Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013


Các dòng cung cấp nguồn nước ngọt bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng (tiếp theo)

Đi thuyền dọc 3 dòng sông nước ngọt quý giá của thành phố, nhiều người không khỏi giật mình khi chứng kiến hai bên bờ các sông Rế, sông Giá và sông Đa Độ đang bị lấn chiếm nghiêm trọng. Đơn giản thì trồng cây, tạo vườn, dựng lều, quán bán hàng, phức tạp thì lấp sông, mở rộng mặt bằng, đổ móng xây nhà kiên cố, lập xưởng sản xuất.
Đua nhau lấn sông
Đi “thị sát” dọc tuyến sông Đa Độ, chúng tôi chứng kiến hai bên bờ sông san sát công trình nhà ở, công trình phụ, xưởng sản xuất, ruộng lúa, vườn cây được làm ra sát mép sông. Nhiều nơi, người dân làm cả quán bán hàng, rửa xe, chòi nuôi trồng thủy sản nổi trên mặt nước…Ông Đoàn Quang Bình, ở xã Tân Phong (Kiến Thụy) cho biết: “Do hai bên sông Đa Độ đi qua địa bàn xã có nhiều nhà dân ngang nhiên lấn chiếm bờ sông để xây dựng chuồng trại, công trình phụ, nên nước sông không thể vào kênh T6 dẫn nước cung cấp cho vài trăm ha ruộng. Hiện bèo tây phủ kín mặt kênh dòng chảy bị thu hẹp. Chúng tôi lấy cây sào chọc thử xuống sông nhưng không được vì bèo tây không tiêu thoát, rễ và lá tầng tầng, lớp lớp ken đặc lên nhau hơn chục năm nay. Vì thế, ở đây cứ mưa xuống là ngập lụt, nắng nóng thì khô hạn. Nhiều người làm cả quán bán hàng và quán rửa xe nổi trên mặt nước…”.
Ông Nguyễn Văn Chọn, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đa Độ cho biết: “Qua khảo sát và thống kê mới đây của công ty, dọc hai bên bờ Đa Độ hiện có hơn 500 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Thủy nông. Một số khu vực vi phạm nhiều và tập trung như ở huyện An Lão - đoạn từ Cầu Nguyệt đến thôn Trung Trang (xã Bát Trang) hiện có tới hơn 150 điểm vi phạm hành lang bảo vệ các công trình kênh trục chính Đa Độ. Đoạn từ Cầu Nguyệt đến cống Cổ Tiểu (thuộc địa bàn huyện Kiến Thụy) cũng có gần 20 điểm vi phạm. Các địa phương có sông Đa Độ chảy qua đều xuất hiện tình trạng công trình xâm lấn hai bên bờ. Trên hệ thống Đa Độ có 6 dạng vi phạm gồm: tập thể, hộ cá nhân khoanh ao đầm NTTS thuộc hành lang bảo vệ công trình; trồng cây lâu năm, cây ăn quả trên bờ kênh, san bờ kênh cấy lúa, trồng rau; xây dựng cầu qua kênh không bảo đảm khẩu độ và cao trình đáy; làm đường, ngõ lấn chiếm lòng kênh; các nghĩa trang mai táng sát bờ sông…Bước đầu, công ty thống kê có 31.490 m2 đất hai bên bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, lán trại; trong đó có hiện tượng cấp đất làm nhà tạm, nhà xây kiên cố trong phạm vi bảo vệ công trình. Gần 280 nghìn m2 đất hai bên bờ bị san lấp thành vườn và ruộng cấy lúa; 492.744 m2 đất và mặt nước bị lấn chiếm để làm ao, đầm nuôi trồng thủy sản, trong đó có chỗ đã lấn tớigần nửa lòng sông”…
Hệ thống sông Rế (An Dương) cũng đang bị lấn chiếm. Hai bên bờ cả tuyến sông dài hơn 10 km (tính từ đập Cái Tắt đến đoạn giáp huyện Kim Thành - Hải Dương) có hàng chục điểm  đang bị lấn chiếm hành lang bảo vệ, lấn chiếm lòng sông…để xây nhà kiên cố, bán kiên cố, làm trang trại chăn nuôi và có cả những nghĩa trang “mọc” ngay sát bờ sông…Do hệ thống công trình đi qua nhiều khu dân cư, địa bàn ven đô, đường giao thông, tình trạng lấn chiếm công trình diễn ra thường xuyên, có những vụ hết sức nghiêm trọng. Số vụ vi phạm Pháp lệnh Bảo vệ công trình thủy lợi tăng dần qua các năm. Năm 2008, Công ty lập biên bản đình chỉ 90 vụ vi phạm, năm 2009: 113 vụ vi phạm; năm 2010: 156 vụ vi phạm; năm 2011: 199 vụ vi phạm; năm 2012: 153 vụ vi phạm. Từ tháng 1-2013 đến nay, công ty lập biên bản 23 trường hợp lấn chiếm hai bên bờ.
Theo ông Đào Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Thủy Nguyên, số vụ vi phạm hai bên bờ của hệ thống sông Giá cũng gia tăng từng ngày. Từ tháng 11- 2011 đến nay, trên hệ thống sông Giá phát sinh mới 17 trường hợp lấn chiếm đất công trình thủy lợi. Ngoài ra, hai bên bờ kênh Hòn Ngọc (thuộc hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên) tồn tại hàng chục trường hợp lấn chiếm hành lang thủy nông.
Chính quyền buông lỏng quản lý
Tình trạng người dân ngang nhiên lấn chiếm đất hai bên bờ sông ngày càng phổ biến và gia tăng với mức độ nghiêm trọng do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí có nơi còn hợp thức hóa đất lấn chiếm của người dân. Chẳng hạn như tại khu vực cầu Rế thuộc thị trấn An Dương (huyện An Dương), một số doanh nghiệp ngang nhiên sử dụng phương tiện “xẻ thịt” bờ sông để cải tạo thành khu du lịch sinh thái ven sông. Qua kiểm tra, các doanh nghiệp này đều có giấy phép “hợp pháp”. Nhiều trường hợp vi phạm khó xử lý do có giấy tờ hợp pháp của cơ quan chức năng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất. Thậm chí, một số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích dưới lòng sông. Theo thống kê sơ bộ của Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi An Hải, có khoảng 13 hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất ven sông. Trong đó, có trường hợp được cấp "sổ đỏ" bề mặt sông  khoảng 4m!
Tại huyện Kiến Thụy, tháng 3-2008, UBND huyện và UBND 10 xã của huyện ký biên bản bàn giao hệ thống mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông đường thủy sông Đa Độ cho Công ty Bảo đảm giao thông đường thủy. Nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, UBND huyện Kiến Thụy quy hoạch 876m2 đất thuộc địa bàn thôn Đức Phong, xã Đại Đồng, trong đó có hơn 660m2 là diện tích mặt nước sông Đa Độ, để cấp cho các hộ dân vào mục đích sử dụng làm nhà ở. Sau đó, huyện còn cấp sổ đỏ cho 4 hộ dân. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên mặt nước, các hộ dân nhanh chóng lấp sông, tạo mặt bằng để xây dựng nhà. Đoàn kiểm tra liên ngành còn phát hiện nguồn gốc diện tích đất được cấp cho 4 hộ trên là do UBND xã Đại Đồng giao cho ông Hoàng Văn Toàn, là Chủ nhiệm HTX Thành Công từ năm 1994- với tổng diện tích 3.300m2. Sau đó, ông Toàn chia làm 19 lô bán cho 19 hộ. 15 hộ trong số này được UBND huyện Kiến Thụy cấp sổ đỏ năm 2003.
Khi triển khai dự án nâng cấp cải tạo hệ thống kênh Hòn Ngọc, thuộc hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên, Ban quản lý dự án và PTNT Hải Phòng “ toát mồ hôi” vì rà soát nguồn gốc đất để tính toán đền bù giải phóng mặt bằng. Việc giải phóng mặt bằng kéo dài tới mấy năm chỉ vì trên một diện tích nhỏ, có hộ đất tự lấn chiếm, có hộ được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ, có doanh nghiệp được cấp giấy phép cho thuê đất của cơ quan chức năng. Mặt bằng thuộc hành lang bảo vệ của hệ thống thủy nông, nhưng chủ đầu tư lại mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí lớn cho việc kiểm kê, tính toán đền bù cho các hộ dân vi phạm Pháp lệnh Thủy nông.

Không có nhận xét nào: