Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Doanh nghiệp - Những mảng màu sáng, tối

Đã qua gần nửa năm, doanh nghiệp Hải Phòng vẫn đang gồng mình chống đỡ khó khăn. Hàng tồn kho, thiếu vốn, sản xuất kinh doanh đình trệ, thiếu thị trường… là những vấn đề không mới, nhưng có thêm nhiều diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, vẫn có những DN giữ được sự ổn định, có phần phát triển và đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố.
Tín hiệu vui từ số thu ngân sách
5 tháng, số thu ngân sách nội địa của thành phố tăng trưởng 22%. So với dự toán được giao thì tỷ lệ này chưa đạt nhưng nếu đặt trong bối cảnh DN đang gặp quá nhiều khó khăn như năm 2012 và 5 tháng đầu năm 2013 thì là kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể trong cân đối thu chi ngân sách. Quan trọng hơn, một số DN lớn có đóng góp đáng kể vào tỷ lệ tăng thu này.
Nếu tính số nộp ngân sách theo khu vực DN thì 5 tháng, DN Trung ương đã nộp ngân sách 751,6 tỷ đồng, bằng 52,6% dự toán pháp lệnh, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thuế TNDN 5 tháng đạt 280,3 tỷ đồng, bằng 225% so với cùng năm 2012. Kết quả này một phần do phần thuế TNDN của DN được giãn hoãn từ những năm trước, nay tới kỳ phải nộp nhưng một phần là do các DN đã nỗ lực tái cấu trúc, biết năm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn để tạo ra hiệu quả.
Đối với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài, số thu 5 tháng đạt 712 tỷ đồng, bằng 38% dự toán và tăng trưởng 20,4%. Trong đó, thuế TNDN đạt 465 tỷ đồng, bằng 47% dự toán và tăng 33,9% do một số DN có số nộp cao hơn như Công ty TNHH dầu nhờn Cheveron tăng 16,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Thủy tinh Sanmiguel tăng 8,9 tỷ đồng; Công ty CP khu công nghiệp Đình Vũ tăng 16,3 tỷ đồng. Khoản thu từ phí và lệ phí đạt 57,6 tỷ đồng, tăng trưởng 83,5% chủ yếu do Công ty Hoa tiêu nộp tăng hơn 33 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, khoản thuế TNDN phản ánh rõ nét nhất hoạt động, hiệu quả của DN thì 5 tháng qua đã có một số tín hiệu đáng mừng.
5 tháng, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng nộp ngân sách tăng 8,9 tỷ đồng.
5 tháng, Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng nộp ngân sách tăng 8,9 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp ngập trong khó khăn
Tuy nhiên, mảng màu sáng của bức tranh DN thành phố chưa nhiều. Hiện tại còn hàng chục nghìn DN đang ngập trong cảnh khó khăn, nợ nần. Theo Sở Công Thương, sản xuất xi măng những tháng đầu năm phục hồi do khai thác được thị trường xuất khẩu, lượng tiêu thụ tăng nhưng số nộp ngân sách lại giảm, riêng Công ty xi măng Chinfon thuế GTGT thực hiện chỉ bằng 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ thép chưa được cải thiện. Một số DN sản xuất thép tiếp tục phải tạm ngừng sản xuất để tiêu thụ lượng hàng tồn kho, thậm chí phải giảm mạnh giá bán nên không có hiệu quả. Ngành sản xuất giày dép do giãn vụ trong 3 tháng sản lượng cũng giảm mạnh… Chính vì thế, 5 tháng qua, có tới 20 ngành công nghiệp chủ chốt giảm, trong đó có nhiều ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp như sắt thép giảm 16,2%; đóng mới và sửa chữa tàu giảm 34,4%; sản xuất sợi giảm 72%; sản xuất thiết bị phát điện giảm 37,8%; sản xuất ắc quy giảm 42,8%; chế biến thủy sản giảm 26,7%; sản xuất sơn giảm 14,8%; sản xuất phân bón giảm 7,1%...  Khó khăn dường như càng nặng nề hơn đối với các DN bất động sản, DN ngoài quốc doanh. Vì thế, nhiều DN có số nộp ngân sách giảm nhiều so với năm trước như Công ty CP đầu tư Sao Đỏ, Công ty Thùy Dương, Công ty Tonan… Đó là chưa kể một loạt doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động hoặc bế tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính bởi khu vực DN gặp khó khăn đang nhiều hơn DN có thuận lợi và phát triển nên số thu ngân sách của thành phố mới tăng trưởng 22% trong khi yêu cầu phải tăng 31% mới có đủ nguồn để cân đối thu- chi.
Quyết liệt vào cuộc cùng tháo gỡ khó khăn
Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp tục được lãnh đạo thành phố và các ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu  hiện nay. Kiểm điểm lại, tuy đã tích cực vào cuộc nhưng hiệu quả chưa như ý muốn, còn có tình trạng lờ vờ, vô cảm trước những khó khăn của DN. Trong khi chủ DN chạy vạy khắp nơi để duy trì sự tồn tại thì còn có cán bộ công chức thờ ơ, làm việc tắc trách, bắt DN phải chạy lên chạy xuống nhiều lần mà chưa gỡ được khó khăn. Có DN cần hoàn tất thủ tục đất đai để làm cơ sở cho ngân hàng tiếp tục giải ngân, DN mới hoạt động được nhưng tiến độ lại quá chậm, vướng mắc quá nhiều thủ tục, không kịp thời hỗ trợ cho DN.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua của UBND thành phố, một số ngành đề nghị thành phố đối thoại, gặp gỡ với DN để trực tiếp giải quyết khó khăn. Lãnh đạo thành phố đồng tình với phương án này nhưng cho rằng không nhất thiết phải tổ chức cuộc họp mà nên trực tiếp xuống tận DN để tìm cách tháo gỡ trong phạm vi trách nhiệm của mình với tinh thần công tâm, khẩn trương, vì DN. Doanh nghiệp cần cấp GCNQSDĐ để vay vốn ngân hàng, hoàn tất thủ tục ngay. Các phương án hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, giải tỏa hàng tồn kho cũng cần cụ thể, thiết thực, hiệu quả.  
5 tháng đầu năm 2013, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nộp ngân sách tăng 34,4 tỷ đồng; Công ty CP đóng tàu sông Cấm tăng 10,3 tỷ đồng; Trung tâm Thông tin di động khu vực 5 tăng 44,8 tỷ đồng; Công ty CP Nhiệt điện tăng 5,2 tỷ đồng; Công ty DAP Vinachem tăng 34,4 tỷ đồng; Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí tăng 16,2 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Thép Việt Ý tại Hải Phòng tăng 6,1 tỷ đồng; Công ty CP vận tải xăng dầu VIPCO tăng 54,3 tỷ đồng. Khu vực DN địa phương cũng có một số DN có kết quả kinh doanh sáng sủa hơn. Nhờ đó, số thu 5 tháng từ khu vực này là 317,9 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, tăng trưởng 28%. Thuế TNDN của các DN địa phương là 77,6 tỷ đồng, bằng 43% dự toán, tăng trưởng 7,5%.  Công ty Thuốc lá Hải Phòng nộp tăng 18 tỷ đồng; Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng tăng 8,9 tỷ đồng.
       

Không có nhận xét nào: