Triển khai Thông tư số 09/2012/TT-BXD về quy định sử dụng VLXD không nung: Những tín hiệu tích cực
Ngày 28/11/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD về việc Quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình. Tại các đô thị loại III trở lên phải sử dụng 100% VLKN kể từ ngày 15/01/2013. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLKN kể từ ngày có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
Thông tư 09 được ban hành đã khẳng định thêm quyết tâm của Bộ Xây dựng và Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của VLXKN. Tuy nhiên, để các quy định của Thông tư thực sự đi vào đời sống cần phải có thời gian. Dưới đây là một số ý kiến của nhà quản lý, nhà đầu tư và người sử dụng về các quy định của Thông tư 09.
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng):
Khi Thông tư 09 mới ban hành, một số địa phương cho rằng những quy định trong Thông tư quá đột ngột. Nhưng trên thực tế, Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ ngày 28/4/2010 tại Quyết định 567/QĐ-TTg. Ngày 16/4/2012, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng sử dụng VLXKN. Như vậy kể từ khi Chính phủ khởi động chương trình phát triển VLXKN tới thời điểm Thông tư 09 ra đời, xã hội đã có 3 năm để “thấm nhuần” chủ trương này. Trong quãng thời gian đó, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng gạch không nung (GKN), đồng thời ban hành định mức dự toán để sử dụng loại vật liệu này trong các công trình.
Mặc dù mới ra đời nhưng Thông tư 09 đã cho thấy tín hiệu tích cực. Các địa phương đã vạch ra lộ trình cụ thể để đưa VLXKN vào sử dụng đồng thời hạn chế việc xây dựng bằng gạch đất sét nung. Bên cạnh đó, do chưa đủ nguồn cung nên một tỉnh ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép lùi thời gian thực hiện và đã được Bộ chấp thuận.
Tuy nhiên, do Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 15/01/2013 mà những công trình sử dụng vốn Nhà nước xây dựng trong năm nay đã được phê duyệt từ những năm trước nên trong thời gian tới, những công trình này vẫn thực hiện theo đúng kế hoạch. Nhà nước chỉ khuyến khích chủ đầu tư chuyển đổi từ gạch nung sang GKN. Bắt đầu từ 15/01/2013, những công trình mới (thuộc đối tượng trong Thông tư 09), đang trong quá trình lập dự án, thiết kế và tính dự toán, định mức dự án bắt buộc phải đưa vào yếu tố sử dụng VLXKN.
Ông Đặng Việt Lê - Chủ tịch HĐQT Cty CP Gạch Khang Minh:
Hiện tại, Cty CP Gạch Khang Minh đang chủ yếu cung cấp sản phẩm ở những công trình như chung cư cao tầng, trường học, nhà máy, KCN... với nguồn vốn đầu tư tư nhân hoặc vốn đầu tư nước ngoài. Những công trình này không nằm trong phạm vi hiệu lực của Thông tư 09. Tuy nhiên, Thông tư 09 vẫn có những tác động tích cực ở một số mặt như các sở, ban ngành, DN và cá nhân đã chủ động liên hệ với gạch Khang Minh để tìm hiểu về sản phẩm GKN xi măng cốt liệu của Cty. Tại nhiều tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng…, GKN xi măng cốt liệu đã được niêm yết trên công bố giá do liên Sở Xây dựng - Tài chính phát hành. Đây là tài liệu có tính pháp lý trong việc định hướng lập dự toán, thanh quyết toán giá sản phẩm đối với các công trình vốn Nhà nước.
Các Cty tư vấn thiết kế cũng đón nhận rất tích cực thông tin về GKN xi măng cốt liệu và đã tìm hiểu, đánh giá các phương án, lập hồ sơ dữ liệu để chuẩn bị cho việc thiết kế các công trình mới. Tích cực nhất có lẽ là từ các nhà thầu xây dựng khi nhiều nhà thầu đã tự chuyển đổi gói thầu cũ từ gạch đất sét nung sang GKN xi măng cốt liệu. Thời gian tới chúng tôi hy vọng và rất tin tưởng Thông tư 09 sẽ được áp dụng nhanh và rộng.
Ông Phan Như Dũng - Phó trưởng BQLDA khu chung cư cao tầng Sông Nhuệ, Cty TNHH Khải Hưng:
Theo tôi, những quy định về việc sử dụng GKN được đưa ra trong Thông tư 09 là rất đúng đắn, bởi đây là loại vật liệu thân thiện với môi trường. Chưa nói đến chất lượng hay giá thành sản phẩm, điều chúng ta có thể nhận thấy ngay là sự xuất hiện của GKN giải quyết một số vấn đề của ngành gạch nung trước đó như bảo vệ đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực…
Riêng với Cty CP Khải Hưng, mặc dù là DN với 100% vốn tư nhân, tức không nằm trong những đối tượng bắt buộc trong Thông tư 09, nhưng do nhận thấy những tính năng ưu việt của sản phẩm này, chúng tôi đã đưa GKN vào sử dụng tại công trình của mình từ cách đây 2 năm.
Qua xem xét đồng thời một số loại GKN khác nhau, năm 2012 chúng tôi lựa chọn GKN xi măng cốt liệu cho công trình khu chung cư cao tầng Sông Nhuệ do Cty làm chủ đầu tư. Loại gạch này có cường độ chịu lực tốt, độ hút ẩm chỉ bằng ½ so với gạch đỏ. Hơn thế, giống như gạch đỏ, gạch XMCL không đòi hỏi sử dụng vữa chuyên biệt, mà sử dụng vữa thông thường, quá trình bảo dưỡng tường xây gạch XMCL cũng rất đơn giản. Thống kê từ thực tiễn công trường cho thấy, chi phí cho gạch XMCL trong công trình rẻ hơn gạch đất sét nung từ 10 - 15%.