Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013


Việt Nam sẵn sàng hợp tác về sử dụng nguồn nước

21/05/2013 09:51
Việt Nam cam kết sẵn sàng hợp tác với các nước để trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là những kinh nghiệm trong đối phó với thiên tai do lũ lụt và hạn hán gây ra.

Khai mạc phiên họp toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh về nước lần thứ 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị Thượng đỉnh về nước
Ngày 20/5, tại Chiang Mai (Thái Lan), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 về Nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu của 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó lãnh đạo cấp cao như Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và quan chức cấp cao.
Mục tiêu của Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, tìm giải pháp cho các vấn đề của khu vực liên quan tới lãng phí nguồn nước, lũ lụt, hạn hán cũng như biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh các chủ đề thời sự như: An ninh kinh tế, lương thực và nguồn nước; an ninh nguồn nước đô thị; an ninh môi trường nước; thách thức của thảm họa liên quan tới nước; an ninh nguồn nước hộ gia đình; rủi ro và khả năng phục hồi nguồn nước; và tiến trình thống nhất quản lý nguồn nước cho một thế giới an toàn về nước.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra nhấn mạnh, Hội nghị này nhằm đề cao sự cần thiết phòng chống lũ lụt và quản lý nguồn nước trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; cũng như cần phối hợp quốc tế để có những kế hoạch cụ thể giải quyết các vấn đề về nước trong tương lai.
Đồng thời, Hội nghị này còn cơ hội để các nhà lãnh đạo trong khu vực trao đổi quan điểm và tiếp cận việc quản lý khủng hoảng liên quan tới nước. Việc thống nhất nhận thức từ các quốc gia sẽ góp phần quan trọng tạo ra những cơ chế quản lý và ngăn chặn rủi ro đối với lũ lụt và hạn hán.
Tại Hội nghị này, Chính phủ Thái Lan cam kết đóng góp 1 triệu USD để thành lập quỹ trị giá 10 triệu USD nhằm hỗ trợ nghiên cứu về quản lý nguồn nước trong khu vực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 về Nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, vì lợi ích của tất cả các quốc gia, dân tộc, vì sự thịnh vượng và ổn định chung của cả khu vực, các quốc gia trong khu vực chung tay hành động vì một châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng, an toàn về nguồn nước.
Phó Thủ tướng đề xuất xem xét phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho các mục đích phi giao thông thủy; nâng cao hiệu quả của các Hiệp định, Hiệp ước đã được ký kết; tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, đồng thời phòng, chống có hiệu quả các tác hại do nước gây ra; đầu tư cho các công trình xử lý nước thải và khôi phục các nguồn tài nguyên nước bị suy thoái, cạn kiệt; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tập quán tốt về quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước; tăng cường sự tham gia và tham vấn các nước láng giềng trong các hoạt động phát triển lưu vực nhằm bảo đảm nguồn nước không chỉ cho chúng ta hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Việt Nam có truyền thống hàng ngàn năm phòng chống thiên tai và phát triển nền văn minh lúa nước nhưng lại đang đứng trước những thách thức to lớn về an ninh nước do biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển. Việt Nam có tổng lượng nước khoảng 830 - 840 tỉ m3, nhưng có trên 60% được hình thành từ ngoài lãnh thổ và lại phân bố không đều theo mùa theo vùng và trong đó trên 60% tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất, hàng năm phải hứng chịu từ 6-7 cơn bão; hàng chục trận lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất... Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai đã cướp đi sinh mạng của khoảng 400 người, thiệt hại kinh tế ước khoảng 1,2 % GDP.

Không có nhận xét nào: