Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012


Xử lý vấn đề vệ sinh, nước, rác thải: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

12/11/2012 15:06
Là không gian sống của 50% dân cư trên trái đất, các đô thị trên thế giới đã sản sinh 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cũng là nơi phát thải các chất gây ô nhiễm nhiều nhất. Để cứu trái đất khỏi ô nhiễm, nhiều nước trên thế giới đang tích cực nghiên cứu, thiết kế nhằm xây dựng điểm dân cư sinh thái, đô thị sinh thái, xử lý tốt các vấn đề vệ sinh, nước, rác thải….
Vệ sinh sinh thái: mô hình cần nhân rộng
Không còn những nhà vệ sinh sập sệ, không còn nguồn thải “kinh khủng” gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh sinh thái – mô hình vệ sinh mới dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là ngăn ngừa ô nhiễm, tách riêng nước tiểu và phân, sử dụng các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, đã tỏ rõ ưu điểm vượt trội đầy thuyết phục, giúp ngăn ngừa ô nhiễm, bệnh tật liên quan đến phân người, quản lý sử dụng nước tiểu, phân như một nguồn tài nguyên hơn là chất thải, thu hồi, tái chế, tái sử dụng các chất dinh dưỡng trong đó để sử dụng trong nông nghiệp.
Thành phố Erdos nằm phía Tây Nam khu tự trị Nội Mông, thuộc Bắc Trung Quốc được biết đến với dự án vệ sinh bền vững mang tên thành phố sinh thái Erdos do Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ.Hơn 830 hộ gia đình sống trong các chung cư được sử dụng hệ thống vệ sinh riêng biệt với tính năng thu gom - phân lập nước tiểu và phân, xử lý nước thải từ nhà bếp và máy giặt, phân loại và thu gom rác thải khô, chế thành phân trộn để tái sử dụng trong nông nghiệp.
Nước tiểu được đưa vào bồn chứa âm trong lòng đất, sau đó được xử lý để tái dùng trong canh tác, còn nước thải sinh hoạt thì được xử lý tại chỗ và tái sử dụng để tưới cây cỏ. Chất thải rắn được phân loại và tái chế còn chất thải hữu cơ thì trộn với phân. Riêng phân được đưa xuống tầng hầm chung cư, trữ ở đó 3 - 4 tháng trước khi chuyển đến nhà máy xử lý thành phân trộn để bón cho hoa màu. Hệ thống vệ sinh sinh thái ở Erdos đã tạo thành chu trình khép kín: con người –> nước tiểu và phân –> phân bón an toàn –> đất –> cây trồng –> thực phẩm –> con người. Đây được coi là giải pháp vệ sinh bền vững, giảm ô nhiễm xuống bằng không, góp phần bảo vệ tối đa môi trường.
Quản lý rác thải đô thị tiên tiến như Singapore
Không chỉ là quốc đảo xinh đẹp nổi tiếng, Singapore còn được biết đến với hòn đảo Semakau nhân tạo độc nhất vô nhị làm từ rác. Năm 1999, bãi rác cuối cùng trên đất liền ở Lorong Halus đóng cửa cũng là thời điểm Singapore khánh thành đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới làm hoàn toàn từ… rác thải này. Với diện tích 350 ha, cách đất liền Singapore 8 km về phía Nam, đảo chứa rác Semakau chứa được 63 triệu mét khối rác, đáp ứng đủ nhu cầu chứa rác của Singapore đến năm 2045. Nhờ vào các khâu hoạch định, thiết kế và xây dựng, kể từ khi đi vào hoạt động, bãi rác Semakau bảo vệ tốt hệ sinh thái và môi trường tự nhiên phong phú, trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, hàng năm đón nhiều du khách đến tham quan, câu cá, quan sát các loài chim, ngắm trăng sao, vui chơi giải trí và hoạt động ngoại khóa…
Ngoài bãi rác Semakau, rác thải còn được xử lý bằng phương pháp đốt, công nghệ hiện đại tại 5 nhà máy công suất 9.000 m3/ngày đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Nhiệt lượng thu từ các lò đốt được dùng để phát điện còn các chất tái chế như giấy, chai lọ, dầu thải công nghiệp được xử lý, sử dụng lại.
Còn ở đất nước mặt trời mọc, việc phân loại nguồn rác thải được thực hiện rất tốt, tái chế rác thải đô thị cũng được ưu tiên hàng đầu với nguyên tắc tốn kém cũng tái chế. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, hàng năm nước này có khoảng 450 triệu tấn rác thải, trong đó 397 triệu tấn là rác công nghiệp. Trong tổng số rác thải trên, chỉ có khoảng 5% trong tổng số rác thải trên phải đưa tới bãi chôn lấp, 36% được tái chế, còn lại rác khó phân hủy được sử dụng công nghệ đốt hoặc đóng rắn rồi đem chôn lấp.
Việc tái chế rác ở Nhật Bản rất công phu: 70% rác nhà bếp được tái chế thành phân bón hữu cơ, góp phần cải tạo đất, giảm bớt nhu cầu sản xuất và nhập khẩu phân bón. Phế thải xây dựng được thu gom chuyển đến nhà máy chuyên tái chế thành cát và sắt thép. Mặc dù chi phí cho xử lý rác khá tốn kém, khoảng 300 nghìn yên (khoảng 2.500 USD)/người/năm nhưng đã giúp Nhật Bản giảm được lượng rác thải ra môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao đông, tạo thêm hàng hoá sử dụng, thay thế một phần nguyên liệu đầu vào do đó tiết kiệm được tài nguyên và công khai thác.
Thoát và xử lý nước thải bền vững
Nhiều nước trên thế giới đã phát triển mô hình khu đô thị sinh thái, trong đó thoát nước đô thị bền vững, thu gom và tái sử dụng nước mưa được lồng ghép hài hòa với các giải pháp quy hoạch đô thị, kiến trúc và kỹ thuật hạ tầng. Hệ thống thoát nước ở Soul (Hàn Quốc) là một ví dụ. Ở TP này việc cấm đào núi, lấy đất ruộng, san lấp hồ ao, kênh rạch đã trở thành quy định bắt buộc. Hồ, sông bị san lấp nay phải đào lại, đơn cử như Mương Chân Kây rộng 15m chạy giữa Soul dài gần 50 km dù đã bị lấp và xây dựng nhà cửa nhưng được phục hồi thành một công viên dài 50 km, trở thành lá phổi và là hệ thống thoát nước mưa chính của thủ đô Hàn Quốc.
Còn ở hòn đảo du lịch Phi Phi (Thái Lan) thì được xây dựng một hệ thống xử lý nước thải phân tán đẹp và hiệu quả cho các khách sạn, nhà hàng, công suất 400 m3/ngày, gồm bể tự hoại, chuỗi bãi lọc ngầm trồng cây dòng chảy thẳng đứng và dòng chảy nằm ngang, kết hợp với bãi lọc trồng cây ngập nước và hồ sinh học được bố trí trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng. Nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho tưới vườn.

Không có nhận xét nào: