Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013


Các dòng cung cấp nguồn nước ngọt bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng

Để cứu sông, các công ty quản lý, khai thác thủy nông và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp. Song, do những bất cập trong quản lý hai bên bờ, việc triển khai các giải pháp “cứu sông” này gặp nhiều khó khăn
Nỗ lực “cứu sông”
Để bảo vệ hệ thống sông Đa Độ, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ xây dựng dự án khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước sạch sông Đa Độ giai đoạn 2013-2015. Trong đó, công ty xây dựng cụ thể 3 dự án ngăn chặn tình trạng ô nhiễm sông tại khu vực quận Kiến An, huyện An Lão và khu vực quận Dương Kinh- huyện Kiến Thụy- quận Đồ Sơn. Cùng với đó, công ty cắm mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi tại khu vực sông Cốc và cống Cổ Tiểu. Trong 2 năm 2011- 2012, công ty phối hợp với các huyện An Lão, Kiến Thụy và quận Dương Kinh giải tỏa cây cối hai bên hành lang bảo vệ sông Đa Độ tại 19/25 xã, phường. Trong năm 2013, công ty tiếp tục giải tỏa tại 7 xã, phường còn lại của các địa phương có sông Đa Độ đi qua.
Theo ông Trần Quang Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải, xuất phát từ yêu cầu cấp bách về công tác bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước, năm 2007, công ty thành lập Tổ quản lý, bảo vệ công trình trực thuộc Phòng quản lý nước và Công trình chuyên kiểm tra, lập biên bản đình chỉ các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Thủy nông. Năm 2008, tổ quản lý, bảo vệ công trình được chuyển thành Đội quản lý, bảo vệ công trình biên chế 15 công nhân lao động. Tính trung bình, mỗi tháng Đội xử lý 30-35 vụ vi phạm Pháp lệnh Thủy nông. Ngoài ra, công ty còn phối hợp với các địa phương triển khai dự án bảo vệ nguồn nước nhà máy nước Vật Cách tại xã Tân Tiến, chuyển toàn bộ nước thải từ khu vực Công ty may Hồ Gươm và xã Tân Tiến, An Hưng về hạ lưu nhà máy nước Vật Cách ra cống Song Mai; kè hai bên kênh dẫn nước thô tại khu vực nhà máy nước Quán Vĩnh, Vật Cách, khu vực cầu Rế…
Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên cũng thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, phát hiện các trường hợp lấn chiếm, xả thải xuống công trình thủy lợi; thay nước trong toàn bộ hệ thống. Hiện công ty đề nghị thành phố cho lập dự án cải tạo, nâng cấp sông Giá với lộ trình cụ thể.

Sau khi giải tỏa cây trồng hai bên hành lang bảo vệ sông Đa Độ, Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác thủy lợi Đa Độ xây dựng kè bảo vệ.
Sau khi giải tỏa cây trồng hai bên hành lang bảo vệ sông Đa Độ, Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác thủy lợi Đa Độ xây dựng kè bảo vệ.

Khó trăm bề
Ông Đào Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên cho biết: “Việc triển khai các đề án, giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước gặp nhiều khó khăn do quản lý chồng chéo. Bên cạnh đó, số lượng công trình được cấp phép, chưa cấp phép khai thác tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước nhiều, phạm vi phân bổ rộng, nên việc kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước còn hạn chế. Quan trọng hơn, việc cấp phép xả thải vào nguồn nước và quy hoạch sử dụng 2 bên bờ sông Giá, công ty không nắm được nên việc quản lý nằm ngoài tầm với. Công ty được biết đang có 2 dự án được quy hoạch ven bờ sông Giá đó là Khu dự trữ thể thao dưới nước (thị trấn Minh Đức) và dự án khu nghỉ dưỡng ở cầu sông Giá. Mỗi dự án được phê duyệt đầu tư đều có đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải...nhưng thực tế có vận hành không thì lại là chuyện khác. Chẳng hạn như trường hợp sân gôn sông Giá. Theo báo cáo, sân gôn có xây dựng thiết bị lọc trước khi thải ra sông nhưng từ khi hoạt động đến nay, công ty mới được 1 lần vào kiểm tra hệ thống này.
Theo ông Nguyễn Văn Chọn, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, việc triển khai 3 dự án ngăn chặn tình trạng ô nhiễm sông tại khu vực quận Kiến An, huyện An Lão và khu vực quận Dương Kinh- huyện Kiến Thụy- quận Đồ Sơn sẽ khó thực hiện vì thiếu kinh phí. Cùng với đó là khó khăn trong xử lý việc các doanh nghiệp, đơn vị, khu dân cư đang xả thải ra sông Đa Độ. Việc giải tỏa giai đoạn 2 về nhà cửa, vật kiến trúc lấn chiếm hành lang sông sẽ gặp nhiều khó khăn. Vừa qua, công ty thông báo giải tỏa các trường hợp lấn chiếm hành lang thủy nông Đa Độ tại xã Thuận Thiên, Hữu Bằng (Kiến Thụy) và các xã ở huyện An Lão, quận Dương Kinh, nhưng phần lớn các hộ kiến nghị phải hỗ trợ đền bù, GPMB, việc tự tháo dỡ, di dời là khó khăn. Lý do bà con đưa ra là họ khai thác đất ven sông Đa Độ từ những năm 80, trước thời điểm công ty và địa phương cắm mốc giới bảo vệ, đầu tư nhiều công sức, tiền của để cải tạo thành trang trại, đầm nuôi trồng thủy sản. Đơn vị còn gặp khó khăn khi xử lý các cá nhân, doanh nghiệp được các địa phương cấp đất xây dựng nhà xưởng, nhà ở, làm vườn, trang trại, nuôi trồng thủy sản; khó khăn xác định cụ thể tình trạng lấn chiếm hành lang thủy lợi từ các hộ dân, đơn vị.
Dù đã mạnh tay trong xử lý vi phạm hai bên bờ sông, nhưng hiện Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi An Hải gặp khó khăn vì xử lý không dứt điểm. Công ty chỉ có thẩm quyền lập biên bản vi phạm, không có thẩm quyền xử phạt, trong khi các địa phương có quyền xử lý phạt hành chính lại thiếu sự hợp tác. Nhiều trường hợp vi phạm khó xử lý do có giấy tờ hợp pháp của cơ quan chức năng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất. Các dự án kè bờ nâng cấp sông bảo vệ nguồn nước thô hiện cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí thực hiện.
   

Không có nhận xét nào: