Phát triển các khu, cụm công nghiệp tại An Lão: Ưu tiên xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung
Cập nhật lúc09:58, Thứ Sáu, 22/11/2013 (GMT+7)
Đã qua thời gian dài hoạt động, hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện An Lão vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nhiều doanh nghiệp (DN) hằng ngày vẫn xả thải ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân địa phương.
Nước thải xả trực tiếp xuống sông
Trên địa bàn huyện An Lão có 3 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động gồm: cụm công nghiệp An Lão (phía Bắc thị trấn An Lão), khu công nghiệp cầu Cựu và cụm công nghiệp An Tràng, thị trấn Trường Sơn (chưa được thành phố công nhận). Theo lãnh đạo huyện, phần lớn DN đầu tư sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp đều xây dựng hệ thống xử lý nước thải, cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải qua xử lý đạt thấp. Nhiều DN vẫn “xả thải trực tiếp ra sông, hệ thống kênh trung thủy nông trên địa bàn.
Cụ thể, người dân các xã Quang Trung, Quang Hưng, Quốc Tuấn, An Tiến và thị trấn An Lão bức xúc về tình trạng nước thải của cụm công nghiệp phía Bắc thị trấn An Lão xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Công ty TNHH Nhật Phát là một “điển hình”. Công ty này có bề dày “thành tích” trong việc xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đa Độ; xả khí thải và tiếng động ảnh hưởng đến người dân. Bà Vũ Thị Tuyết, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện An Lão (nguyên Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) cho biết, hoạt động sản xuất của Công ty Nhật Phát gây ô nhiễm kéo dài nhiều năm, người dân kiến nghị hết lần này đến lần khác, song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Để giải quyết kiến nghị của người dân, các ngành chức năng huyện nhiều lần kiểm tra đột xuất, tìm vị trí công ty xả thải ra sông.
Mới đây nhất, tháng 4-2013, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (Công an thành phố) phối hợp các ngành chức năng và chính quyền huyện An Lão kiểm tra, phát hiện xưởng cải màu Minh Hải (Đài Loan), ở thôn Câu Đông, xã Quang Trung, đang xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông Văn Úc. Mặc dù đã xử phạt nặng, nhưng theo phản ánh của nhiều hộ dân sống quanh khu vực, công ty vẫn tiếp tục xả thải ra sông. Hay như trường hợp của Xí nghiệp chăn nuôi lợn Đồng Hiệp, ở cụm công nghiệp An Tràng, thị trấn Trường Sơn, nhiều năm liền bị người dân “tẩy chay” do mùi hôi, thối gây ô nhiễm không khí, chất thải, nước thải chăn nuôi một phần xả trực tiếp xuống sông làm ô nhiễm nguồn nước sông Lạch Tray…
Khí thải từ hoạt động của Công ty TNHH Nhật Phát làm vẩn đục bầu không khí. |
Cần xây dựng hạ tầng đồng bộ
Ông Ninh Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn cho biết: “Lần nào dự hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HÐND thành phố trên địa bàn huyện, cử tri cũng kiến nghị cần sớm có hệ thống xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, nhất là cụm công nghiệp An Lão. Ðã nhiều năm đi vào hoạt động, cụm công nghiệp được lấp đầy với gần 20 DN sản xuất gỗ okan, sắt xốp, đồ may mặc, thiết bị điện… nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải”.
Chủ tịch UBND huyện An Lão Nguyễn Văn Thông cho rằng, các DN trong khu, cụm công nghiệp sản xuất nhiều ngành hàng khác nhau nên vấn đề xử lý nước thải không đơn giản. Ngoài ra, tình trạng trốn tránh việc xử lý nước thảicủa một số DN diễn ra khá phổ biến làm cho môi trường sống chung quanh bị ô nhiễm. Trong khi đó, khó xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các DN do quy định chế tài không chặt chẽ. Mức xử phạt còn thấp hơn chi phí vận hành hệ thống xử lý chất thải nên DN dễ dàng chấp nhận bị phạt.
Để thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, huyện mong thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, thân thiện môi trường, trong đó hệ thống xử lý nước thải phải đặt lên hàng đầu. Thành phố chỉ đạo chủ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp thực hiện và cam kết thời gian hoàn thành việc đầu tư xây dựnghệ thống thu gom và khu xử ly nước thải tập trung, làm cơ sở xem xét chấp thuận đầu tư xây dựng các dự án mới. Đồng thời phối hợp địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bắt buộc các DN, các nhà đầu tư phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, thậm chí sẽ đóng cửa và di dời các đơn vị gây ô nhiễm môi trường. Tại những khu, cụm công nghiệp còn trống DN, huyện chỉ tiếp nhận những dự án có lượng nước, khí thải thấp trong ngưỡng cho phép, kiên quyết không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét