, gây ô nhiễm ra sao. Đây cũng là việc không quá khó giải quyết bởi đây là những dự án có quy mô vừa tầm, vừa sức của các cơ sở y tế. Chính vì vậy , ông Khoa nói: “Vấn đề ở đây là trách nhiệm của các cơ sở y tế, tức họ có muốn làm hay không mà thôi, chứ không phải là vấn đề không có tiền hay không đủ sức làm”.
“Nói thẳng, các cơ sở y tế cố tình kéo dài chừng nào thì đỡ tốn chi phí chừng đó. Do đó, những cơ sở y tế nào trì trệ, né tránh, viện dẫn lý do để nguỵ biện… thì không thể chấp nhận được và thiếu trách nhiệm với người dân. Đây cũng không phải lúc động viên mà cần rút giấy phép kinh doanh, đồng thời phải xử phạt nghiêm”, ông Khoa nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho phép các chủ đầu tư là bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Chấn thương chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Cấp cứu Trưng Vương, Nhi Đồng 2, Bình Dân, và Tâm thần được tổ chức đấu thầu, để lựa chọn nhà thầu thi công và tổ chức thi công theo hình thức đơn vị thi công sẽ ứng vốn thực hiện dự án. Theo UBND TP.HCM, dự án đầu tư xây dựng HTXLNT của các bệnh viện là các dự án mang tính cấp bách cần phải thực hiện và hoàn thành trong năm 2012.
(Theo SGTT)